Đại Học Montréal vừa công bố một nghiên cứu mới về việc tập thể dục của các bà bầu tại cuộc hội thảo hàng năm mang tên Neuroscience 2013 của Society for Neuroscience (Tổ Chức Khoa Học Thần Kinh) năm nay được tổ chức tại San Diego, tiểu bang California. Theo kết quả nghiên cứu này thì não của các trẻ sơ sinh mà người mẹ tập thể dục đều đặn trong thời kỳ mang thai phát triển hơn là các trẻ sơ sinh mà bà mẹ bầu không chịu thể dục chi cả. Hơn như thế nào? Trẻ mới sanh ra được 8 ngày có óc não phát triển như trẻ đã 8 tháng tuổi! Nghe thật hấp dẫn. Đẻ con ra mà trí óc…già hơn trẻ bình thường thì con trẻ sẽ thông minh hơn. Có con thông minh, bà mẹ nào chẳng khoái. Ăn đứt con thiên hạ! Bác sĩ Dave Ellemberg của Đại Học Montreal nhấn mạnh: “Nhóm chúng tôi hy vọng là kết quả nghiên cứu này sẽ thúc đẩy các bà mẹ thay đổi thói quen, hiểu ra rằng chỉ một hành động tập tành đơn giản khi có thai kỳ sẽ làm thay đổi tương lai của đứa trẻ”. Thói quen của các bà bầu là cứ ỳ ra. Bầu bì lễ mễ, nội việc vác cái trống đã mệt nhoài, bày đặt tập tành chi cho mất công.
Cuộc nghiên cứu bắt nguồn từ kết quả của một cuộc nghiên cứu trên loài chuột trong thập niên trước của một nhóm nghiên cứu khác. Họ cho kết quả là các chú chuột con sanh ra bởi một bà mẹ chuột chịu khó tập tành trên các vòng đu trong chuồng ứng xử ngon lành trong các hoạt động cần trí nhớ hơn là các chú chuột sanh ra bởi các bà mẹ chuột ù lì lười hoạt động. Câu hỏi của bác sĩ Dave Ellemberg là: chuột thì như vậy, còn người có như vậy không? Vậy là…ngâm cứu! Họ khảo sát trên 18 bà mẹ và thấy kết quả cũng i xì như vậy. Việc tập tành của các bà mẹ làm tăng số tế bào thần kinh trên khu hải mã (hippocampus) của não bào thai. Kết quả này còn hạn chế vì số trường hợp khảo sát quá ít ỏi. Tuy nhiên kết quả sơ khởi này rất khích lệ bởi vì cho tới ngày nay nhiều bác sĩ vẫn nhầm lẫn khi khuyên các thân chủ mang thai không nên tập thể dục vì nguy hại!
Mang bụng bầu là thời kỳ rất dễ tổn thương. Các cụ ngày xưa rất thận trọng khuyên các bà bầu đi đứng cẩn thận, hoạt động nhẹ nhàng kẻo hại cho cái thai. Vậy mà bây giờ còn tập tành động đậy thì còn nguy hại tới đâu nữa. Nhưng ngày nay không phải là ngày xưa. Khoa học có tiếng nói mạnh mẽ hơn các kiêng khem cổ xưa. Theo các tác giả của cuộc nghiên cứu thì các bà bầu nên tập luyện ba lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng hai chục phút là đủ.
Tập như thế nào? Từ khi mang thai tới khi sinh nở, bà mẹ có những thay đổi về sinh lý và tâm lý. Tâm trạng sản phụ thường thay đổi bất ngờ, lúc căng thẳng, khi buồn bã, vui đó buồn đó. Các ông chồng chắc ông nào cũng đã trải qua tình trạng nhức đầu khi vợ ôm cái trống trước bụng. Nhiều ông không biết thông cảm với vợ nên luôn than thở bà vợ quá khó khi bầu bì. Nhiều ông hiểu biết hơn cứ cười hì hì trước cơn dở chứng của bà vợ. Tội là tội chung thì cũng phải chịu đựng chung. Vợ mang nặng đẻ đau thì mình có đau đầu chút đỉnh là chuyện thường tình, có chi mà than thở. Nếu vợ biết tập thể dục trong thời kỳ mang thai thì tốt cho cả hai vợ chồng. Sức khỏe điều hòa, tinh thần sảng khoái sẽ mang lại tâm thân an lạc, bớt stress cho mình mà cũng thơ thới cho chồng. Và tốt cho thai nhi nữa. Đây mới là cái lợi chính. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh là thai phụ tập thể dục thường xuyên ít bị các chứng bệnh giãn tĩnh mạch chân, đau đầu, tăng huyết áp, phù. Khi sanh sẽ dễ dàng hơn và ít gặp tai biến khi sanh.
Có nhiều cách tập cho thai phụ nhưng cách giản dị nhất là đi bộ. Bắt đầu đi nhịp bình thường trong 8 phút, sau đó đi nhanh trong vòng 30 giây rồi trở về với tốc độ bình thường. Cứ theo nhịp đi đều như vậy. Khi đi nên chọn giầy thấp, vừa chân để tránh tình trạng trơn trượt hoặc té. Nên mang theo một chai nước để uống vì thiếu nước sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi.
Sau khi sanh, thể dục vẫn là cần thiết để giữ sức khỏe sau khi vượt cạn. Tôi thấy mấy bà người Việt chúng ta ít quan tâm tới chuyện này. Nhiều bà còn cho là vẽ vời, phú quý sanh lễ nghĩa. Nhưng đối với dân bản xứ, chuyện thể dục sau khi sanh rất được chú trọng.
Trong những ngày hè, tôi hay tới công viên Maisonneuve ở Montreal để tập tành với thiên hạ. Nói vậy cho oai chứ trong khi thiên hạ tập cật lực, mình chỉ có mỗi môn võ đi bộ một cách nhởn nhơ. Người thì chạy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, người thì đạp xe hết vòng nọ tới vòng kia, người thì múa may tíu tít trên sân cỏ. Trông thấy người ta tập mà ham. Nhất là các bà bầu mới giải tỏa xong chiếc bụng. Mỗi người đẩy một chiếc xe con nít. Cài sau xe là tấm thảm tập. Họ tập từng nhóm, có huấn luyện viên chỉ dẫn. Thường huấn luyện viên là những cô gái trẻ. Thỉnh thoảng cũng có vài anh thanh niên làm chim bay cò bay cho các bà mới sanh xong tập. Họ dàn hàng dưới các bóng cây mát, mỗi bà một chiếc xe đẩy con nít kề bên, trải những tấm thảm màu xanh lên cỏ và tập các động tác theo huấn luyện viên. Xong vài lần giơ chân giơ tay, họ di chuyển qua nơi khác. Khi di chuyển là một màn độc đáo: màn đẩy xe con nít với các cô cậu vừa chui ra khỏi bụng mẹ nằm ở trong. Họ đẩy với tốc độ nhanh, đi nhanh chứ không chạy, cũng vượt nhau như thi xe…đẩy.
Ông bạn bác sĩ gia đình của tôi luôn cổ võ cho chuyện đi bộ. Chính ông cũng cứ hai chân trên đường mỗi buổi sáng. Lại còn lập cả nhóm đi bộ cùng với nhau. Khi vui thì đi cùng đường. Khi có ý kiến khác nhau thì đi khác đường. Mỗi lần gặp ông thì ông lại tụng chuyện đi bộ. Riết rồi tôi cũng thấy trên đời này chỉ có môn thể thao đi bộ là đáng kể. Đây là một cách luyện tập rất tốt. Tốt nhất là ít tốn tiền! Chỉ cần xỏ chân vào đôi giầy vải là có thể lên đường được. Chẳng máy móc chi cho hao xu.
Tục ngữ có câu: người già đôi chân già trước! Cứ giữ đôi chân cho ngon lành là…hết già! Trên đôi bàn chân có nhiều đầu mối thần kinh liên quan đến lục phủ ngũ tạng. Cứ chà xát bàn chân là rung động cả người. Đi bộ là một cách chà xát liên tục. Các cụ ta ngày xưa xe cộ không có, cứ đôi bàn chân trần đi hết làng này qua làng khác, thậm chí tỉnh này qua tỉnh khác, vậy nên chữ thọ rất dài, cụ nào cụ nấy râu dài tới rốn! Chỉ chân không thôi nhé, giày dép là thứ…lễ nghĩa. Khi tới cửa quan hay tới nhà các chức sắc có việc quan, các cụ vẫn cứ chân trần, giày dép vắt trên vai, khi tới sát cổng nhà ông lớn mới phủi chân, tra vào giầy dép. Đi như vậy chà xát quá đi chứ.
Ngày nay chúng ta một bước lên xe, chân không giầy thì dép. Giầy dép phải là thứ ngon lành, vừa khít chân cẳng, không cứng quá, không mềm quá, không gây nên những cọ xát làm tổn hại đôi chân. Đi bộ như vậy thua xa các cụ ngày xưa. Tuy vậy các chuyên gia vẫn cứ cho là tốt như thường. Trung bình khi cuốc bộ mỗi một cây số rưỡi thì cơ thể sẽ đốt được 100 calories. Nếu đi bộ 3,6 cây số mỗi ngày, tuần ba lần thì sẽ giúp giảm được nửa ký thịt…dư. Ngoài ra đi bộ còn làm giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp, đột quỵ, ung thư ruột già, tiểu đường, giảm cholesterol, loại trừ được mỡ dư trong cơ thể, giảm loãng xương, giúp ngủ ngon. Về tinh thần, đi bộ giúp giảm triệu chứng lo âu, trầm cảm, giúp thoải mái yêu đời hơn. Với người cao tuổi, đi bộ là một cách giúp họ lạc quan, tự tin về sức khỏe và tránh được mặc cảm là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhưng đi thế nào mới đúng…văn phạm? Tôi đã nhiều lần thấy những người đi bộ ở ngoài đường. Coi bộ có nhiều trường phái. Có bà vừa đi vừa khuỳnh tay hất mạnh như sắp đánh lộn. Có ông tất tả như cướp đường của thiên hạ. Lại có người vừa đi vừa…múa rất giống người có vấn đề về tinh thần. Thực ra đi bộ đúng cách không diêm dúa như vậy. Cứ đi như thường, thẳng lưng, đầu hướng về phía trước. Không nên trình diễn quá có thể ngã sấp xuống đường thì quê một cục! Vai và cánh tay giữ thoải mái, tay đánh một cách tự nhiên. Không nên gây hấn với các người bộ hành khác đi bên cạnh! Khi bước luôn đặt gót chân xuống rồi hơi nhún tới trước, lấy điểm tựa ở phần xương gần các đốt ngón chân và nâng đầu gối lên một chút. Nếu cảm thấy hơi căng nơi phần trên của đùi là đã bước đúng. Các ngón chân luôn hướng thẳng về phía trước. Đó là lý thuyết. Tôi phải thú nhận ngay là khi đi bộ tôi rất hồn nhiên. Cứ bước chân về phía trước một cách tự nhiên, chẳng chú ý tới kỹ thuật chi cả. Đi như vậy có thể giảm đi chút lợi ích nhưng thoải mái hết biết! Cứ thoải mái là OK. Muốn thoải mái nên mặc quần áo thoáng mát, phù hợp với thời tiết, và sắm đôi giầy cho vừa vặn. Con có cho giầy cũ thì cũng phải thử đi có thoải mái không. Thường là không. Vì giầy cũ đã vào khuôn chân của người đi trước rồi nên rất khó vừa vặn cho người đi sau. Dáng đi mỗi người mỗi khác nên đế giầy cũng mòn theo kiểu khác. Tốt nhất là cứ xùy tiền ra tậu một đôi giầy mới cho hách xì xằng. Nếu tiền bạc có rủng rỉnh thì nên mua giầy loại tốt, hàng hiệu, vì, với giầy, câu tiền nào của đó coi bộ chí lý.
Rất nhiều người trong chúng ta thắc mắc về tốc độ đi bộ. Họ cho rằng đã là thể dục thì phải cho mạnh bạo mới đúng chỉ số. Họ đi như lính tập diễn hành. Đúng kỹ thuật thì khi mới bắt đầu nên đi chậm, sau đó tăng nhanh hơn một chút. Cứ đi với tốc độ mà ta cảm thấy thoải mái nhất là được. Thời gian đi mới quan trọng. Điểm này cũng tùy vào sức mỗi người. Với những người đã có tuổi nên bắt đầu đi trong khoảng 20 phút, sau đó tăng dần lên tới khi thấy vừa đủ mệt là được. Không nên cố gắng quá, đứt gân máu chết! Mỗi tuần nên cuốc bộ bốn hoặc năm lần một tuần. Thoải mái ra thì nên đi mỗi ngày trong tuần. Cuối tuần nghỉ cho con cháu về thăm, đưa đi ăn đi chơi. Mọi người đều thoải mái.
Mùa đông, coi bộ chuyện đi bộ hơi khó khăn. Đối với dân xứ tuyết như tôi thì khó khăn quá đi chứ! Đường trơn trượt, gió lạnh tê người, mang cái thân già ra thử thách với đất trời coi bộ khó thoải mái. Vậy là đi trong nhà bằng máy đi bộ. Môn thể dục ít tốn kém bỗng nhiên tốn kém. Mua một cái treadmill cũng mất đứt đi vài trăm, thứ xịn thì bạc ngàn. Tôi có ông bạn vốn dư tiền, xài thứ gì cũng phải hạng nhất. Tới nhà tôi thấy tôi đánh đồng trên máy coi bộ vui mắt, ông vội rước ngay một cái máy về. Ra cửa hàng Sears, ông xùy tiền mua cái máy đắt tiền nhất. Cả đời ông, ông chỉ chịu khó trong việc kiếm tiền. Nay về già, hết động cơ để chịu khó, ông mắc căn bệnh chóng chán. Đi được vài lần ông bỏ bê chiếc máy đắt tiền cho bụi bám. Cuối cùng, cái máy chuyển công dụng thành cái mắc áo! Tôi nghĩ đây là chiếc mắc áo đắt tiền nhất hành tinh!
Say sưa tán chuyện đi bộ, chắc mọi người dễ tưởng nhầm là thể dục chỉ có nghĩa là đi bộ. Lỗi tại tôi. Thích đi bộ nên tán hươu tán vượn. Mấy ông bạn xấu mồm xấu miệng dài mỏ nói là tôi thích đi bộ vì có dịp ra đường rửa mắt coi các nàng đi lên đi xuống. Tôi chẳng thèm cãi làm chi vì đi bộ vào mùa hè kể ra lâu lâu cũng…chia trí.
Thể dục còn có nhiều loại tập khác. Điều này thì các ông các bà rành sáu câu hơn tôi là cái chắc. Thứ tập thời thượng nhất của các ông bà bạn tôi là tập khí công. Cứ tụ tập vài người tán chuyện là y như rằng có chuyện tập khí công. Chẳng là ai cũng tới tuổi cả rồi. Muốn có tí bonus sống thêm thì phải…khí công. Nhưng hỏi khí công là cái chi chi thì cứ ớ ra hết. Đại khái là kể ra các thứ Dịch Cân Kinh, Hồng Gia, Càn Khôn Thập Linh vân vân.
Khí công là phép luyện khí gồm có khí Tiên thiên và khí Hậu Thiên. Khí Tiên Thiên là năng lượng tinh hoa của vũ trụ. Khí Hậu Thiên của trời đất là không khí giao hòa cùng sông núi, cây cỏ, khí hậu. Còn khí Hậu Thiên của cơ thể chúng ta là năng lượng tạo ra từ sự tiêu hóa các chất dinh dưỡng, hô hấp, tuần hoàn. Tập khí công là lấy khí Tiên Thiên và Hậu Thiên của trời đất kết hợp với khí Hậu Thiên trong cơ thể tạo ra khí Tiên Thiên của bản thân mình. Năng lượng của sự thăng hoa tinh chất khí Tiên Thiên này chính là chân khí. Chân khí thịnh thì người khỏe, chân khí suy thì người yếu, chân khí kiệt thì…đi ngủ với giun!
Khi bị hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm là ta bị thời tiết nó làm chủ. Khi rượu chè, cờ bạc, hút xách là ta bị thói hư tật xấu làm chủ. Khi giận dữ, cãi lộn, đánh nhau là ta bị cơn nóng giận làm chủ. Khí công là luyện cho chân khí luôn luôn sanh ra và chạy đúng hướng để ta làm chủ ta. Thứ khí công chúng ta luyện tập là khí công dưỡng sinh giúp làm cho thân thể chúng ta ít bệnh tật, tinh thần sảng khoái vui tươi, trí óc bình tĩnh sáng suốt và nhất là có ý chí vững vàng, làm chủ thân tâm. Làm chủ thân tâm nghĩa là làm cho thể xác và tâm hồn không bị lệ thuộc ngoại cảnh mà phải phục tùng sự chỉ huy của trí tuệ chúng ta.
Có nhiều phương pháp khí công: khí công dưỡng sinh, khí công võ thuật, khí công tu luyện, khí công Đạo gia, khí công Phật gia.Thứ khí công chúng ta tập là khí công dưỡng sinh. Có đánh đấm chi đâu mà khí công võ thuật. Có tính tu luyện chi đâu mà khí công tu luyện với Đạo gia Phật gia!
Nói tới khí công của tôi thì chán chết. Khi còn trong tù Việt cộng, chúng tôi đua nhau tập Dịch Cân Kinh. Cứ đứng đánh tay ngàn cái là đạt. Tập như một cách đánh lừa sức khỏe của mình. Ăn như tu, ở như tù, cứ phải nghĩ tới chuyện tập tành như là một thứ cứu rỗi làm cho mình nghĩ là đã giữ gìn được sức khỏe. Bây giờ, tôi…đá đủ thứ. Một chút Hồng Gia, một chút y đạo. Còn Càn Khôn Thập Linh thì tôi kính nhi viễn chi tuy nhiều người khen rối rít.
Càn Khôn Thập Linh là môn thể dục phối hợp các động tác yoga, Tai Chi và Khí công. Nghe đã thấy khó nhai. Có tất cả 10 thế. Khởi đầu bằng thế Càn, chấm dứt bằng thế Khôn. Càn và Khôn là biểu tượng của Yin và Yang, là nguyên tắc Âm và Dương của vũ trụ. Giữa Càn và Khôn là tám thế linh vật gồm Cóc, Trâu, Cò, Rồng, Phụng, Cọp, Bướm và Rùa. Tôi coi video thấy khi tập phải uốn éo theo các động tác của các linh vật này. Khó dàn trời. Mỗi linh vật cử động theo một cách, con thì nhảy, con thì bơi, con thì lội, con thì bay. Người tập phải chuyển đổi hết cách này qua cách khác. Chỉ nội nhớ được những động tác thay đổi liên miên của tám con vật cũng đủ điên cái đầu. Óc tôi là óc…đậu hũ, nhớ chi nổi. Chịu thua. Thua thì thua quyết níu lấy…oai, bèn ngẩng mặt phán: làm người không muốn lại muốn làm thú vật!
Tưởng khí khái nói chơi như vậy, ai ngờ nói đâu trúng đó. Có người muốn làm con vật thiệt! Báo mới đưa tin là ngày 14 tháng 11 vừa qua, một ông Nhật Bổn đã được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận phá kỷ lục thế giới về môn chạy bộ bốn chân. Tên ông ta là Kenichi Ito, 30 tuổi, sống ở Tokyo, bắt đầu tập chạy bằng tứ chi từ một thập niên trước. Ông nghiên cứu cách di chuyển của loài khỉ qua sách vở, video và bằng quan sát thực tế trong sở thú. Trong cuộc sống hàng ngày ông cũng cứ bốn chân mà đi đứng như loài cầm thú. Kỷ lục cũ của lối chạy bộ bốn chân trong 100 thước là 17.47 giây. Kỷ lục mới của ông Ito là 16.87 giây, nhanh hơn được…nửa giây! Kỷ lục cũ do ai giữ? Cũng chính là của ông Ito này. Trên thế giới làm gì có người thứ hai muốn làm thú vật!
Tôi dò lại tám linh vật của Càn Khôn Thập Linh, may quá không có thế con khỉ!
11/2013
|