Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

HÍT

Tôi thật ngại ngần khi phải viết những dòng này. Bữa tết vừa qua, vui chuyện, tôi đã dại dột phóng bút nói chuyện khói. Viết xong, gửi tòa báo, mới thấy hồi hộp. Y như rằng, báo vừa ra là mất tình bạn. Nói nghe cho thảm vậy chứ chưa đến nỗi mất, nhưng tình bạn vênh váo không khớp nữa thì có thật. Mấy ông bạn làm tại nhà máy phun khói bị mấy bà cằn nhằn mất vui. Mà mất vui ngày tết thì mất vui cả năm. Vậy mà bây giờ, chẳng rút được tí kinh nghiệm nào, tôi lại viết!

Cũng có lý do cả. Chẳng là tôi đọc được bài báo trên The Gazette ở Montreal của ký giả Charlie Fidelman. Bài báo này nói về một nghiên cứu của cô Le-Anh Dinh-Williams, sinh viên đang theo học bậc master tại phân khoa Tâm Lý của Đại học Montreal. Thấy cái tên Việt Nam, tôi khoái ngay, niềm tự hào dân tộc dâng lên ào ạt, tặc lưỡi: phải viết! Vậy là lu mờ mấy ông bạn chưa dứt được khói.

Cô Le-Anh cầm đầu nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi tại sao trên những bao thuốc lá, có in nhiều loại hình gớm ghiếc, hậu quả của thói phì phèo, vậy mà dân đốt khói vẫn không hề lui bước. Số người hút không giảm nhiều, tuy nhà cầm quyền đã chơi thêm đòn hiểm là đánh vào cái hầu bao bằng cách tăng giá thuốc lên nhiều lần. Tại sao họ lì như vậy? Nhóm nghiên cứu này làm thí nghiệm với 30 người hút thuốc thường xuyên. Não được nối vào những máy móc đo đạc phản ứng của não.  Lần lượt những hình về hậu quả của thói nghiện thuốc lá cũng như những hình ảnh thú vị khi phì phèo điếu thuốc được cho những tình nguyện viên này coi. Máy quét MRI quy vào vùng hạnh nhân và vùng vỏ não phía trước trán để soi kết quả. Khi được coi những hình thú vị như hình một người đang nhả khói giữa một đám mây cuồn cuộn thì phản ứng của não sáng lên. Nhưng khi được coi những hình ảnh tiêu cực như hình phổi đen ngòm, hình cuống họng bị mổ vì ung thư hay hình một bà mang thai hút thuốc thì não không phản ứng chi nhiều. Cô Le-Anh giải thích kết quả: dân nghiện không có “phản ứng cảm xúc đủ” trước những hình ảnh tiêu cực. Tiến thêm một bước, nhóm nghiên cứu cho họ coi hình ảnh một người đàn bà đang hấp hối. Não có phản ứng. Nhưng khi kết nối hình ảnh này với chất nicotine thì phản ứng yếu ớt ngay. Tuy chưa đủ dữ kiện để có thể kết luận nhưng cuộc nghiên cứu đã nhận ra là não của những bợm hút coi như pha những hình ảnh mà người ta vẫn in lên bao thuốc lá để dọa người hút!

Vậy là công cốc! Tôi nhớ thoạt đầu người ta in những câu cảnh cáo bằng chữ trên bao thuốc. Nạn phì phèo không giảm. Hầu như các đệ tử của tương tư thảo bỗng dưng mù chữ! Giới hữu trách tiến tới chỗ in hình tim gan phèo phổi tan nát vì khói thuốc cho thêm hiệu quả. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, vậy thì cho thấy coi có kinh hãi mà dừng hít không. Thấy quan tài vẫn không đổ lệ! Coi chuyện dọa nhau như pha!

Mấy nhà máy sản xuất khói thừa biết là hút thuốc có ngày khói thuốc nó hút lại cho thì tàn phế, bệnh tật, khổ cái thân mình mà còn khổ thêm gia đình vợ con. Minh chứng rành rành ra đó. Ông C.H.T., 45 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng, bị đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn với hai chân bị hoại tử. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm tắc mạch ngoại biên (?). Họ phải cắt bỏ một phần ba chân của ông, nếu không độc tố sẽ nhiễm trùng toàn thân, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông T. đã phì phèo được ba chục năm!

Ông P.T.T., 46 tuổi, ngụ tại Tiền Giang, được người nhà mang tới bệnh viện khi chân phải bị tím đen. Cũng bị tắc mạch máu mạn tính dẫn đến hoại tử hoàn toàn chân phải. Bác sĩ đành phải cắt bỏ. Khi cho xuất viện, bác sĩ cấm tuyệt đối ông không được sờ tới điếu thuốc nữa. Cấm là chuyện của bác sĩ, còn hút là chuyện của ông, ông vẫn phì phèo. Hơn một tháng sau, người nhà đưa ông tới tái khám, chân trái của ông cũng tiêu luôn. Lại cắt! Bà vợ khóc lên khóc xuống nhưng cũng chỉ còn biết sắm cho ông chiếc xe lăn!

Dân Việt ta có địa vị khá cao trong việc thở khói. Có tới 47,4% các ông ở trong nước chơi với khói. Người ta đã tính ra là cứ mỗi điếu thuốc hút thì giảm thọ mất 5 phút rưỡi. Nếu mỗi ngày chơi một bao hai chục điếu thì cuộc đời ngắn bớt gần ba tiếng mỗi ngày. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn người không hút thuốc khoảng từ 5 tới 8 năm! Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) còn dọa dẫm là tới năm 2030, số người chết vì hút thuốc sẽ đạt tới mức 8 triệu người! Hiện nay cứ 3 người bị ung thư thì có một người là do thuốc lá. Thuốc lá chứa tới trên 60 hoạt chất gây ung thư, hại không chỉ cho người hút mà cả cho những người ngửi khói thuốc. Không chỉ ung thư phổi, miệng, họng, thanh quản đâu mà còn ung thư bao tử, tụy tạng, bàng quang, ruột, thực quản, vú và tử cung nữa! Nghe thấy ớn nhưng who cares?

Định dọa các ông bạn phì phèo chơi nhưng biết chẳng ăn thua chi. Việc cắm điếu thuốc trên môi là chuyện…tình cảm. Lấy lý trí làm khó tình cảm, đâu có đặng. Tại sao các ông ấy rít khói? Vì các ông ấy lột xác. Nói “các ông ấy” là một cách tôi ăn gian. Bởi vì trong số “các ông ấy” có tôi. Tuổi mới lún phún có tí râu ai chẳng muốn…khẳng định. Cách khẳng định dễ nhất là cắm điếu thuốc trên miệng thở khói cho ra vẻ người lớn. Chắc ngày đó chúng tôi đều giống nhau: thấy khói thuốc đắng lè đắng lẹt! Đắng nhưng vẫn phải cố gắng, nếu không làm sao…lớn! Tôi cũng không qua thời kỳ đắng ngắt đó. Tôi vớ được ông đồng cảnh Anh Đỗ trên báo Người Việt. “Hút thuốc khi còn là sinh viên, tới giờ hết mấy chục năm, nghĩ mà ớn. Hồi đó a dua theo chúng bạn, ghiền vô cái hại có biết đâu, cũng dợm bỏ hai ba lần rồi chưa xong. Ngày đó nghĩ người trai cầm điếu thuốc phì phèo coi nam tính. Đứng “chém gió” trước chúng bạn hút một hơi no gió, thổi ra từng vòng tròn lớn nhỏ, vòng trước lòn vô vòng sau, cứ thế cho hết khói, điệu nghệ. Khi đứng ngồi nói chuyện với bạn gái, tay mang điếu thuốc lá thấy tự tin hơn, như là tay chân không dư thừa. Ngày đó phái nữ coi bạn trai hút thuốc cũng bình thường, ai cũng hút hết mà. Yêu thương qua nụ cười ánh mắt, nắm được tay nhau như là đã tỏ tình và chịu đèn nhau rồi chớ nếu thời đó mà biết “hung” nhau, nghe mùi thuốc lá chắc là các nàng sẽ bái bai tránh xa không chút luyến lưu”.

Ông bạn Anh Đỗ khéo lo xa! Hồi đó các tình nhân rất dễ tính. Chàng không hút mới ngạc nhiên,  chàng tuôn khói là chuyện nam nhi coi hào hùng hết biết. Dung dăng dung dẻ trên Bonard hay Catinat, ghé vào quán kem, nàng nhi nữ thường tình một ly kem ba màu để ngượng ngùng nhấm từng chút kem trên chiếc muỗng nhỏ xíu, chàng nhất định phải cà phê, một cái đen đàng hoàng, nhất định phải không đường không sữa. Đó là…trào lưu. Tôi chịu thua trào lưu đắng ngắt này. Cách chi cũng phải dốc tí đường dù chí nam nhi có phai lợt ít nhiều. Đúng lúc đó, chàng phải rút từ túi áo sơ-mi ra một bao thuốc, nhất định phải là Camel , Lucky hoặc một thứ tương tự, nhưng nhiều khi chơi nổi thì Bastos hay Mélia sợi thuốc đen xì vừa hút vừa ngậm mà nghe nhưng được cái ra vẻ phong trần. Điếu thuốc trên môi lúc đó hợp khung cảnh biết mấy, không thể không có được. Nhìn chàng châm lửa, nàng hãnh diện ra mặt vì có người yêu đúng tiêu chuẩn thời đại. Một nàng ngày đó, ký tên là Be Bo, nhắc lại. “Từ ngày quen nhau, tôi đã biết anh là người không thể thiếu điếu thuốc trên môi. Lúc ấy tôi không mấy quan tâm đến điều đó, cứ để anh tự do với sở thích cá nhân của mình. Cho đến khi về chung sống với nhau, rồi đứa con trai đầu lòng ra đời, chuyện hút thuốc của anh mới là vấn đề để suy nghĩ”. Khi hết màn trình diễn, bước xuống cuộc đời, cái biểu tượng nam nhi của chàng mới hiện thân thành một vấn đề! “Mặc dù anh không hút thuốc trong nhà, nhưng vừa nhả khói, dụi thuốc ngoài cửa rồi bước vào nhà ngay, thì mùi hôi vẫn còn đặc quánh nơi quần áo, hơi thở, như thế sao có thể gần gũi trẻ con. Gia đình đi đâu chơi đều chất hết lên xe, vậy mà anh vẫn không rời điếu thuốc, cho dù cửa kiếng xe có quay xuống đi nữa, nhưng khói thuốc vẫn luồn vào nồng nặc. Anh là người quen với thuốc nên không cảm giác được sự khó chịu của người ngồi trong xe phải gánh. Con nhỏ, lại bệnh ngặt nghèo, vậy mà anh không nghĩ cho”.

Cuộc đời thực tế quả có khác lúc mơ màng. Nhưng khi đã nhúng chân vào thực tế mới thấy cái phiền phức của một thời học làm người lớn. Muốn dứt không phải là dễ. Như nhóm nghiên cứu của cô Le-Anh Dinh-Williams ở Montreal, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại Học Pennsylvania bên Mỹ cũng nhắm vào não để nghiên cứu chuyện tại sao các ông khó dứt khói. Họ cũng dùng MRI để săm soi vào trong não của những bợm hít. Có 37 tình nguyện viên, tuổi từ 19 đến 61, tham gia vào cuộc nghiên cứu này. Não họ được quét MRI làm hai thời kỳ: ngay sau khi hút và sau 24 giờ không hút. Từ những hình ảnh ghi nhận được, nhóm nghiên cứu tìm ra là việc thiếu chất nicotine trong thuốc lá khiến những liên kết trong não liên quan tới việc kềm chế thèm hút bị yếu đi. Giáo sư Caryn Lerman trong nhóm nghiên cứu giải thích: những thay đổi trong não người hút thuốc lá do không có chất nicotine đã gây nên khó khăn khi họ muốn bỏ hút. Bước tiếp theo của nhóm sẽ tập trung vào việc thay đổi hệ thống trị liệu căn cứ vào kết quả cuộc nghiên cứu để giúp người khó bỏ hút dễ dàng hơn trong việc dứt khói. Theo thống kê thì có tới 80% người muốn bỏ thuốc lá không thành công.

Bỏ thuốc ngày nay là một vấn đề xã hội. Xã hội đã cung cấp rất nhiều phương cách để khuyến khích các bợm hít thôi phun khói kể cả cách con nít nhất là dấu thuốc lá trong ngăn kín, không trưng bày lồ lộ trước mắt khách hàng trong các tiệm bán thuốc lá. Cứ làm như dấu kẹo trong tủ khi không muốn con nít sún răng!

Nhưng bỏ thuốc cũng là vấn đề…tình cảm. Tôi hay lang thang trên mạng, thỉnh thoảng bắt gặp được những chuyện vui vui. Lần này tôi bắt được một cái nốt cá nhân mang tên Lún Ghẻ. Cái tên nghe rặt mùi thuốc đỏ này là của một cô gái đang sống ở Mỹ tên Châu. Hãy nghe cô này kể. “Bữa có một ông ngồi vấn thuốc lá bằng tay với cái máy bằng nhựa thô sơ nho nhỏ. Ông có một hộp giấy với cái filter vàng vàng làm sẵn. Lấy thuốc lá bỏ vô cái khuôn dài dài trong cái máy nhỏ, đút hai ống giấy vô. Kéo qua cái rẹt. Xong hai điếu thuốc. Cũng gọn gàng như mua trong tiệm. Mấy ông kia đứng xung quanh chờ mua. Ông nói với tôi. Tao chỉ bán có $3 /20 điếu thôi. Vô tiệm Seattle giờ bán $8- $ 9/ bao. Ai mà mua cho nổi…Coi ổng ngồi vấn thuốc như vậy. Chợt nhớ tới Ba tôi. Hồi xưa ba hay đi chợ mua thuốc lào, loại nặng nặng á. Rồi cũng ngồi vấn thuốc vậy mà hút. Tôi cũng có cái bài kể về chuyện ba tôi bị ung thư phổi mà chết. Mà giờ lại ước ao. Phải chi ông còn sống, nhất định tôi sẽ mua tặng ông cái máy vấn thuốc lá y chang như thế này. Giờ viết tới đây, lại ngẩn ra tiêng tiếc . Suốt một đời, tôi chưa từng mua cho ba tôi một món gì hết.”.

Cũng trên mạng, tôi bắt gặp truyện ngắn “Tình Yêu và Bao Thuốc Lá” do nhà văn Trang Hạ dịch. Một cặp tình nhân yêu nhau mặn nồng. Điều phiền toái nằm giữa mối tình là điếu thuốc lá. Anh hút. Cô muốn anh bỏ hút. “Anh cúi đầu xuống hỏi: “Sao bỗng dưng em im thế?” “Lúc nãy anh vừa hút thuốc lá à?” Anh ấp úng: “Anh à…ừ…”. Cô lập tức đẩy anh ra, đứng lánh sang một bên. Anh khổ sở cầu hòa: “Có một điếu thôi mà…Anh không nói dối em!”. Cô giận dỗi, và xen lẫn cả thất vọng: “Sao anh không thể vì em mà bỏ thuốc lá đi?”.

Họ yêu nhau được ba năm. Điếu thuốc lá vẫn lằng nhằng nằm chính giữa. “Cô cũng biết bỏ thuốc lá đâu phải một sớm một chiều. Chỉ có điều, thấy người yêu không quyết tâm làm việc đó, cô muốn nghĩ cách giúp người yêu mình bỏ thuốc. Nào kẹo cai thuốc, thuốc đặc trị dứt cơn nghiện thuốc lá…cô đều làm mọi cách nhưng chẳng mang lại kết quả gì. “Hay là em cũng học hút thuốc lá, rồi em nghiện thuốc, rồi em sẽ cai thuốc làm gương cho anh?”. “Ngốc lắm, có ai làm thế bao giờ!”. “Biết đâu sẽ có tác dụng?”. “Tại sao em lại ép mình làm cái điều chính em không muốn?”. Cô lo lắng hỏi: “Vậy làm thế nào để anh cai thuốc đây?”. “Anh đã cố hết sức rồi, ngốc ạ!”.

Điếu thuốc vẫn lì lợm nằm giữa cuộc tình. Trong một lần đi chơi chợ đêm giữa thành phố, cô kéo anh vào một phòng chụp hình tự động. Cô nhét đồng xu vào máy. Cô nhét tấm ảnh nhỏ của cô vào ví anh với lời dặn dò: “Lúc nào anh định bật diêm châm thuốc lá, anh hãy nhìn hình em!”. Hình của cô chẳng khiến được anh ngừng tay châm điếu thuốc. Chán vì việc cai thuốc lá như một bóng ma lởn vởn giữa cuộc tình khiến họ xung đột, giằng co, coi thường nhau, trách móc nhau, anh đề nghị chia tay. Vậy là điếu thuốc đốt tiêu một mối tình! “Họ khóc suốt một đêm sau khi gác máy điện thoại, tối hôm ấy. Anh chờ cô bỏ máy trước rồi mới gác máy sau, kết thúc cuộc tình mấy năm. Cô sống nhẹ nhõm nhưng cứ cảm thấy cuộc sống như thiếu cái gì đó. Dường như anh đã tan biến đi trong cuộc đời cô, những khó khăn trong việc cai thuốc cũng tan biến. Nhưng giờ đây mỗi khi có ai hút thuốc, ngửi thấy hơi khói ấy, cô lại nhớ người yêu cũ da diết. Cô nhớ mùi thuốc lá trên người anh. Nhớ tha thiết những giây phút ngả đầu lên vai anh. Vai anh có mùi khói thuốc. Nhớ những lần anh tìm trăm phương ngàn kế để xua đi mùi khói thuốc ám quanh mình. Cô bắt đầu điếu thuốc đầu tiên của mình như thế”.

Một năm sau họ bất ngờ gặp lại nhau. Cô xanh xao nhiều. Anh nhìn cô thương cảm. Anh nghĩ đó là lỗi của anh. Họ đưa nhau ra bờ biển. “Cô châm lên một điếu thuốc. “Em hút thuốc?”. Anh kinh ngạc nhìn cô. “Vâng, anh hút không?. Cô rít một hơi thật sâu, đưa cả gói cho anh. “Không, anh bỏ thuốc rồi!”. Cô kinh ngạc nhìn anh. “Hả? Anh bỏ thuốc hồi nào?”. “Nửa năm trước, vì một người anh yêu”. Cô lặng đi. Điếu thuốc giữa ngón tay run rẩy. Bao năm yêu nhau, tha thiết như thế, chỉ hy vọng người yêu bỏ thuốc lá, vậy mà không mạnh bằng một người yêu gặp sau đó nửa năm. Cô cảm thấy cuộc đời mình thất bại, cả trong tình cảm lẫn ngoài đời, thất bại hoàn toàn. Cô im lặng ngồi hút hết những điếu còn lại. “Tại sao bây giờ em lại nghiện thuốc lá?”. “Từ một năm trước, vì một người em yêu”. Anh nghĩ một người nào đó đã đến thế chỗ của mình trong đời cô. Anh mở ví ra đưa cô xem tấm ảnh nhỏ còn nằm trong ví. “Đây là người giúp anh cai thuốc, vì anh muốn được quay trở lại bên người đó!”. Cô nhìn anh, đôi mắt ướt nhòa trong nước mắt, những giọt nước mắt lăn xuống gò má gầy của cô. “Anh đã bỏ thuốc lá rồi. Giờ hãy để anh giúp em bỏ thuốc lá nhé!”.

Tôi định mang câu chuyện này ra tặng các ông bạn của tôi. Chắc các ông ấy cười toe. Hít và bỏ hít, tình cả đấy!

04/2014