Tôi kể ra đây một kinh nghiệm, nói đúng hơn là một vết đen trong tuổi thơ của tôi. Tháng 12 năm 1946, Hà Nội tiêu thổ kháng chiến, tất cả dân chúng phải tản cư ra khỏi thành phố. Gia đình tôi cũng rời nhà cửa ra đi vào một đêm đông giá lạnh. Mọi người thất thểu ôm mớ quần áo chen chân nhau ra đi. Cha mẹ tôi thỉnh thoảng phải gọi tên từng đứa con, sợ trong đêm tối chúng tôi bị lạc trong đoàn người. Nơi gia đình tôi tới là làng Rùa, làng có những gia đình thuộc họ hàng xa với gia đình tôi ở. Các thân nhân này đã đón tiếp chúng tôi rất thân tình. Lúc đó tôi mới 8 tuổi, rất hồn nhiên coi cuộc tản cư này như một cuộc nghỉ học đi chơi. Chỉ trong vòng vài tháng, tôi đã chạy khắp thôn làng vốn chẳng lớn lao gì lắm. Một bữa, tất cả dân làng được triệu tập ra một khoảng sân đất khá lớn. Mọi người đứng vòng trong vòng ngoài. Nét mặt mọi người trang nghiêm trong bầu không khí sôi sục khí thế. Người ta xử tử công khai một tên phản quốc. Tử tội được trói gô vào một chiếc cọc, mắt bị bịt trong khi các cán bộ luận tội, đọc những bài viết dài dằng dặc mà tôi chẳng hiểu chi. Rồi đám thiếu nhi chúng tôi được lệnh hát bài hát kết tội đã được học thuộc lòng trước. Bài hát đó, cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ lõm bõm được vài câu: “Mi nghe chăng…..Loài bán nước, loài buôn dân, loài phản quê hương, nguyền rủa tên bọn mi tới muôn đời. Người xưa trách mắng ngươi, người nay oán ghét ngươi, dân Lạc Hồng không tha loài gian, phản giống nòi!”. Bài hát chấm dứt, tiếng hô đả đảo vang lên trước khi tiếng súng nổ vào đầu tử tội. Vài câu tôi nhớ được trên nằm trong một bài hát rất dài. Chúng tôi hát với lòng căm thù có thật vì chúng tôi đã được tuyên truyền trước đó trong những buổi họp nhi đồng.
Tử hình là một hình phạt nặng nhất cho một tội phạm. Đó là hình phạt không cách chi vãn hồi được vì mạng sống của tử tội đã bị chấm dứt, sau này nếu có được minh oan thì đã muộn màng. Mạng sống không thể đền bù được. Tháng 11 năm 2011, một thanh niên Đài Loan đã được minh oan nhưng người ta đã lỡ xử tử anh 14 năm trước đó. Anh thanh niên này không may mắn như một tử tội ở tiểu bang Lousiana ở Mỹ. Anh này đã bị xử tử hình nhưng đã 15 năm qua mà bản án chưa được thi hành. Tháng 9 năm 2012, nhờ có ADN, anh được minh oan và được tha bổng. Đó là người được minh oan nhờ ADN thứ 18 ở Mỹ! Thường tội đã có những sai lầm trong xét xử như vậy huống chi những tội chính trị được xét xử dưới nhãn quang và luật pháp của nhà đương quyền. Chế độ thay đổi, ý thức chính trị thay đổi, những tử tội đã bị hành hình đôi khi nghiễm nhiên trở thành anh hùng, có tượng đúc, có tổ quốc ghi công, có tên tuổi trong lịch sử. Trò dâu bể ở đời, thời nào chẳng có!
Án tử hình, mặc những sai lầm, nhưng từ cổ chí kim, thời nào cũng có. Nhà vua Hammurapi của người Babylon, trị vì từ năm 1792 tới 1750, đã có bộ luật cổ nhất được khắc trên một phiến đá gồm 282 điều trong đó có quy định 30 tội bị xử tử hình. Đây là một bộ luật khắt khe mà nếu thi hành vào ngày nay khối người mất chỗ đội mũ! Chẳng hạn như điều 229 quy định như sau: “Nếu người thợ xây nhà cho một người khác mà người thợ xây không chắc chắn để nhà đổ và chủ nhà bị chết, người thợ xây đó bị tử hình”. Hoặc Điều 1 quy định “kẻ nào vô cớ buộc tội giết người cho người khác thì chính kẻ đó bị giết”.
Ấn Độ là một quốc gia phân chia đẳng cấp ác ôn nhất. Đẳng cấp cao coi đẳng cấp thấp như rác, không được đụng tới. Ấn Độ cổ đại, thế kỷ thứ hai và thứ nhất trước Công Nguyên, các giáo sĩ bà la môn đã soạn ra hình luật Manu, phân chia giai cấp ngay trong luật pháp. Cùng một tội danh, cùng một mức độ tội phạm, hình phạt quy định cho giai cấp hạ tiện Vaisshyas và Shudras là cắt lưỡi, đổ dầu sôi vào miệng, trong khi giai cấp quý tộc Brahmins và Kshatriyas chỉ bị phạt tiền.
Luật La Mã tại các quốc gia cổ đại Tây phương rất khắc nghiệt. Răng trả răng, mắt trả mắt. Nếu đánh gãy tay người khác thì bị chặt tay. Xâm phạm tài sản người khác như đốt nhà, trộm cắp, phá hoại hoa màu là đủ để bị xử tử. Vay nợ không trả được thì phải trả bằng da thịt. Nếu con nợ không trả được nợ thì tòa án cho phép chủ nợ bắt giữ con nợ, nếu quá 60 ngày vẫn chưa trả được, chủ nợ có quyền xẻo thịt con nợ, sau đó nếu vẫn chưa trả được thì phải lãnh án tử hình! Hình phạt được thi hành bằng nhiều cách tùy theo…giai cấp! Nếu là quý tộc và binh lính thì bị chém bằng gươm, dân thường thì bị đốt chết, nô lệ bị đóng cọc xuyên qua người hoặc bị dìm nước tới chết. Sau cuộc cách mạng dân quyền năm 1789 ở Pháp, luật hình sự của Pháp quy định còn 36 trường hợp bị tử hình. Tại Anh, năm 1819, Hạ viện thông qua luật quy định tử hình cho 220 loại tội phạm. Chi mà nhiều dữ vậy? Nhiều bởi vì không những cướp của giết người bị tử hình, các tội cỏn con như xâm phạm súc vật, viết thư đe dọa, chặt gỗ rừng hay ăn cắp vặt chỉ vài xu cũng mang ra giết như ngóe.
Các triều đại vua chúa Trung Hoa xưa có ngũ hình gồm: xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Tử là món khá ác ôn gồm cả thảy ba bậc: chém hoặc thắt cổ, chém bêu đầu và lăng trì. Lăng trì nghe rợn tóc gáy được thi hành bằng cách xẻo từng miếng thịt tử tội theo nhịp trống rồi mổ bụng, moi ruột. Tới đây thì tử tội đã chết queo, vậy mà còn lăng trì tiếp: chặt chân chặt tay và bẻ gẫy hết xương cốt! Tử tội chết đã đành nhưng thân nhân ba đời còn bị tru di hết. Thảng hoặc có những trường hợp ác ôn hơn: tru di tới chín đời!
Chiêu ác ôn này vừa được một ôn con cho sống dậy trong thời nay. Đầu năm 2014, ký giả Ching Cheong của báo Văn Hối ở Hương Cảng tung tin là nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un đã xử tử ông dượng Chang Song-thaek và các người thân cận vì tội phản quốc. Những tử tội này đã được thả vào một đàn chó đói gồm tới 120 con để chó phanh thây xé xác trước sự chứng kiến của chính Kim Jong-un và nhiều giới chức đương quyền. Khi đọc tin này lần đầu, tôi kinh hãi. Cái chết của người thanh niên bị xử bắn mà tôi được chứng kiến ngày còn nhỏ bỗng trở lại ám ảnh tôi. Máu me đó, thân người gục xuống đó, tôi đã nhìn rõ trước mắt vì các nhi đồng được đứng ở hàng trên cùng. Nhưng cái chết của những thân người bị chó săn đuổi và xé thịt, cứ tưởng tượng cũng thấy kinh hoàng hơn gấp bội. Sau đó, báo chí Tây phương mới phát hiện ra đây là một tin vịt có lẽ do Trung cộng phóng ra để “trừng phạt” đàn em đã bất tuân đàn anh. Nhưng nhiều người vẫn bán tín bán nghi. Nguyên do bởi vì xứ sở Bắc Hàn là một vùng đất mờ mờ nhân ảnh, bưng bít kín mít nên chuyện gì xảy ra trong vùng tối này chẳng ai kiểm chứng được. Vì vậy chuyện rùng rợn này đã được giới truyền thông khắp thế giới dễ dàng tin là đúng. Ký giả Isaac Stone Fish, một nhà báo kỳ cựu đã từng tới Triều Tiên và hiện cộng tác với báo Foreign Policy, đã có lần…phiếm: các nhà báo Mỹ có thể viết bất cứ thứ gì họ muốn viết về Triều Tiên mà chẳng cần nguồn tin vì độc giả chẳng có cách chi khác ngoài việc chấp nhận chúng!
Nhưng tin mới đây về việc cậu Ủn tru di tam tộc họ hàng nhà ông dượng có lẽ là chính xác.Hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap, ngày 27 tháng 1 năm 2014, đãloan báo là cậu Ủn vừa giết tiếp họ hàng của ông dượng Chang Song-thak gồm cả đàn bà và trẻ em. Trong số đó có em gái của ông Chang và chồng là Đại sứ Bắc Hàn tại Cuba, cháu của ông Chang là Đại sứ ở Mã Lai cùng hai con. Bà vợ ông Chang, bà Kim Kyong-hui, theo nguồn tin trước đây cho biết là có công trong vụ trừ khử ông chồng nên vẫn bình chân như vại, nhưng nay hình như cũng đã ngỏm theo chồng. Bà này chết bằng cách nào: bị giết, tự tử hay đột quỵ, chưa có tin tức chi tiết. Những thân quyến của ông Chang không bị cho đi ngủ với giun thì đã bị đưa tới các trại tập trung ở các vùng hẻo lánh. Vậy là cậu Ủn đã chơi lại trò tru di tam tộc cổ xưa.
Tử hình có nhiều trò. Trò nào cũng rùng mình. Được cái là càng văn minh con người càng giết nhau một cách có …văn hóa hơn.
Ném đá có lẽ là một trò khá cổ xưa. Trong Thánh Kinh có đoạn người ta xử ném đá một người đàn bà bị gán tội gian dâm vào đúng lúc chúa Giêsu đi tới. Ngài bảo những người đang xử người đàn bà tội nghiệp: ai trong các người thấy mình không có tội thì hãy ném đá vào người đàn bà này. Tất cả sau đó đã lỉnh đi hết. Còn lại Chúa và người đàn bà, Chúa nói: “Họ đi đâu cả rồi? Phần ta, ta cũng không kết án ngươi. Hãy đứng dậy và ra về!”.
Ngày nay các tin đồ của đạo Hồi vẫn còn chơi trò này bởi vì nó được ghi trong luật Sharia để trừng phạt những người đàn bà bị kết tội thông dâm. Nạn nhân sẽ bị ném đá cho tới chết tại một nơi công cộng. Người ném đá là những người dân, có thể có những người quen biết với nạn nhân. Thậm chí có cả thân thuộc của nạn nhân. Năm 2008, cô bé người Somalie tên Ibrahim Duhulow, 13 tuổi, bị ba người đàn ông cưỡng hiếp nhưng lại bị kết tội ngược là thông dâm, đã bị 50 người đàn ông ném đá tại sân vận động Kismayu trước sự chứng kiến của khoảng một ngàn người.
Cũng theo luật Sharia của Hồi giáo còn có trò chặt đầu. Một thanh mã tấu theo truyền thống, dài từ 1 thước đến 1 thước 30, sắc bén, được dùng làm hung khí xử tội. Nếu thanh mã tấu thật sắc bén và đao phủ lành nghề thì cái chết đến rất nhanh, tử tội ít bị đau buốt. Ngược lại thì cả là một địa ngục với nạn nhân. Năm 2005, một vú em người Sri Lanka, mới 17 tuổi, đã bị chặt đầu vì tội làm chết ngạt một em bé bốn tháng tuổi.
Treo cổ là trò kinh hoàng khác. Ngày nay các nước Iran, Iraq, Singapore, Mã Lai, Ấn Độ và ngay cả nước văn minh như Nhật Bổn cũng còn duy trì cách xử tử này.Tại Malaysia, không chỉ người dân nước này mà cả các người ngoại quốc cũng có thể bị treo cổ. Người bị treo cổ nổi tiếng gần đây nhất chính là nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq. Ông này bị tòong teng vào lúc 6 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 2006 tại một địa điểm ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Baghdad.
Xử tử bằng hơi ngạt còn khá phổ biến ngay tại Mỹ. Tử tù bị đưa vào một phòng kín, bị trói vào ghế hoặc giường cố định. Hơi ngạt được bơm vào phòng. Tử tội chết nhanh hay chậm tùy theo mỗi người. Nếu hít hơi độc vào ngay thì chỉ sau 10 hoặc 15 giây là chết. Nhưng nếu phản ứng lại, nín thở thì thời gian hấp hối sẽ lâu hơn. Hình thức xử tử này được dùng lần đầu tiên tại nhà tù ở tiểu bang Nevada vào năm 1924.
Xử bắn là hình thức xử tử tương đối văn minh. Để theo dõi một cuộc xử bắn, xin nhắc lại vụ xử bắn ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn tại khám Chí Hòa. Thủ tục xử bắn bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều tại phòng làm việc của Quản Đốc khám, Trung Tá Phạm văn Luyện. Đoàn người chứng kiến việc thi hành bản án rời phòng của Trung Tá Luyện bước tới phòng giam. Thiếu Tá Nguyễn văn Đức, Chưởng Lý tòa án quân sự đến bên giường nằm của ông Cẩn, đọc bản bác đơn xin ân xá của Quốc trưởng Dương văn Minh. Luật sư của ông Cẩn, ông Võ văn Quan, tới bên giường an ủi. Ông Cẩn nói: “Luật sư đừng có buồn cho tôi. Tôi đi theo mấy ông anh của tôi. Tôi trở về với Chúa. Tôi không sợ chết đâu. Nhưng tôi lo cho Luật sư, lúc cãi cho tôi Luật sư có đụng chạm tới họ. Không biết Luật sư ở lại có bị họ làm khó dễ hay không?”. Luật sư Quan ứa nước mắt: “Không sao đâu, ông Cố Vấn đừng lo cho tôi. Xin cầu chúc ông Cố Vấn được vào nước Chúa”. Sau đó Linh mục Lê văn Thí cùng cầu nguyện với ông Cẩn. Khi được hỏi nguyện vọng cuối cùng của tử tội, ông Cẩn xin được mặc quần trắng, áo dài đen, bộ quốc phục được thân mẫu của ông may cho khi còn ở Huế. Tới pháp trường, ông Cẩn được dìu tới cây cột gỗ và bị trói hai tay ra đằng sau cây cột. Một người lính lấy chiếc khăn đen bịt mắt tử tội. Ông Cẩn lắc đầu liên tục và nói: “Tôi không chịu bịt mắt. Tôi không sợ chết!”. Nhưng người lính vẫn bịt chiếc khăn đen một cách vụng về nên chiếc khăn phủ gần hết khuôn mặt. Đội hành quyết gồm mười quân cảnh, năm người quỳ, năm người đứng, súng nhắm vào tử tội. Trong mười khẩu súng có một khẩu được lắp đạn mã tử không có đầu đạn. Đây là một thủ tục thông thường trong các cuộc xử bắn để mỗi người trong đội hành quyết đều nghĩ khẩu súng của mình là khẩu lắp đạn mã tử cho lương tâm được nhẹ nhàng. Viên sĩ quan chỉ huy hô lớn: “Bắn!”. Một loạt súng nổ, ông Cẩn rũ người xuống ngay lập tức. Máu từ ngực chảy loang xuống chiếc quần trắng. Viên sĩ quan tiến tới, kê súng lục vào tai ông Cẩn, bắn phát súng ân huệ. Bác sĩ pháp y tiến tới dùng ống nghe để xác nhận nạn nhân đã chết. Lúc đó là 6 giờ 20 phút chiều ngày 9 tháng 5 năm 1964.
Chích thuốc độc là cách hành quyết văn minh nhất đang được nhiều quốc gia áp dụng. Đây được coi là hình thức thi hành án tử mà nạn nhân không chịu nhiều đau đớn. Tại Mỹ có 37 tiểu bang dùng cách xử tử này. Trong năm 2008, có 2148 tử tội tại 22 nước được chích thuốc độc. Trong năm 2007, có 53 vụ xử tử tại Mỹ thì chỉ có một vụ không dùng phương cách chính thuốc độc. Thuốc là một hỗn hợp gồm ba loại: một để gây mê, một để làm bắp thịt và thần kinh ngưng hoạt động và một để làm tim ngưng đập. Thường tử tội chết trong khoảng từ 10 đến 14 phút.
Ngày 16 tháng 1 năm 2014 vừa qua, tử tội Dennis McGuire, 53 tuổi, can tội hiếp dâm và đâm chết thiếu phụ Joy Stewart đang mang thai vào năm 1989 đã được thử nghiệm chích loại thuốc mới. Đây là một hỗn hợp gồm cả thuốc an thần midazolam và thuốc giảm đau hydromorphone. Nhưng kết quả làm thân nhân của tử tù bất mãn. Điều bất thường là khi thuốc ngấm vào cơ thể, tử tù nằm bất động khoảng 5 phút, sau đó đột ngột giẫy giụa, cổ phát ra những âm thanh như bị nghẽn, bụng trồi lên thụp xuống và thở dốc suốt 10 phút tiếp theo. Phải mất 25 phút, tử tội mới chết hẳn. So với thuốc cũ thì tử tội chỉ nằm bất động và chết sau khoảng từ 10 phút tới 14 phút. Luật sư của tử tù Jon Paul Rion cho biết tinh thần của gia đình McGuire bị xáo trộn nghiêm trọng khi chứng kiến sự đau đớn của ông mà họ tin là vi phạm quyền hiến định: “Tất cả công dân có quyền hy vọng rằng họ sẽ không bị đối xử hay xử phạt một cách tàn nhẫn và bất thường”. Các con của tử tội cho biết sẽ kiện ra tòa vụ này.
Án tử là một cách răn đe để giữ gìn trật tự xã hội. Chúng có cần thiết không, nhiều người bảo không. Ngày 5 tháng 2 năm 2014, nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền tại Việt Nam cho biết là trên thế giới đã có 138 quốc gia không áp dụng án tử hình trong đó có 94 nước đã ban hành luật bãi bỏ hẳn và 44 nước bãi bỏ trong thực tế, nghĩa là vẫn duy trì nhưng không thi hành án. Trong kháng thư phản đối án tử hình, nhóm này đã kiến nghị bãi bỏ án tử hình tại Việt Nam vì: quyền sống của con người là quyền tối thượng và cơ bản chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền định đoạt và kết thúc; công lý và luật pháp nhằm giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ công dân vô tội nhưng cũng nhằm giáo dục các công dân phạm tội, giúp họ hối lỗi, đền bù chứ không nhằm báo oán; do đó, án tử hình thể hiện sự thất bại của luật pháp vì mạng người mất đi thì không thể sửa chữa được.
Sau buổi kiểm điểm nhân quyền UPR của Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày 5 tháng 2 vừa qua, nhóm làm việc gồm đại diện ba nước Costa Rica, Kazakhstan và Kenya đã đưa ra tất cả 227 khuyến nghị để Việt Nam cải thiện tùnh trạng nhân quyền vốn quá tồi tệ. Trong 227 khuyến nghị này có khuyến nghị Việt Nam tạm ngưng thi hành án tử hình và giảm bớt các tội danh có thể lãnh án tử hình.
Tiếng nổi như cồn trong việc đòi xóa án tử hình là cô bé Laure Casellas, 15 tuổi, học sinh trường trung học Henri IV Beziers ở Montpellier, Pháp. Em đã vượt 82 thí sinh khác trên toàn nước Pháp và thắng giải thuyết trình do Bộ Giáo Dục và Bộ Ngoại Giao Pháp tổ chức vào tháng 5 năm 2013. Tại Hội Nghị Thế Giới về Bãi Bỏ Án Tử Hình họp tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, vào tháng 6 năm 2013, em đã được mời lên bục thuyết trình. Với khuôn mặt nhẹ nhàng, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng lý lẽ của em thật sắc bén. Em Laure đã chinh phục cử tọa bằng bài diễn thuyết rất xúc động. Em lý luận án tử hình không thể chấp nhận được vì đó không phải là một hành động vì công lý mà là một hành động trả thù. Án tử hình còn bị em Laure coi là một hành vi tàn bạo, không có tính răn đe. Em khép lại bài thuyết trình: “Án tử hình là sự thú nhận thất bại của một xã hội đã không thể có các biện pháp phòng ngừa, đã không biết đồng hành và có lẽ đã không biết chạy chữa. Bất lực để giải quyết vấn đề, ngành tư pháp đã chọn cách triệt tiêu nó đi. Sẽ không có cơ may mới, không có khả năng để hối cải hay tái hòa nhập xã hội. Vì tất cả các lý do đó, chúng ta không thể chấp nhận các tòa án tiếp tục tuyên các án tử hình. Ta không thể chấp nhận nó, các bạn không thể chấp nhận nó bởi tử hình là không xứng đáng. Nó tước đi nhân cách của con người bị hành quyết, nó làm mất phẩm giá người đã đưa ra lệnh hành quyết”.
Dù có bãi bỏ án tử hình thì vết đen tuổi thơ của tôi cũng chẳng cách gì xóa bỏ được. Còn mãi đó trong tôi hình ảnh thân người đỏ máu gục xuống giữa tiếng hoan hô đả đảo của một cuộc hành quyết công khai có các nhi đồng nhí đứng ở hàng đầu, trong một buổi chiều thiếu nắng, tại một vùng quê năm nào!
02/2014
|