Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

MỞ

Tết là tết tây nhưng tục khai bút lại là của ta. Vậy thì…mở chứ không khai! Bút ngày nay không phải là dụng cụ của người cầm…bút nên không có chuyện khai. Vậy thì…mở! Mở cái computer. Ngày đầu năm tây, mở computer, màn ảnh hiện lên báo hiệu sẵn sàng nghe hiệu lệnh, tôi bỗng ngồi trơ mặt ra trước cái mặt hình vuông cứng cạnh ở phía trước. Biết viết cái chi đây? Trời mới đất mới đang khai mở cho một năm mới. Có cái chi mới cho bài viết đầu năm tây không, tôi ngồi lưỡng lự. Bỗng nhớ lại hình ảnh trên cuốn băng video mới coi tối qua của cô (nay đã thành bà) ca sĩ khả ái Thanh Thúy mà cả thế hệ thời trẻ chúng tôi say mê theo giọng hát mà báo chí thời đó gọi là “tiếng hát liêu trai”. Ngồi nghe ngày nay nhớ tới những ngày thanh xuân xưa. Thời gian, đó là cái máy đếm vô tri nhưng những tiếng đếm của nó làm con người vất vả. Nó vừa cất lên thêm một tiếng đếm!

Thanh Thúy, vẫn nụ cười xưa, đã kéo tôi về với những ngày phòng trà cũ. Thuở đó hình như không có một ai trong bọn thanh niên chúng tôi không mê Thanh Thúy, cô ca sĩ nhí mới 16 tuổi xuất hiện lần đầu tiên tại phòng trà Việt Long của nhạc sĩ Đức Quỳnh vào cuối năm 1959. Nhà báo Hà Đình Nguyên nhớ lại: “Với chất giọng trầm ấm, hơi khàn khàn và lối phát âm, nhả chữ rất riêng, giọng ca của Thanh Thúy mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào nức nở. Dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài màu trắng và lam nhạt tạo cho nàng ca sĩ xứ Huế này một phong thái thật đặc biệt”. Những bản nhạc gắn liền với tên Thanh Thúy ngày đó là Giọt Mưa Thu, Tiếng Xưa, Kiếp Nghèo, Tàu Đêm Năm Cũ, Nửa Đêm Ngoài Phố…Đó là những bản nhạc thuộc cả hai loại nhạc: tiền chiến (sau này gọi là nhạc sang) và nhạc phổ thông (không sang?). Vậy thì Thanh Thúy là một ca sĩ hát tạp! Thường các ca sĩ không hát cả hai loại nhạc khác nhau như vậy. Mỗi người chỉ chuyên trị một loại. Nhưng hát…hai hàng như vậy mà bản nào được Thanh Thúy hát cũng nhận được những loạt vỗ tay nồng nhiệt hết. Hình như người ta thích giọng hát liêu trai mà không chú ý tới bài hát. Kể cũng là một hiện tượng.

Người như vậy, hát như vậy, khối người mê. Trong đó có tôi. Nhưng tôi chỉ là một thứ…quần chúng, mê từ xa. Chẳng tạo ra một cái chi ngoài tiếng vỗ tay. Ngày đó Trịnh Công Sơn cũng chỉ là một con số trong đám quần chúng, chưa tiếng tăm chi. Trong cuốn “Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn”, Nguyễn Thanh Ty, một bạn cùng dạy học với Trịnh Công Sơn ở Bảo Lộc, đã ghi lại tâm sự của nhạc sĩ họ Trịnh: “Năm đó tôi 17 tuổi, trọ học ở Sài Gòn, đêm nào cũng lò dò tới các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời”.

Bản “Ướt Mi”, ca khúc đầu tay của Trịnh Công Sơn hình thành từ cảm hứng vào một đêm ở nhà hàng Mỹ Cảnh khi Thanh Thúy bất thần nhỏ nước mắt trong lúc hát bài “Giọt Mưa Thu” của Đặng Thế Phong. Nhạc sĩ họ Trịnh nhớ lại: “Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó tôi nôn nao không ngủ được. Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm “Ướt Mi” của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát…Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động. Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước lên và nói: “Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi” Nàng “a” lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp: “Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không?”. Tôi luống cuống gật đầu. Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẻm”.

Chính vì cái ngõ hẻm này, bản nhạc “Thương Một Người” của Trịnh Công Sơn đã ra đời. “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi vai…Thương nụ cười và mái tóc buông lơi. Mùa thu úa trên môi, từng đêm qua ngõ tối, bàn chân âm thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay, ngại buốt quá đôi vai. Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi…”.

Vậy còn bản nhạc “Thúy Đã Đi Rồi” của Y Vân, phải chăng cô Thúy “đi rồi” cũng là Thanh Thúy? Thì đó chứ đâu! Nhạc sĩ Y Vân không phải là người thương Thanh Thúy nhưng ông thương dùm một người bạn: tài tử Nguyễn Long, tự là Long Đất. Nguyễn Long chết mê chết mệt với Thanh Thúy nhưng cô ca sĩ đang ăn khách này chẳng mảy may xúc động. Chàng bèn thất tình. Chàng kể với Y Vân. Ông nhạc sĩ này vội thất tình dùm bạn bằng những câu nhạc rên rỉ: “Thúy đã đi rồi, những ngày băng giá không tiếng cười. Thúy đã đi rồi, biết làm sao cho nhớ thương nguôi. Đời em về đâu? Cho gió trăng sầu. Tìm em ở đâu? Đường mây tìm dấu. Thúy quá vô tình, ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn”. Bản nhạc thất tình dùm vậy mà cũng ăn khách. Các ca sĩ đua nhau rên rỉ dùm ông Long Đất. Ngay cả Thanh Thúy cũng hát. Hát nhưng vẫn giữ khư khư con tim. Ông Long Đất tấn công cái tai không xong bèn xoay qua tấn công con mắt: ông làm phim cũng mang tựa đề “Thúy Đã Đi Rồi” vào tháng 11 năm 1961. Bản nhạc làm nhạc nền của phim giao cho ông Hùng Cường hát, vai Thúy do Minh Hiếu đóng. Vậy mà Thúy vẫn chẳng một lần ngoái đầu nhìn lại. Lần này ông Nguyễn Long thất tình một mình, không phải nhờ ai nữa. Ông mần thơ. Bài “Thôi”. “Thôi, em đừng khóc nữa làm gì! Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa. Thôi em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư…Ôi cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người. Lệ sầu chia ly buồn tê tái. Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài. Thu man mác buồn, mùa thu ơi…!”. Nguyên văn bài thơ của Nguyễn Long tôi không kiếm được đành chép theo lời bản nhạc do Y Vân phổ thơ ông Nguyễn Long. Bản nhạc “Thôi” cũng nổi tiếng. Thanh Thúy cũng có hát. Hát thì nàng vẫn hát nhưng đi lấy chồng nàng vẫn đi. Thanh Thúy lên xe hoa vào năm 1964. Mười năm sau khi thất tình, Nguyễn Long mới kiếm cái xe hoa đi rước vợ! Kể cũng ngộ. Trong cuốn video “Mùa Hè Rực Rỡ” của Trung Tâm Asia vừa ra lò vào tháng 12 mà tôi ngồi coi trong khi bên ngoài cửa sổ tuyết rơi trắng xóa, có Minh Hiếu lâu lắm mới xuất hiện. Cô nàng Thanh Thúy giả trong phim “Thúy Đã Đi Rồi” đứng chung sân khấu với Thanh Thúy thiệt! Còn Nguyễn Long? Chàng đã mất từ lâu. Lần chót tôi gặp anh chàng Long Đất này là vào đầu thập niên 1990, chàng tới Montreal bán sách bằng chiếc xe hơi cọc cạch cổ lỗ sĩ chạy xuyên liên bang Mỹ và Canada! Nguyễn Long đã vĩnh viễn ra đi vào tháng 11 năm 2009 tại Seattle.

Có mỗi nàng Thanh Thúy mà nảy ra tới bốn bản nhạc. Đó là chưa kể bài “Tiếng Hát Về Khuya” của Tôn Thất Lập và bài thơ “Ca Sĩ” của Hoàng Trúc Ly với bốn câu thơ rất đắt:

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.

Một bản nhạc ruột của Thanh Thúy là bài “Người Em Sầu Mộng” của Y Vân. Nói cho đúng đây là bản nhạc mà Thanh Thúy được Y Vân giao cho hát lần đầu tiên trên đài phát thanh Sài Gòn. Bài này lấy ý thơ trong bài “Một Mùa Đông” của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Bài thơ của nhà thơ nổi tiếng này đã được các nhạc sĩ chia năm xẻ bảy thành nhiều ca khúc. Ngoài bản nhạc trên của Y Vân, bản “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền và bản “Mắt Buồn” của Phạm Đình Chương cũng cùng phổ bài thơ này. Tôi phải khai ra ngay đây là bài thơ ruột của tôi thời học về thơ mới trong chương trình Việt Văn lớp Đệ Nhị ban C.

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Có lẽ không riêng tôi mà tuổi trẻ chúng tôi hồi đó mỗi đứa đều có một “đôi mắt lặng buồn”. Cứ lấy đôi mắt trong thơ của Lưu Trọng Lư gắn vào lòng mình, vậy là tiện. Nhất là những đôi mắt “nhìn thôi mà chẳng nói” thì dễ quá. Chúng tôi còn bận run, dám nói chi đâu! Tha hồ nuôi mộng! Chớp được mấy câu thơ hợp ý, sướng muốn chết, nên chúng tôi chẳng cần thắc mắc đôi mắt trong thơ là đôi mắt nào. Mãi cho tới bây giờ đọc được bài báo của Vũ Thanh Nhàn, dẫn theo nguồn của Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ, tôi mới biết đó là đôi mắt của Điềm Phùng Thị. Bà là nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới. Nhưng đó là chuyện sau. Đôi mắt ngày đó là đôi mắt của một thiếu nữ ngây thơ xứ Thần Kinh tên Phùng Thị Cúc.

Cái tên Điềm Phùng Thị chẳng Việt Nam một chút nào. Đó là cái tên vừa ghép vừa đảo! Đảo tên thật của bà là Phùng Thị Cúc, và ghép với tên chồng bà là Bác sĩ Bửu Điềm. Bà sanh năm 1920, theo học nha khoa tại trường Đại Học Y Khoa Hà Nội và tốt nghiệp Bác sĩ Nha Khoa tại Pháp. Ngày nay người ta biết tới cái tên Điềm Phùng Thị không phải vì nghề nha sĩ của bà. Bà đã phụ nghề để dấn thân vào ngành điêu khắc. Và bà đã thành công khi được liệt vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse và được bầu là Viện Sĩ của Viện Hàn Lâm Khoa Học, Văn Học và Nghệ Thuật Châu Âu.

Chuyện “đôi mắt em lặng buồn” là một chuyện tình lãng mạn. Nhà báo Vũ Thanh Nhàn kể lại: “Khi đó Cúc mới là một cô nữ sinh, từ Huế ra Hà Nội học trường Thăng Long. Trên chuyến tàu tốc hành Huế – Hà Nội, cô được người chị là bạn của Lưu Trọng Lư gửi gắm nhà thơ trông nom giùm em gái, với lời dặn thân tình “Dọc đường giúp em một chút”. Cúc là một cô gái Huế sang trọng, đài các, hoa khôi của trường Đồng Khánh. Gương mặt kiều diễm với đôi mắt đẹp mang nét buồn vời vợi cùng nụ cười thiên thần có má lúm đồng tiền đã hút hồn nhà thơ đa tình của chúng ta ngay từ phút đầu gặp gỡ. Suốt chặng đường dài hai người cũng chẳng có chuyện gì nhiều để nói với nhau. Cúc im lặng ngắm cảnh dọc đường. Và nhà thơ thì lẳng lặng nhìn ngắm giai nhân. Khi tàu về đến ga Hà Nội, nhìn thấy trên gương mặt người đẹp thoáng chút lo lắng, vì đây là lần đầu tiên cô tới thủ đô, nhà thơ đã hỏi địa chỉ và tình nguyện đưa cô đến tận nơi. Thi sĩ đã thực hiện đúng lời bạn dặn dò và chắc hẳn đó cũng là “mệnh lệnh của trái tim” chàng. Tìm đến đúng địa chỉ, Lưu Trọng Lư đưa Cúc lên tận căn gác nhỏ, nơi có căn phòng của những người bạn, người chị của cô đang ở. Chào hỏi, dặn dò rồi bịn rịn chia tay”.

Chuyện đời thật mà như tiểu thuyết. Khi nhà thơ của chúng ta chia tay người đẹp, xuống nhà, ra đường thì phép lạ xảy ra. Lưu Trọng Lư gặp một người bạn cũ từ hồi nhỏ ngay cửa nhà người đẹp. Đó là thi sĩ Phạm Hầu, đang theo học tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Nhà anh ở đối diện với nhà Cúc đang ở trọ. Phạm Hầu mời nhà thơ vào nhà chơi. Khi lên gác, mở chiếc cửa sổ ra, nhà thơ giật mình khi nhìn thấy cô em Cúc đang nhìn ra từ khung cửa sổ của nhà đối diện. Lưu Trọng lư hấp tấp hỏi bạn: “Mình ở luôn đây với cậu được không?”. Người bạn đồng ý ngay.

Hai chiếc cửa sổ như hai đôi mắt nhìn chong vào nhau. Cứ mỗi lần nhà thơ mở cửa sổ là nhìn ngay thấy cô em Phùng Thị Cúc bên chiếc cửa sổ kia. Khi thì nàng đang ngồi đọc sách hay học bài, khi thì đang cắm hoa, cũng có khi nàng ngồi thẫn thờ chẳng làm gì cả. Cũng có những lần nhà thơ nghe một tiếng ho nhẹ, mở cửa sổ hé nhìn sang, bắt gặp nụ cười bối rối e thẹn của người đẹp. Nhà báo kể tiếp: “Mọi việc dường như chẳng có gì khác lạ: cửa sổ mở rồi lại đóng, đóng rồi lại mở. Thế nhưng sự trông đợi nhớ nhung đã thấm vào gan ruột từng ngày, từng ngày một. Làm sao có thể nhớ hết được bao lần Cúc đã vào trong giấc mơ của người thi sĩ đa tình, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ “Một Mùa Đông”.

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?

Câu chuyện tình thơ mộng này không có một happy ending. Nếu có thì nền văn học nước ta bị thiệt hại nặng! Họ đã nghìn trùng xa cách. Chúng ta chẳng biết vì sao.

Mãi tới năm 1975, họ mới gặp lại nhau. Phùng Thị Cúc từ Paris về Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Tuân đã dắt tay bà Cúc, nay là điêu khắc gia nổi tiếng Điềm Phùng Thị, đến chỗ vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư đang ngồi và nói: “Đối mặt nhau rồi, ngâm lại bài thơ ngày xưa đi!”. Có cho kẹo nhà thơ cũng chẳng thốt nên lời. Hình như ông đã nói từ lâu: đôi mắt em vọng buồn / nhìn nhau mà chẳng nói!

Mở computer ngày đầu năm mới, định viết cái chi mới. Vậy mà những ngón tay gõ toàn những chuyện cũ. Cũng chẳng sao. Không có cũ sao có mới! Còn chuyện chi mới được, khi mỗi đầu năm, thêm một tuổi, đầu óc lại thêm một lần quay về với những chuyện xưa. Chuyện những ngày đôi chân còn đứng trên mảnh đất quê nhà!

01/2014