Điện thoại nói chuyện với cụ Trà Lũ có hai cái thú. Thứ nhất là được gọi bằng “cụ”. Thực ra tôi không ưa chữ “cụ” già nua lẩm cẩm này nhưng chót là hội viên của hội “Cẩm Chướng” (vừa lẩm cẩm vừa chướng!) nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Thứ hai là lây được cái tính lạc quan của cụ. Vừa cất tiếng hỏi thăm cụ khỏe không thì cụ đã lên giọng với tiếng cười thoải mái mở đầu: “Khỏe! Khỏe! Tuổi này mà được như bây giờ là tốt quá rồi. Không thể phàn nàn chi được! Cám ơn trời đất! Cám ơn Thượng Đế!”.
Vậy là cụ đã…tạ. Cuộc đời có bao nhiêu điều mà chúng ta cần phải tạ. Nhất là ở cái tuổi nhân sinh hiếm. Bởi vì ai cũng có tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng được hưởng tuổi già. Nguyên cái chuyện được…già đã là một cái phúc. Phải tạ ơn trời đất trước khi tạ ơn chính phủ tháng tháng gửi tiền nuôi báo cô. Rồi được sinh ra với hình hài bình thường đã là một điều quý. Cần phải tạ ơn thần linh đã tạo dựng, tạ ơn cha mẹ đã sinh thành, tạ ơn xã hội đã cưu mang. Tôi cảm nhận sâu xa được điều này khi nhìn hai bức hình mới đây. Một bức Đức Giáo Hoàng ôm hôn người được mệnh danh là “mặt quỷ”. Đó là ông Vinicio Riva, 53 tuổi, ngụ tại Vicenza, Ý. Ông này bị bệnh u sơ thần kinh. Khắp thân người ông mọc đầy những cục bướu trông như những trái sung bám từng chùm trên cây. Ác một nỗi là khuôn mặt ông là nơi u mọc dầy nhất. Trông thiệt tội nhưng nếu có bảo chúng ta chạm vào người ông ta chắc không ai trong chúng ta dám làm. Cái ghê sợ lấn át tình người. Vậy mà Đức Giáo Hoàng ôm hôn ông ta thắm thiết để chia sẻ nỗi bất hạnh của ông. Nếu biết là ông Riva luôn tủi nhục vì bị mọi người xa lánh kể từ khi ông mắc phải căn bệnh quái ác này thì chúng ta mới cảm thấy cái ôm hôn của Đức Giáo Hoàng lớn lao đến thế nào với cuộc sống của ông Riva này. Người thứ hai mà Đức Giáo Hoàng mới ôm hôn tại quảng trường thánh Peter là một người không mặt. Nhìn hình thì thấy mặt ông chỉ là một vạt cong cong như lưỡi cuốc dính vào đầu. Lý do khiến khuôn mặt ông mất tiêu như vậy chưa được rõ ràng vì ông không muốn chường mặt ra với báo chí. Trong cả hai trường hợp, Đức Giáo Hoàng đã ôm hôn thắm thiết và ban phép lành cho hai người tật nguyền dị dạng này. Cùng là phận người, chúng ta có khuôn mặt bình thường trong khi người khác mang khuôn mặt không giống ai, đó cũng là một điều mà chúng ta phải tạ.
Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài những ơn phúc. Mỗi chặng đường đời là một may mắn. Lạc quan quá chăng? Có những người luôn nhăn nhó bất mãn với hoàn cảnh của mình, luôn so sánh mình với người khác để buồn chán thất vọng. Họ không nhìn thấy cái khổ của những người có cuộc sống sung túc, quyền uy khác. Tiền bạc, danh vọng đều có thể là những thứ mang lại đau khổ cho con người. Nếu biết nghĩ tới những may mắn trong những chặng đời của mình, ai cũng thấy mình phải tạ.
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Cảm ơn đời sau mỗi buổi ra đường
Ta trở về chân tay còn lành lặn.
Cảm ơn đời cứ đến ngày cuối tháng
Được lãnh lương không bị chậm ngày nào.
Cảm ơn đời khi đồ uống thức ăn
Đầy hóa chất nhưng ta chưa ngộ độc.
Cảm ơn đời những chiều mưa ngập lụt
Ta dắt xe không sụp hố tử thần.
Mấy câu thơ này tôi kiếm được trên mạng của một tác giả ký tên chỉ một chữ “Hiền”, tạ búa xua. Cứ mỗi giây phút đi qua trong cuộc đời, chúng ta đều có thứ để tạ miễn là chúng ta biết nhận ra và trân quý những giây phút đó.
Cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta vừa có cơ hội tạ dân chúng Phi Luật Tân vì những cưu mang của họ cho một phần đồng bào chúng ta vượt biển tới tạm cư tại nước này. Phi Luật Tân trước đây đã mở lòng rất rộng để đón tiếp những thuyền nhân người Việt chúng ta, là nước duy nhất không cưỡng bách hồi hương những người tị nạn Việt. Nay họ bị tai ách của trận bão thế kỷ Hải Yến chúng ta đã sốt sắng tạ. Hội từ thiện “Bên Em Đang Có Ta” vừa tới tòa đại sứ Phi tại Hoa Thịnh Đốn để trao ngân phiếu 400.554 đô. Hội VOICE vừa loan báo đã quyên giúp được 150.136 đô cho nạn nhân bão lụt Phi. Đó là chưa kể những đóng góp khác từ các địa phương có người Việt cư ngụ trên khắp thế giới. Tới nay, cộng đồng chúng ta còn đang tiếp tục đóng góp.
Chúng ta tạ ơn dân chúng Phi vào đúng mùa tạ ơn. Lễ Tạ Ơn là một nét đẹp của hai nước Bắc Mỹ. Hai nước sát cạnh nhau nhưng tạ ơn vào hai dịp khác nhau. Canada chúng tôi tạ trước, vào ngày thứ Hai tuần lễ thứ hai của tháng 10. Hoa Kỳ chậm chân hơn, vào ngày thứ Năm tuần lễ thứ tư của tháng 11. Trước đây tôi cứ nghĩ là dân Mỹ tạ ơn vào ngày thứ Năm chót của tháng 11. Hóa ra không phải. Ví dụ như năm ngoái, 2012, lịch tháng 11 có tới năm tuần, nên lễ Tạ Ơn không nằm vào thứ Năm tuần chót của tháng 11. Bé cái nhầm như vậy tưởng là có thể lộn ngày nhưng thực ra chẳng thể lộn được. Vì sau ngày thứ Năm lễ Tạ Ơn là ngày đại hạ giá Black Friday. Chính cái ngày đi theo này được các nhà buôn quảng cáo um sùm khiến tai có điếc, mắt có mờ, cũng phải biết. Và cũng chính cái ngày…thương mại này đã lấn lướt làm mất ý nghĩa của ngày lễ Tạ Ơn tại Mỹ. Tạ ơn chi mà cứ nhấp nhổm tranh nhau ra xếp hàng mua đồ rẻ. Ngày xưa, khi trật tự còn được tôn trọng, các cửa hàng chỉ mở cửa sớm nhất là vào đúng nửa đêm, khi lễ Tạ Ơn vừa xong. Trật tự như vậy mà cũng đã kéo dân chúng đi xếp hàng làm mẻ mất một miếng thời gian của ngày Tạ Ơn. Có người ham hố đã xếp hàng chiếm chỗ trước cửa tiệm từ trưa hôm tạ ơn. Vậy còn tạ cái nỗi chi! Nhưng đó là ngày xưa. Ngày nay thì quá quắt lắm. Trong khi tonton Obama còn đang diễn văn tạ ơn các quân nhân nam nữ phục vụ trong quân đội bằng những lời lẽ cảm động: “Chúng ta cảm tạ về những tự do mà họ bảo vệ - tự do suy nghĩ về những gì ta muốn và nói về những gì ta nghĩ, để thờ phượng theo niềm tin tôn giáo của chúng ta, để chọn lựa các nhà lãnh đạo của chúng ta và chỉ trích họ mà không bị trừng phạt. Nhân dân trên khắp thế giới đang tranh đấu, và thậm chí bỏ mình vì cơ hội của họ bảo vệ những tự do này. Chúng ta sát cánh với họ trong cuộc tranh đấu dó, và chúng ta cảm tạ về sự được tự do”. Trong khi dân Việt tỵ nạn chúng ta đang gật gù nghĩ tới cái tự do mà dân Việt chúng ta chưa có được nơi đất tổ, thì các nhà thương mại đã dụ dỗ chúng tôi lỉnh đi xếp hàng mua đồ rẻ. Các anh con buôn này ngày nay làm tới dữ! Chẳng tiệm nào thèm đợi tới dứt ngày lễ mới mở cửa cả. Họ ngày càng đổ đốn. Tiệm Macy’s năm ngoái mở cửa vào 12 giờ đêm ngày lễ Tạ Ơn, năm nay tiến lên mở vào lúc 8 giờ tối. Các outlet nhích lên sớm hơn nữa, mở cửa vào lúc 5 giờ chiều. Vậy thì dân hám mua sắm đâu có nuốt được hết miếng thịt gà tây!
Gà tây là một tiết mục không thể thiếu được trong các bữa ăn sum họp gia đình vào bữa tối lễ Tạ Ơn. Tại sao chú gà tây lại lạng quạng bước vào vòng tục lụy của ngày lễ quan trọng nhất trong năm này? Đó là một bí ẩn. Không ai rõ nguồn cơn. Các nhà viết sử nêu ra vài giả thuyết khác nhau. Theo thư từ và tài liệu còn giữ được của các nhà thám hiểm đầu tiên tới châu Mỹ thì khi người da trắng và người da đỏ ngồi ăn với nhau trong bữa tiệc chung thì trên bàn ăn có thịt bò và cầm thú. Bữa tiệc này được tổ chức vào tháng 10 năm 1621 là một bữa tiệc lịch sử. Trước đó, vào tháng 9 năm 1620, một nhóm gồm 102 người, trong đó có 44 người thuộc giáo phái Separatist ly khai với giáo hội Anh, muốn tìm đất sống mới có quyền tự do tín ngưỡng, đã lên chiếc tàu mang tên Mayflower rời hải cảng Plymouth ở Anh vượt Đại Tây Dương sang Bắc Mỹ. Cuộc hành trình rất vất vả kéo dài tới 65 ngày mang con tàu tới vùng mà ngày nay là tiểu bang Massachusetts vào tháng 11 năm 1620. Số di dân được gọi là Pilgrims này đã định cư tại đây và lập thành vùng mà họ đặt tên là New Plymouth. Mùa đông năm đó là một thảm kịch cho những dân lưu xứ. Một nửa số người trên đã chết. Khi trời đất sang xuân, đầu năm 1621, họ mới liên lạc được với thổ dân da đỏ thuộc bộ lạc Wampanoag và được những thổ dân này chỉ vẽ cho cách trồng trọt, đánh cá và săn thú rừng. Tháng 10 năm đó, sau khi thu hoạch được vụ trồng trọt đầu tiên, trưởng nhóm Pilgrims là William Bradford liền tổ chức một ngày lễ Tạ Ơn, mời dân da đỏ Wampanoag cùng tham dự để tạ ơn trời đất và những người da đỏ đã cứu giúp họ. Đó là khởi đầu của lễ tạ ơn Thanksgiving mà ngày nay đã trở thành quốc lễ.
Thứ cầm thú trên bàn tiệc tạ ơn đầu tiên này là con chi, người ta vẫn còn mù mờ. Chỉ biết là một di dân thời đó tên Edward Winslow có viết một bức thư kể lại chuyện đi săn gà tây trước ngày tổ chức bữa tiệc. Vậy là người ta đoán thứ cầm thú đó là gà tây. Chú gà tây bỗng nhiên lãnh nợ! Ngày nay mỗi năm có khoảng 46 triệu chú gà tây, khoảng 334 triệu ký thịt, hy sinh vì…tạ! Đọc tài liệu tôi thấy có điểm tức cười: số liệu ước tính này là do một tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Mà Thổ Nhĩ Kỳ tiếng Anh là Turkey, y chang như con gà tây turkey! Đồng…loại chăng? Suy ra cho vui vậy thôi nhưng tôi có một chuyện vui thiệt vui. Tháng 9 năm 1967, tôi qua tham dự một khóa hội thảo kéo dài tới cuối tháng 12 tại Nữu Ước. Gần tới ngày lễ Tạ Ơn, bỗng có một đoàn gồm khoảng chục người Thổ Nhĩ Kỳ qua tham dự. Họ không biết tiếng Anh. Cả đoàn có một thông dịch viên. Trông họ ngơ ngơ ngáo ngáo như…gà tây. Lúc đó sắp tới ngày lễ Tạ Ơn, tôi bèn giở thói…phiếm ra. Tôi nói nhỏ với vài người bạn Mỹ: “Bộ năm nay nước Mỹ thiếu turkey cho lễ Tạ Ơn hay sao mà các ông nhập cảng một lố Turkey này vậy?”. Khỏi phải nói, họ rũ ra cười!
Gà tây có ngon không? Tôi lắc đầu cái một. Tôi có một ông bạn người Hoa năm nào cũng khuân tới nhà tôi một chú gà tây khá lớn. Năm này qua năm khác, ăn đến phát ngán. Chú gà tây cũng gần chục ký chứ ít ỏi chi. Chia cho họ hàng chòm xóm. Năm đầu họ thích lắm nhưng những năm sau họ nhận có vẻ miễn cưỡng. Có năm tôi phải lái xe tới chia cho ông Luân Hoán mà thấy ổng ấy chẳng nói năng chi, năm sau không dám mang tới nữa. Giờ đây, Giáng Sinh sắp tới, chắc lại một chú gà tây ướp gia vị hun khói nằm trong hộp di tản tới nhà tôi. Không biết có bạn đọc nào hẩu món gà tây truyền thống này không? Dù sao, chúng ta cũng phải tạ ơn con gà tây vì chúng đã tuẫn tiết cho chúng ta có ngày Thanksgiving. Lễ Tạ Ơn mà trên bàn ăn không có chú gà tây nằm sấp coi bộ không ra vẻ lễ.
Dân Việt chúng ta không hợp gu món gà tây này nên ở Little Saigon đã có gà tây cải cách. Đó là gà tây quay theo kiểu vịt Bắc Kinh! Tôi mới biết chuyện này khi đọc bài viết của ký giả Thiên An trên báo Người Việt Online. Ông viết : “Một lần khi ở xa về Little Saigon ăn lễ Tạ Ơn cùng gia đình, chừng độ hai ba năm trước đây, tôi lần đầu có dịp thấy người thân mang về một con gà tây quay kiểu “vịt Bắc Kinh” từ một tiệm gần nhà. Nhà đông người nên thường có hai, ba con gà tây lớn trên bàn tiệc. Hôm đó chúng tôi có hai con do nhà tự quay theo kiểu Mỹ và một con kiểu Tàu. “Cho đỡ ngán!”, cô tôi nói…Con gà tây kiểu Tàu do cô tôi đặt làm tại tiệm thịt quay gần nhà. Cô chọn mua trước một con gà thật lớn đem đến tiệm. Người ta tính cô khoảng 25$. Con gà đúng mùi vị Bắc Kinh với lớp da giòn và hương vị đậm chất châu á. Để có được một sản phẩm như thế này, các tiệm phải có kỹ thuật cho da gà tách ra khỏi thịt, bôi cho thật thấm các gia vị trong 24 giờ đồng hồ, và treo lên trong lò nướng cho đến khi gà chín, da thật giòn, ươm màu nâu đỏ rất đặc trưng. Món gà tây kiểu Tàu hôm đó của cô tôi khiến nhiều người, không chỉ có tôi mà một số thành viên gia đình khác ở xa đến, ngạc nhiên thú vị”. Hỏi ra thì món gà tây kiểu Tàu này đã có từ năm 1981. Mỗi năm có khoảng một ngàn chú gà tây được cho đi…Bắc Kinh. Phải chi Montreal cũng có được thứ gà tây dễ chịu này thì tôi đâu có phải vất vả đi chia gà tây vừa tốn xăng vừa không được welcome lắm!
Thanksgiving không phải là một ngày lễ tôn giáo mà là một ngày tạ ơn khơi khơi vậy thôi. Ngày này lại dính với truyền thống gà tây nằm trên bàn ăn nên nếu người Việt chúng ta theo Phật giáo tránh sát sinh nhưng cũng muốn…truyền thống như mọi người thì mần răng? Chẳng lẽ ăn gà tây…chay! Chứ sao! Thịt heo, thịt gà, thịt bò, tôm cá, chúng ta đã có thể hóa chúng thành chay hết thì dù con gà tây có lớn nhưng lớn đâu bằng con heo con bò, chúng ta sao lại không…chay! Dịp lễ Tạ Ơn, tại miền nam California, tại các chợ tây như Vons, Henry Markets, Trader Joes và Mother’s Market đều có bán gà tây chay. Thỉnh chú gà…giả này về muốn nấu nướng cách chi mà chẳng đặng! Cũng lễ lậy với người ta cho…đoàn kết!
Tạ chính thống nhất là vào lễ Tạ Ơn nhưng nói tới lễ Tạ Ơn nhiều người nghĩ tới chuyện xếp hàng mua đồ rẻ hơn là nghĩ tới chuyện tạ. Người có tâm hồn ăn uống thì bị con gà tây to đùng chắn hết tầm mắt. Tạ họa chăng chỉ là tạ cái miệng. Những ngày này, khi lễ Tạ Ơn đã qua, mùa Giáng Sinh đang tới, các đài phát thanh và truyền hình, các cửa hàng và các mall đều đã ra rả những bài ca Giáng Sinh truyền thống. Năm nào cũng nghe mà sao vẫn thấm. Những bài ca chỉ thích hợp vào mùa lễ cuối năm khơi dậy trong mỗi chúng ta sự vui mừng, thanh thản, trải lòng dạ chúng ta tới những người chung quanh. Tiếng cười, câu hát nghe đẫm hơi hướm của tạ ơn. Chúng ta vui với người, với đời, với một năm đang xếp lại, với trời đất trắng xóa một màu trinh nguyên. Tất cả như hợp lại thành một cuộc tạ ơn thầm lặng nhưng mặn mà ân tình.
Nhà thơ Tô Thùy Yên, mười năm trước đây, có gửi cho tôi đọc cuốn thơ thứ hai của ông, cuốn “Thắp Tạ”. Cuối đời, thơ ông như quánh lại, không nhiều chữ như Ta Về, Chiều Trên Phá Tam Giang, Anh Hùng Tận…Tập thơ khởi bằng bài mở đầu vỏn vẹn có ba câu.
thức cho xong bài thơ
mai sớm ra đi
cài hờ lên cửa tặng
Và khép lại tập thơ cũng vỏn vẹn ba câu.
Trời rạng. Chuyến đi không hoãn được.
Bài thơ tâm phát dẫu chưa xong,
Xin vẫn cài hờ lên cửa tặng.
Tạ, cho tới lúc tạ từ cuộc đời, cũng vẫn không đủ!
12/2013
|