Complet là tiếng Tây mà dân ta gọi là “đồ lớn”. Đồ lớn chắc hàm ý là để cho người lớn dùng. Khi nào mới là lớn? Thường thì người Việt chúng ta, thời chúng tôi, chỉ sắm đồ lớn khi lấy vợ. Diện complet trước khi lấy vợ là…bất thường. Tôi thuộc vào loại bất thường đó. Năm 1967, tôi được cử đi tham dự một cuộc hội thảo tại Mỹ. Vậy là phải sắm một bộ đồ lớn. Chuyện bắt buộc chứ không oong đơ chi cả! Sài Gòn ngày đó tôi biết có ba nơi may complet nổi tiếng. Một là nhà may Văn Quân. Ông này tôi quen và gặp ngày một. Tiệm của ông nằm trên đường Lê Thánh Tôn, phía gần chợ Bến Thành. Tôi quen ông vì ông bác ruột của tôi là hàng xóm, có cửa tiệm nằm sát vách với tiệm của ông. Gặp nhau búa xua, cười đùa thả ga, có lẽ vì vậy nên bụt nhà có lẽ không thiêng, tôi không may đồ lớn nơi cửa tiệm của ông. Nhà may thứ hai là nhà may Can, nếu tôi nhớ không nhầm, là của ông Tạ văn Ân. Ông này cùng họ với tôi, sanh cùng năm và cùng là người Hà Nội như tôi. Nhiều cái tương đồng đến vậy mà tôi không bước chân vào tiệm của ông vì ông là nhà thơ. Nhà thơ nổi tiếng là đằng khác. Ông chính là nhà thơ Ninh Chữ. Thơ của ông xuất hiện trên các tạp chí đình đám nhất thời ấy như Mai, Văn Học, Hiện Đại, Thời Nay…Có một thời gian tôi phụ trách chọn thơ cho bán nguyệt san Thời Nay nên tôi rất thích thơ của ông. Ông chỉ làm thơ tình và thời đó ông đã cho xuất bản tới bốn tập thơ: Tuổi Đời, Miền Lưu Đầy, Tầm Gửi và Ngôn Ngữ.
Một chút hương lòng em trao anh
Khóe mắt ngày xưa ôi ngại ngần
Trong mơ nghe gió hồn lên mạnh
Và tiếng buồn rơi trong mênh mông
Làm thơ hay không bảo đảm may mặc hay nên tôi lơ ông đi. Tôi chọn may bộ đồ lớn đầu đời ở nhà may Chua cũng nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Ông Chua có một bảo đảm lớn: ông là thợ may riêng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm!
Quả nhiên khi sang tới Washington, bộ đồ lớn của tôi được một ông Mỹ chú ý ngay. Trong lúc nghỉ giải lao, ông ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Ông may bộ đồ ở đâu vậy?”. Tôi trả lời. Ông Mỹ này hạ một câu: “Ông thợ may của ông chính là người nước Mỹ này cần. Cần rất nhiều!”.
Đúng vậy. Dân Mỹ mấy người có khả năng may đồ lớn sur mesure! Họ chỉ mua sẵn ở tiệm. Điều này, ngày nay định cư ở Mỹ, ai trong chúng ta cũng biết. Đồ may sẵn sao bằng đồ đo ni đo tấc. Nhưng chúng ta sống ở Bắc Mỹ ngày nay vẫn cứ phải xài đồ may sẵn. Đụng tới các nhà may sur mesure có mà bỏng tay.
Đặc điểm của ông thợ may Sài Gòn ngày đó là chiếc thước dây vắt ngang cổ lòng thòng xuống tới thắt lưng. Các ông thợ danh tiếng khi đo ni tấc thường có một người thợ phụ giúp ghi những con số. Ông thợ giăng thước qua các vòng trên người khách và hô lên con số, người thợ phụ sẽ ghi vào sổ. Đo đạc xong, khách sẽ đặt tiền cọc nếu chọn vải may ở cửa tiệm. Nếu mang vải tới thì thơ thới ra về, khỏi cọc kiếc chi. Thường một tuần lễ sau, khách tới mặc thử. Bộ đồ lúc đó mới được lược qua loa cho các mảnh vải dính vào nhau. Ông thợ dùng cục phấn vuông đánh dấu trên những chỗ cần sửa, hẹn ngày tới lấy. Gặp thợ giỏi thì thường khách không có gì phải phàn nàn. Thợ xoàng thì có khi phải sửa đi sửa lại ba bẩy lượt mới tạm hài lòng.
Cách làm thủ công như vậy không thích hợp với thời buổi điện tử ngày nay. Tôi mới đọc được một bài báo nói về cách may sur mesure ngày nay của một công ty may mặc loại đo thước tấc ở Montreal. Công ty này mang cái tên rất thực tiễn: Surmesur. Công ty có chuỗi cửa hàng ở các thành phố Quebec, Montreal và Toronto. Họ lấy ni tấc của khách bằng…điện tử. Khách được hướng dẫn vào một phòng giống như phòng thử quần áo thông thường nhưng có trang bị máy hình Kinect ba chiều 3D. Máy sẽ ghi lại dáng và kiểu người, ni tấc chính xác đến từng mi-li-mét! Tất cả chỉ tốn khoảng nửa giờ.
Chủ nhân của công ty là hai anh em Francois Thériault và Vincent Thériault. Họ đều tốt nghiệp Đại học. Francois ngành quản trị thương mại tại Greensboro College ở tiểu bang North Carolina, Mỹ và Vincent ngành quản trị tại Đại Học Laval, Québec. Sau khi tốt nghiệp, Vincent đi một vòng Á châu trong một năm để tìm phương cách làm ăn. Và anh đã tìm được cách canh tân nghề may. Anh nói: “Thật độc đáo khi chúng tôi mang kỹ thuật mới vào một nghề cổ lỗ sĩ”. Sau khi có ni tấc, họ gửi qua Thái Lan bằng internet. Thái Lan sẽ may và gửi hàng qua lại Canada. Nhờ vậy giá thành của một bộ đồ lớn chỉ có 325 đô, rẻ hơn nhiều so với kiểu may complet cỗ lỗ sĩ!
Dĩ nhiên thời buổi điện tử ngày nay bộ đồ lớn cũng thay đổi. Surmesur có thể chiều ý khách trăm phần trăm. Không kể ý thích của khách về kiểu cổ áo, tay áo, số khuy áo, may bó hay rộng. Tiệm may còn chiều cả những ý thích khác thường của khách. Tỷ như thêu chữ nơi túi trong của áo gồm tên, chức vị hay các câu chữ khách yêu cầu. Có chú rể đòi thêu tên cô dâu, tên mình và ngày cưới. Có anh còn đòi thêu số điện thoại để khi vào bar cần cho em số điện thoại cứ vạch áo ra là xong!
Chiếc áo veston ngày nay khác xa với thời tôi may chiếc áo đầu tiên. Kiểu cọ diêm dúa hơn nhiều. Đụng vào các chàng trình diễn trên sân khấu chiếc áo còn ác ôn hơn nữa. Thời nó vậy, cứ phải theo thôi. Ông bạn già của tôi ở San Francisco một lần ra đón tôi ở phi trường chơi luôn một cái áo đỏ choét, cổ áo nhỏ chút xíu, thứ mà ngày còn ở quê nhà cho kẹo ông cũng chẳng dám khoác vào người! So với thời của chúng tôi tại Sài Gòn, bộ đồ lớn đã khác. Ngày xưa, khi người ta mới chế ra bộ đồ lớn còn khác tới đâu. Người mặc complet đầu tiên là vua nước Anh Charles II vào năm 1660. Bộ đồ lịch lãm này mãi tới đầu thập niên 1800 mới được George Bryan Brummel cải cách cho tân tiến hơn. Từ đó bộ complet từ từ thay đổi theo thời trang. Tới thập niên 1960, ba trăm năm sau ngày ra đời, chiếc áo mới được thay đổi đơn giản hơn nhất là chiếc cổ áo được thu nhỏ lại nhiều. Đại khái có ba trường phái complet. Trường phái Anh dáng mềm, có đệm vai, phần khuy được đặt ngang eo khiến áo trông dài hơn, thân áo ôm nhẹ, eo cao, túi nằm ở hai bên hông và có nắp. Trường phái Ý có phần vai vuông, thân ngắn và ngực áo chỉ có một hàng nút, không có đường xẻ phía sau, cầu vai rộng hơn. Trường phái Mỹ vai thả tự nhiên, thân thẳng, tay áo và thân rộng rãi, dáng hộp, xẻ phía sau và túi áo có nắp.
Bộ đồ lớn du nhập vào nước ta khá sớm, từ khi quân Pháp đổ bộ vào Hà Nội lần thứ hai vào năm 1882. Dân thủ đô Hà Nội là những người đầu tiên khoác vào bộ quần áo xa lạ trước tiên. Bác sĩ quân y Charles-Edouard Hocquart theo đoàn quân viễn chinh tới Hà Nội năm 1884 đã ghi lại trong cuốn “Une Campagne au Tonkin”, xuất bản ở Paris năm 1892, như sau: “Khi đến Hà Nội, chúng tôi thấy những người bạn cùng đội hải quân mặc những bộ complet (veston) tuyệt đẹp bằng vải Flanelle do những người thợ An Nam may. Cửa hàng may cũng giống như những cửa hàng của các tiểu thương Hà Nội. Đó là một ngôi nhà tranh khá giống nhà kho lớn được mở cửa hướng ra đường. Phía trong ngôi nhà chia thành hai buồng bởi tấm liếp tre đan lưới mắt cáo. Thợ may ngồi vắt chéo chân. Ba (tên chủ tiệm may) giải thích với họ là phải để lại một bộ làm mẫu. Giá khoảng bảy đồng bạc làm trong hai ngày đúng như mẫu”. Tuy vậy ngày đó, dân Hà Nội rất ít người mặc bộ quần áo lạ lẫm này, phần vì e ngại, phần vì giá cả rất mắc . Thanh niên nước ta cứ khăn đóng áo dài mà diện. Các tiệm may đồ tây do người Việt thiết lập đều nằm ở phố Hàng Trống. Nổi tiếng nhất là các tiệm Phúc Mỹ, Tân Hưng và Tân Đức Hiệp. Những nhà may này chỉ may Âu phục cho người Pháp. Ngay cả 100 người Việt đầu tiên được cấp học bổng học tiếng Pháp ở trường Thông Ngôn cũng cứ áo dài khăn đóng mà chơi. Muốn ra vẻ ta đây là dân ăn trên ngồi trốc thì cũng chỉ dám cặp kè thêm chiếc ô tây gọng sắt sản xuất ở Lyon thôi. Ông Claude Bourrin, một nhân viên thuế vụ sanh sống và làm việc tại Hà Nội đã ghi lại: “Năm 1900 có một người Việt Nam mặc complet, đó là một bồi bàn trên chiếc tầu thủy chạy từ Pháp về Hải Phòng. Khi anh này mặc đồ Tây xuống tầu đã gây sự tò mò cho nhiều người dân. Họ bàn tán và lo lắng cho anh sẽ bị cảnh sát bắt”. Chuyện chi ngộ vậy? Bộ thời đó mặc đồ Tây sẽ bị cảnh sát bắt hay sao? Không, tuy người Pháp rất coi thường dân bản xứ nhưng không giới hạn chuyện ăn mặc. Vì coi thường nên nếu người Việt có bất cứ thứ gì xuất xứ từ Pháp, như muỗng, đĩa, khăn ăn, đèn, đồng hồ quả lắc hoặc quần áo, họ đều nghi là của ăn cắp ăn trộm nơi nhà chủ người Pháp. Vì vậy thời đó nếu một người Pháp nào cho người làm hoặc bồi bếp Việt một cái đồng hồ chẳng hạn, họ phải làm giấy chứng nhận để người đó phòng khi hữu sự! Ăn diện một chút mà rắc rối như vậy nên thanh niên thời đó ngại không com-lê cà-vạt chi cả.
Mãi tới giữa thập niên 1940, thanh niên Hà Nội mới theo mốt mới, bận Âu phục mà complet là thứ xịn nhất. Đi hàng đầu trong phong trào diện Âu phục phải kể tới các văn nhân thi sĩ hồi đó. Ngày nay muốn tìm một bức hình các nhà thơ như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, mặc complet thì dễ vô cùng. Nhà may Âu phục nổi tiếng nhất ở Hà Nội thời đầu thập niên 1950 là nhà Tiến Thành ở 46 Lý Thái Tổ.
Thói quen mặc đồ lớn của các nhà thơ lớn thời đó hình như là một thói quen khó bỏ. Khi di cư vào Sài Gòn, trời nóng bức, các nhà thơ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương vẫn cứ đóng bộ đầy đủ com-lê cà-vạt! Nhà thơ Đinh Hùng tôi kính nhi viễn chi, chỉ nhìn thấy khi tới ăn phở nơi tiệm phở trước cửa Đài Phát Thanh trên đường Phan Đình Phùng. Còn nhà thơ họ Vũ thì là chỗ…thân tình. Đó là thầy dậy văn chương của tôi hồi lớp Đệ Nhị ban Văn Chương ở trường Chu Văn An. Trong bài “Thầy Chương”, tôi đã nhớ lại cái đức ăn diện của người thầy quý mến : “Áo sơ mi lụa màu mỡ gà. Quần nâu với hai đường li thẳng tắp. Giầy da nâu bóng loáng. Mũ phớt màu nâu nhạt. Và một chiếc cà vạt màu nâu hồng có điểm những nụ hoa nhỏ xíu màu hồng nhạt. Màu sắc từ trên xuống dưới ăn khớp với nhau một cách rất nghệ thuật. Như một bức họa. Chưa hết. Một chiếc kẹp cà vạt mạ vàng cùng với một cặp nút cài măng sét làm cho bộ quần áo thêm phần “vương giả”. Không phải chỉ trong buổi dạy “ra mắt” học sinh thầy Chương của chúng tôi mới diện như vậy. Trong suốt năm học lúc nào thầy cũng chải chuốt một cách lạ thường. Những ngày nóng bức nhất cũng không làm chiếc cà vạt rời khỏi cổ thầy. Những ngày se lạnh chỉ thêm dịp cho thầy đóng nguyên một bộ đồ lớn loại sang”.
Các văn nhân thi sĩ di cư có cơ hội ăn diện như vậy trong khi cũng một loại nòi tình như vậy ở lại miền Bắc thì complet đâu mà diện kể cả khi đi công tác bên Liên Xô hoặc các nước cộng sản Đông Âu. Mỗi lần đi công tác, họ phải mượn đồ lớn để xênh xang nơi xứ người. Ở Hà Nội có hẳn một địa điểm của nhà nước cho mượn đồ để... đi sứ. Địa điểm này nằm ở phố Hàng Bột do Bộ Tài Chánh quản lý. Đặc biệt nơi đây có khoảng vài trăm bộ complet đủ mọi kích cỡ là thứ hàng cực hiếm thời đó. Đa số các bộ đồ này đều chỉ có màu tím than hoặc xanh dương đậm, làm bằng vải kaki hoặc vải dạ do Mông Cổ, Liên Xô hoặc Trung Quốc viện trợ. Những người có công văn cử đi công tác ngoại quốc, ngay cả các nhân viên ngoại giao, đều phải tới đây mượn quần áo. Không chỉ mượn complet, họ còn được mượn cả sơ-mi, quần, cà-vạt và đặc biệt một chiếc va-li bằng gỗ bọc vải!
Các bộ đồ này đều được đánh dấu bằng cách dùng lá trầu không viết chữ ”kho” ở phía trong lưng quần hoặc phía trong miệng túi áo. Tôi được đọc một bài báo kể những chuyện cười ra nước mắt về cái chữ ”kho” to tổ chảng trong các bộ đồ mượn này. ”Đoàn chúng tôi có năm người, sang bên Liên Xô việc đầu tiên sau khi nhận phòng là trút bộ complet ra để giặt là cho phẳng phiu. Đến chiều bà phục vụ đi các phòng gõ cửa , mồm luôn gọi Ta - vơ - rít Kho (có nghĩa là Đồng chí Kho) vì cả 5 bộ đưa đi giặt đều có áo in chữ “KHO”. Vì vậy bà nghĩ rằng Kho chắc hẳn là một cái tên rất phổ biến ở Việt Nam. Một trường hợp khác xảy ra với anh bạn tôi làm thông ngôn cho một đoàn cao cấp ở Đồi Lê Nin. Vì giỏi tiếng Nga nên buổi chiều, anh thăm hỏi bà phục vụ phòng. Bà nhìn anh từ đầu đến chân, rồi bỗng mắng cho một trận té tát: ”Lần trước mày hẹn là sẽ viết thư cho tao kể chuyện chiến tranh ở Việt Nam. Vậy mà tao không nhận lấy của mày một chữ, thế là thế nào?”. Anh bạn tôi ngẩn tò te vì đây là lần đầu tiên anh được đi Liên Xô. Thấy bộ dạng ngơ ngác của anh, bà lại mắng tiếp: ”Mày lại quên hay sao? Đây này, lần trước mày ngồi hút thuốc, tàn thuốc rơi xuống làm thủng một lỗ ở tay áo. Tao ngồi cả một buổi tối mạng lại lỗ thủng đó cho mày. Nhớ ra chưa?”. Vừa nói, bà lại kéo tay anh bạn tôi chỉ vào vết thủng trên bộ quần áo anh mặc. Thì ra đúng là có một cán bộ Việt Nam khác đã được bà phục vụ người Nga phúc hậu giúp. Và bà chỉ nhận diện được người mang ơn qua lỗ thủng và chữ “KHO” in trên áo!”
Người được đi ngoại quốc nhiều nhất và là khách hàng trung thành nhất của kho hàng ở phố Hàng Bột là nhà văn Tô Hoài. Con dế mèn phiêu lưu này kể lại trong cuốn hồi ký “Chiều Chiều”: “Nền nếp ăn mặc thời ấy ở Matxcơva vừa phải với quần áo của tôi mà bộ Tài Chánh cho mượn, cho thuê. Mũ lông, ủng da, ủng nhựa, những cái áo khoác giả lông cừu nặng như cùm. Bởi có mấy khi đi đâu và tiền đâu mà sắm, hàng đoàn cả chục, mấy chục người ở đồng ruộng về chỉ đi dăm bữa nửa tháng thì nhà nước tất phải lo. Tôi mượn Hoàng Cầm cái va li to tổ bố. Không biết tại sao lão có cái vali da bò bự thế. Chắc của Hoàng Yến vợ lão. Nhưng hôm đến kho thử mỗi thứ một bộ, vừa cái vali giấy nhỏ, tôi đem trả anh. Cái kho quần áo nhà nước to dần, bộ mặt thay đổi. Đến kho mượn, rồi sau không cho mượn mà nhà nước cho thuê. Khi đem trả, nhà kho soát lại, quần có lỗ thủng tàn thuốc lá, rách sơ mi hay ở bẩn đều phải đền. Hồi đầu, kho cho mượn cả thứ lặt vặt mùi xoa, bít tất, áo quần lót…Nhưng giầy không có dây. Cả thành phố không đâu bán dây giầy và hộp kem. Tôi lại phải xin đôi dây giầy và mượn cái cà vạt của Nguyễn văn Bổng, người hay chơi giầy và cà vạt….Kho quần áo những năm đầu chỉ một phòng, hai người thay nhau trông nom. Khách đến khách đi với ông coi kho trò chuyện, quen mặt. Đến khi kho dọn về đường Thái Hà đã thành lớp nhà tường bao cao cao như kho gạo, người nhộn nhịp, kho giầy kho mũ và khăn quàng ở bên kia, ngoài cổng chính có phòng thường trực…Lấy va li trước rồi xách sang kho quần áo, kho giầy. Chọn giầy mà khó. Không vì kiểu dáng hay màu, mà cái bí mật của độ bền. Cái lần đi Rumani tôi nảy sáng kiến mượn đôi giầy mới, chưa ai xỏ chân. Đến lúc vấp một cái, mõm giầy há như cái hộp mở. Thì ra người đóng giầy ăn cắp, đóng mớm quá. May, đường phố Bucaret cũng lắm người vá giầy và cũng được bà phiên dịch Madari sốt sắng, đã mượn khâu lại, ngồi đợi và lấy ngay. Lại kinh nghiệm mới, nên mượn đôi giầy có người đã đi và còn có mã!”.
Đọc xong đoạn hồi ký của Tô Hoài, tôi bâng khuâng nghĩ ngợi. Không biết ông nhà văn được sủng ái của chế độ có bao giờ nghĩ tới cụm từ “phồn vinh giả tạo” khi mặc bộ đồ lớn mượn của nhà nước không nhỉ?
01/2014
|