Trung Úy Hiroo Onoda của quân đội Thiên Hoàng qua đời vào ngày 16 tháng 1 năm 2014 vừa qua. Cái chết già của ông đã được hầu như toàn thể báo chí trên thế giới loan báo. Ông chết bình an tại một bệnh viện ở thủ đô Tokyo, thọ 91 tuổi. Cấp bậc Trung Úy trong quân đội chẳng phải là một cấp bậc cao, cái chết của ông chẳng có chi…hoành tráng, vậy thì tại sao cái chết này lại được loan báo như cái chết của một vị nguyên thủ quốc gia? Chỉ vì ông là một người lính tuân phục quân kỷ một cách không giống ai.
Trong Thế Chiến Thứ Hai, ông là một sĩ quan tình báo được quân đội hoàng gia Nhật phái tới đóng quân tại đảo Lubang của Phi Luật Tân vào tháng 12 năm 1944, lúc ông vừa được 22 tuổi, để quan sát và báo cáo về hoạt động của không quân Đồng Minh. Cấp chỉ huy của ông ra lệnh cho ông không bao giờ được đầu hàng, không được tìm cách liều tấn công nguy hiểm tới tính mạng nhưng phải cố thủ và chờ viện binh tới tiếp cứu. Chỉ mấy tháng sau khi ông nhận nhiệm vụ, Nhật đã đầu hàng sau khi hai quả bom nguyên tử của Mỹ được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Sống trong rừng sâu cùng với ba chiến binh Nhật khác, ông không tin rằng quân đội của Thiên Hoàng mà ông đang phục vụ đã đầu hàng và chiến tranh đã kết thúc. Họ lẩn khuất trong rừng, mưu sinh thoát hiểm bằng các thứ cây lá trong rừng và những thực phẩm như gạo, chuối và thịt cướp được của dân chúng trong vùng khi họ…hành quân. Đã có khoảng ba chục thường dân Phi bị họ giết hại. Một binh sĩ dưới quyền ông đã chết trong một cuộc đụng độ với binh sĩ Phi. Khoảng 5 năm sau, năm 1950, một binh sĩ khác đã ra đầu hàng. Một cuộc tìm kiếm rộng lớn kéo dài tới 9 năm được tổ chức để mang hai người còn lại ra đầu thú đã không có kết quả. Tokyo tuyên bố hai cựu chiến binh của họ đã chết. Nhưng vào năm 1972, 27 năm sau khi Thế Chiến chấm dứt, Onoda và đồng đội còn lại đã đụng độ với quân đội Phi. Người đồng đội cuối cùng bị bắn chết, Onoda còn lại một mình trong rừng sâu. Gia đình ông tới hiện trường với hy vọng tìm được ông và đưa ông về với cuộc sống bình thường. Cuộc tìm kiếm không có kết quả. Ông có biết cuộc tìm kiếm này nhưng cho đó là trò lừa bịp của Mỹ. Ý nghĩ của ông được củng cố khi thấy những chiếc máy bay quân sự Mỹ vẫn hàng ngày xé mây trên cánh rừng rậm rạp nơi ông đang ẩn náu. Tội nghiệp, ông không hề biết đó là những chuyến bay hành quân của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam!
Tháng 2 năm 1974, một nhà thám hiểm Nhật Bổn tên Norio Suzuki đã qua đảo Lubang để nhất quyết tìm gặp Onoda. Ông này dựng lều nơi con đường rừng mà Onoda hay đi ngang qua. Cuối cùng họ gặp nhau. Norio không thuyết phục được Onoda tin rằng chiến tranh đã kết thúc. Lý luận của…người rừng này là ông không nhận được lệnh rút lui của thượng cấp. Ông chỉ buông súng khi vị chỉ huy trực tiếp của ông ra lệnh. Ông Norio bay về Tokyo tìm được cựu Thiếu Tá Yoshimi Taniguchi, cấp trên trực tiếp của Onoda trong cuộc chiến trước đây. Người ta mang ông Thiếu Tá này qua đảo Lubang, tới gặp Onoda và ra lệnh đầu hàng. Lúc bấy giờ Onoda mới tuân lệnh ra trình diện. báo Washington Post kể lại: Onoda đã bồng khẩu súng trường cũ kỹ khi nghe viên chỉ huy cũ của ông đọc lại bản tuyên bố đầu hàng của nhà vua Nhật năm 1945!
Ngày 11 tháng 3 năm 1974, tại dinh Tổng Thống Phi Malacanan Palace ở thủ đô Manila, Onoda, 52 tuổi, trong bộ quân phục Thiên Hoàng cũ rích mà ông vẫn giữ nguyên trong gần ba chục năm qua, đã trao cho Tổng Thống Phi hồi đó là ông Ferdinand Marcos, thanh kiếm samurai của ông, một cử chỉ đầu hàng. Tổng Thống Phi đã trả lại ông thanh kiếm và tuyên bố ân xá cho ông các tội ông đã gây ra trong quá khứ.
Ngay ngày hôm sau, Onoda đã đáp máy bay về Tokyo và được đón chào như một vị anh hùng. Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông nói rất đơn giản: “Tôi chỉ thi hành mệnh lệnh của thượng cấp và không hề ân hận về bất cứ điều gì”.
Người rừng không thích hợp với cuộc sống đô thị của một nước Nhật đang bùng phát về kinh tế nên chỉ một năm sau ông đã quay về…rừng. Nói cho vui vậy thôi chứ ông đã di dân qua Brasil và mở một trang trại nuôi gia súc tại Campo Grande, nơi có hàng chục gia đình Nhật Bổn sinh sống. Tuy nhiên ông vẫn thường xuyên qua về Nhật Bổn. Năm 1976, ông kết hôn với bà Machie Onuki. Bà mới có 38 tuổi trong khi ông đã 54 tuổi.
Hai chục năm sau, năm 1996, ông đã trở lại thăm đảo Lubang theo lời mời của chính quyền địa phương và tặng cho cộng đồng trên đảo một số tiền để lập một quỹ học bổng. Ngành du lịch Phi đã không bỏ lỡ cơ hội, tổ chức những tour du lịch tới khu rừng mà Onoda đã trú ngụ, thăm những hang động ông đã ẩn nấp và học kỹ thuật mưu sinh thoát hiểm mà ông đã dùng để sinh tồn trong gần ba chục năm trốn tránh.
Onoda là người lính cuối cùng của Thế Chiến Thứ Hai. Sau cái chết của ông, phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshihide Suga đã bày tỏ sự thương tiếc, ca ngợi ý chí và tinh thần bất khuất của ông bằng những lời khen ngợi: “Sau Thế Chiến Thứ Hai, ông Onoda đã sống trong rừng sâu suốt nhiều năm và khi ông ta trở về Nhật Bổn, tôi đã cảm thấy rằng cuộc chiến đã kết thúc. Đó là cách tôi cảm nhận được”.
Cách cảm nhận của tôi lại khác. Tôi không khoái anh lính ngoan cố này. Kỷ luật chi mà khùng như vậy! Nhưng chợt nghĩ anh là người Nhật nên có thể thông cảm với anh. Từ nhỏ anh đã được huấn luyện như vậy. Đó là sức mạnh của dân Nhật. Nhiều người trong chúng ta đã có dịp du lịch tại Nhật Bổn và chắc ai cũng phải kính phục lối sống có trách nhiệm với tha nhân và xã hội của người dân Nhật ngoài đường phố, kể cả những trẻ em. Năm 1967, trong lần tới thủ đô Tokyo của Nhật Bổn lần đầu tiên, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh một em bé, trên đường tới trường, đã cúi lượm một mẩu thuốc lá mà tôi chắc là của một du khách nào đó vứt trên lề đường. Nhìn mặt em, không một vẻ trách móc, không một ngại ngần, cúi xuống lượm như dĩ nhiên phải làm như vậy, tôi hiểu em đã được giáo dục như vậy. Tại các góc đường đông xe cộ qua lại, tôi thấy có những chiếc giỏ bằng kim loại, bên trong có dựng những lá cờ đỏ, đang phân vân không biết tại sao lại có cái thứ mà tôi chưa thấy ở nước nào có, thì một em bé đã cầm cây cờ đỏ, đợi đèn giao thông báo hiệu, giương cao cờ, vượt qua bên kia đường. Một lần khác, tôi thấy môt em bé, cầm cờ, dẫn một người mù qua đường. Những bộ mặt thơ ngây hành động một cách tự nhiên, như thể phải như vậy, không khác hơn được!
Từ những gì mắt thấy tai nghe, tôi nghĩ là tôi hiểu anh Onoda hơn. Khi đã nhận trách nhiệm, anh không có quyền bỏ ngang, dù phải hy sinh ngay cả cuộc sống của mình. Phục anh nhưng tôi vẫn không thích những con người…máy này. Họ giữ tư cách làm người dù phải rũ bỏ phần nhân bản trong con người họ. Trong Thế Chiến Thứ Hai, tôi đã giáp mặt những người lính Nhật tại Hà Nội khi họ chiếm đóng nước ta. Một đứa bé bảy tuổi như tôi hồi đó nhìn những người lính hiên ngang với thanh kiếm toòng teng bên hông với ánh mắt kính phục. Hình như tôi đã bị hình ảnh oai hùng của họ làm mờ mắt khiến lời nói và cử chỉ của tôi đã khá lộ liễu. Bố tôi đã từ tốn giảng cho tôi nghe về nạn đói do người Nhật gây ra mà hình ảnh những thân người tiều tụy vật vờ đi xin ăn hàng ngày diễn trước ra trước mắt hình như không làm tôi chú ý bằng cái oai phong của những người lính Nhật. Ông nhắc tôi tới cái man rợ của những người lính đã nhét sống những người buôn bán cám vào bụng những con ngựa chiến đã chết vì ăn phải cám có trộn mùn cưa. Câu chuyện hãi hùng này ngày đó lan truyền rất nhanh đến nỗi hầu như ai cũng biết.
Khi viết bài này, tôi thử tìm xem thực hư của câu chuyện này và đã tìm được hai “nhân chứng”. Thực ra đây là hai cuốn tiểu thuyết nói về chuyện này. Trong cuốn “Mái Nhà Xưa” của Vũ Hùng, tác giả kể lại: “Cũng như mọi người Việt Nam thời ấy, gia đình Hoàng sợ lính Nhật tuy rất thù ghét họ. Người ta thường kể với nhau: có những con ngựa Nhật vì ăn phải cám trộn mùn cưa, lính Nhật bắt người bán cám, mổ bụng ngựa nhét vào đó, khâu lại rồi đem chôn. Những người này đang là nạn nhân của trận đói khủng khiếp do chính họ và quân Pháp gây ra, đã bớt lại chút cám làm thức ăn nuôi sống con người. Đồn đại hay sự thật? Đối với một quân đội dã man như quân đội Nhật thời ấy thì đó không phải chỉ là những lời đồn đại”.
Tác giả thứ hai viết về vụ cám trộn mùn cưa này là nhà văn Khuất Đẩu trong cuốn tiểu thuyết “Những Tháng Năm Cuồng Nộ”. “Liền sau đó cái tin ông Bang Tèng bị Nhật bắt được bàn tán ồn ào ở cái xóm Miễu bên kia sông. Người ta bảo Nhật nó sẽ tẩm dầu lên người ông ta rồi đốt để ông ta chạy coi chơi vì cái tội quyên tiền giúp Tàu đánh Nhật. Nó đã từng mổ bụng con ngựa bị chết ra, nhét người đàn bà dám lấy mạt cưa trộn cám bán cho ngựa nó ăn. Thì bây giờ cái chuyện thiêu sống hay mổ bụng đâu có khó khăn gì. Người ta nói tới Nhật như nói tới một hung thần dữ dội chưa hề tha chết cho ai bao giờ”.
Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, đó là một định lý toán học! Không thể sai được. Vậy mà một quân đội kỷ luật sắt như quân đội Nhật, đã có những chiến binh như Trung Úy Onoda, đã thua trong Thế Chiến Thứ Hai. Lý giải ra sao? Họ thua vì họ không có chính nghĩa trong cuộc chiến xâm lăng phục vụ cho cái gọi là Đại Đông Á định thu tất cả vùng đất này vào trong cái túi thực dân của họ. Những người lính Nhật khi đầu hàng cũng đã…kỷ luật tới mức làm những người thắng trận kính phục. Ông Nguyễn Đình Đăng, một khoa học gia Việt Nam làm việc lâu năm ở Nhật, đã cho rằng sự thất trận của Nhật là cái “may mắn” lớn nhất cho nước Nhật! Chính cái thất bại nhục nhã này đã khiến dân tộc Nhật trở nên khiêm tốn, nhún nhường và quyết tâm…rửa hận. Họ đã muôn người như một đưa một nước Nhật bại trận lên thành một quốc gia khiến thế giới phải khâm phục, nhất là về mặt kỷ luật và chính trực. Trong bài “Cuộc Sống Ở Nhật Bản” viết vào năm ngoái, 2013, ông Đăng kể lại: “Hồi còn đi học, tôi đọc sách thấy nói mô hình của xã hội giàu có thanh bình là thời vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, tiền rơi ngoài đường không có ai thèm nhặt. Lúc đó tôi đã tự hỏi không biết bao giờ và ở đâu mới lại có được một xã hội như vậy. Nhật Bản là câu trả lời khẳng định cho tôi. Ở đây đi tàu mà bạn vô tình quên túi xách trên tàu, bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến nhận vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến cả. Một lần đi tàu ra sân bay, sau khi chúng tôi lên tàu rồi, trong lúc chờ tàu khởi hành, bỗng một nhân viên nhà ga xuất hiện, tay giơ cao một cái túi và nói to đủ để tất cả hành khách đều nghe thấy: “Cái túi này của ai đây?”. Vợ tôi giật mình nhận ra đó chính là túi của mình để quên trên ghế phòng đợi tàu, vội chạy tới nhận, chỉ vài giây trước khi tàu chuyển bánh. Một lần khác, vợ tôi đi chợ và đánh rơi ví. Trong ví có tiền, giấy căn cước, chìa khóa nhà…Hai hôm sau, người gác cửa báo xuống nhận. Người nhặt được ví đã mang đến trả tận nơi là một sinh viên. Con trai tôi có lần đi chơi cũng đánh rơi ví, trong ví đó có thẻ học sinh và chìa khóa vào nhà. Mấy hôm sau, những thứ cháu đánh rơi đã được ai đó tìm thấy và gửi đến địa chỉ nhà tôi mà không đề địa chỉ người gửi. Năm 1999, chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại Viện Nghiên Cứu Vật Lý Hóa Học Nhật Bản (gọi tắt là viện RIKEN), nơi tôi làm việc từ 1995 tới nay. Một nhà vật lý Ý đại biểu hội nghị, trong khi đi chơi ở Tokyo, đã đánh rơi hộ chiếu của mình. Anh hết sức hốt hoảng vì chỉ hai ngày sau sẽ phải bay về nước. Chúng tôi nói anh cứ yên trí, gọi điện báo cho Đại Sứ Quán Ý, rồi ngồi chờ. Quả nhiên ngày hôm sau. Đại Sứ Quán gọi điện nói có người đã nhặt được hộ chiếu của anh và gửi đến Đại Sứ Quán, anh chỉ việc đến nhận lại hộ chiếu. Anh thốt lên: “Thật là không thể tin được!”. Anh đã lên đường về nước đúng như lịch trình”.
Một dân tộc…Nghiêu Thuấn như vậy chắc sẽ rất ngạc nhiên khi chính họ bị những người vô kỷ luật của một xứ sở khác đối xử một cách bất nhã. Hoa anh đào là một thứ quốc hồn quốc túy mà người Nhật muốn mang khoe ra khắp thế giới. Cánh hoa mỏng manh nhưng đã thành biểu tượng của xứ mặt trời mọc. Cứ nhìn thấy anh đào là biết ngay hoa…Nhật dù nhìn thấy ở Washington, Vancouver, nơi tôi đã có dịp tới ngắm hoa, hay ở biết bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới. Vài năm trước đây, người Nhật mang anh đào qua khoe ở Việt Nam và họ đã bị hố.
Ngày 6 tháng 4 năm 2008, họ mang ba cây anh đào qua tổ chức lễ hội hoa tại Giảng Võ, Hà Nội. Dân thủ đô rầm rập kéo nhau đi xem. Nhưng họ không chỉ đi xem mà vặt trụi hết hoa mặc dù hội hoa chưa kết thúc. Một năm sau, ngày 12 tháng 4 năm 2009, họ mang sang 6 cây anh đào trĩu hoa để triển lãm nữa. Lần này các cây anh đào được bình an, không phải vì dân ta đã có kỷ luật mà vì họ đã phải huy động tới 500 công an và nhân viên bảo vệ. Mới đây, ngày 11 tháng 1 năm 2014, công ty bán lẻ Aeoon Mall của Nhật cũng mang hoa anh đào sang triển lãm nhân dịp khai trương cửa hàng tại quận Tân Phú, Sài Gòn. Buổi lễ khai mạc chưa kết thúc thì dân nước ta đã a-la-xô vào vặt trụi hết hoa. Ban quản lý người Nhật chỉ biết mở to mắt ngỡ ngàng trước cảnh ái mộ hoa quá cỡ của dân Việt ta.
Ngót bảy chục năm trước, quân lính Nhật đã nhét người bán cám trộn mùn cưa vào xác ngựa để giết người con buôn gian tham. Ngày nay những người Nhật mang anh đào qua nước ta không phải là binh sĩ. Họ là những nhà ngoại giao hay những thương nhân. Họ chỉ biết giương mắt ngỡ ngàng. Những con người kỷ luật đầy mình này nghĩ gì trong đầu họ, đó mới là điều nhức nhối!
01/2014
|