Ăn Tết dĩ nhiên chuyện ăn đứng vào hàng đầu. Lo cả tháng cho mọi thứ ăn. Nhưng tết nhất lo ăn chưa đủ. Phải lo chuyện tiếp khách tới chúc tết. Ngày còn ở trong nước, chuyện đi chúc tết họ hàng bà con hoặc thày cô bạn bè là chuyện…mồ hôi! Trên chiếc honda hoặc vespa, lambretta, vợ chồng con cái xúm xít chen chúc nhau chạy tất tưởi giữa Sài Gòn nóng chảy mỡ, cố làm sao cho hoàn thành số địa chỉ phải tới. Mỗi nhà chỉ ngồi chưa nóng bàn tọa đã nhấp nhổm chạy đi nhà khác, vậy mà vẫn phải nhấp một ly rượu, ăn vài miếng bánh miếng mứt và hít một điếu thuốc. Cái mục hít này hồi đó còn rất thời thượng. Hình như miệng phải cắm điếu thuốc mới là tình nghĩa.
Nhớ lại ngày đó, thuốc lá là mối lo trước tết. Thường thì phải bắt vài tút 555 hoặc Craven’A, vài tút Salem hay Kool để hợp với mọi gu của khách. Ngon hơn nữa là săn được thứ hộp tròn 50 điếu, mở nắp hộp, thơm lừng, kéo miếng bìa cao lên một chút cho khách nhón một điếu. Chiếc hộp quẹt máy Zippo nằm đó sẵn sàng nháng lên ánh lửa. Vậy là…đẳng cấp!
Ngày đó thuốc lá Mỹ còn là biểu hiện sự lịch lãm. Ngày nay, ở Sài Gòn chẳng biết thuốc thiếc ra sao chứ ở hải ngoại, thuốc lá bị đuổi như đuổi tà. Ngay từ cuối thế kỷ trước, các bao thuốc lá đã phải in những hàng chữ dọa khách hàng. Hút thuốc có hại và mang tới vô số bệnh tật. Luật bắt phải làm như vậy. Dọa như vậy mà dân hít vẫn cứ nhởn nhơ chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Vậy nên luật phải tiến thêm một bước. Bắt in hình những lá phổi rữa vì ung thư cho thiên hạ ngán. Có người ngán, chia tay với nhúm cỏ tương tư, có người chẳng thèm ngán, vẫn cứ thả khói như điên. Đến bây giờ, tính sổ lại các ông bạn còn vương vấn với thuốc lá, phải kể ông Du Tử Lê ở Cali, ông Hồ Đình Nghiêm ở Montréal và ông Nam Dao ở Québec. Phải thêm ông Đỗ Quý Toàn nữa mới đủ bộ tướng sĩ tượng. Tôi ít khi gặp nhà bình luận có mác Ngô Nhân Dụng này. Mới đây, tháng 10 vừa qua, ông về lại Montreal, tôi mới được gặp. Nói ông ấy “về” là vì hai chục năm trước ông là dân Montreal chúng tôi. Ông không có chi thay đổi. Vẫn bộ răng khói vàng, ngón tay khói vàng và cái tẩu thuốc cũng vàng khói. Ngồi ăn ông cứ nhấp nhổm không yên. Rồi ông khoác áo đứng dậy, bên ngoài trời đã chớm thu, ông mở cửa xông ra ngoài sương gió, chỉ để lại một câu bình luận: “Thế giới này thay đổi hết rồi!”. Ông nhà thơ họ Đỗ về Montreal kỳ này là để ra mắt cuốn “Đứng Vững Ngàn Năm” mới toanh của ông. Cái tài nhả khói của ông, tôi thấy chắc cũng sẽ…đứng vững ngàn năm!
Ông Du Tử Lê là một nhà lý luận rất xuất sắc về chuyện hít khói. Trong một bài viết, cô con gái Orchid Lâm Quỳnh đã méc: “Và họ sẽ không hiểu khi thấy ông Du Tử Lê vừa hút thuốc lá vừa siêng năng chạy treadmill, chỉ vì bác sĩ dặn phải bỏ thuốc lá. Bố tin rằng vừa hút vừa chạy treadmill coi như không hút gì cả”
Ông Nam Dao là người có nhiều thiện chí. Khi sắp có cháu nội, ông nhận được tối hậu thư của con trai: nếu không bỏ thuốc sẽ không có vụ được gần cháu vì khói thuốc có hại cho con nít mới sanh. Một tháng trước khi có cháu, lên chơi Montréal, gặp tôi, ông cho biết nhất định sẽ chừa tật phun khói. Vài tháng sau, gặp lại tôi thấy tay ông không còn chiếc pipe…truyền thống. Vậy là ông có điểm. Ít lâu sau, gặp lại, chiếc tẩu lại kè kè trên tay, ngúc đầu hỏi, ông cười: đếch bỏ được toa ạ! Cho tới bây giờ ông cứ ì ra tiếp tục phun khói, vậy mà con chịu thua, vẫn gần được cháu.
Ông Văn Quang ở Việt Nam cũng là một cao thủ về…ngụy biện. Trong một bài viết mới đây, ông biện bạch: “Tôi xin tỏ lòng ngưỡng mộ với các vị đã đoạn tuyệt với thuốc lá. Tôi bỏ vài tháng, nhưng sau này không đi chơi, không cờ bịch nữa, chẳng còn cái thú gì. Vả lại khi ngồi gõ máy, cứ thấy “thiêu thiếu” một cái gì ấy, có lẽ là thiếu thứ tạo nên cảm hứng nên lại hút thuốc lá ‘cho đời lên hương”. Tôi biết đó chỉ là ngụy biện cho cái thói hư tật xấu của mình, nhưng không thích bỏ thì cứ hút. Tám bó có lẻ rồi, mà mình hút thuốc lá đã hơn 60 năm cuộc đời có chết vì ho lao hay ung thư đâu. Khối ông từ bé tới lớn không hút thuốc, vậy mà lăn quay ra chết vì bệnh ung thư phổi. Như ông Thái Thủy từ nhỏ tới già không hút thuốc, thế mà chết vì bệnh phổi đấy các cụ ạ. Thế có “phản khoa học” không? Tôi chịu thua!”.
Các ông này dở tuốt. Chẳng được như văn hào Mark Twain. Ông nhà văn chuyên viết trào phúng này đã trợn mắt khi được hỏi về việc bỏ thuốc lá: “Bỏ thuốc lá hả? Dễ ẹc! Tôi đã bỏ cả ngàn lần rồi!”.
Khoa học ngày nay đã quả quyết là hút thuốc lá có hại. Bởi vì khi hít chất khói vào phổi, chúng ta đã hít vào chất nicotine. Đây là một chất gây nghiện được con người tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, đứng ngang hàng với các hoạt chất của ma túy như héroine hay cocaine. Khoảng 7 giây sau khi hít vào phổi, chất độc này bắt đầu xông lên não bộ, gây cảm giác…phê! Ngoài nicotine trong mỗi điếu thuốc lá còn chứa tới hơn bốn ngàn chất khác, toàn là những chất độc hại!
Cái phiền phức là thuốc lá hại không chỉ cho người hút mà còn hại cho các người chung quanh khi họ ngửi khói thuốc. Kể từ đầu thế kỷ thứ 21, hút thuốc lá cũng bị coi như là hút xì ke! Bao nhiêu tiền của đã và đang đổ ra, bao nhiêu công lao chỉ để giúp người ta ngăn ngừa thuốc lá. Thuốc lá cứ từ từ bị cô lập. Không được bày bán công khai mà phải để trong những chiếc tủ có nắp đóng kín mít, như một cỗ quan tài, ai mua mới được lấy ra. Cứ như đồ quốc cấm! Đối với các đệ tử của làng hít, người ta khuyến khích dứt điểm với thứ tương tư thảo mà nhân loại đã phì phèo từ bao nhiêu thế kỷ qua. Nào cai hút miễn phí, nào chế ra kẹo cao su cho những người hút thuốc dễ chấm dứt nhung nhớ làn khói thơm, nào chế ra miếng dán có chất nicotine cho các bợm hút đỡ ngáp vặt. Rồi cấm hít trong các tiệm ăn, các nơi công cộng. Ở nhà vợ con…cấm vận, muốn hít mời ra khỏi nhà mà phì phèo. Bị đối xử cứ như…hủi. Vậy mà hủi nhất định không bỏ hít. Bỏ chất tương tư không phải là dễ. Khó như con nít bỏ bú tí mẹ. Phải có quyết tâm và đầy ý chí.
Ông Nguyễn Hữu Hanh, chuyên viên kinh tế quốc tế, cố vấn kinh tế và tài chánh cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ năm 1955 đến 1962, là người hút thuốc rất hiên ngang. Tổng Thống Diệm hút thuốc liên miên, điếu nọ nối tiếp điếu kia, là điều ai cũng biết. Không ai dám hút thuốc khi ngồi họp với Tổng Thống trừ hai người: ông Hanh và ông Vũ Văn Thái. Ông Nguyễn Hữu Hanh kể trong cuốn hồi ký “Câu Chuyện Đời Tôi”: “Khi tôi đốt một điếu thuốc trước mặt ông (Diệm), thì ông đẩy cái gạt tàn về phía tôi. Ông thường hút thuốc điếu này nối điếu khác, rồi chỉ sau vài hơi đã dụi đi, nhưng vẫn hút. Nhắc tới đây, tôi nhớ lại chuyện quyết định bỏ thuốc lá sau nhiều năm “nghiện ngập”. Ngày 31-12-1965, sau bữa tiệc cuối năm và điếu thuốc cuối cùng, tôi đã liệng qua cửa sổ tất cả “đồ nghề” gồm có bật lửa bằng vàng, hộp thuốc lá đắt tiền và tất cả số thuốc còn lại, tự thề không bao giờ cầm lại điếu thuốc nào nữa. Xong tôi gọi bồi bảo cho hay đừng lượm vào cho tôi. Quả thật là địa ngục, trong suốt cả tháng trời sau khi bỏ thuốc lá, tôi thèm thuốc lá một cách tệ hại và có nhiều lần khi đi tiếp tân, có người đưa thuốc mời, tay phải tôi vừa chìa ra định đón lấy điếu thuốc, thì tự nhiên tay kia kéo tay phải về. Cũng từ đó tôi bỏ thuốc vĩnh viễn, không bao giờ hút trở lại. Bỏ thuốc lá rất khó, đòi hỏi rất nhiều nghị lực và can đảm”.
Nghị lực và can đảm bỏ thuốc là điều không nên đòi hỏi nơi các bạn tôi. Thiếu khói thơm là anh “yên sĩ phi lý thuần” (các cụ đồ nho phiên âm chữ inspiration!) cũng bỏ đi mất tiêu, lấy hứng đâu mà sáng tác. Từ ngày ông Nguyễn Hữu Hanh bỏ thuốc tới nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua, loài người đối đãi với nhau ít gay gắt hơn. Không ai có thể khơi khơi đòi “ nghị lực và can đảm” nơi người khác. Muốn người khác bỏ thuốc cho sạch môi trường, cần phải biết dỗ ngọt. Vậy là thuốc lá điện tử e-cigar có mặt. Thời đại điện tử, cái chi dính tới điện tử là ngon lành.
Thuốc lá điện tử ra đời vào năm 2003, mới có chục năm, nên đây là một sáng chế mới toanh, rất hiện đại. Ý tưởng về thuốc lá điện tử đã được ông Herbert A. Gilbert nghĩ ra vào năm 1963. Vậy mà cứ cò cưa cho đến bốn chục năm sau, một dược sĩ Trung quốc tên Hàn Lực mới phát triển thành điếu thuốc lá điện tử có hình dáng như ngày nay. Hình dáng này cũng chẳng có chi đặc biệt, nó y chang như điếu thuốc lá thường, cũng đủ kích cỡ, muốn chơi xì gà điện tử cũng có.
Trong ruột thuốc lá điện tử có ba phần: đầu lọc chứa nicotine và chất tạo mùi thơm; thân là một bộ vi mạch làm khởi động bộ phận phun hỗn hợp hơi lỏng khi người hút hít vào; và khoang chứa cục pin. Ngoài ra còn có một đốm lửa giả ở đầu điếu thuốc khi tỏ khi mờ theo nhịp rít trông giống như lửa ở đầu điếu thuốc thật.
Đầu lọc chứa chất nicotine đã được tinh chế nên ít hại. Khi lượng khói thuốc giảm đi, khoảng sau 300 cú rít, thì phải thay đầu lọc khác. Mức độ nicotine trong đầu lọc có bốn cấp: nặng, trung bình, nhẹ và không có nicotine. Loại cao có 18 mg lượng nicotine, loại trung bình có 14 mg, loại nhẹ có 6 mg. Loại không có nicotine dĩ nhiên là 0 mg! Chắc cũng như ngày xưa miền Nam chúng ta có thuốc lá đen như Bastos hay Mélia, thuốc lá thơm như Cotab, Capstan, chưa kể đến thuốc lá ngoại quốc có loại nặng như Lucky có loại nhẹ hều như Salem. Khi còn lính Pháp ở Việt Nam, bậc cha chú của tôi thường hút thứ thuốc lá đen Gaulois. Khi quân đội đồng minh tham chiến ở Việt Nam, thuốc lá Mỹ rặt một thứ thuốc thơm.
Thuốc lá điện tử là một loại…hình như là thuốc lá. Cũng rít, cũng phê, cũng đỏ đầu lửa, cũng có tí khói nhưng không có nhựa thuốc lá, không có các chất gây ung thư và không tạo ra bốn ngàn hóa chất độc hại như thuốc lá chính cống bà lang trọc. Người ngửi khói thuốc lá không bị tổn hại nên tại nhiều nơi, thuốc lá điện tử được nghênh ngang hít nơi công cộng. Cũng đỡ khổ dữ! Đang ngồi nhậu với bạn bè, rượu ngon, thức ăn ngon, muốn rít một điếu thuốc ngon mà không đặng. Khổ cái thân ghiền! Ông Hồ Đình Nghiêm nhấp nha nhấp nhổm. Ngoài trời giá lạnh, tuyết ngập vỉa hè, khoác cái áo lạnh đã ngại, đưa thân ra chốn gió tuyết thui thủi đứng một mình rít lấy rít để cho xong, còn chi là thú. Ông Nam Dao, tay mân mê chiếc tẩu, nhồi thuốc, hít khan vài cái cho đỡ ghiền. Có bữa quá lố, bật chiếc bật lửa, đốt sơ một cái, hít lẹ như tên trộm, ém hết khói trong miệng, còn chi là nam nhi chi chí.
Như vậy thuốc lá điện tử là cứu tinh của nhân loại chăng? Chưa ngon ơ đến vậy đâu! Người ta còn phải nghiên cứu cho cặn kẽ. Cơ quan FDA của Mỹ chưa gật đầu. Ông Douglas Bettcher, của Tổ chức Y tế Thế Giới WHO cho biết là chưa có nghiên cứu khoa học nào xác minh được độ tin cậy và hiệu quả của thuốc lá điện tử. Ông khẳng định: “Thuốc lá điện tử không phải là liệu pháp thay thế chất nicotine như được tuyên truyền trước đó”. Các nước Úc, Canada và Ba Tây còn cấm lưu hành e-cigar. Phần lớn các nghi kỵ phát xuất từ cách chế tạo của các nhà sản xuất. Chẳng hạn như việc tinh chế chất nicotin. Nicotin tinh chế ít độc hại hơn, ai cũng biết vậy. Nhưng việc tinh chế nicotin có giá thành rất cao. Liệu các nhà sản xuất có vì lợi nhuận mà làm qua quít sơ sài hay không? Nhất là các nhà sản xuất này phần lớn có quốc tịch…China!
Mặc những tranh cãi, dân chúng vẫn tiêu thụ thuốc lá điện tử như điên. Mỗi năm mỗi tăng. Nguyên tại Mỹ, người ta dự đoán doanh số năm nay sẽ là 1 tỷ 700 triệu đô. Giới trẻ là những khách hàng chủ lực. Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) của chính phủ Mỹ đã làm một cuộc thí nghiệm và, trong một thông báo vào ngày 5 tháng 9 năm 2013, cho biết trong năm 2012 số học sinh trung học hít thử thuốc lá điện tử đã tăng tới 10%, năm 2011 chỉ tăng có 4,7%. Kết quả này khiến việc đưa ra những luật lệ về thuốc lá điện tử là cần thiết. Hiện có tới 300 loại e-cigar khác nhau trên thị trường. Chỉ cần với tay là có tí…điện tử ngậm chơi!
Người ta chơi thuốc lá điện tử tưng bừng như vậy, các bạn tôi đã thử chưa? Tôi quả dại dột khi đặt ra câu hỏi. Một ông bạn đã nghênh mặt hỏi lại: “Hỏi thật bạn nhé! Cái núm vú thứ thiệt và cái núm vú cao su có khác nhau không?”. Hỏi vậy làm sao trả lời. Ngọng miệng là cái chắc.
Nghĩ kỹ lại thì chắc khác thiệt. Cứ tưởng tượng thử coi. Ngày xưa, đóng quân ngoài tiền đồn, buồn thối ruột, chia nhau điếu thuốc, ân tình biết mấy. Trong quán cà phê, thèm một tí khói, hỏi xin bạn một điếu, chụm đầu vào nhau nhen lửa, ấm cúng biết bao nhiêu. Bi chừ, túi chỉ có điếu thuốc điện tử cứng còng còng, của ai nấy hút, chia chác chi được, còn đâu ân tình, còn đâu ấm cúng.
Ngày tết, tới chúc tuổi nhau, anh móc ra một cục, tôi móc ra một cục, cứng ngắc bờ môi. Thuốc anh anh rít, thuốc tôi tôi hút, cũng có tí khói đấy, nhưng là khói giả. Cứ như cái lò sưởi có ngọn lửa điện, cũng bập bùng nhảy múa, nhưng tìm đâu ra cái ấm cúng của một ngọn lửa có hơi ấm, có tàn tro. Cứ tưởng tượng trên bàn thờ hai cây nến điện với ngọn lửa giả nhảy múa huyên thuyên một điệu cứng ngắc trong chiếc bóng thủy tinh. Chắc các cụ về hưởng lộc của con cháu cũng thở dài chán ngán. Nghĩ vậy mới hiểu được những người bạn đốt khói của tôi. Hít thứ điện tử chắc “yên sĩ phi lý thuần” đi chơi chỗ khác hết. Phải là điếu thuốc…chân chính.Thứ cứng còng còng, chẳng chơi!
Quê người chúng ta đang sống, cũng đã lâu năm nên gần như quê mình. Hình như chúng ta đã quen với cuộc sống bên đây nên cuộc sống ở Sài Gòn năm xưa cũng đã nhạt nhòa khi tỏ khi mờ. Vậy mà đôi khi nó cũng đứng dậy làm nao lòng chúng ta. Ngày hôm qua, tình cờ gặp lại một người bạn xưa của những ngày Sài Gòn cũ. Bắt đầu câu chuyện, anh rút thuốc ra mời, tôi từ chối. Anh nhìn tôi, nhác một nụ cười chế giễu: “Cậu mất lập trường rồi à? Tớ vẫn chung tình với khói thuốc. Nhất định không thay đổi!”.Tôi chẳng tiếc một hơi khói nhưng tiếc những ngày tết năm xưa, khi tôi tới chơi nhà anh vào mỗi mùng ba tết, ngày dành đi thăm bạn. Mỗi người một điếu thuốc, khói cuộn vào nhau, chuyện trò râm ran, ấm lòng chi lạ!
11/2013
|