Làm giầu có khó không? Dễ ẹc! Ngay một cậu bé chăn trâu cũng có thể trở thành tỷ phú được. Như ông Hồ Văn Trung. Ông có một thứ ít người có nhưng chẳng ai mong có: ông ra đời đúng vào ngày cha ông mất. Mồ côi cha từ khi vừa “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra”. Nghèo sát đất ngay từ những ngày còn nhỏ tại làng quê La Khê, Hương Trà, Thừa Thiên nơi miền Trung Việt Nam, ông phải đi chăn trâu thuê cho người ta. Gia đình ông ngày đó chỉ có ba người sống trong một túp lều dựng tạm, không có một chút tài sản đáng giá nào. Mẹ ông là người đàn bà chân quê nhưng biết trọng chữ nghĩa. Bà đã dãi nắng dầm sương trên ruộng đồng cằn cỗi, làm thuê làm mướn cho người khác. Có khi còn đi ở đợ để cho ông và người chị hơn ông 5 tuổi được cắp sách tới trường như những đứa trẻ khác.Nhưng cái nghèo không nhận chìm được ông. Trái lại ông cho đó là một điều may mắn vì chính nhờ gian khổ mà ông mới có ý chí vươn lên.
Cuộc đời của ông được ghi lại trong cuốn tự truyện mới phát hành trong tháng 10 vừa qua mang tên “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách”. Ông viết: “Chúng ta không thể quyết định nơi mình sinh ra hay hoàn cảnh nào sẽ nuôi dưỡng mình. Sinh ra trong một hoàn cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ nhưng hơn hết tôi lại thấy mình là một đứa trẻ may mắn”. May mắn vì sự thiếu may mắn đã sớm giúp ông nhận ra chỉ có học vấn mới giúp con người thoát ra khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc đời. Ông Trung học rất xuất sắc, thi đậu được vào Đại Học Huế. Học chỉ được một năm, ông…cựa mình, chu du vào Sài Gòn vì “đó là nơi chứa đựng bao thứ tươi đẹp mà một người trẻ như tôi luôn khao khát đặt chân đến. Là mảnh đất phồn hoa, trù phú, là niềm hy vọng của biết bao người ở tỉnh lẻ”. Cuộc phiêu lưu đánh ông tối tăm mặt mày. Cái bụng bao giờ cũng lỏng lẻo. Thậm chí có lần ông đã ngất xỉu vì đói ngay trong nhà của học trò mà ông đang dạy kèm. Tuy vậy ông vẫn tiếp tục việc học tại Đại học Khoa Học Sài Gòn.
Sau hơn ba năm tù tội dưới chế độ cộng sản, năm 1980, ông Trung vượt biên tới Úc. Vừa đặt chân tới vùng đất hứa, ông tiếp tục đi học trong khi vợ đi rửa chén bát cho một nhà hàng. Năm 1983 vợ chồng ông mở tiệm ăn Việt Nam tại Wollongong. Tiệm ăn thuộc loại đông khách nhất trong vùng. Hai năm sau, ông lại cựa quậy! Ông thành lập một hãng chế biến thực phẩm đông lạnh tại Sydney mang tên Trangs Foods có thương vụ với tất cả các siêu thị ở Úc như Woolworths, Franklins và Coles. Món hàng chính của ông là chả giò. Tại sao lại chả giò? Đó là nỗi ám ảnh của cuộc đời ông. Ông Trung thành thật thú nhận: “Nói ra thì tức cười, bởi tôi không biết đến lúc bao nhiêu tuổi mới ăn được cuốn chả giò, vì hồi đó nhà tôi nghèo lắm, cơm còn không có ăn!”
Ông tự chế tạo dàn máy chế biến chả giò tự động. Dàn máy này hoàn tất một cuốn chả giò từ A đến Z. Bàn tay con người không phải đụng tới. Khởi đầu làm bánh tráng, bỏ nhân, cắt, dán và sau cùng là cuốn. Máy có thể điều chỉnh độ lớn nhỏ của chả giò bằng hệ thống hơi và điện. Cả dàn máy chỉ cần một người điều khiển và có thể cho ra lò từ 45 đến 60 cuốn mỗi phút tùy theo kích thước lớn nhỏ của chả giò. Ông Trung đã đăng ký bản quyền cho dàn máy này tại Úc. Máy cũng đã được xuất cảng sang Noumea và Vanuatu và đang dự tính mở rộng xuất cảng sang Âu châu, Mỹ và Đông Nam Á.
Thành công của ông Hồ văn Trung là phần thưởng cho một người ham nghiên cứu khoa học và rất thích đọc sách. Ông lại là người có trước có sau, tiền bạc thênh thang ngày nay vẫn không làm ông quên được những ngày tháng nhọc nhằn ngày xưa khi còn phải đi chăn trâu thuê. Ông cho biết: “Tôi có một cuộc đời đáng sống và đáng tự hào. Chưa bao giờ tôi mặc cảm bởi sự nghèo đói, mà ngược lại, tôi xem đó là một điều may mắn bởi chính nhờ gian khó mà tôi mới nên người. Nhìn lại cuộc đời nổi trôi theo vận nước của mình, tôi lại thấy mình vinh hạnh khi có thể trở thành chứng nhân, ghi lại cho thế hệ trẻ một giai đoạn lịch sử mà những thanh niên yêu nước đã sống và nghĩ như thế nào. Ngẫm lại hành trình đã qua, mỗi giai đoạn là một cột mốc thay đổi cuộc đời tôi. Có lúc cay đắng, khi ngập trong đói khổ, nợ nần, có lúc “lên mây xanh” khi thành công và tiền bạc đến cùng lúc, nhưng nhìn lại hành trình đó tôi thấy đẹp nhất và nhớ nhất là những ngày tháng của tuổi ấu thơ với hạnh phúc rất giản dị. Như việc ấm áp, bình an lúc ngủ nệm rơm và đắp bao bố khi mùa Đông về. Kỷ niệm đó không thể phôi phai trong lòng tôi, bởi cảm giác ngủ ở khách sạn 7 sao không thể so sánh với ngủ nệm rơm và đắp bao bố”.
Không quên thời ở tận cùng của sự nghèo khó, ông Hồ Văn Trung đã thành lập Quỹ Trangs Foundation để giúp những người nghèo khó và tặng học bổng cho các học sinh và sinh viên.
Làm giầu có khó không? Dễ ẹc! Đặt chân đến Mỹ với vỏn vẹn 2 đô trong túi, vậy mà cũng trở thành tỷ phú. Người biết lượm tiền tại Mỹ là anh Trung Dung, năm nay mới 46 tuổi. Năm 1975, cha anh khi đó là một Trung Úy, đã bị bắt đi tù dưới cái tên mỹ miều là “học tập cải tạo” trong gần 10 năm. Sau khi được trở về với gia đình, ông đã mang cả gia đình vượt biên vào năm 1984.
Hành trang khi đặt chân tới Mỹ của anh Trung Dung là vài câu tiếng Anh sơ sài và 2 đô trong túi! Cả hai thứ không hứa hẹn được một cuộc đời khấm khá nơi mảnh đất tạm dung. Cậu thiếu niên 17 tuổi khi ấy chỉ có lòng ham học là thứ vốn quý. Bắt đầu cuộc sống mới bằng công việc làm đêm tại một nhà hàng và gác cổng một bệnh viện vào cuối tuần với số tiền kiếm được của cả hai job là 350 đô. Ban ngày cậu Dung đi học. Chỉ vỏn vẹn trong ba năm, cậu đã tốt nghiệp Đại học Massachusetts và tiếp tục lấy bằng MBA về Toán và Computer Science tại Boston University. Cậu là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc vì có năng khiếu xuất chúng về toán tuy tiếng Anh của cậu không bằng ai.
Tốt nghiệp, anh Trung Dung vào làm cho một công ty chuyên về điện tử tên OpenMarket. Chỉ sau vài năm, anh xin thôi việc. Đây là một quyết định khá táo bạo vì với sự từ giã công ty, anh mất luôn quyền giữ cổ phiếu trị giá tới một triệu đô! Anh ra làm ăn riêng khi thiết lập công ty OnDisplay vào năm 1996. Bước khởi đầu là bước gian nan vì không kiếm được khách hàng. Nhưng chỉ ba năm sau, công ty của anh đã làm ăn khấm khá và năm 1999 công ty gia nhập vào thị trường chứng khoán. Lợi tức của công ty đã lên tới con số hàng triệu và là mẫu mực cho sự trỗi dậy của những doanh nghiệp mà chủ nhân là người gốc Á trong ngành điện toán tại Mỹ. Chỉ một năm sau, năm khởi đầu thiên niên kỷ mới 2000, anh chính thức tham gia vào hàng ngũ các nhà tỷ phú bằng việc bán OnDisplay với giá 1 tỷ 800 ngàn! Bên mua là công ty Vignette Corporation, nay đổi tên là OpenText. Thành quả của anh đã được các báo và tạp chí chuyên về kinh tế như Forbes, Financial Times và Wall Street Journal viết bài ca ngợi. Năm 2001, Dan Rather của đài CBS cho xuất bản cuốn sách mang tên The American Dream (Giấc Mộng Mỹ) viết về 17 khuôn mặt di dân thành công trên miền đất hứa. Anh Trung Dung là một trong 17 khuôn mặt đó. Năm 2006, anh về Việt Nam để nghiên cứu tình hình. Khi trở lại Mỹ, anh cho biết: “Tôi không nghĩ là tôi có thể trở về lần nữa”.
Tôi vừa kể chuyện hai ông người Việt, từ tay trắng trở thành tỷ phú tại Mỹ. Nghe chuyện, chắc nhiều người trong chúng ta thấy trở thành tỷ phú cũng dễ. Nhất là chúng ta là người Á châu. Tôi không có ý phân biệt chủng tộc. Đây là nghiên cứu đàng hoàng của Pew Research Center, một công ty sừng sỏ trong ngành thống kê. Theo bản phân tích mới nhất của công ty này thực hiện từ năm 2008 đến 2010 thì những gia đình mà các cặp vợ chồng có dính tới người châu Á giầu hơn những sắc dân khác. Một ông gốc Á lấy một bà gốc Âu là thứ giầu nhất, trung bình thu nhập hàng năm của họ lên tới 71.800 đô. Một bà gốc Á cưới một ông gốc Âu thu nhập thấp hơn chút đỉnh, 70.952 đô mỗi năm. Hai vợ chồng đều da vàng mũi tẹt kiếm được 62 ngàn mỗi năm, đứng đầu về sự giầu có trong số các cặp cùng màu da. Ba hạng đầu bảng đều dính tới dân da vàng. Ngon chưa! Thử nhìn xuống phía dưới coi. Xếp hạng bốn là vợ gốc…xì chống gốc Âu với 60.990 đô. Hạng năm vợ gốc Phi châu chồng gốc Âu với 60.762 đô. Tới hạng sáu mới tới gia đình mà vợ chồng đều gốc Âu, diễn nôm ra là gia đình thuần Mỹ, kiếm chỉ 60 ngàn một năm. Hạng chót bẹt là vợ chồng đều là dân xì với vỏn vẹn 35.578 đô!
Báo New York Times cũng có bài viết về chuyện giàu nghèo liên quan tới vợ chồng cùng hay khác chủng tộc này. Bài báo mang tên Interracial Couples Who Make The Most Money (Vợ Chồng Dị Chủng Kiếm Nhiều Tiền Hơn) cũng công nhận là dân da vàng coi bộ có duyên với tiền bạc hơn. Cứ một ông tây hay một bà đầm mà ca bài hợp cẩn với dân da vàng bao giờ cũng khấm khá hơn là dân trắng tinh chơi với nhau. Tuy bài báo có cái tên rất là dị chủng nhưng họ cũng công nhận là có ba bảy đường dị chủng. Dị chủng với da vàng khấm khá hơn là dị chủng với dân da đen hoặc da…chì!
Giơ tay lên ngắm, nhìn thấy rõ màu vàng thân thương, nhưng sao tôi không là tỷ phú? Câu hỏi nghe nhức nhối. Có lẽ tại tôi không thích làm giầu, lý do tại sao, hồi cuối sẽ nói. Nhưng dân con rồng cháu lạc ta tuy lếch thếch di tản mới trên ba chục năm vậy mà coi bộ cái tay vơ tiền của dân Mỹ cũng khá nhanh nhẹn. Tới khu Little Saigon mắt có mờ tới đâu cũng phải nhìn thấy tòa nhà Phước Lộc Thọ to đùng. Chủ nhân là một người chào đời tại Hải Phòng đó! Ông Triệu Như Phát thực ra là một người Việt gốc Hoa có tên tiếng Hoa là Frank Jao. Sanh năm 1949, năm ông được 5 tuổi, đất nước bị chia cắt, gia đình ông di cư vào Nam. Ông tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ nhưng hoạt động trong ngành thương mại và làm thông dịch viên. Tới Mỹ năm 1975, trong túi ông vỏn vẹn có 50 xu. Gia đình có tới 10 anh chị em nên ông rất vất vả trong những ngày đầu. Đi bỏ báo, bán máy hút bụi, làm công nhân, ông đã từng trải qua một thời vất vả như những người tỵ nạn khác. Cuối cùng ông mới ngộ ra là ngành địa ốc mới là cơ hội kiếm tiền tại Mỹ. Ông theo học ngành này trong một năm và vào làm cho một hãng địa ốc Mỹ. Năm 1978, ông cộng tác với một người Mỹ có kinh nghiệm về ngân hàng và tài chánh để mở một công ty địa ốc riêng mang tên Bridgecreek. Một năm rưỡi sau, người Mỹ này bán lại phần hùn cho ông. Tới nay, sau ba chục năm hoạt động, công ty của ông đã có số vốn lên tới 500 triệu đô.
Làm giầu có khó không? Dễ ẹc! Ngay tới anh Chính Chu mà cũng giầu được. Tốt nghiệp trường Đại Học Buffalo, một trường đại học công chẳng có chút danh tiếng nào, anh vác đơn đi xin việc ở 15 chỗ, anh nhận lại đủ 15 cái thư từ chối! Phải chi anh ra trường từ cỡ những tên tuổi như Harvard, Cornell, Wharton hay Yale thì ngon rồi. Nhưng tới Mỹ với gia đình vào năm 1975, anh mới được 9 tuổi. Cả gia đình trong túi chỉ trần xì vài trăm đô, làm chi mà mơ cỡ Harvard. Vừa đi học anh vừa phải kiếm tiền bằng cách đi bán sách lẻ. Tốt nghiệp Đại Học đã là quý. Anh nghĩ, với văn bằng của một trường công không nổi tiếng, dù anh tốt nghiệp ưu hạng summa cum laude, cái mộng chen chân vào được trung tâm tài chánh của Mỹ ở con đường mang tên Wall là bất khả. Cả một bức tường chắn lối anh. Nhưng anh vẫn…húc! Nhớ lại những ngày này, anh nói: “Trong cuộc sống, bạn cần có tính kiên nhẫn để theo đuổi mục tiêu của mình”. Anh được công ty Salomon Brothers nhận vào năm 1988. Hai năm sau, anh nhảy vào được công ty Blackstone. Cuộc đời anh thăng tiến từ đây. Hiện anh là Đồng Chủ Tịch của công ty này. Được coi là một doanh nhân gốc Á châu thành công nhất trong lãnh vực tài chánh, anh giữ vai trò chủ chốt trong việc công ty Blackstone mua lại nhiều công ty và hãng xưởng mang lại những lợi nhuận lớn cho công ty. Hiện Chính Chu đang thương lượng vụ mua lại công ty điện toán Dell với giá khoảng 25 tỷ đô!
Tài sản của Chính Chu được ước tính là 1 tỷ 100 ngàn đô. Giới văn nghệ biết tới Chính Chu qua người vợ của anh là nữ ca sĩ Hà Phương, chị em ruột của hai nữ ca sĩ Cẩm Ly và Minh Tuyết. “Nhà” của gia đình tỷ phú này là trọn tầng 89 và nửa tầng 90 của tháp Trump World Tower tọa lạc tại 845 United Nation Plaza ở Manhattan, thành phố Nữu Ước, mà anh mua với giá 34 triệu 300 ngàn đô. Căn duplex của gia đình anh, gồm hai vợ chồng và hai cô con gái còn nhỏ, có 34 phòng, rộng 14.864 square feet, 12 phòng ngủ và 16 phòng tắm rưỡi! Ở như thế vẫn chưa đủ nên anh thương lượng để mua nốt nửa tầng 90 còn lại nhưng bất thành. Tầng 90 là tầng cao nhất của tòa nhà mà khi mới hoàn tất vào năm 2001 được coi là tòa nhà chỉ dùng để ở cao nhất thế giới. Không tăng thêm được diện tích ở, anh liền bỏ thêm 5 triệu để nới rộng lên phía nóc tòa nhà. Ngoài căn nhà nằm tuốt trên…trời, Chính Chu còn sở hữu một chiếc máy bay phản lực riêng để di chuyển khắp nơi trên thế giới.
Nhà như vậy, máy bay như vậy, nghe đã thấy mệt. Những cái mình có thường làm mình đau đầu. Tôi có mỗi chiếc xe dùng làm chân di chuyển mà nhiều lúc đã đau đầu. Nó ho hen bệnh tật chút xíu là mất thời giờ lo chạy tới…ông Luân Hoán. Tại sao lại tới ông Luân Hoán? Ông thâm nho Đỗ Quý Toàn, quanh một bàn ăn với anh em viết lách tại Montreal trong dịp ông về quê cũ vừa qua, đã chiết tự: Luân là cái bánh xe, Hoán là chuyển đổi. Ông Luân Hoán chuyên thay bánh xe thì hành nghề garage chứ còn chi nữa! Tôi chỉ có một chiếc xe cà tàng đã đau đầu như vậy, sở hữu một chiếc máy bay như anh Chính Chu nhức đầu tới đâu, tôi không dám nghĩ tiếp.
Tôi nghĩ tới căn nhà gần bốn chục triệu và chiếc máy bay phản lực riêng của anh Chính Chu. Thương anh tỷ phú này quá. Nội hai cái thứ…lăng nhăng đó đã mệt cái đầu. Rồi còn cái gia tài trên một tỷ nữa. Tiền bạc là cái thứ nhấp nhổm chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Nó hành cho trọc đầu. Đâu có ai giữ mãi được đồng tiền bên mình. Cha mẹ, họ hàng, vợ con, bạn bè, chòm xóm, ăn ở làm sao cho được lòng mọi người. Rồi một ngày nào đó, hai tay buông xuôi, thân xác ra đi, tiền bạc nằm lại ở thế gian, tiếc đứt ruột, khắc khoải làm sao nhắm mắt cho thanh thản được!
Bởi vậy cho nên tôi nhất định không làm giầu. Dù làm giầu dễ ẹc!
11/2013
|