Tôi đang mang chiếc xe đi chợ ra trả lại vào nhà để xe sau khi đã chất hết đồ lên xe hơi thì thấy một ông da trắng nhỏ bé đứng có ý chờ tôi. Tôi nhìn ông với nụ cười. Ông cười lại hỏi tôi cách để lấy đồng tiền trong cái lỗ kẹt trên xe ra. Loại xe đi chợ này được cột dính chiếc này với chiếc khác bằng một sợi xích ngắn. Khi muốn lấy ra dùng, người ta phải gài vào lỗ đồng tiền cắc một đô để cho sợi xích bung ra. Khi trả lại xe phải gài chiếc móc ở đầu xích vào một chiếc xe khác cho hai xe dính vào nhau thì mới móc được đồng tiền ra. Dân ở Bắc Mỹ đã quen với loại xe lằng nhằng này. Họ dùng cách này để bắt khách hàng phải để xe vào chỗ quy định, không vứt tứ tung được. Nếu vứt ở ngoài thì mất toi một đô. Tiền là tiền, chẳng ai muốn mất, dù chỉ một đô. Tôi nhìn lên cổ áo ông và biết đây là một linh mục. Tôi chỉ ông cách gài sợi xích để moi đồng tiền ra. Ông cám ơn rối rít và nói thêm: “Ngày nào cũng có những điều mới để học hỏi!”.
Học là chuyện cả đời. Ai tưởng mình là nhất thiên hạ, không thèm học thêm, sẽ bị tụt hậu. Học trong sách vở, trên ti vi, nơi người khác, trong cuộc đời, đó là cách học ngoài trường ốc. Khi nói tới học, chúng ta thường nghĩ ngay tới chuyện của con trẻ, nơi nhà trường. Học để có đạo đức và kiến thức hầu có thể giúp ích cho xã hội. Dân Việt ta rất hiếu học. Ông bà cha mẹ còn hiếu học hơn con cháu nữa! Chẳng thế mà hồi nhỏ, dù chăm học tới đâu đi nữa, cũng có lúc chúng ta bị thúc bách học tới…ghét học! Thuở nhỏ đã có lúc tôi ghét học. Đang chơi đùa thú vị như vậy mà bị bắt buộc làm bạn với sách vở thì làm sao mà thương chữ nghĩa cho được! Ngày tết trung thu, trên bàn cỗ trưng bày cho trẻ con mừng tết có đủ thứ hấp dẫn, nào hồng, nào bưởi, nào bánh nướng bánh dẻo, nào những con giống xanh đỏ đẹp như giấc mộng tuổi thơ, vậy mà cứ bắt con trẻ ngưỡng mộ ông tiến sĩ giấy mặt trắng như sữa ngồi hiên ngang giữa bàn cỗ. Ngày đó, ông tiến sĩ này là nhân vật không được tôi mến mộ. Bởi vì người lớn, hết ông bà cô chú tới cha mẹ, người nào cũng mang ông tiến sĩ ra để khuyên lơn việc học. Làm ông tiến sĩ có chi sướng? Quần áo lớp trong lớp ngoài, cái xanh cái đỏ, vừa dài vừa rộng, làm sao chơi! Cái trò bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng học hay vừa kéo quạt vừa học lóm, những tấm gương hiếu học được nhồi vào đầu ngày nay qua ngày khác, có chi vui? Học không phải là một công việc dễ chịu. Nhưng dễ chịu hay không cũng cứ phải lải nhải như cuốc kêu.
“Tiên học lễ, hậu học văn”, con nít chúng tôi ai cũng thuộc nằm lòng câu…khẩu hiệu này. Nó nằm chình ình ngay phía trên tấm bảng đen, ngày nào vào lớp mà chẳng thấy, lại chỉ vỏn vẹn có sáu chữ, có chậm thông minh tới đâu cũng thuộc vanh vách. Nhưng hiểu được sáu chữ này hầu như bọn nhóc chúng tôi chẳng thèm biết. Vậy mà hầu như đứa nào cũng lễ phép, ngoan ngoãn. Sự học như nước, trí óc chúng tôi như đất, đất ngấm nước lúc nào chẳng biết. Cũng có những đứa hoang đàng nghịch ngợm nhưng không quá đáng như những mầm non của đất nước ngày nay ở Việt Nam.
Nữ sinh chửi tục một cách kinh hoàng, đánh nhau, đánh hội đồng lột áo quần của nạn nhân là những chuyện thường ngày ở huyện. Các nam sinh và phần lớn những người ngoài đường phố đứng làm khán giả hoặc tham gia cổ võ. Nhiều người quay những cảnh đáng xấu hổ này bằng điện thoại di động rồi post lên YouTube cho bàn dân thiên hạ coi thoải mái. Không những ở thủ đô Hà Nội mà hầu như các tỉnh thành ở miền Bắc đều có những trò vô cảm này. Tôi vừa vớ được một bài “tự thán” của một cô gái tên Hoàng Thị Bích Ngọc trên internet. Cô là gái Hà Nội theo gia đình chuyển vào Sài Gòn. “Tôi còn nhớ hồi ở Hà Nội, tôi thường đạp xe thể dục dạo mát quanh hồ Gươm. Ngoài thời gian học tập trên lớp, làm bài ở nhà, còn đâu tôi thường tụ tập bạn bè chửi lộn. Hồi đó tôi quậy có tiếng cả trường, mỗi lần có phi vụ đánh nhau tôi là người được người khác nêu đích danh, chỉ thẳng mặt để mắng nhiếc. Tôi học giỏi, tôi chơi ngông, mọi người thường cố gắng kìm kẹp tôi – đứa con gái trẻ trâu, tồng ngồng, hiếu thắng. Tôi bị mời phụ huynh nhiều đến độ chỉ cần một cuộc điện thoại bố mẹ tôi cũng biết phải làm gì với tôi. Bố vẫn quyết định chuyển công tác, một phần vì công việc bắt buộc, một phần vì muốn thay đổi môi trường học tập của tôi. Ai không biết con gái Bắc nói chuyện chanh chua? Ai chẳng hiểu con gái Bắc đầy ý nhị và kiêu kì?...Kì lạ ở chỗ là trong lớp, ngoài tôi chửi bậy, chả thể tìm được mống thứ hai. Quen thói văng tục chửi thề, tôi thấy mình như người ngoài hành tinh đáp xuống vũ trụ. Chửi hoài mà không ai chửi lại, nói lại riết cũng đâm quê, đâm ngượng, vì dù gì khi đó tôi cũng chỉ là một con bé mới lớn. Đâm ra tần suất chửi thề của tôi ngày càng ít đi, giảm dần và biến mất lúc nào tôi cũng không nhớ rõ. Chỉ có điều tôi cảm thấy dân Sài Gòn, các bạn tôi hiền quá, chúng nó hiền như nai tơ. May mà ở đây chứ thủ đô thì chúng đã bị bọn bạn tôi quay như dế”.
Sài Gòn, Hà Nội có xa xôi chi đâu, cùng một nước cả, sao lại có sự khác biệt lớn lao đến như vậy? Học sinh Sài Gòn thua học sinh Hà Nội về…chửi thề bởi vì Sài Gòn “xã hội chủ nghĩa” chậm hơn. Cũng là tại giáo dục cả. Chương trình học không có môn công dân giáo dục thì các công dân nhí đâu có thể có giáo dục được. Vế “tiên học lễ” rơi rụng thì tìm đâu ra lễ! Thiếu lễ nghĩa, con người trở thành con…rối. Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn là một thứ con rối! Ông này vừa qua Canada xin gặp ông Thượng Nghị Sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải. Ông Hải là người quốc gia như thế nào, ai trong chúng ta cũng biết. Dịp Tết vừa qua, tôi có gặp ông tại Hội Tết của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montreal. Vậy mà chỉ mấy ngày sau, khi trả lời phỏng vấn của ti-vi Phố Bolsa, ông mang danh là Thứ Trưởng này đã xưng xưng nói là ông nói cái chi ông Hải cũng “đồng thuận”, kể cả việc nhà nước đối xử với những nhà hoạt động dân chủ trong nước cũng như gán cho cha Nguyễn văn Lý là người “quậy”. Báo hại ông Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải phải cải chính trối chết: chẳng có đồng thuận cái khỉ khô chi cả! Tôi tìm coi cuộc phỏng vấn. Mặt ông Thứ Trưởng Việt cộng dày dặn, giọng nói thơn thớt, cứ như có tài thu cả vũ trụ vào trong túi. Tôi cố ngắm coi xem ông có một nét xấu hổ nào trong khi đang thốt ra những lời gian dối không? Tuyệt nhiên không thấy. Mặt ông cứ trơ ra, làm tổn hại tới hệ thống tiêu hóa của tôi. Cố coi để tìm hiểu, vậy mà tôi đành phải tắt ti-vi. Ông này là một sản phẩm ưu tú của hệ thống giáo dục…ưu việt trong nước. Cổ nhân có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Lại có câu: “Dột từ nóc dột xuống”. Các cụ nói ra câu nào trúng câu đó, chẳng sai!
Dù đất nước ta đang ở trong thời ký nhăng nhố, ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, nhưng cái chất hiếu học của dân ta vẫn luân chuyển trong mỗi con người Việt Nam. Dù có phải lội suối, nằm trong bao nhựa qua sông hay vượt qua những đoạn đường không ra đường, các bậc cha mẹ vẫn cho con tới trường.
Tháng 3 vừa qua, chuyện các thầy cô và học sinh trường Sam Lang thuộc xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, tới trường làm mọi người rơi nước mắt. Từ trung tâm thị xã Nà Hỳ vào bản Sam Lang là con đường dài 18 cây số với những con dốc dựng đứng, những vực sâu hun hút, chỉ một chút sơ sẩy thì tiêu tùng tính mạng như chơi. Một ký giả đã tới tận nơi kể lại: “Thầy giáo Lò Văn Chiến dù quá quen với cung đường này song không ít lần khiến tôi thót tim khi ngồi sau chiếc xe máy của thầy. Nhất là những đoạn dốc dựng đứng mà đất dưới nền đường đã vụn thành một lớp bột mịn như rây, dày cả tấc. Bánh xe không bám được vào nền đường, cứ thế mà trượt dài trong mớ bột đất tơi mịn dù đã đạp thắng xe hết cỡ, trong khi bên vệ đường là vực sâu hun hút. Khi gặp cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo đang dạy ở trường Sam Lang, nhắc lại chặng đường vừa đi từ Na Hỳ vào Sam Lang và bày tỏ sự khâm phục với “tay lái lụa” của các cô giáo khi hàng tuần đi về trên chặng đường này, cô Minh cười bảo: “Các anh đi hôm nay trời khô ráo, quá sướng, vào đây mùa lũ thì các anh phải xem cái này”.
Cái cô giáo Minh muốn cho coi là một video clip quay cảnh các thầy cô vượt suối trong mùa lũ. Đoạn video này đã được phổ biến trên mạng. Tôi cũng có vô coi. Đây là cảnh mà ông ký giả phải thốt lên là “chưa ở đâu trên thế giới này có cảnh qua suối kỳ lạ như vậy”. Cô giáo chui vào một chiếc bao ni-lông, ngồi lọt thỏm trong bao, miệng bao được túm lại. Các tay bơi trong bản nắm gọn miệng bao “đựng” cô giáo như một con búp bê quá khổ bên trong, một tay nắm túi, một tay sải nước trên con nước suối đang băng băng chảy xiết. Cứ như làm xiếc. Tuần nào cũng đi về như vậy, màn xiếc của các cô thành bình thường. Cô giáo Tòng Thị Minh còn phiếm: “Em thấy cũng bình thường như cân đường hộp sữa thôi mà!”.
Tôi vừa đọc xong một cuốn sách mỏng xuất bản tại Việt Nam. Tác giả Tâm Phan là một cô gái Hà Nội nhưng nay đang định cư tại Thụy Sĩ. Tên cuốn sách: “Sex và Những Thứ Khác”. Nghe tên sách chắc các bậc phụ huynh đã dội! Đọc nội dung, chắc nhiều vị phải phừng phừng đỏ mặt. Không xưng tụng chuyện tính dục nhưng coi chuyện tính dục như chuyện sinh hoạt bình thường của một người bình thường. Câu đầu là một lời kể rất thản nhiên: “Tôi đã quan hệ tính dục với người yêu hồi tôi mười chín tuổi”. Nhưng tôi không nói chuyện sex của cô tác giả trẻ tuổi Tâm Phan, tôi muốn nói tới “những thứ khác”. Những thứ này không liên quan chi tới chuyện sex. Tôi muốn nói tới bài “Nhất Nghệ Tinh” bàn về chuyện học. “Tôi vẫn nhớ những năm cấp ba, áp lực thi đỗ đại học đối với tất cả học sinh chúng tôi là rất lớn. Nhiều bạn vừa mới vào lớp mười đã đăng ký luyện thi đại học. Các bậc cha mẹ thì dùng mọi biện pháp để con cái nỗ lực thi đỗ đại học, từ việc treo phần thưởng cho tới dọa nạt…Đứng từ xa nhìn vào, ta sẽ thấy nó như một cuộc đua ngựa, trong đó cha mẹ là những nài ngựa, la hét ra lệnh cho những chú ngựa con phải phi thật nhanh. Nhưng hỡi ôi, có phải con ngựa nào sinh ra cũng có thể lực tốt để có thể chạy về đích nhanh chóng đâu”.
Phải công nhận là những nài ngựa Việt Nam ra doi hơi mạnh tay. Học, học và học! Họ thúc con học không cần biết tới khả năng của đứa con. Học là tốt, đó là con đường dẫn tới tương lai, đó là phương cách tốt nhất để trở thành một con người hữu ích nhiều cho xã hội. Nhưng đó không phải là phương cách duy nhất. Nếu chú ngựa của mình không có khả năng chạy tới cái đích mình mong muốn thì cũng nên rút ngắn đoạn đường lại. Con không có khả năng giật được một tấm bằng đại học thì cứ cho chúng rẽ ngang, tìm một con đường khác, có thể ít vinh quang hơn nhưng vẫn nên người và có thể có ích cho xã hội một cách khác. Hình như các bậc cha mẹ nhất định muốn trúng số độc đắc chứ không muốn trúng những lô nhỏ hơn. Người ta có thể thông cảm với ước vọng của các bậc cha mẹ gửi gấm nơi con cái nhưng các vị nên thực tế một chút.
Ước vọng của cha mẹ Việt Nam, từ ngày ở trong nước tới ngày nay ở hải ngoại, hình như vẫn bất di bất dịch: muốn con mình phải là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ. Tôi biết có nhiều bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ nếu con mình chưa thi đậu được vào trong một ngôi trường đào tạo ra những thứ “sĩ” này. Họ chạy đôn chạy đáo, dùng mọi phương cách, dù hèn hạ, để thực hiện ý định. Có những người, ngay từ khi ăn đầy tháng con đã chỉ muốn mọi người chúc cho đứa bé còn đỏ hỏn trên tay mẹ thành một thứ “sĩ” đầy ước vọng trên.
Chắc phải nhắc lại đây một thảm cảnh về chuyện “sĩ”. Nguyễn Lâm Sơn là một đứa con ngoan, biết vâng lời, ít khi rời xa mẹ. Anh sống với mẹ và người anh của anh tên Hải sống với cha khi cha mẹ ly dị nhau. Sơn theo học ngành sinh vật tại University of California ở Irvine. Sau đó học hai năm ở trường Dược tại Massachusetts. Mẹ anh, bà Nguyễn Thu Nương, là một người nhất định bắt ép các con phải trở thành bác sĩ cho bằng với con các bà bạn. Bà say mê với ước vọng này. Ép Hải không xong, bà ép tới Sơn. Sơn phải bỏ học Dược để qua tới một nước ở vùng biển Caribbean là Cộng Hòa Dominic để theo học bác sĩ tại trường Ross University. Bà Nương cũng dọn qua ở với con trong một phòng chung cư ngay trước cửa trường. Mùa thu năm 2008, Sơn bỏ học trở về lại Garden Grove. Bà Nương nhất định ép con, gây nên sự khó chịu tột cùng nơi Sơn. Anh nói: “Theo văn hóa nước tôi, cha mẹ nào cũng kỳ vọng con cái làm theo lời họ. Nếu con cái tuân theo thì mang lại vinh dự cho gia đình; ngược lại, chỉ làm mất mặt và coi như đồ bỏ!”. Chiều ngày 21 tháng 12 năm 2008, khi Sơn đang ngồi e-mail thì bà Nương tới và gay gắt hỏi anh có trở lại ngành Y nữa không. Anh trả lời là anh muốn học Dược vì chỉ còn một năm nữa là anh có thể ra trường. Bà Nương không bằng lòng và bảo anh nghĩ lại việc phải vượt trội hơn con cái của bạn bè bà. Anh nhớ lại lời mẹ: “Sao con không chịu nắm lấy cơ hội vì hiện nó đang ở trong tầm tay con, để có thể qua mặt chúng nó?”. Sơn đáp lại: “Sao mẹ không để cho con đi theo hướng con thích? Cái gì đối với mẹ quan trọng hơn, bạn bè của mẹ hay hạnh phúc của con?”. Bà mẹ to tiếng: “Tao là mẹ. Không đứa con ngoan nào lại bất kính đến nỗi lớn tiếng với mẹ như vậy!”. Sơn không cãi lại nữa, anh ngồi vò đầu tức tối. Rồi cơn giận nơi anh bỗng bột phát, anh bóp cổ mẹ. Bà Nương qua đời khi 71 tuổi. Ngày định mệnh đó là ngày 21 tháng 12 năm 2008!
Trong truyện ngắn “Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại” tôi đã dựng nên cảnh một đôi trẻ yêu nhau đã phải chia lìa chỉ vì bà mẹ muốn con phải có tấm chồng bác sĩ. “Cha mẹ Nhã có một tiệm vàng lớn trên đường Nguyễn Huệ. Cửa tiệm ở tầng dưới, gia đình Nhã ở tầng trên. Muốn lên nhà phải đi giữa hai dãy tủ kính vàng chóe được soi sáng bằng một dàn đèn nhức mắt từ trên trần xuống tới bên trong tủ. Lần duy nhất đến nhà Nhã, tôi thấy như mình đang lên sân khấu. Khán giả là cặp mắt sắc sảo quen định giá vàng và hột xoàn của mẹ Nhã. Bà nhìn tôi từ đầu đến chân, nét mặt không thân thiện. Nhã giới thiệu tôi. Bà soi mói đôi bông tai kim cương trên tay, hỏi mà không nhìn tôi. “Cậu quen với cô Nhã nhà tôi?”. Tôi muốn lui ra khỏi cửa khi nghe cái giọng lạnh lùng của bà chủ tiệm vàng. Nhã đỡ lời: “Con đã thưa với mẹ rồi. Anh Ngân học cùng lớp với con. Học cùng lớp nhưng bài vở con phải hỏi anh ấy hết đấy mẹ ạ”. “Thế à? Cậu học giỏi vậy sao lại học Văn Khoa?”. Tôi miễn cưỡng hỏi ngược lại: “Thưa bác, học Văn Khoa thì sao ạ?”. Mẹ Nhã vẫn không rời mắt khỏi đôi bông tai hột xoàn: “Tôi tưởng Văn Khoa là chỉ để học chơi thôi. Như cô Nhã nhà tôi, học để chờ lấy chồng ấy mà. Chứ các cậu mà học Văn Khoa thì ra làm được cái gì?”. Tôi nóng mặt nhưng cố giữ lễ phép: “Dạ thưa bác, học ngành nào thì ra trường cũng có những công việc hữu dụng chứ!”. Mẹ Nhã vẫn mát mẻ: “Tôi bận buôn bán nên chẳng biết nhiều. Nhưng tôi nghe nói học Văn Khoa ra rồi chỉ đi dạy học, lương ba cọc ba đồng. Sao cậu không học Y hay Nha Dược? Vừa có tiền, vừa có địa vị, được mọi người kính nể”. Tôi lặng thinh. Chẳng phải vì cặp mắt lo lắng sợ sệt của Nhã mà vì tôi thấy chán nản chẳng muốn kéo dài câu chuyện khá bực mình này. Mẹ Nhã vẫn không buông tha: “Như anh Thái con bác Tân , anh Dũng con bác Phước, cô Nhã thấy không, toàn học ra bác sĩ. Cũng là học cả nhưng đâu có phải học là giống nhau cả đâu!”. Nhã vùng vằng kéo tôi đi: “Xin phép mẹ cho con đưa anh Ngân lên lầu nói chuyện”. Mẹ Nhã thẩy đôi bông tai xuống bàn, nghiêm khắc nhìn Nhã: “Bố cô có bạn trên đó. Cậu Ngân đã dùng điểm tâm chưa? Cô Nhã đưa cậu Ngân qua tiệm phở bên cạnh vừa ăn vừa nói chuyện cũng được. Ở nhà không tiện đâu! Cô còn tiền không đấy? Lấy tiền của mẹ đây này”. Mẹ Nhã vứt chùm chìa khóa trước mặt Nhã. Cơn giận nhảy lên trong tôi. Tôi lừ mắt nhìn trân trối vào mặt mẹ Nhã gằn giọng: “Chào bác! Cháu xin phép phải về!”. Tôi hăm hở ra cửa. Nhã chạy theo, mắt đỏ hoe. Tôi thấy thương Nhã vô cùng. Tôi cúi đầu đi như chạy với con tim muốn phóc ra khỏi lồng ngực”.
Mẹ Nhã cũng như mọi bậc cha mẹ khác. Họ kỳ vọng vào con cái. Đó là lẽ thường. Nhưng kỳ vọng của họ hình như chỉ hạn hẹp trong vòng tiền bạc, giàu sang. Họ không nghĩ hơn được. Như nghĩ tới chuyện cao cả của nghề thầy thuốc là cứu nhân độ thế, nghĩ tới việc mang sở học ra để nâng cao, hữu hiệu hóa nền y học hơn. Một sinh viên Nhật theo học ở Việt Nam cũng nhận thấy sự ngắn ngủn trong trí óc người Việt. “Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục - ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một…Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?”
Vì đâu nên nỗi, câu hỏi của anh sinh viên Nhật Bản vẫn còn treo đó.Những con ngựa và ngay cả những nài ngựa vẫn còn bị bịt mắt. Chẳng lẽ tới bây giờ mà họ còn chưa muốn gỡ miếng da che mắt họ!
05/2014
|