Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

Dân Canada không chịu nghỉ hè! Đó là lời báo động của ngân hàng TD Bank. Ngân hàng này nhờ hãng thăm dò Environics Research Group thực hiện từ ngày 11 đến 25 tháng 2 vừa qua với 3026 dân Canada từ 18 tuổi trở lên. Cuộc thăm dò thực hiện trên internet. Kết quả là 93% công nhận lợi ích của nghỉ hè nhưng có tới 43% đã không nghỉ hè. Nghĩa là mấy ông bà này chỉ sống bằng lý thuyết chứ không bằng thực tế. Tại sao lại có tình trạng biết mà không làm như vậy? Có tới trên 40% trả lời là họ không đủ khả năng để đi nghỉ hè.

Nghỉ hè đối với họ là phải đi tắm biển hay đi du lịch, toàn những thứ phải di chuyển đi xa, tốn tiền. Nếu không đi thì nghỉ làm chi! Tôi nhớ những ngày đầu bắt tay xây dựng cuộc sống mới bên đây, chúng ta dễ tính hơn nhiều. Ngày đó, phương tiện chưa có, ngay tới chiếc xe còn tàm tạm có thể lái đi chơi xa được chúng ta cũng chưa có, vậy mà tới hè, chúng ta vẫn…hè. Không ra tới biển được thì chúng ta lái xe đi tắm sông. Bãi tắm gần xịt, lái chừng tiếng đồng hồ là tới. Không có xe chúng ta vẫn cứ vui thú hè như thường bằng cách đi shopping hay đi picnic ở park hè nhau nướng thịt khói um trời! Càng ở lâu, tiêu chuẩn của chúng ta càng được nâng cao. Hè là phải lái xe cả ngày hoặc leo lên máy bay, không phải đi du lịch mà đi thăm bà con, tiện thể biết được một nơi chốn mới. Tới khi xênh xang một chút mới bày đặt đi du lịch hoặc đi tắm biển xa tít mù khơi. Vậy thì dân bản xứ họ quan niệm hè là phải đi nghỉ hè cũng chẳng có chi lạ.

Không đủ khả năng tung tăng đi du lịch, họ không thèm nghỉ. Vậy là chủ các xí  nghiệp hay công ty lời. Cũng có những chủ nhân xí nghiệp trả tiền những ngày hè mà vẫn cày cuốc dưới cái nóng nung người nóng nóng ghê, hoặc cho giữ đó, lúc nào nghỉ thì nghỉ. Nhưng phần lớn họ phe lờ đi. Không nghỉ, tốt, cám ơn. Một cuộc thăm dò của hãng chuyên tổ chức du lịch Expedia.ca cho thấy là vào năm 2009, dân Canada đã bỏ phứa mất 34 triệu ngày nghỉ, tính ra tiền là 6 tỷ đô! Thấy mà tiếc. Nhưng dân đi làm đâu có thấy mình bị lỗ. Họ đi làm thì có lương, cứ thấy tấm check không hao hụt là không sao. Bà Hellen Buttigieg, chủ nhân tổ chức We Organize U, hậm hực: “Có một sự tách biệt giữa những gì chúng ta nghĩ và những gì chúng ta làm.Nghỉ hè là một cách đầu tư cho sức khoẻ, liên hệ xã hội và khả năng làm việc đường dài”. Biết vậy nhưng dân Canada không nhìn xa. Cứ…lao động!

Trời đất khi tôi viết những dòng này vừa mới bước qua ngày đầu của mùa xuân, xuân nhưng ngoài trời tuyết vẫn đang rơi trắng xoá, vậy mà lại…hè! Thiệt tréo cẳng ngỗng! Nghỉ ở bên đây đâu cứ nhất thiết phải là nghỉ hè. Người ta nghỉ đông để đi trốn tuyết. Học sinh sinh viên còn nghỉ Spring break. Mùa nào nghỉ cũng đặng. Vậy thì cớ chi phải hè! Tưởng mình việt vị hóa không phải. Nhưng chắc nhiều người nghĩ tôi…loạn mùa!

Dân ta nói “nghỉ hè” là quen miệng như vậy, từ những ngày chúng ta còn ở Việt Nam. Chỉ có nghỉ hè, chẳng đông cũng chẳng xuân. Nhưng hè cũng là xuân, ít nhất ông nhà thơ Xuân Tâm đã nhìn thấy như vậy. Lứa tuổi chúng tôi, khi học tiểu học, những ngày cuối năm học, thế nào cũng được thầy hay cô giáo cho ê a học thuộc lòng bài thơ “Nghỉ Hè” của ông thi sĩ này. Phải công nhận đọc bài thơ này thích thú vô ngần. Chẳng vậy mà qua mấy chục thập niên, tới bây giờ tôi vẫn còn…thuộc lòng:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!

Bài thơ được sáng tác vào năm 1941, lũ chúng tôi được học vào thập niên 1950. Không hiểu những thế hệ sau, bài thơ này có còn được dùng để khai mở niềm vui hè không? Tôi nghĩ rằng có vì sự rộn ràng đánh trúng vào những tấm lòng phơi phới như tiếng cuốc kêu của đám học sinh mỗi khi hè đến.

Nhưng “quốc ca” của mùa hè phải là bản nhạc “Hè Về” của nhạc sĩ Hùng Lân. Bản nhạc này dính chặt với hè. Có ai trong chúng ta không từng gân cổ lên hát với tất cả niềm vui nóng bỏng trong những ngày trời hồng hồng nắng trong trong đó không? Lời bản nhạc còn nằm trong một góc bộ nhớ của chúng ta. Cứ hè là bật ra. Hè về, hè về / Nắng tung nguồn sống khắp nơi / Hè về, hè về / Tiếng ca nhịp phách lên khơi / Đầu ghềnh suối mát /Reo vui rào rạt / Ngập trời gió mát / Ven mây phiêu bạt / Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời! Cho tới bây giờ, thanh niên học sinh, ở Việt Nam cũng như trên khắp các quốc gia có người Việt định cư, cứ cắm trại hay tụ họp trong dịp nghỉ hè vẫn cứ gân cổ như tôi ngày nhỏ để Hè về, hè về…

Ngày tôi phồng mang trợn má hát bài “Hè Về” một cách say sưa, tôi đâu có để ý tới ông nào là tác giả. Vậy mà tôi đã gặp ông Hùng Lân trong một trường hợp hết sức bất ngờ. Tháng 9 năm 1967, tôi qua thủ đô Hoa Thịnh Đốn tham dự một cuộc hội thảo về chuyên ngành tôi đang làm việc. Ban tổ chức sắp đặt cho tôi cư ngụ tại khách sạn Annapolis. Cái khách sạn này làm phiền tôi không ít. Mỗi lần bắt taxi về lại khách sạn là một lần tôi vất vả với cái tên khách sạn. Lần đầu lớ ngớ qua Mỹ, phát âm tiếng Mỹ của tôi chưa chuẩn với những chỗ cần nhấn mạnh hay thả yếu. Đọc cái tên Annapolis thẳng băng, không nhấn mạnh vào âm thứ hai như dân địa phương, chẳng ông tài xế taxi nào hiểu cả. Có nhiều lần phải móc tấm danh thiếp của khách sạn trình cho các ông ấy thì mới được đưa về tới nơi tới chốn. Còn không, họ cứ tưởng tôi muốn đi tới bót…police! Quê thì có quê nhưng đó là sự thường. Một bà giáo người Mỹ của tôi tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cũng…quê như tôi. Bà ấy kể với tôi là bà ngụ tại khách sạn Majestic. Mỗi lần thuê xích lô về khách sạn, bà ấy phát âm chữ Majestic theo kiểu Mỹ, nhấn mạnh ở vần giữa, chẳng có ông nào hiểu cả. Bà này có máu phiếm, nên nói với tôi: “Từ đó trở đi, mỗi lần thuê xích lô, tôi phải cong người, rặn ra chữ Majestic một cách hùng hồn, ba âm cùng mạnh như nhau mới xong!”. Tôi đang chán cái khách sạn oái oăm này, nơi mà trần xì mình tôi là người Việt Nam, thì một buổi sáng cuối tuần, dậy sớm, ra đường còn thưa thớt người, đang chổng mông ngó vào tủ kiếng của một cửa hàng, thì thấy thấp thoáng trong kính hai ông đầu đen. Quay đầu lại, một ông buột miệng hỏi bằng tiếng Việt: “Việt Nam hả?”. Tôi mừng như bắt được của. Ngày đó thấy một cái đầu đen Á Châu đã thấy có cảm tình, cái đầu đen này lại nói tiếng Việt thì mừng hết lớn. Chuyện nổ như bắp rang, hỏi “lý lịch” nhau, ông mới xưng ông là nhạc sĩ Hùng Lân. Hoá ra là ông…Hè Về! Ông hỏi han người đang ở đâu tá, tôi nói tình thực, ông phán ngay: “Ở vậy thì buồn chết! Về chỗ tớ ở cho vui!”. Vậy là tôi về khách sạn, trả phòng, đi theo ông nhạc sĩ. Nhà ông ở gần Tòa Bạch Ốc. Nghe thì sang nhưng đó là nhà nghỉ rẻ tiền của sinh viên tên Hartnett Hall. Ngày đó, dân Việt du học hay đi tu nghiệp tụ nhau ở đây. Cuối tuần tổ chức ăn uống nhậu nhẹt với nhau vui hết biết. Tôi vui vì có đồng hương nhưng cũng vì nhẹ túi được chút đỉnh, có thêm tiền đi chơi, sắm sửa. Ngày đó ông Hùng Lân làm việc tại Trung Tâm Học Liệu thuộc Bộ Giáo Dục, được cử qua Mỹ tu nghiệp. Qua vài tháng ở với nhau, chúng tôi coi nhau như anh em, dù ông lớn hơn tôi 16 tuổi. Tôi trở về Việt Nam trước, khi ông Hùng Lân về lại thì chúng tôi tới chơi nhà nhau ở Sài Gòn rất thường. Lúc đó ông ở Đa Kao, tôi ở Thị Nghè, khá gần nhau. Hùng Lân có dáng người đạo mạo nhưng rất vui vẻ, bình dị và dễ thân tình. Chơi với ông, tôi hầu như quên đi ông là một tên tuổi lớn, có những nhạc phẩm lớn. Bản Khoẻ Vì Nước thì dịp trình diễn thể thao nào mà không vang lên một cách hùng hồn. Bài Rạng Đông chúng ta ai chẳng biết.  Bản Việt Nam Minh Châu Trời Đông từng được Quốc Hội đề nghị làm quốc ca và tôi nghĩ nó xứng đáng ở vào vị trí này. Nhạc oai nghiêm trang trọng, lời ngợi ca tôn vinh đất nước. Việt Nam minh châu trời đông / Việt Nam nước thiêng tiên rồng / Non sông như gấm hoa uy linh một phương / Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương / Từ nghìn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi / Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời / Máu ai còn vương cỏ hoa / Giục đem tấm thân sẻ với sơn hà. Lại còn những bài Cô Gái Việt, Mùa Hợp tấu, Hận Trương Chi…Nhưng tôi hoàn toàn không biết ông cũng là tác giả bài Ông Nỉnh Ông Nang được ban hợp ca Thăng Long trình diễn rất xuất sắc. Tôi cũng không ngờ ông là cha đẻ của bài Em Yêu Ai mà lứa con tôi nghêu ngao hàng ngày. Nếu hỏi rằng, em yêu ai / Thì em rằng em yêu ba này /Thì em rằng em yếu má này / Yêu chị yêu anh / Yêu hết cả nhà. Hay là bản Thằng Tí Sún mà lũ con tôi ê a ngày nhỏ: Ê! Cái thằng Tí sún, Tí sún / Nhe cái răng nham nhở chổi cùn / Vì nó lười đánh răng sớm tối / Lại ăn kẹo suốt ngày không ngơi.

Hùng Lân mất vào ngày 17 tháng 9 năm 1986, tại Việt Nam. Khi đó, từ Montreal, tôi nghe tin, buồn và nhớ ông bạn vong niên, có viết một bài tiễn biệt người nghệ sĩ dễ thương đã làm mê mẩn thế hệ của tôi và của các con tôi.

Lang bang chuyện hè, tôi dừng lại khá lâu nơi tác giả bản nhạc bất hủ của mùa hè. Cũng vì cảm tình cá nhân nhưng tôi nghĩ ông xứng đáng được coi là một phần của mùa hè. Như Xuân Tâm sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết, như Bà Huyện Thanh Quan ai xui con cuốc gọi vào hè.

Hè có nghĩa là buông công việc, nghỉ cái đã! Dân Canada không chịu nghỉ nhưng dân Pháp nghỉ kỹ hơn ai hết. Tháng 8 bên Pháp là tháng thiên hạ đua nhau đi hè. Người nào không đi nghỉ có mặc cảm như có tội! Paris vắng hẳn đi, chỉ có du khách. Một du khách người Việt, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tới Paris vào mùa hè, đã nhận xét: “Tôi đến Paris vào giữa tháng sáu, tháng mà nhà thơ Nguyên Sa bảo “Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa” nên mưa vẫn còn khá nhiều và thời tiết có hôm 11 – 12 độ, lạnh. Có điều mưa ở Paris cũng giống mưa Sài Gòn, làm cái ào rồi nắng ráo hoảnh. Nhiều bữa mặt trời chói sáng cho tới 9- 10 giờ đêm làm tôi không khỏi bỡ ngỡ vì ở nhà quen ngủ sớm dậy sớm. Mọi người ra đường phải trang bị dù (ô), áo mưa, áo ấm đàng hoàng. Thế rồi một hôm, một ngày đầu tháng 7, Paris bỗng thay đổi hoàn toàn. Paris như khoác một cái áo mới, nắng vàng rực rỡ, nóng đến 23 độ và các ông tây bà đầm ùn ùn kéo nhau ra đường phơi nắng. Và trời ơi, Paris rún ơi là rún, đến đâu cũng thấy rún, đặt biệt là khu La tinh nổi tiếng với nhiều du khách lũ lượt qua lại. Mọi người khoe rún một cách thoải mái với những kiểu quần áo không biết đã chuẩn bị từ bao giờ, bày rún ra đủ kiểu, rún trắng rún vàng rún đen rún xám, rún lồi và rún lõm. Và hàng hoá bắt đầu bán “xôn”, đại hạ giá. Đi đâu cũng thấy người ta chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè. Các đồng nghiệp bác sĩ bạn tôi cũng chuẩn bị nghỉ “vacance” cả tháng. Họ nói cái tháng tám này, Paris trống vắng, mọi người đổ xô nhau đi nghỉ hè nên mở phòng mạch cũng chẳng có ma nào đến khám”.

Nghỉ hè lợi đơn lợi kép, vừa recycle lại cái thân, vừa thảnh thơi tâm hồn. Vậy mà bà Lý Lan, một tác giả người Việt sống tại Bellingham, tiểu bang Washington bên Mỹ, còn cắc cớ hỏi tại sao phải đi nghỉ hè. “Khi chồng tôi lên kế hoạch đi nghỉ hè, tôi thắc mắc: tại sao mình phải đi đâu khi mà nơi mình đang ở chính là cái chỗ mà bao nhiêu người các nơi khác dành dụm quanh năm để có thể đến nghỉ vào mùa hè. Mình ở tại nhà mình vẫn nghỉ hè được vậy? Ở đây có tất cả những hoạt động ngoài trời không hề phân biệt thành phần tham dự là du khách hay dân địa phương. Như trên lối đi dạo dọc bờ biển buổi chiều, mình cũng đi giữa những du khách, cùng thưởng ngoạn cảnh mặt trời lặn, ngọn gió biển, và hoa cỏ cây cối kiến trúc chung quanh, muốn chụp hình thì cầm theo máy như họ, muốn ăn kem thì ngồi quán như họ, hải sản tuy mình ăn quanh năm nhưng nếu thích thì cũng vào nhà hàng thưởng thức như họ, có khác gì? Có chứ, ông chồng nhăn nhó. Khác ở chỗ người ta hỏi ra, ông này đến từ New York, bà nọ đến từ Idaho, còn mình ư? “Dân địa phương”! Ở nơi không phải là địa phương của người ta, người ta ăn chơi, kết bạn, thử điều mới lạ, làm những chuyện “điên rồ”, rồi về khách sạn hay nhà nghỉ, sau đó ra đi chẳng bận tâm gì cả. Còn mình ư? Mình về nhà mình, lo hút bụi, giặt màn, tưới cây. Sao gọi là nghỉ hè! Nghỉ hè là phải dẹp hết, đi tới một nơi khác nhà mình, sống cuộc đời khác cái đời thường mình vẫn sống quanh năm, làm những chuyện “điên rồ” mà quanh năm mình chỉ “muốn nhưng không thể”. Chứ nghỉ hè không chỉ có nghĩa là nghỉ dạy, hay nghỉ học”.

Vậy là anh đi hè, tôi đi hè, chúng ta đi hè…Từ các vị nguyên thủ đến những tên dân hèn, cứ túa nhau đi. Đức Giáo Hoàng cũng không là ngoại lệ. Vatican có cả một biệt thự cho các Giáo Hoàng tới nghỉ hè. Đó là biệt thự Castel Gandolfo nằm ở phía nam La Mã. Biệt thự này được xây cất từ đầu thế kỷ thứ 17 và Giáo Hoàng Urban VIII là người khai sanh ra truyền thống nghỉ hè của các vị cầm đầu giáo hội La Mã. Phần lớn các Giáo Hoàng đều tuân theo truyền thống này. Nhưng Giáo Hoàng đương nhiệm Francis này là người ít theo truyền thống. Kể từ ngày đăng quang vào tháng 3 năm ngoái, vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình này là một vị chủ chăn không giống các Giáo Hoàng tiền nhiệm. Ngài làm…cách mạng. Kỳ hè đầu tiên trên ngôi Giáo Hoàng năm 2013, Ngài không hè hiếc chi, vẫn ở lại nhà khách Domus Sanctae Marthae tại Vatican mà Ngài ngụ từ khi giữ chức sếp lớn của người Công giáo. Báo chí muốn biết tại sao Giáo Hoàng Francis lại không chịu đi nghỉ hè, phát ngôn viên của Toà Thánh, linh mục Federico Lombardi, chỉ lưu ý các phóng viên là từ ngày còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, khi còn là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Ngài chưa bao giờ đi nghỉ hè cả!

Dân Ý cũng giống dân Pháp, cứ tà tà ăn nghỉ đàng hoàng. Người Ý nghỉ hè ra sao, tôi chẳng cần biết. Chỉ cần biết Vacance Romaine! Ngày đó, khi phim này được chiếu ở Sài Gòn, cả thế hệ chúng tôi yêu mê mệt Audrey Hepburn. Một Audrey tươi trẻ, mát như một cây kem, nhí nhảnh dễ thương hết biết. Hình ảnh cô công chúa chán cảnh tù túng trong cung điện, chán những lễ lạc hội hè theo đúng cung cách cung đình cứng ngắc, đã trốn ra ngoài phố, ngồi sau xe vespa của anh nhà báo Gregory Peck đi chơi hè nơi phố phường như một phó thường dân. Audrey Hepburn ngày đó là hình ảnh được lũ chúng tôi ấp ủ, tôn thờ trong tim như một thần tượng. Tôi vẫn giữ hình ảnh tươi mát đó cho tới khi, nhiều năm sau, Audrey xuất hiện trên truyền thông. Một Audrey già nua, nhăn nheo, đã giết chết cô công chúa nửa tỉnh nửa say bám vào lưng anh chàng phóng viên nghèo trên chiếc vespa long nhong khắp phố phường La Mã. Từ khi được nhìn thấy người trong mộng Audrey tập hai mà thời gian đã ra oai thay đổi hình hài, tôi cứ tiếc mãi những ngày hoa mộng cũ.

Ngày đó, không phải ngẫu nhiên mà khi ra trường, đi làm, có tí tiền dành dụm, tôi nhất định tậu một chiếc vespa!                                                                                                     

03/2014