Tới tuổi cầm được tí tiền già, người nào cũng nghiêm và buồn, tự hỏi lòng, cứ như ông Shakespeare ngày xưa: về hay không về?
Tôi thì chẳng hỏi han chi lòng mình vì tôi biết nó từ lâu. Về chứ còn ngôn chi nữa. Thứ ham hưởng nhàn như tôi ngày nay coi bộ không nhiều. Thường thì cứ bám trụ. Trong một cuộc thăm dò mới đây của một cơ quan thăm dò ở tỉnh bang Quebec chúng tôi, các người kiên quyết bám trụ đã đưa ra các lý do để nhất định không về: thay đổi cuộc sống xã hội, buồn chán, dư thời giờ, bị trầm cảm, thấy mình bỗng trở thành thừa thãi. Đại khái là như vậy, vì nghe qua tivi nên tôi chỉ nhớ lõm bõm. Có cả triệu lý do để các ông bạn tôi nhất định không về.
Tôi khác. Cuộc nhân sinh như bóng câu qua cửa sổ, vụt một cái là mất tiêu. Chẳng lẽ đời người là kiếp trâu ngựa, cày sâu cuốc bẫm chẳng bao giờ xong! Em ơi sáu mươi năm cuộc đời mà đã đi quá lố tới năm năm thì nên dừng lại, hưởng tí nhàn trước khi bai bai. Hưởng như vậy là…truyền thống!
Ngày xưa các cụ của chúng ta chẳng nhàn trước tuổi ăn tiền già của chúng ta bây giờ sao? Cứ đụng tới cái tuổi năm chịch là các cụ đã mon men tìm về với chữ nhàn. Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dại nên mới:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Một ông bạn cùng “trường phái” với tôi kết mấy câu thơ này của cụ Trạng Trình lắm. Ngày xưa cụ tìm thấy cái thú tắm hồ sen, ngày nay ông bạn tôi tìm thấy cái thú tắm biển ở miệt Caribbean. Về hưu, cứ năm hai lần ông cưỡi máy bay qua hết Punta Cana, Cancun đến Varadero, Saint Martin để theo chân cụ Trạng. Nói vậy ông bạn tôi không bằng lòng: ông không thích hoa sen. Bơi giữa hoa sen có chi vui! Ngày xưa máy bay hiếm nên cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mới quanh quẩn hết hồ sen đến ao nhà, ngày nay máy bay bay đầy trời, tới những vùng biển xanh, sóng vỗ chập chùng, tiên nữ ngồn ngộn quanh mình mới thú. Cho các cụ sống vào thời buổi này bảo đảm trăm phần trăm các cụ sẽ tếch đi biển ngay tút suỵt!
Nghe dẫn giải của ông bạn, tôi gật đầu ngay. Xưa cũng như nay, cái giống nam nhi bao giờ chẳng ham vui. Các cụ có quần chùng áo dài kín mít, nhưng vòng ngoài là như vậy, vòng trong vẫn tình ơi là tình. Cụ Nguyễn Khuyến thấy cô tiểu nằm ngủ ngày đã bỡn cợt:
Ôm tiu, gối mõ ngáy khò khò,
Gió lọt phòng thiền mát mẻ cô.
Then cửa từ bi gài lỏng cánh,
Nén hương tế độ đốt đầy lò.
Cá khe lắng kệ, đầu hi hóp,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Nhắn bảo chúng sinh như muốn độ,
Sẽ quì, sẽ niệm, sẽ nam mô!
Cụ Nguyễn Công Trứ chẳng bỡn cũng chẳng cợt. Về già, cụ vác ngay cô nàng hầu về vui thú…điền viên.
Kìa những người mái tuyết đã phau phau,
Run rảy kẻ đào tơ còn mảnh khảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh,
Nhất toạ lê hoa áp hải đường…
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ?
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam, năm mươi năm trước hăm ba tuổi. Làm một cái tính nhỏ ra ngay chú rể nay đà bảy mươi ba. Bái phục cụ! Ngày nay, có viagra, trên bảy chịch mà còn đèo bòng cũng hiếm. Kẻ hậu sinh bỗng che mặt cúi đầu.
Thế hệ tôi, theo học tới những năm cuối trung học là phải học thơ của các cụ, không theo các cụ được vài bước phải lấy làm thẹn thùng! Vậy thì, tuổi đã hưu, chính phủ cho ngồi không tháng tháng phát cho tí tiền, không hưởng chữ nhàn là có lỗi với tiền nhân.
Số các ông bạn tôi nhất định không về viếc chi cả là số đông. Cũng chẳng có chi lạ. Các ông tây chung quanh chúng tôi cũng vậy. Tới tuổi nhưng nhất định không chịu…về. Họ bám víu lấy công việc. Thống kê về chuyện hưu cũng đã chứng minh cho khuynh hướng cầm tinh con trâu kéo cày này là đa số. Cô ký giả Halah Touryalai của tờ báo kinh tế nổi tiếng Forbes vừa có một bài báo với cái tựa khá dài: “Work Until You Die? More Middle Class Americans Say They Can Never Retire”. Làm việc tới chết? Thêm nhiều người Mỹ trung lưu nói họ không bao giờ về hưu! Nghe quyết tâm dữ! Có bao nhiêu phần trăm dân Mỹ nhất định bám trụ vào công việc cho tới khi hui nhị tì? Theo cuộc thăm dò một ngàn người tuổi từ 25 tới 75 và có lợi tức từ 25 ngàn tới 99 ngàn do Wells Fargo tổ chức thì có tới 37% tính chơi trò “anh hùng lao động” như vậy. Số còn lại thì 34% chỉ chịu về khi cỡ 80 tuổi trở lên. Tại sao người ta không nghỉ cho phẻ cái thân già, 59% trả lời là vì áp lực của những cái bill tháng tháng họ nhận được. Một phần ba số người được thăm dò cho biết là lợi tức khi về hưu của họ hoàn toàn trông cậy vào tiền già và tiền hưu mà họ cho là còm cõi, chẳng đủ đâu vào đâu.
Nhìn quanh các ông bạn của tôi, phần lớn cũng trông cậy vào tiền già và tiền hưu. Tiền để dành cũng có đấy nhưng cứ bấu vào đó thì núi cũng lở. Chỉ dựa vào tiền nhà nước phát cho mỗi tháng, vậy mà coi bộ mấy ổng cũng phởn phơ như thường. Nhiều ông còn để dành được chút đỉnh, tom góp thêm tiền con cái cho dịp này dịp nọ, lấy vé máy bay vù về Việt Nam ăn chơi dối già. Ấy cái thứ mấy ông bà Mỹ chê ỏng chê eo nhưng dân Việt chúng tôi coi là đủ chán! Có lẽ mấy ông bạn tôi ít nhu cầu. Ăn uống chẳng thành vấn đề, ở thì nhờ con cho ké một phòng, sách báo giải trí thì cứ báo chợ mà lượm, có xí xọn internet thì wi-fi trong nhà của con, ké tí chút đâu có mất mát chi của chúng! Vậy là chúng tôi sướng. Nếu còn ở trong nước, có đi làm hộc xì dầu cả đời khi hưu chỉ cầm ít tiền tượng trưng chẳng đủ đâu vào đâu. Vậy nên, so ra, các ông bạn tôi vẫn thấy mình sướng, quy hồi cố hương vẫn có giá như thường.
Các ông dân Canada cũng chẳng hơn chi mấy ông bà Mỹ. Theo một cuộc thăm dò của Bank of Montreal mới đây thì có tới 89% cho biết họ trông cậy vào tiền hưu tiền già làm lợi tức chính khi về hưu. Có tới 31% cho biết họ trông cậy hoàn toàn vào tiền nhà nước phát cho hàng tháng, không đào đâu ra tiền phụ đắp thêm vào. Nhưng 88% cho biết họ còn có tí chút tiền để dành phòng khi hữu sự. Năng động hơn, có khoảng 59% cho biết là họ có thể đi làm thêm bán thời gian để có thêm đồng ra đồng vào. Người có nhà chiếm 49% số người được thăm dò thì tính bán nhà, lấy tiền tiêu thêm hàng tháng. Khoảng 34% tính chuyện trời ơi đất hỡi hơn là hy vọng trúng số để cân bằng chi tiêu. Đó là những con người còn nhiều mơ mộng. Ông Chris Buttigieg, một nhân viên cao cấp của ngân hàng Montreal, thức tỉnh những kẻ mơ mộng này: “Những người hy vọng trúng số để thêm tiền trong lúc về hưu nên biết là tỷ lệ trúng số là một trên 14 triệu”. Cứ 14 triệu người mới có một người được ông thần tài ghé cái bàn toạ quý hoá tới nhà. Chờ mong là chuyện dài cổ cả đời không có được. Ông chuyên viên này khuyên mọi người nên thực tế hơn: để dành tiền vào quỹ tiết kiệm RRSP cho chắc ăn.
Chẳng cần ông chuyên viên tài chánh này khuyên, các ông bạn của tôi ông nào cũng đã…RRSP khi còn đi làm. Khổ nỗi khi qua tới đất nước tạm dung này, tuổi không còn trẻ, lương tiền không cao, có để dành cũng chẳng bao lăm. Chẳng bõ bèn chi. Dở dở ương ương. Khi buông tay cày cuốc, nếu khư khư giữ số tiền RRSP thì tiền già sẽ bị trừ một khoản. Tiếc đứt ruột. Vậy là có màn bỏ của chạy lấy người. Lập chương trình rút tiền tiết kiệm RRSP trong vài năm trước khi về hưu, ít nhiều tùy theo số tiền để dành trong RSSP. Mỗi năm rút một ít, chịu thuế. Khi ra về là thơ thới chẳng còn đồng nào trong tiền tiết kiệm RRSP. Vậy là vô sản, tiền già lãnh trọn gói. Đó là chiến thuật đánh tỉa của dân chỉ có chút tiền trong RRSP. Dân nhiều tiền, bạc trăm ngàn trở lên, sổ ngân hàng quá bề bộn chẳng rút gọn được, đành phải hy sinh chút tiền già nhưng moi dần tiền RRSP ra tiêu đỡ!
Đang mỗi tuần hay mỗi hai tuần cầm một tấm cheque khẳm, dại chi mà về, cứ bắt vít cho chặt cái bàn toạ vào chiếc ghế. Chuyện tiền là một chuyện. Chuyện không khí nơi làm việc lại là chuyện khác. Tới tuổi về mà không chịu về sẽ chịu những ánh mắt khinh thị của những đồng nghiệp trẻ. Sao cha nội không về cho rộng cẳng người khác? Cha nội nào mà có chỗ bở, thường những tên sống lâu lên lão làng đều chiếm những chỗ bở, bị trăm con mắt khó chịu chiếu tướng. Các ông bạn già mà ham của tôi nhiều người lâm vào hoàn cảnh trở thành cục nợ trước mắt người khác như vậy. Cũng trớ trêu lắm. Đi thì cũng dở ở không xong!
Ở lại còn thêm tội chiếm chỗ của những người trẻ khác đang bơ vơ thất nghiệp chờ đợi điền vào chỗ trống. Có ông tám chịch vẫn cứ ngày ngày vào sở ầu ơ ví dầu. Cái tội ăn cắp job của người trẻ là một tội nặng bị xử bằng những đôi mắt thiếu lễ độ và thiếu kính trọng. Cũng tội! Một chuyên viên tại Trung Tâm Nghiên Cứu Về Tuổi Hưu (Center for Retirement Research) thuộc Đại Học Boston, ông April Yanyuan Wu, vừa gỡ tội cho những ông già mà vẫn bám trụ. Ông này cho biết là theo một lý thuyết có từ năm 1851 thì nếu một tập thể không chịu về hưu thì tập thể này đã ngăn cản một tập thể khác không kiếm được việc làm hoặc phải giảm giờ làm. Theo ông Wu thì lý thuyết này dựa trên một tiền đề: chỉ có một số công việc nhất định. Nghĩ như vậy là sai. Trong tầm nhìn kinh tế vĩ mô ngày nay thì việc có một lực lượng nhân lực tích cực và hữu hiệu sẽ có lợi và tạo thêm công việc cho tất cả các tầng lớp nhân lực khác. Bởi vì yếu tố tích cực này đã giúp mở rộng công việc, tiết giảm nạn thất nghiệp và tăng thêm lợi tức lương bổng. Theo ông Wu thì người ta không nên có cái nhìn hạn hẹp trong một công xưởng mà phải có cái nhìn bao quát cho cả một nền kinh tế. Vậy thì bám trụ không hưu hiếc chi cả là…chính nghĩa!
Lý thuyết kinh tế nghiêng về phía các công nhân tuổi hưu mà không chịu về này dĩ nhiên được các ông bà nhất định không rời công việc hoan nghênh nhiệt liệt. Nó đã xóa bỏ cho họ được cái mặc cảm cản đường tiến thủ của những người trẻ. Nhưng lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết. Đó không phải là một định lý toán học. Theo phái phản bác lại lý thuyết này, như Giáo Sư Kames Galbraith của Đại Học Texas ở Austin chẳng hạn, thì bài toán đặt ra rất giản dị: “Người già về hưu, người trẻ thay thế, đó là bài toán sơ đẳng”. Khi vẫn còn những người trẻ thất nghiệp không kiếm được việc làm thì mấy anh già vẫn phải về nhường chỗ cho bọn trẻ! Theo bà Melissa Quercia, một kiểm toán viên của một công ty kỹ thuật nhỏ ở Phoenix, thì trận chiến dành việc làm vẫn tiếp diễn, mà tiếp diễn một cách dữ dằn. Những người già có kinh nghiệm chiếm những chỗ mà đáng lý ra những người trẻ có bằng cấp phải được điền thế vào. Vậy là những sinh viên tốt nghiệp bơ vơ không công ăn việc làm. Không có công ty nào mở thêm job chỉ vì những người già cố đấm ăn xôi ngồi yên tại chỗ.
Cãi qua cãi lại chung quy chỉ vì những ông bà già tiếc những tấm cheque cuối tuần. Họ tính cuộc sống bằng những đồng tiền bỏ vào túi chứ không tính bằng những an nhàn được hưởng. Tôi không nằm trong số này. Tôi vẫn tự hào mình biết xuất xử như các cụ Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Công Trứ. Ngon như vậy lại bị chê là ham chơi, biếng nhác. Thiệt oan ơi ông địa!
Thêm cái bà Martha Stewart đía vô nữa! Bà này tôi quen trên TV. Bà là một nhà tài chánh năng nổ. Nhưng tay bà này dài lắm, chỗ nào bà cũng nhúng vào. Đi shopping, thấy bà nằm chình ình trên những vật dụng và chăn mền. Giờ thì bà dậy nấu ăn trên TV. Nghe nói trước kia bà đã từng viết sách, làm người mẫu. Tên bà nằm ngổn ngang khắp chốn. Mùa hè năm 2013, bà đã giới thiệu cuốn sách thứ 79 của bà mang tên “Living The Good Long Life” khi bà 71 tuổi. Tôi nhắc tới bà này không phải vì nhan sắc của bà, tuy ở cái tuổi nhân gian hiếm mà bà trông vẫn ngon lành, mà vì trong dịp ra mắt sách bà đã trả lời phỏng vấn. Một ký giả hỏi: “Xin bà cho lời khuyên chính xác nhất để giữ được vẻ tươi trẻ như bà?”. Bà trả lời không cần suy nghĩ: “Luôn ham học hỏi, không về hưu, và hãy năng nổ. Không bao giờ ngưng làm việc. Tôi nghĩ là cái già sẽ tới rất nhanh ngay từ phút đầu tiên chúng ta ngưng làm những điều chúng ta ưa thích. Nhiều người nghĩ là rảnh rỗi đi đánh golf liên miên là thú vị lắm, nhưng đó không phải là câu trả lời cho tất cả mọi chuyện!”.
Bà tỷ phú tham công tiếc việc muốn nói chi thì nói, cái già nó cứ sồng sộc tiến tới. Cuộc sống nhất định có lúc phải hạ màn dù con người có cựa quậy tới đâu chăng nữa. Sau trên bảy chục năm hoạt động cùng với bà, các bộ phận trong thân thể có buổi họp tổng kết. Anh chàng Não lên tiếng trước: “Tôi được sinh ra cùng lúc với bà và đóng một vai trò quan trọng. Chính tôi điều hành mọi hoạt động thành công của bà. Cho đến bây giờ tôi vẫn đồng hành tốt với bà. Tôi xin tiếp tục theo chân bà trong tương lai”. Cô Tim phụ họa: “Tôi cũng được sinh ra cùng lúc với bà và cũng giữ một nhiệm vụ cũng không kém quan trọng là điều hành việc tuần hoàn máu để nuôi cơ thể bà. Đến nay tôi vẫn tiếp tục hoạt động tốt. Tôi nguyện theo bà trong suốt quãng đời còn lại!”. Các bộ phận khác theo gót hai anh chị đàn anh đàn chị nên cũng xin tiếp tục…hy sinh! Cuối cùng, từ cuối phòng, có tiếng nói thều thào: “Thưa các anh các chị! Tôi cũng được sinh ra cùng thời với các anh chị nhưng mãi tới năm 20 tuổi tôi mới làm việc. Nhưng công việc của tôi rất vất vả nặng nhọc nên sau 50 năm làm việc, tôi không còn khả năng nữa. Tôi xin về hưu!”. Cả phòng họp ồn ào. “Mi nói chi vậy? Mới làm việc có 50 năm mà đã đòi về hưu! Đứa nào nói đó? Hãy đứng dậy cho mọi người thấy cái mặt biếng nhác!”. Vẫn giọng nói yếu ớt ở cuối phòng họp: “Xin lỗi mọi người. Nếu tôi có thể ngóc đầu lên được thì tôi xin về hưu làm chi!”.
Đó là câu chuyện giả tưởng. Chứ năng nổ như bà Martha Stewart thì làm gì có cái bộ phận đòi về hưu như vậy!
02/2014
|