Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

LÁI

Vào một ngày cuối tuần của cuối tháng 2 năm 2014 vừa qua, nữ phi công Carey Steacy đã lái chiếc máy bay của hãng hàng không Westjet từ Calgary tới Victoria, gần thành phố Vancouver. Máy bay hạ cánh an toàn như thường lệ. Nhưng sau đó, có tí sóng gió nổi lên. Toán làm vệ sinh chiếc máy bay đã bắt gặp một mảnh giấy ăn napkin có viết chữ của một hành khách để lại. Ông này ký tên là David. Đại khái ông viết là chiếc khoang điều khiển máy bay “không phải là chỗ của đàn bà” và  “làm mẹ là chỗ danh giá nhất”. Bà phi công Carey Steacy làm cả hai thứ: vừa làm phi công vừa làm mẹ (bà đã có hai con) và bà thấy cả hai chỗ đều thích hợp cả. Hai con của bà bao nhiêu tuổi, bản tin không thấy nói, nhưng làm phi công thì bà đã có chín năm làm việc với hãng Westjet. Tự nhiên bị cái ông David vớ vẩn nào đó xía vô chuyện làm ăn của mình, bà nổi đóa. Cái tên David cũn cỡn là một cái tên thông thường nên anh chàng này để tên cũng coi như…vô danh nên bà mang chuyện gặp tên cà chớn này lên mạng xã hội Facebook. “Thực ra ngày nay chẳng còn chỗ nào không dành cho đàn bà nữa cả… Tôi cảm thấy phải phản ứng lại. Dĩ nhiên ông ta có quyền có ý kiến nhưng tôi cũng có quyền không đồng ý với ông ta”. Bà Steacy công nhận là nghề phi công có nhiều đàn ông hơn đàn bà. “Hầu như ngày nào tôi cũng gặp những hành khách ngạc nhiên khi thấy tôi trong phòng lái. Tôi nghĩ đó là vì đàn bà ít người ghi tên học lái máy bay. Không phải vì họ không kiếm được việc làm khi tốt nghiệp nhưng vì họ không học. Dù vì họ không nghĩ là họ có thể lái máy bay, hay vì họ đã nghe người khác nói là nghề này không dành cho đàn bà hay vì họ không có khả năng. Và tôi chỉ hy vọng rằng cái thứ tư duy này cần thay đổi như đã thay đổi ở nhiều nghề khác”.

Nữ phi công, chúng ta quả thực chưa quen với hình ảnh này. Trên máy bay thường chúng ta bắt gặp những bóng hồng pha trà rót nước bưng bê tới cho chúng ta. Đó là những hình ảnh đẹp mắt và quen thuộc. Quen thuộc đến nỗi chúng ta không thể không trợn mắt khi nhìn thấy một bóng hồng từ phòng lái bước ra đứng chào hành khách sau khi hoàn tất chuyến bay. Ông bạn già của tôi cũng trợn mắt khi nghe tới bản tin này. “Các bà lái máy bay, lạy Chúa tôi! Chỉ ngồi trên xe các bà lái trên xa lộ đã đủ mướt mồ hôi rồi!”. Chuyện lái coi bộ không phải chuyện của các bà, nhiều người nghĩ như vậy. Ngay các bà cũng không nghĩ khác. Phần nhiều lái xe trên xa lộ, tôi vẫn gặp những trường hợp thót tim. Thường là do những chiếc xe các bà lái. Cắt đầu xe, nhởn nhơ như đi dạo phố hay xe chàng hảng hai hàng giữa các vạch phân chia làn xe. Tôi vốn rất kính trọng các bậc nữ lưu nên có gặp vậy cũng đành cười trừ. Tôi phải khẳng định ngay là các bà lái xe rất vững nhưng những cái…tội trên xảy ra là vì món tóc, làn môi, đôi mắt hay chiếc móng tay của các bà gây ra. Các bà vô can.

Mấy ông bạn tôi háy tôi đến lệch mắt. Này ông, có muốn nịnh đầm thì cũng một vừa hai phải thôi, cho bạn bè nhờ chút chứ! Tôi ít khi đôi co vặt vãnh. Cứ lấy sử sách ra mà úp vào những cái háy mắt thiếu thẩm mỹ của mấy ông bạn già. Các ngài có biết bà Yekaterina Vasylievna Budanova không? Làm sao mà các ông ấy biết được!

Bà này cũng lái máy bay. Không phải thứ máy bay dân sự nhởn nhơ đi dạo trên bầu trời đâu, mà là chiến đấu cơ hẳn hoi. Trong Đệ Nhị Thế Chiến bà đã hạ gục 5 chiếc chiến đấu cơ Messerschmitt  Bf 109 và 6 chiếc oanh tạc cơ Junker Ju-88 của Đức! Bà có lối đánh nhau bằng máy bay khá thần sầu.

Ngày 16 tháng 9 năm 1942, bà và một nữ phi công khác tên Livya Litvyak bay trên hai chiến đấu cơ trên bàu trời Stalingrad nghênh đón một đoàn oanh tạc cơ Junker Ju-88 với 23 chiếc Bf 109 bay theo hộ tống. Thấy hai chiếc máy bay loại LaGG-3 và Yak-3 của hai bà, ba chiếc  Bf 109 của Đức Quốc Xã tách đoàn đuổi theo.  Chúng liên tục nã súng bắn vào hai chiếc máy bay Nga của hai bà. Chờ đúng thời cơ, hai nữ nhi lái máy bay này thực hiện một tuyệt chiêu sử dụng lối bay striker. Thực ra chiêu striker này chỉ được sử dụng khi bay biểu diễn nhưng hai bà Budanov và Lydia đã tương kế tựu kế cùng nhau áp dụng vào cuộc chiến trên trời. Họ cho hai máy bay lao thẳng vào nhau. Khi chỉ còn cách nhau khoảng 200 thước, Lydia đã bẻ quặt máy bay qua bên trái trong khi Budanov quặt qua bên phải để đánh lừa địch đuổi sát theo phía sau. Hai chiếc máy bay Đức đuổi theo đã bị bất ngờ và lao vào nhau phát nổ như hai chiếc pháo bông trên trời cao. Chiêu bay tuyệt diệu này cứ như xi-nê! Mà xi-nê thực vì sau đó màn đánh ngoạn mục này đã được quay lại để xuất hiện trên nhiều cuốn phim về Thế Chiến Thứ Hai! Ngày đó, không quân Nga không chỉ có hai bà…tuyệt diệu này đâu. Phi đội bay số 566 của họ là một phi đội toàn nữ phi công!

Đàn bà lái máy bay tiếng nổi như cồn còn bà Amelia Earhart nữa. Bà này là phi công kiêm nhà văn người Mỹ sanh năm 1897 và mất tích năm 1937. Mang trong người hai dòng máu Đức và Mỹ, bà Amelia có cá tính mạnh mẽ và ưa mạo hiểm. Ngay từ nhỏ bà đã chê búp bê mà chỉ mặn mà những trò chơi hiếu động của con trai. Nhưng bà lại ham ngồi đọc sách một mình. Cứ rảnh rỗi là bà vù ngay vào thư viện, chôn mắt vào sách. Năm 1916, Amelia tốt nghiệp trung học và nhập học trường Ogntz School ở Rydal thuộc tiểu bang Pennsylvania nhưng chán học. Giáng Sinh năm 1917, Amelia sang Toronto bên Canada thăm người chị. Tại đây, thấy cảnh thương tâm của những thương binh Canada từ mặt trận trở về trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, Amelia đã gia nhập Hồng Thập Tự Canada và trở thành y tá tại bệnh viện quân y Spadina. Tính con trai của cô gái nổi lên khiến cô quyết định phải làm một việc chi mạnh mẽ cho cuộc chiến. Nhân một lần đi coi triển lãm không quân, nhìn những chiếc máy bay biểu diễn trên trời cao, cô cũng đẩy mộng của mình lên trời cao: đời cô sẽ gắn liền với không gian!

Ngày đó, việc một phụ nữ lái máy bay là…bất thường dưới con mắt mọi người. Học phí học lái máy bay lại đắt như vàng, vậy nhưng lòng đã quyết, cô Amelia nhất định leo lên máy bay. Cô làm đủ nghề, từ thư ký tới tài xế, từ hầu bàn tới thợ chụp hình, cứ chỗ nào có tiền là cô nhào vô kiếm chác. Chỉ để có đủ tiền học lái máy bay. Năm 1923, Amelia đoạt được bằng làm tài xế máy bay! Thế giới đã có một nữ phi công xuất sắc tạo được nhiều kỷ lục mà các nam phi công phải lác mắt thán phục. Ngày đó máy bay vẫn còn lạc hậu, mỗi chuyến bay là một cuộc đánh cược với tính mạng. Vậy mà cô Amelia đã tiếng nổi như cồn nhờ những cuốn sách cô viết về những chuyến bay và những cuộc diễn thuyết hô hào phụ nữ dấn mình vào nghề bay. Cô thực hiện những chuyến bay vượt Đại tây Dương và những chuyến bay không ngừng nghỉ dọc theo nước Mỹ. Đỉnh cao danh vọng của Amelia là ngày Tổng Thống Hoover tiếp đón cô tại Tòa Bạch Ốc. Báo chí so sánh cô với viên phi công lừng danh thế giới Lindberg và gán cho cô danh xưng “Lady Lindy”.

Đại học Purdue tài trợ đóng riêng cho Amelia một chiếc máy bay để cô thỏa chí tung hoành trong các chuyến bay thám hiểm. Cô quyết định dùng chiếc máy bay này để bay vòng quanh thế giới. Năm 1936, chiếc máy bay Lockheed Electra 10E ra đời với nhiều cải tiến trong đó có việc gắn bình xăng lớn hơn để chứa đủ nhiên liệu trên chặng đường 47 ngàn cây số. Trong những chuyến bay thử trên con chim sắt tối tân nhất thời đó, Amelia đã gặp một số trục trặc. Mãi tới ngày 1 tháng 6 năm 1937, chuyến bay vòng thế giới dự liệu mới bắt đầu khởi hành từ Miami với Amelia là phi công và một thợ máy tên Fred Noonan.  Chiếc Electra ngừng ở nhiều nơi ở Nam Mỹ, Phi Châu và tới Tân Guinea vào ngày 29 tháng 6 năm 1937. Như vậy chỉ sau gần một tháng, Amelia đã bay được 35 ngàn cây số và đoạn đường còn lại bay xuyên Đại tây Dương chỉ còn 11 ngàn cây số nữa. Ngày 2 tháng 7 năm 1937, Amelia cùng người thợ máy khởi hành bay vượt Đại Tây Dương, hướng tới đảo Howland. Máy bay đã mất tích ở đây!

Có nhiều giả thuyết về tai nạn hàng không này. Người thì cho là họ hết nhiên liệu, người bảo là máy bay rơi xuống đảo và người Nhật đã bắt và thủ tiêu hai người. Lại có giả thuyết cho rằng họ sống sót sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp nhưng đã chết trên đảo Nikumaroro, một hòn đảo không có người ở thuộc Cộng Hòa Kiribati. Chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm nhưng chỉ tìm được một con dao bỏ túi và một chiếc bình thủy tinh. Mới đây, tháng 12 năm 2010, một cuộc tìm kiếm do một đoàn sinh viên thực hiện tại hòn đảo này đã tìm thấy hài cốt của một người phụ nữ trẻ. Những xét nghiệm ADN chưa dứt khoát để có thể xác nhận đây là thi hài của người nữ phi công trẻ nổi tiếng một thời!

Các bà không những lái máy bay lại còn đánh nhau bằng máy bay và lập nên những kỷ lục khiến các nam phi công phải lác mắt. Chuyện này, ngày xưa nữ nhi đã thực hiện được thì ngày nay đó là chuyện nhỏ. Những ngày trước năm 1975, không quân Việt Nam chúng ta chưa có nữ phi công. Tôi nhớ như vậy. Nhưng ngay từ giữa thập niên 1950, Việt Nam chúng ta đã có nữ phi công. Không biết có ai còn nhớ tới cô Như Mai ở Sài Gòn ngày đó không. Đó là cái tên thường đi dính với tên của nữ diễn viên cải lương Kim Hoàng. Cô gái này hết xảy. Tôi còn nhớ những thành tích của cô ngày đó. Cô là nữ vô địch bóng bàn đầu tiên, nữ vô địch đua xe đạp đầu tiên, vô địch đua xe gắn máy, vô địch bơi lội, đua xe hơi và nổi đình nổi đám cả trên sân khấu cải lương! Ngày nay, kể lại những thành tích cũ, “cụ” Như Mai vẫn còn rung động. Như cuộc thi xe đạp phụ nữ thời đó, cô gái nổi tiếng một thời nhớ lại: “Tụi tôi đua tất cả 12 vòng, tổng cộng 30 cây số, mỗi lần chạy ngang Sở Thú phải dừng xe nhận một cây kim và một sợi chỉ, xỏ chỉ vào lỗ kim xong mới được chạy tiếp. Ban tổ chức bắt như vậy cho các vận động viên giữ được cái duyên con gái. Mấy vòng đầu còn đỡ, đến mấy vòng cuối quá mệt nên tay cứ run bần bật, xỏ mãi mới được. Nhưng cũng nhờ cái trò này mà tôi mới thắng được mấy bà đầm. Họ đạp khỏe lắm nhưng đến lúc xỏ kim là lóng nga lóng ngóng làm mãi không xong!”. Không những đua xe đạp, cô Như Mai còn đua xe hơi mới thất kinh chứ. Năm 1954, Tổng Cuộc Xe Hơi Việt Nam tổ chức cuộc đua xe hơi đầu tiên tại Việt Nam. Đường đua Sài Gòn – Đà Lạt – Nha Trang – Đà Lạt – Sài Gòn với chiều dài tổng cộng 1.040 cây số. Có trên 100 người dự tranh gồm cả các khách quốc tế. Cô Như Mai lái chiếc xe Fregate mang bảng số NBF 342, số dự thi 24. Khi chạy tới đèo Ngoạn Mục cô suýt cho xe hơi xuống vực. Ban tổ chức hoảng hồn hỏi có muốn rút lui không? Cô lắc đầu, chờ người câu chiếc xe đã xìa một bánh xuống bờ vực rồi leo lên lái tiếp. Dĩ nhiên cô đã về nhất bên phía nữ và đã qua mặt khối các đấng liền ông! Thành công trong cuộc đua xe hơi, cô Mai lân la học lái máy bay. Cô đã điều khiển được máy bay trong ba giờ bay liên tục nhưng cuối cùng phải bỏ thú chơi đi mây về gió này vì áp lực của bố mẹ. Nhớ lại thời tuổi trẻ, cụ bà bát tuần cười lớn: “Sự nghiệp thể thao của tôi chỉ còn thiếu có bóng đá và quyền anh. Hai thứ đó thì tôi không dám đụng đến vì sợ vẹo mũi, xấu chết!”.

Từ giữa thế kỷ thứ 20, cô Như Mai đã lái máy bay, ngày nay, khi thế kỷ thứ 21 đã bị ngoạm mất 14%, các thiếu nữ Việt chúng ta phải bay chứ. Đó là điều bắt buộc. Tôi muốn nói tới thứ lái dữ dằn trước: nữ phi công gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ.

Thiếu Tá phi công Thủy Quân Lục Chiến Mỹ Elizabeth Phạm hiện phục vụ trên Hàng Không Mẫu Hạm Nguyên Tử George Washington. “Đồ chơi” của bà là loại máy bay F-18, phi cơ tối tân nhất của quân lực Mỹ. Bà là cư dân San Diego. Thân phụ là một bác sĩ quân y trong quân đội Việt Nam trước đây. Bà gia nhập không quân sau khi tốt nghiệp Đại học. Với kiến thức sẵn có, bà là một học viên xuất sắc, đã tốt nghiệp thủ khoa trong khóa học đáp xuống hàng không mẫu hạm, thử thách lớn nhất của một phi công.

Cô Michelle Vũ cũng lái máy bay trong quân lực Hoa Kỳ nhưng cô lái trực thăng. Loại trực thăng cô điều khiển là trực thăng trinh sát trang bị nhẹ OH-58 Kiowa dùng để yểm trợ các lực lượng chiến đấu dưới đất. Vốn có vóc người nhỏ nhắn của một thiếu nữ Việt, cô đã phải mặc bộ đồ bay với đầy đủ trang bị nặng tới 23 kí và thường mỗi phi vụ kéo dài tới 6 tiếng! Điều vui nhất là cô thuộc phi đội 6, trung đoàn 17, kỵ binh Hoa Kỳ gồm tất cả 35 phi công. Chỉ duy nhất có cô là phái nữ giữa toàn các ông Mỹ đô con. Cô đã tham gia chiến trường Iraq và mang cấp bậc Đại Úy.

Nữ Thiếu Tá Josephine Nguyễn Cẩm Vân cũng lái máy bay nhưng nghề chính của bà là Bác sĩ trong quân lực Hoa Kỳ. Bà tốt nghiệp Học  Viện Hải Quân Mỹ vào năm 1999. Sau đó bà học y khoa tại Đại Học Stanford, một trường hàng đầu của Mỹ, trong bốn năm. Để thực hiện được ước mơ làm bác sĩ quân y phi hành, bà tiếp tục học lái máy bay tại Florida trong nửa năm. Thiếu Tá Bác Sĩ Quân Y Phi Hành Cẩm Vân hiện công tác tại Trung Tâm Quân Y Walter Reed, tiểu bang Maryland.

Các nữ nhân Việt Nam hay gốc Việt ở hải ngoại lái phi cơ dân sự cũng không phải ít. Tại Canada chúng tôi có hai cô: Marie Hiền Nguyễn và La Trần Cẩm Linh.

Cô Marie Hiền Nguyễn là dân Montreal chúng tôi. Sanh đẻ tại Canada, cô tham dự vào cuộc sống xã hội như một dân Montreal chính cống. Làm cứu cấp viên của hội Hồng Thập Tự Quebec, hoạt động trong trường Brebeuf mà cô theo học, sinh viên ngành Quản trị Kinh Doanh, đàn hay, nội trợ giỏi, vậy mà nhất định muốn leo lên trời! Cô bỏ ra ba năm học tại trường hàng không Chicoutimi, một thành phố trong tỉnh bang Quebec và tốt nghiệp phi công cái một!

La Trần Cẩm Linh, người nhỏ xíu, chỉ cao 1 thước 55 mà ngay từ nhỏ đã nhất định sau này chọn nghề lái máy bay. Cha mẹ không ưng nhưng cô cứ lân la dần để có thể chui vào phòng lái. Đầu tiên cô học làm tiếp viên dưới đất, đi làm ở phi trường Edmonton. Rồi cô tiến lên một bước, học làm tiếp viên trên máy bay và làm việc cho hãng hàng không Air Transat. Bay trên trời rồi, chẳng ai níu cánh được, ước mơ làm phi công nở rộ trong lòng cô bé sống ở Canada từ nhỏ. Cô ghi tên học lái và tốt nghiệp sau hai năm chuyên cần. Cô lái cho một hãng máy bay nhỏ chuyên bay trong nội địa Canada là hãng Central Mountain Air. Cuối cùng cô quyết định về nước bay cho Hàng Không Việt Nam.

Hàng Không Việt Nam có khoảng 800 phi công trong số đó chỉ có 13 nữ mà các bóng hồng người Việt chỉ có 7 người. Hai nữ phi công người Việt đầu tiên gia nhập vào năm 2008 là hai cô Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Ly Hương. Sau đó có thêm Trần Trang Nhung, sanh năm 1987, và Nguyễn Kim Châu, sanh năm 1989. Hai cô này là dân Việt trong nước nhưng được đào tạo tại Pháp.

Nếu phải bầu một hoa hậu nữ phi công Việt Nam, chắc cô Huỳnh Lý Đông Phương sẽ chiếm giải. Cô này là người Việt sanh sống tại Bỉ. Cao 1 thước 70, tóc dài, dáng mảnh mai, tính tình dịu dàng. Cô dí dỏm: “Nếu phi cơ sắp phải bay vào một đám mây thì cái đầu lạnh của các chàng phi công sẽ bảo máy bay chỉ hơi sốc một chút thôi. Tuy nhiên, trái tim nóng bỏng của phụ nữ sẽ mách bảo tôi rằng nên tránh đám mây đó vì chuyến bay dài đã đủ làm hành khách mệt mỏi rồi!”.

Không ít hành khách bất ngờ khi thấy cô bước ra từ phòng lái. Người xinh đẹp dịu dàng như vậy mà điều khiển nguyên một chiếc máy bay như con khủng long được chăng? Không ít người xin cô cho chụp chung tấm hình làm kỷ niệm.

Bay với các nàng thú vị như vậy mà anh chàng cà chớn David nào đó, trong miếng giấy ăn ghi những lời xúc phạm tới cô nữ phi công của hãng WestJet, còn nỡ hạ thêm một câu chót: yêu cầu hãng máy bay cho biết trước những chuyến bay có các nàng cầm lái để anh chàng book chuyến bay khác. Đúng là anh chàng cả đẫn! Tôi khác!

03/2014