Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

XU

Xu là thứ cùng mằng nhất trong đơn vị tiền tệ. Nó chẳng đáng…một xu! Bởi vì để sản xuất ra một đồng xu, nhà nước Canada phải chi ra 1 xu rưỡi. Lỗ mất nửa xu vào tiền thuế đóng góp của dân chúng. Dân chúng cũng bị nó quấy nhiễu. Chỉ tổ nặng túi mà giá trị coi như con số không. Các bà nội trợ còn bị phiền toái hơn nữa. Không có xu trong túi thì nếu phải trả những xu lẻ khi mua hàng lại không có, mà có nó thì…nặng túi! Nặng túi mà chẳng mấy giá trị.

Vậy nên khi chính phủ ra quyết định không xài tiền xu nữa, ai cũng mừng. Mừng nhưng cũng tội cho thân phận đồng xu. Chẳng gì nó cũng gắn bó với dân Canada được 150 năm. Tình nghĩa cũng lâu bền, nay chia tay nhau cũng phải có chút lễ tống táng cho phải đạo. Lễ ngưng sản xuất tiền xu được tổ chức vào ngày thứ sáu 4 tháng 5 năm 2012 tại xưởng đúc tiền của The Royal Canadian Mint tại thành phố Winnipeg với sự tham dự của Tổng Trưởng Tài Chánh Canada Jim Flaherty. Bài…điếu văn của ông Tổng Trưởng cho biết sở dĩ phải ngừng sản xuất đồng tiền xu là vì trên thực tế nó là “tiền mà không phải là tiền”! Từ nay sự trao đổi đồng xu được tính tròn cho tiện. Từ 2 xu trở xuống coi như không có, từ 3 xu trở lên được tính tròn là 5 xu. Ông cho biết là tại nhà ông, những đồng tiền xu được bỏ vào những chiếc hũ chẳng biết sẽ dùng làm chi. Nhà ông Tổng như vậy, nhà dân chúng cũng rứa. Chiếc hũ đựng tiền xu tại nhà tôi càng ngày càng đầy. Ai cũng muốn vứt chúng vào hũ cho nhẹ túi! Thôi thì sống đã được một thế kỷ rưỡi, có chết cũng đành. Khai trừ được mi, chính phủ Canada đã tiết kiệm được mỗi năm tới 11 triệu đô. An nghỉ nhé, những đồng xu bị người đời hắt hủi!

Đồng xu Mỹ thì chưa bị hắt hủi tàn tệ như vậy tuy số phận cũng bấp bênh không kém đồng xu bạn bên Canada. Cuộc ly dị đồng một xu tại Canada đã dấy lên những cuộc tranh cãi về đồng penny tại Mỹ. Đã hai lần Quốc hội  Liên Bang Mỹ đã mang chuyện bãi bỏ đồng một xu ra bàn cãi vào năm 2002 và 2006 nhưng không thành công. Dân chúng vẫn chưa chịu phụ bạc đồng xu mặc dù việc sản xuất đồng một xu đã tốn tới 2,4 xu Mỹ, hơn cả chi phí sản xuất của Canada. Vậy mà chỉ trong năm 2011, Mỹ đã sản xuất ra tới 4 tỷ 300 triệu đồng một xu, lỗ chổng gọng! Trên thực tế, hiện có 150 tỷ đồng một xu đang được lưu hành tại Mỹ mang một trọng lượng tổng cộng bằng sức nặng của 8 chiếc tàu Titanic. Nếu chồng xu tiếp nối nhau thì số xu này dài tới 232.500 cây số, bằng 60% đường từ trái đất lên tới mặt trăng!

Dân chúng Mỹ vẫn hoài cổ một cách thiếu thực tế. Trong 4 năm qua, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia ở thủ đô Washington đã mời khách tới viếng bỏ phiếu muốn giữ lại hay muốn phế bỏ đồng một xu. Kết quả là có tới 60% muốn giữ, chỉ có 40% muốn bỏ. Những người thuộc phe muốn giữ lại có lập hội hè đàng hoàng. Đó là hội “Người Mỹ Ủng Hộ Đồng Xu”. Ông Mark Weller thuộc hội này đã xác định lập trường: “Một số người nghi ngờ giá trị đồng một xu, nhưng nhìn chung chúng rất có giá trị”. Ông nêu ra trường hợp các hội thiện đã quyên được cả triệu đô do dân chúng đóng góp bằng những đồng xu cùng mằng đó. Có những người vẫn lưu luyến với đồng xu vì lý do tâm cảm. Trên đồng xu có hình Tổng Thống Abraham Lincoln mà dân Mỹ rất kính trọng. Bỏ đồng xu coi như…truất phế ông Lincoln, coi sao đặng! Phe đối kháng bác bỏ ngay. Họ bảo là đồng tiền giấy 5 đô cũng có hình ông Lincoln rồi còn chi nữa!

Các hội thiện nhờ bạc cắc mà có tiền hoạt động. Chính phủ Canada không sống vì bạc cắc nhưng cũng bỗng dưng kiếm bộn tiền bằng những đồng xu bị hắt hủi. Khơi khơi vậy mà cũng ẵm được bạc triệu. Chúng ta hầu như ai cũng gửi tiền ở ngân hàng. Có những tài khoản chúng ta dùng nhưng cũng có những tài khoản chúng ta chẳng ngó tới. Tôi nhớ tôi cũng có vài lần chẳng thèm ngó ngàng tới những tài khoản mà tiền còn lại chắc chỉ vài đồng khi đổi ngân hàng. Số phận của chúng ra sao? Nếu trong vòng 10 năm mà tài khoản vẫn nằm yên, không rút tiền ra mà cũng không gửi thêm tiền vào, ngân hàng liên lạc với chủ nhân tài khoản không được, vậy là ngân hàng phải chuyển tài khoản này cho ngân hàng nhà nước Bank of Canada. Ngân hàng nhà nước sẽ giữ những tài khoản này trong vòng 30 năm nếu số tiền còn lại từ một xu tới một ngàn đồng. Trên một ngàn đồng thì giữ tới một trăm năm lận. Theo thống kê thì phần lớn các tài khoản này có từ 1 xu tới một ngàn đồng. Số tiền tương đối ít nên chủ nhân của chúng không thèm biết tới. Sau thời hạn trên, nếu tài khoản vẫn không nhúc nhích, ngân hàng Canada sẽ trao số tiền bỗng không mà có này cho ngân khố Canada để chính phủ muốn xài làm chi thì làm. Năm 2006 chính phủ đã ẵm ngon ơ 3 triệu 900 ngàn đô từ 60 ngàn tài khoản mà chủ nhân của chúng cho chúng ngủ dài hạn. Năm ngoái, chính phủ chỉ còn ẵm được chưa tới nửa triệu từ 661 tài khoản. Sao lại nửa đường đi xuống như vậy? Bởi vì năm 2007, chính phủ Canada đã tăng thời gian bất động của tài khoản từ 30 năm lên 40 năm và hạ mức tiền của tài khoản từ 1000 đô xuống 500 đô. Tuy nhiên tiền xu vẫn nở thành tiền trăm ngàn.

Vậy mà bên Mỹ, vẫn có những người nhất định khinh thị đồng xu. Khinh thị một cách ngang ngược. Chẳng thèm nói lý do, họ nhất định nghỉ chơi với đồng xu. Cửa hàng bán súng Shell Lumber rất ăn khách ở Miami, tiểu bang Florida, có đặt một tấm biển lớn ngay ở cửa với hàng chữ đỏ chói đập vào mắt khách hàng: “Ở đây không dùng đồng một xu!”. Ông chủ Andy Haase cho biết việc nhân viên phải đếm những đồng xu vụn vặt là “mất thời giờ và tốn tiền”. Khu cắm trại KOA ở công viên Estes, tiểu bang Colorado, nhất định không chơi với xu từ năm 2007 tới nay. Ông chủ Jim Turner lớn tiếng: “Báu chi những đồng xu ngu ngốc đó! Khách hàng của tôi chưa có ai phàn nàn chi về chuyện này cả!”. Đó chỉ là những hành động lẻ tẻ. Ông Giáo sư môn vật lý tại Viện kỹ thuật MIT ở Boston chê đồng xu có bài bản hơn. Ông là tay rường cột trong hội “Citizens for Retiring the Penny”, được ông thành lập đã 10 năm rồi, một hội muốn cho đồng xu về dưỡng già. Khi nghe thấy bên Canada chúng tôi phế bỏ tiền xu, ông hào hứng: “Ít nhất cũng có chuyện đã xảy ra ở một nơi nào đó khiến chúng tôi có nhiều hy vọng!”

Mặc ai muốn nói chi thì nói, ông Edmond Knowles ở Flomaton, tiểu bang Alabama cứ đường ta ta cứ đi. Ông này có một trạm xăng. Từ năm 1968 ông thủng thẳng bỏ tiền xu khách hàng trả vào hũ. Năm 2005, ông nghỉ hưu, lúc đó, sau 38 năm, số tiền xu của ông đã đầy tới năm thùng phuy. Ông để năm phuy tiền xu này trong nhà để xe. Khi nghỉ hưu ông mới nghĩ tới chuyện mang chúng ra nhà băng. Nhà băng không có người đếm nên họ hẹn lần hẹn lữa tới cả năm. Khi  sắm được chiếc máy đếm tiền xu, họ mới giải quyết chuyện đau đầu ông mang tới cho họ. Nhà băng phải đem một chiếc xe chở tiền và bốn nhân viên tới khênh năm chiếc phuy đi. Bữa đó trời lại mưa, sân nhà ông Edmond bị lún, họ phải thuê một chiếc xe tới kéo xe tiền ra khỏi vũng bùn. Khi máy đếm xong, kêu ông tới lãnh tiền, ông lóa mắt với một chồng giấy bạc cao nghều nghệu. Tất cả là 13.084 đồng 59 xu! Đây là vụ đổi tiền xu lớn nhất trong lịch sử ngân hàng! Khỏi nói, ông Edmond mừng hết lớn. Nhưng ông vốn là người tình cảm nên thấy nhớ năm chiếc phuy tiền xu mà ông ký cóp suốt một thời gian dài như vậy. Mỗi lần nhìn vào góc trong của garage, nơi ông xếp năm chiếc phuy,ông lại bùi ngùi. Dù sao ông cũng tự an ủi đã theo được câu nói của tiền nhân: “Một đồng xu tiết kiệm là một đồng xu có được”.
Nhưng số tiền xu mà ông Edmond làm khó ngân hàng đã ăn thua chi. Ở tỉnh Côn Minh bên Trung Quốc, ngân hàng Công Thương còn vất vả hơn nhiều. Một khách hàng nữ tên Ngô đã mang tới gửi ngân hàng một núi tiền xu. Đây là số tiền chị nhận được sau khi thắng một vụ kiện. Bên thua kiện đã cắc cớ trả toàn bằng tiền xu. Chị khóc dở khi nhận được tiền. Chị phải nhờ cảnh sát áp giải món tiền xu tới ngân hàng. Ngân hàng đã cho 18 nhân viên đếm hết hai ngày mới xong. Cuối cùng, tổng số tiền đếm được là 10 ngàn nhân dân tệ, khoảng 1500 đô Mỹ!

Tiền xu hay tiền cắc trong ý nghĩ của chúng ta là thứ tiền rác rưởi, ít giá trị, không đáng để tâm tới. Xu không hẳn chỉ dùng để chỉ thị đồng một xu mà được gán cho tất cả loại tiền kim loại. Thông thường chúng ta có các đơn vị 1 xu, 5 xu, 10 xu, 25 xu. Trên nữa là tiền giấy, thường từ 1 đồng trở lên. Trong ý nghĩ của chúng ta, tiền giấy nhất định giá trị hơn tiền xu. Vậy nên, khi Canada phát hành tiền 1 đồng bằng kim loại, mọi người có cảm tưởng như đồng tiền mất giá. Khi ngân hàng Canada làm tới, phát hành tiền 2 đồng bằng kim loại, mọi người ngán ngẩm. Ít ai nghĩ tới ngày xưa, khi tiền tệ mới ra đời, tiền đều được đúc bằng kim loại. Tùy theo giá trị mà được đúc bằng vàng, bạc, đồng hay chì. Tôi bỗng tưởng tượng tới phản ứng của người xưa khi đồng tiền giấy ra đời. Chắc ngày đó dân chúng cũng cảm thấy tiền giấy ít giá trị hơn. Đang cầm đồng tiền kim loại bằng vàng hay bạc, chắc nịch trong tay, bỗng bị ấn vào tay đồng tiền giấy mỏng manh, chẳng thấy vàng bạc đâu, dân tình chắc hoang mang dữ. Tôi nghĩ tới cái cắc cớ của thời gian và lòng người. Hai thời kỳ, lòng người ngược lại với nhau. Từ kim loại thành giấy, từ giấy thành kim loại, đều bị dân chúng chê hết!

Tiền kim loại có thứ dùng để lưu hành trên thị trường, có thứ dùng để làm cảnh. Tôi muốn nói tới những đồng tiền dành cho giới sưu tầm tiền để chơi. Hai thứ khác nhau nhiều về phương diện mỹ thuật. Tôi hay lui tới bưu điện để gửi sách cho bạn đọc. Trong khi xếp hàng chờ tới lượt, tôi hay ngắm những đồng tiền dành cho giới sưu tầm được bày bán trong các vuông tủ kính bên lối xếp hàng. Trông phát mê luôn! Đẹp kinh hồn. Đây là những đồng tiền bằng vàng hoặc bạc, có mệnh giá từ vài đồng tới vài trăm đồng, nhưng được bán với cái giá cao hơn mệnh giá này nhiều. Trên cái nền bóng bẩy của chất vàng chất bạc là những hình điêu khắc nghệ thuật, màu mè đàng hoàng. Xanh đỏ tím vàng nằm nổi bật trên nền vàng hoặc trắng. Mê mẩn ngắm những đồng tiền xu này, tôi thấy thời gian xếp hàng không còn là khổ hình. Đây là những đồng tiền do Canada phát hành. Người nổi đình nổi đám sau những đồng tiền này lại là một đồng bào của chúng ta: Tiến sĩ Trương Công Hiếu.

Người cựu học sinh trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn này đã được học bổng du học tại Mỹ sau khi tốt nghiệp Tú Tài II ban Toán vào năm 1959. Ông theo học ngành kỹ thuật tại Đại Học Nữu Ước. Tốt nghiệp thủ khoa ngành kỹ sư, ông tiện tay lấy thêm được bằng Master về hóa học. Năm 1964, ông trở về Việt Nam, dạy tại trường Cao Đẳng Phú Thọ. Ba năm sau ông trở lại Mỹ và lấy được bằng Tiến sĩ vào năm 1971. Sau đó ông qua Canada làm việc tại nhiều công ty nổi tiếng trong đó có Công Ty Bombardier chuyên sản xuất máy bay và các loại xe điện và xe métro. Năm 1978, ông vào làm việc cho cơ quan đúc tiền kim loại của Canada Royal Canadian Mint. Ông thăng tiến nhanh trong cơ quan chính phủ này. Năm 2006, ông giữ chức Tổng Giám Đốc Kỹ Thuật Ban Nghiên Cứu. Royal Canadian Mint không những đúc tiền cho chính phủ Canada mà còn nhận đúc tiền cho 80 quốc gia khác và nổi danh là một công ty hàng đầu của thế giới về kỹ thuật đúc tiền tiêu dùng cũng như tiền lưu niệm bằng nhiều kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim và palladium. Ông không phải chỉ là một cấp chỉ huy công quyền mà là một nhà phát minh nổi tiếng. Trong cuốn lịch sử trăm năm của cơ xưởng đúc tiền Canada mang tên “Royal Canadian Mint 100 Years of History”, Tiến Sĩ Trương Công Hiếu đã được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới đã thay đổi hệ thống đúc tiền bằng những kỹ thuật dùng kim loại và thép để tạo ra những đồng tiền mỏng hơn, nhẹ hơn và không bị rỉ sét. Ông cũng là người đầu tiên phát minh ra kỹ thuật in màu trên tiền kim loại giống như in màu trên giấy bạc bằng cách sử dụng tia laser để đổi màu trên tiền kim loại. Chưa hết, cũng chính ông là người đã phát minh kỹ thuật sản xuất tiền xu với hình ảnh ba chiều. Cũng chính ông đã dùng DNA trong tiền lưu hành để bảo mật và định tính xác thực đồng tiền vàng ròng của Canada lưu hành tại bất cứ nơi nào trên thế giới qua hệ thống vệ tinh bằng điện thoại di động thông minh (smartphone). Những kỹ thuật do ông phát minh hiện đang được áp dụng để sản xuất tiền xu không chỉ ở Canada mà còn ở Singapore, Tân Tây Lan, Barbados, Ghana, Ethiopia, Thái Lan, Phi Luật tân, Venezuela, Albania, Ả Rập Thống Nhất Emirates.

Trong cuốn “Story of World Money Fair”, xuất bản vào năm 2012, ông Albert M. Beck, Chủ Tịch Triển Lãm Quốc Tế Tiền Tệ Berlin, đã viết về Tiến Sĩ Trương Công Hiếu như sau: “Trong 40 năm  vừa qua,người có công lao nhiều nhất trong sự tiến bộ về ngành đúc tiền trên thế giới, người đã đóng góp nhiều nhất về những kiến thức mới về ngành đúc tiền trên thế giới chính là Tiến Sĩ  Hieu C. Truong của Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Canada. Tôi cho rằng ông Hieu C. Truong là người có công nhiều nhất đối với ngành kỹ thuật đúc tiền kim loại của thế giới. Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Canada cũng công nhận rằng Tiến Sĩ Hieu C. Truong là người kỹ sư nổi tiếng nhất trên thế giới và là người hiểu biết nhiều nhất về kỹ thuật đúc tiền. Theo tôi, ai muốn biết kỹ thuật đúc tiền sẽ đi về hướng nào trong tương lai thì nên hỏi ông Hiếu!”.

Tôi cũng ở Canada cùng với ông Hiếu nhưng Canada đất rộng người thưa, chuyện gặp gỡ coi bộ không dễ. Nhưng nếu có cơ may gặp được ông Hiếu, tôi sẽ hỏi ông có phải từ ít năm nay, mỗi khi tới ngày Tết, Canada  phát hành những đồng tiền kim loại in hình con vật cầm tinh năm đó, là sáng chế rất Việt Nam của ông không? Tôi nghĩ là đúng. Tết Giáp Ngọ năm nay, tôi đã say mê đứng ngắm những đồng tiền con ngựa rất mỹ thuật tại tủ trưng bày ở bưu điện. Tôi đếm được tổng cộng sáu kiểu…ngựa, kiểu nào cũng đẹp, nhìn hoài không chán.

Nhưng tuy Canada đất rộng người thưa, chuyện gặp ông Hiếu coi bộ cũng dễ dàng hơn nhiều vì địa chỉ mới của ông, kể từ ngày 13 tháng 6 năm 2013 vừa qua, coi bộ dễ kiếm. Đó là “Dr. Hieu C. Truong Center of Excellence” ở Winnipeg. Đây là một trung tâm để áp dụng và phát triển tất cả những phát minh mới về tiền tệ của ông Hiếu trong các lãnh vực khoa học về kỹ thuật đúc tiền. Tổn phí xây cất cơ sở khảo cứu mới tinh này là 10 triệu đô. Một nhà khoa học vàng ròng như ông Hiếu làm chi có số tiền lên tới…một tỷ xu này. Đây là một cơ sở công do Royal Canadian Mint  thành lập nhưng được đặt tên theo tên ông Hiếu. Tôi nghĩ đây là một vinh dự có một không hai tại Canada để ghi công ông Tiến Sĩ người Việt này.

Tôi không biết từ trước tới nay đã có trường hợp nào ở Canada mà một công sở lấy tên một người còn đang làm việc trong cơ sở đó làm tên cho cơ sở không. Tôi nghĩ là chưa có tiền lệ. Cũng là nghĩ vậy thôi chứ chưa tìm hiểu tới nơi tới chốn. Mà cần tìm hiểu làm chi. Cứ nghĩ như thế cho sướng cái thân gốc Việt của mình!

03/2014