Đầu tháng ba, tình hình ở Ukraine nóng bỏng như lửa. Vậy mà nước Mỹ lại nóng bỏng vì chuyện khác, chuyện xảy ra ở thành phố cổ kính Boston, tiểu bang Massachusetts. Tòa án tối cao của tiểu bang mang ra xử một vụ lén chụp hình phần kín đáo của phụ nữ nơi công cộng. Bị can là anh chàng Michael Robertson, 32 tuổi, vào năm 2010 bị bắt về tội dùng điện thoại chụp hình và quay phim từ phía dưới váy phụ nữ trên xe điện chạy trong thành phố. Đây chắc là chuyện đã từng xảy ra nhiều lần trên đất Mỹ nên họ có từ riêng để chỉ bộ môn…nghệ thuật này. Đó là từ upskirting. Thẩm phán Margot Botsford ra phán quyết tha bổng bị can. Lý do ông đưa ra là người phụ nữ bị chụp hình lén không ở tình trạng khỏa thân toàn bộ hay một phần. Ông tuyên bố trong phiên tòa: “Nữ hành khách trên xe trolley của Cơ Quan Vận Tải Công Cộng Massachusetts mặc váy, áo dài hay y phục nào khác che đậy những chỗ kín của thân thể, không phải là người “khỏa thân một phần”, bất kể trong váy có đồ lót hay thứ gì khác không”. Theo luật gọi là Peeping Tom được thông qua vào năm 2004 đang được thi hành tại tiểu bang thì chỉ bị kết tội nếu chụp hình người khỏa thân hay bán khỏa thân tại các phòng tắm và phòng vệ sinh. Ngài chánh án cứ theo luật mà xét xử. Bản án được viết: “Chúng tôi kết luận rằng (luật pháp), như đã viết và được bị can nêu ra, chỉ liên quan tới luật Peeping Tom về tội nhìn lén người khỏa thân toàn phần hay một phần và, đặc biệt, những người nhìn lén bằng các dụng cụ điện tử. (Luật) không áp dụng trong trường hợp chụp hình (hoặc quay video hay nhìn lén) những người mặc quần áo đầy đủ và, đặc biệt, không áp dụng rộng rãi tới việc chụp hình phía dưới váy mà bị can bị quy tội thực hiện trên xe MBTA (Cơ Quan Vận Tải Công Cộng Massachusetts)”.
Dư luận khắp nước Mỹ nổi lên ầm ỹ. Như thế là thế nào? Bộ của rơi vãi ngoài đường hay sao mà tha hồ chụp hình! Cả nước sôi sùng sục! Quốc hội tiểu bang Massachusetts thấy mất mặt. Vậy là cái luật Peeping Tom đã được ban hành khi các máy móc điện tử còn sơ khai, chưa có màn hành nghề nhiếp ảnh…nghệ thuật sâu sát bằng những chiếc smartphone mà người nào cũng kè kè bên người. Ông Chủ Tịch quốc hội Robert DeLeo đỏ mặt tía tai tuyên bố nhất quyết phải trám cái lỗ hổng của luật cũ ngay tức khắc: “Phán quyết của Tòa Tối Cao đi ngược lại tinh thần luật pháp ngày nay. Quốc Hội sẽ hiện đại hóa luật pháp cho thích hợp với kỹ thuật hiện đại ngay”.
Nói là làm, chỉ một ngày sau phán quyết của tòa Tối Cao, ngày 7 tháng 3, quốc hội thông qua luật mới và ông Thống Đốc tiểu bang Massachusetts Deval Patrick ký roẹt thành luật liền một khi. Vậy là cái lỗ hổng bị trám ngay tức khắc!
Cũng tháng 3, ngày 5, tòa án quân sự tại trại Fort Drum, Nữu Ước, lại xử một vụ…kín khác. Bị can là Thượng Sĩ Michael McClendon, tùng sự tại Học Viện Quân Sự West Point. Nghe cái tên West Point đã thấy nể. Đó là lò đào tạo các sĩ quan rất danh tiếng của quân đội Mỹ. Tại West Point hiện nay có khoảng 4.500 sinh viên sĩ quan trong đó có 15% là nữ. Tôi lấy cái máy tính ra bấm: như vậy có tổng cộng 675 bóng hồng trong trại. Ông Thượng Sĩ này đã hai lần chiến đấu ở Iraq và được tặng thưởng huy chương đàng hoàng. Công việc hiện nay của ông là “cố vấn về sức khỏe, tinh thần và kỷ luật” cho sinh viên. Nhưng ông lại làm một công việc khác không có liên quan tới chức “cố vấn” của ông: lén quay video các nữ sinh viên khi họ đang ở trong phòng tắm và phòng vệ sinh. Công việc ngoài nhiệm vụ này khiến ông phải phơi mặt ra trước tòa án quân sự. Tòa giáng chức ông xuống binh nhì và bị đuổi khỏi quân đội sau khi mãn hạn tù.
Hai ông Michael Robertson và Michael McClendon đều có cái tính rất người là tính tò mò. Cứ thấy cái chi kín kín là bày mưu lập kế nghía cho bằng được. Tội của các ông là nghía vào những chỗ được cho là rất kín. Tò mò là tính phổ thông nên chẳng phải chỉ hai ông Michael này có. Nếu hai ông có vướng vòng lao lý là do cái số các ông xui. Đất nước tôi thiếu gì chuyện…kín. Các ông bà nhà thơ của chúng tôi vẫn chăm chăm vào chỗ kín mà có ra trước vành móng ngựa chi đâu.
Ông Bùi Giáng mê mê tỉnh tỉnh.
Lá cồn thu nhặt chia trôi
Chắp làm hai mảnh rạc rời cả hai
Vành cong hiển hiện hiên ngoài
Hít hôn chưa thỏa còn môi móc gì
Càn khôn chết lịm li bì
Một hai ba bốn năm quỳ khuynh soi
Trường đình giục ngựa ra roi
Nằm nghiêng mở ngửa cửa choai gái cồn.
Các ông bà nhà thơ của chúng tôi còn chơi đùa với nhau xuyên qua thế kỷ. Bà Hồ Xuân Hương, đã là bà thì còn kín nỗi chi, vậy mà cũng khoe!
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự ngàn xưa.
Vành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhân ngày phụ nữ mùng 8 tháng 3 vừa qua, đã ỡm ờ với nhà thơ nữ thế kỷ 19.
Mở ra một cái váy trời
Quạt cho thế sự tơi bời lá hoa
Chành ra ba góc dư ba
Hỏm hòm hom thế mới là văn chương.
Bạn tôi, ông nhà thơ Luân Hoán, sống xa tít sau ngày bà Hồ Xuân Hương vịnh quả mít:
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.
Vậy mà, coi tiền nhân như bạn, ông Luân Hoán cũng đú đởn.
chẳng thể nào đóng cọc
mà không máy mó tay
nhựa tôi là huyền dược
chạm vào mê sảng ngay.
Ông nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chuyên viết văn học trò, hiền như bụt, vậy mà tôi vẫn bắt gặp trong truyện dài “Mắt Biếc” của ông con mắt gửi vào chỗ kín đáo: “Vào những đêm có trăng, tôi thường theo ba tôi xuống tắm ở giếng Cây Duối. Tôi đứng trên nên giếng trơn rêu, sát ngoài rìa, trần truồng và co ro, chờ ba tôi dội từng gầu nước…Đi tắm ở giếng làng vào những đêm trăng không chỉ có tôi là trẻ con. Thỉnh thoảng Hà Lan cũng theo ba nó đi tắm. Lần nào thấy tôi nó cũng ngạc nhiên và mừng rỡ kêu lên: “Ơ! Ngạn kìa!”. Tiếng kêu của nó bao giờ cũng khiến tôi sung sướng đến đỏ mặt. Và tôi nhe răng cười. Hà Lan cũng tắm truồng như tôi. Nó không tỏ vẻ xấu hổ gì về chuyện đó mặc dù nó cố tình không quay mặt về phía tôi. Tôi cũng vậy, tôi quay lưng về phía Hà Lan và nghe rõ tiếng chân nó đang nhảy loi choi trên nền giếng vì lạnh. Dù vậy thỉnh thoảng tôi vẫn nghiêng mặt liếc về phía nó, một lần rồi hai lần và hơn nữa. Tôi cảm thấy xấu hổ về hành động của mình nhưng tôi không cưỡng được sự thôi thúc mạnh mẽ của trí tò mò. Hà Lan đi tắm không giống Hà Lan đi học. Người nó đẫm nước và loáng ánh trăng, nom huyền hoặc và xa lạ. Tôi chẳng thấy nó giống chút nào với cô bé vẫn thường ngồi cạnh trong lớp, thậm chí có lúc tôi chẳng thấy đôi chân nó đâu. Dường như nó biến vào ánh trăng. Những lúc đó, nó không giống nó, nó giống một giấc mơ hơn”.
Tắm giếng làng là một tập tục ngày xưa ở miền quê ngoài Bắc. Đàn ông đàn bà, trẻ nít trẻ nôi, cứ thản nhiên trần truồng kỳ cọ bên thành giếng. Họ tự nhiên như không. Nhà văn Chu Tử có kể lại là phụ nữ làng ông, sau một ngày làm việc mệt nhọc, thường ra giếng tắm truồng. Ông nhà văn này là một người thực thà. Dân Hà Nội nghe thì thấy thích nhưng lại nhạo báng cái lối tắm quê mùa đó. Bạn bè ông Chu Tử nghe kể, cười ầm lên và chế nhạo anh nhà quê. Họ nhạo đến nỗi Chu Tử phải tức giận đến đập lộn với lũ bạn. Có lẽ để trả thù, trong một cuốn tiểu thuyết (tiếc rằng tôi không nhớ tên), ông đã tạo ra một nhân vật là nhà giáo ở Hà Nội, thấy học trò kể lại chuyện phụ nữ tắm truồng ở quê nhà, đã kiếm cớ về làng của em học trò này chỉ để nhìn trộm thứ thường là kín cổng cao tường ở thành thị!
Ông Chu Tử là người hồn nhiên. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã nói về ông: “Một tâm hồn của một đứa trẻ trong thể xác một ông già!”. Tưởng chỉ có mình ông Chu Tử dại dột kể chuyện đàn bà tắm truồng tại làng Thừa Lệnh của ông, ai ngờ các cụ Phan Cẩm Thượng và Lương văn Bằng cũng hồn nhiên như rứa. Họ coi chuyện này là chuyện thường tình, chẳng có gì phải giấu giếm. “Năm 1944, người chú họ xa của tôi rời Hà Nội về vùng xa Phú Thọ dậy học trường làng và ở nhờ nhà người quen cũ. Lúc ấy, “cụ chú” mới chỉ là một thanh niên mặt mày sáng sủa, vừa tròn 23 cái xuân xanh. Làng quê hẻo lánh thưa thớt dân, lúp xúp những mái nhà giữa trập trùng đồi núi. Chiều ra đứng cạnh cửa sổ, ông giật mình vì thấy chị chủ nhà đứng trần trụi, không mảnh vải che thân bên giếng, tay thoăn thoắt kéo nước lên dội tắm ào ào. Ông ngại ngần lật đật quay ngoắc vào, cho rằng do chị nhiều tuổi (thật ra chị mới ngoài ba mươi), đã có chồng con nên không cần giữ kẽ, thành ra cứ tự nhiên tắm táp! Giấc chập choạng tối, ông ở trần mặc quần cộc ra giếng. Dội nước được dăm phút thì thấy cô con gái tuổi chừng đôi tám, con gái lớn của chị chủ nhà, vắt khăn ra giếng tắm. Thấy ông, cô gái trố mắt ngạc nhiên hỏi: “Sao chú tắm mà mặc quần?”. Rồi cô thật tự nhiên thoát y hết cả, vắt đồ lên dàn tre phơi gần đó và múc nước dội thật vô tư. Tay cô kỳ cọ, miệng huyên thuyên hỏi đủ thứ chuyện thành thị, mặc cho ông trong lòng ngượng chín người. Hóa ra tập quán bao đời nay ở nơi đó vẫn vậy. Các cô có thể ngại ngùng đỏ mặt khi trai làng tán tỉnh nhưng tắm truồng ngoài giếng lại là chuyện đương nhiên như ai cũng phải thế, chả ai săm soi áy náy gì!”.
Vùng quê mà vô tình có lối giáo dục sinh lý tân tiến hơn Hà Nội. Tại những vùng…hở hang này, trẻ con từ nhỏ đã nhìn thấy người lớn khỏa thân nên những ức chế tình dục có thể đã được giải tỏa. Vì vậy nên tại đây không có những chuyện bậy bạ lăng nhăng. Ngoại tình hay làm tình bừa bãi bị cấm ngặt. Làng nước an bình, vợ chồng yên ấm. Tôi nghĩ đây là chiêu dĩ độc trị độc rất hiệu quả! Cái gì cấm mới gây tò mò. Cứ tanh bành ra thì đó là chuyện thường, ai mất công rình mò nhìn lén làm chi. Hở mà thành kín! Chuyện các bãi biển khỏa thân ngày nay chắc cũng là chuyện bắt chước thôn làng chúng ta ngày xưa!
Chuyện kín nay hở lung tung. Nhưng sao con mắt vẫn cứ thậm thụt! Một ông bạn tôi phán: “Thói đời như vậy! Chỉ thích rình ngó. Tội cho những kẻ u mê! Cái nào chẳng vậy, có chi khác đâu!”. Câu nói vừa được phóng ra đã nhận được những cái bĩu miệng khinh rẻ. Một ông bác bỏ ngay: “Ông này biết một mà không biết hai! Bộ ông trời thiếu óc sáng tạo lắm sao? Trên thế gian này có cái mặt nào giống hệt nhau đâu!”.
Trong chốn tù đầy, thiếu thốn đủ thứ, nhất là bóng dáng đàn bà, chuyện kín hở là chuyện lúc nào cũng ăn khách. Tôi mới đọc xong cuốn hồi ký “Thép Đen” của Đặng Chí Bình. Cuốn sách dày tới trên hai ngàn trang, in làm bốn tập, vậy mà đọc hết sức hấp dẫn. Cứ như đọc truyện trinh thám. Tác giả là một biệt kích miền Nam được thả ra Bắc hoạt động, bị Cộng Sản bắt vô tù, kết án 18 năm. Chuyện chính là biết được những người tù biệt kích từ miền Nam ra Bắc đã phản ứng ra sao đối với các biến cố tại miền Nam như vụ giết Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu và các cuộc đảo chánh liên miên sau đó. Đọc cuốn này chúng ta mới biết được hết sự thâm độc, tàn nhẫn và vô nhân tính của cộng sản. Nhưng trong cuốn hồi ký hấp dẫn này cũng có những chuyện lăng nhăng của đời tù. Trong chỗ kín như bưng này, cái…kín hoành hành như thần. Tác giả khi xâm nhập miền Bắc là một thanh niên 22 tuổi, chưa vợ, chưa biết đàn bà là cái chi chi. Nhưng dù biết hay chưa biết, đời tù, vắng bóng dáng những sinh vật mảnh dẻ, chuyện…kín bao giờ cũng là chuyện được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Buồng tù đang râm ran chuyện nóng này. “Anh Lân buồng trưởng đứng giữa buồng khoắng tay: “Toàn buồng trật tự yên lặng! Các anh bàn chuyện đàn bà con gái thì nói cả đời không hết! Đây là chuyện thực của đời tôi. Từ ngày tôi bị bắt đã 8 năm rồi, có một điều tôi ân hận nuối tiếc lớn nhất, vẫn ngày đêm dằn vặt lòng tôi….”. Rồi anh im bặt. Có nhiều tiếng hối thúc: “Nói ra đi! Nói ra đi!”. Cũng lại ầm cả lên. Tôi cũng tò mò, đến bên Lân cao giọng: “Các anh đừng làm ồn, để anh Lân nói ra đã!”. Rồi tôi quay lại anh Lân như thúc giục: “Anh nuối tiếc ân hận điều gì thế, hãy cho chúng tôi biết đi”. Anh cười và tỏ vẻ thành khẩn: “Hiện nay, tôi đã có bốn mặt con: hai trai và hai gái. Vậy mà tôi vẫn chưa nhìn thấy cái của vợ tôi nó như thế nào cả. Tôi ân hận sao lại không nhìn rõ một lần cho đã để bây giờ khỏi hối tiếc!”. Cả buồng réo lên: “Không tin được! Không tin được! Vô lý!”. Cuối cùng anh Lân đã thong thả chậm chạp như tâm sự: “Tôi xin thú thực với các anh em. Bởi vì chúng tôi ở nhà quê, chỉ khi nào đêm khuya, tin chắc cả nhà đều đã ngủ yên thì hai vợ chồng mới tò te mà thôi. Thường trời tối giơ bàn tay không nhìn thấy, thì nhìn làm sao được cái kia!”
Không ai nói ra nhưng theo tôi thấy khi ở trong tù, biệt lập khỏi vợ, nhớ về người đầu ấp tay gối, người ta vẫn hậm hực về cái khoản “mật khu” yêu dấu. Làm như vùng suối rừng này có thần thì phải. Chưa tỏ tường chưa hết ấm ức. Mà đã ấm ức thì có nhu cầu được nói ra cho đỡ ấm ức. Trong bài viết ngắn: “Kho Vàng Của Thượng Tướng Cộng Sản Chu Văn Tấn”, viết vào cuối năm 2013, người tù bị biệt giam tại trại tù Thanh Liệt trong 10 năm 1 tháng 17 ngày, ông Võ Đại Tôn, kể về một người bạn tù bị tạm giam chung trong xà lim hai tuần lễ. Ông này là người Nùng, tên Chu Văn Neo, cháu gọi Chu Văn Tấn là “ông chú”. Ông Võ Đại Tôn kể: “Ông bạn tù này của tôi cho biết là bị bắt từ năm 1979, đã ở tù gần 10 năm rồi, qua nhiều trại ở Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Bắc Cạn, Hà Nội, và nhiều lần bị chuyển về trại Thanh Liệt này. Chưa biết ngày nào được thả, không có án lệnh gì cả. Khi kể chuyện về vợ con, có một chi tiết vui vui làm tôi cười thầm và vẫn còn nhớ đến hôm nay. Ông ta tâm sự là người vợ lớn hơn ông ta bốn tuổi, tuy đã có ba con với nhau, nhưng mấy chục năm qua chung sống, ông ta chưa hề nhìn thấy “mật khu” của vợ mình. Vì lẽ, đời sống bộ đội ít khi ở nhà, thỉnh thoảng gặp nhau thì lại sinh con, tắm suối cũng mặc váy, “gần” nhau thì chỉ lén lút vào ban đêm trên nhà sàn chung đụng nhiều người trong gia đình anh em bà con với nhau. Ông ta tặc lưỡi: “Thây kệ, có con là được rồi! Thế nào cũng xong!”.
Chuyện trong “Thép Đen” chưa xong! Cũng anh chàng Lân…mắt kém này, khi biết anh Đặng Chí Bình chưa vợ con, chưa biết cái tròn méo ra sao, đã nói cho đã miệng: “Có lần anh hỏi tôi: “Tao hỏi thực mày, mày đã nhìn thấy cái “hến” của đàn bà chưa?”. Sau khi biết tôi chỉ nhìn thấy của các bé gái còn nhỏ, chỉ 4 hay 5 tuổi, một buổi tối Lân trêu tôi. Anh đứng ở giữa nhà, nói to với cả buồng: “Thằng Bình nó ngố lắm! Nó cứ tưởng cái “hến”của con gái khi lớn lên vẫn vậy. Nó không biết là khi đứa con gái bắt đầu 11, 12 tuổi thì cái “hến” cứ xoay dần, để rồi từ 18 tuổi cho đến khi thành đàn bà thì nó nằm ngang hẳn ra”. Ngay khi ấy, tôi cũng không tin và hiểu là Lân muốn trêu tôi mà thôi. Tuy vậy, một hôm tôi đã hỏi Gôm. Gôm cười hềnh hệch và nói là cá biệt, có người nó còn ngược hẳn lên. Để rồi mấy tháng sau, nhân một lúc vui, tôi hỏi thẳng bác Lẫm. Bác cười bằng mắt bảo tôi: “Yên tâm đi, sau này sẽ biết!”.
Chuyện sau này, ai ngờ xảy ra cấp kỳ, khi tác giả và một anh chàng chủng sinh tên Đương được cử qua trại nữ sửa lại cái sàn nằm bị sụp. Làm xong, hai người ra giếng rửa tay chân ngay trước khi tù đi lao động về. Trong tù, giờ giấc eo hẹp, giờ nào việc nấy, nếu không “tranh thủ” làm mau thì thiệt thòi. Vậy nên khi đoàn tù nữ đi lao động về, họ vừa chạy ra giếng vừa trút bỏ áo quần để tắm cho nhanh. “Ầm ầm, ịch ịch, tiếng la hét, rồi một đám đông hàng trăm người già trẻ lớn bé, nhàng nhàng nhỡ nhỡ, đàn bà, con gái, trần truồng như nhộng, từ cổng trại ùa vào trong giếng. Thật là bất ngờ, tôi và Đương quýnh cả lên. Tội nghiệp anh chàng chủng sinh Đương, cố chạy ra cửa giếng, bị họ đẩy xô vào ngã sấp ngã ngửa, mặt đỏ như gấc chín. Còn tôi cũng chẳng hơn gì, không biết làm sao, chạy ra không được. Phải nói có tới bốn năm chục người xô vào trong giếng, quần áo họ đã vắt hết lên liếp chung quanh giếng. Họ giật lấy cả cái gầu tôi đang rửa. Trong thâm tâm cũng muốn nhìn cho rõ khi họ cởi truồng, nhưng vì họ đông quá, làm cho tôi không dám mở mắt ra nhìn, đành lấy khăn mặt che đôi mắt bằng hai tay, mặc cho họ đẩy xô chỗ này sang chỗ khác giữa những tiếng la hét, những tiếng cười rũ rượi và nước dội xối xả. Mãi hàng mươi phút sau tôi và Đương mới thoát ra khỏi giếng, mất cả dép và khăn mặt mà không dám vào lấy!”.
Cái chi thái quá cũng không ra chi. Chỉ cần một mà có tới bốn năm chục, hỏng! Hoảng hốt tới độ lấy khăn bịt mắt thì còn thấy được ngang dọc ra sao. Vậy là kín vẫn hoàn kín!
03/2014
|