Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

MẦM

Em Paul Nông của cộng đồng người Việt tại Burnsville, tiểu bang Minnesota, vừa mang lại vinh dự cho người Việt hải ngoại chúng ta. Em là học sinh lớp 11 của trường trung học Burnsville. Số là Google (ai giao du với computer lại không biết Google!) có tổ chức một cuộc thi vẽ logo. Có trên một trăm ngàn thiếu niên gửi tác phẩm tới dự thi. Họ chọn mỗi tiểu bang một em vào chung kết. Em Paul Nông của chúng ta chiếm suất chung kết của tiểu bang Minnesota. Em sẽ phải dự tranh với 50 em của các tiểu bang khác để chiếm giải quán quân. Không biết em có trúng giải không chứ bước đường của em tới đây kể như đã là một thành công lớn không ai ngờ tới, kể cả cha mẹ em. Em Nông kể lại: “Ba mẹ em cũng không tin được. Họ nghĩ là em thắng giải của trường thôi và như vậy cũng đáng ngạc nhiên rồi. Nhưng khi họ nghe được em thắng giải của toàn tiểu bang, họ còn ngạc nhiên hơn nữa. Giờ thì ba mẹ em đang gọi đến họ hàng, bạn bè, để họ bỏ phiếu cho em trong vòng chung kết”.

Sao lại bỏ phiếu? Vì đây là cuộc thi có phần tham dự chấm giải của công chúng. Vừa nghe được tin này tôi cũng đã vào bỏ phiếu cho em Nông ngay. Bỏ xong mới thấy mình thiên vị. Tôi đã tìm ngay bức tranh của em Nông và click liền trong khi chẳng ngó ngàng tới tranh của 50 em khác. Vậy là chúng ta kêu gọi nhau bỏ phiếu theo cảm tính. Hơi thiên vị nhưng, xin nói nhỏ với năm chục em kia: xin các em tạm xê ra cho chúng tôi yêu nước!

Nhưng tình yêu của tôi không mù quáng. Bức tranh của em Paul Nông rất có ý nghĩa. Chủ đề của Google đưa ra cho cuộc thi là: “Nếu tôi có thể phát minh ra điều gì để làm cho thế giới tốt đẹp hơn”. Phát minh của em Nông là một chiếc máy ước mơ. Đặc biệt là chiếc máy này chỉ làm việc trong suốt thời gian con người say ngủ. Em Nông giải thích: “Em muốn chế ra một cái gì có thể giúp chúng ta hoàn thành công việc khi chúng ta đang ngủ, tiết kiệm được thời gian”. Bức vẽ của em Nông được thực hiện bằng bút chì màu và chì than. Hai đầu bức vẽ là hình hai người, một nam và một nữ, đang ngủ. Ở giữa là những quả khí cầu nóng, nhiều người bay bổng trên không gian và những giải băng nhiều màu sắc. Sau khi vẽ xong, em Nông dùng computer để chế tác thêm cho bản vẽ. Em Paul Nông sẽ được Google tài trợ chuyến đi tới trụ sở của họ ở California vào ngày 21 tháng 5 này để dự buổi tuyên bố kết quả. Tôi vừa vào Google để coi kết quả. Em Nông của chúng ta không đoạt được giải.  Em đoạt giải nhất là Audrey Zhang, học sinh trường Island Trees Memorial Middle School ở Levittown, Nữu Ước. Em gái này nhận được một học bổng trị giá 30 ngàn đô. Trường em theo học nhận được 50 ngàn đô để trang bị phòng điện toán hoặc chi cho những dự án kỹ thuật của nhà trường. Google cũng chi ra thêm 20 ngàn đô để giúp, dưới tên của em Zhang, dự án mang nước sạch tới cho 10 trường học ở Bangladesh. Bắt đầu từ ngày 9 tháng 6 tới, logo trúng giải sẽ được post lên trang của Google.

Dù sao, mới 17 tuổi mà đã có tranh được chọn đứng đầu tiểu bang Minnesota, em Paul Nông đúng là một mầm non hội họa. Nụ mầm này đã vươn lên ngay từ khi em mới 5 tuổi. Từ năm học lớp 7 em bắt đầu học vẽ chuyên nghiệp. Em chưa bao giờ dự một cuộc thi vẽ tranh cả. Đây là lần đầu. Cú đầu đã trúng lớn ngay tức khắc!

Nói tới Google cũng nhớ tới Yahoo. Toàn là những…hung thần trong thế giới ảo. Nói tới Yahoo cũng lại đụng đầu một ông Việt Nam! Ông này sinh năm 1968, không còn là mầm non nữa nhưng cũng có thể liệt vào loại mầm…sồn sồn! Đó là họa sĩ Cường Nguyễn. Ông là một trong hai tác giả của những icon hình khuôn mặt người cười, khóc, giận, hôn gió, thiên thần mà ai cũng quen thuộc trong Yahoo. Ông nổi tiếng trong lãnh vực này đến nỗi được đồng nghiệp gọi là King of Icons. Thực ra trước đó ông là họa sĩ chuyên vẽ chân dung đã đoạt được nhiều giải thưởng. Tháng 4 năm 2011, ông đoạt giải nhất toàn nước Mỹ trong cuộc triển lãm Spring do tạp chí chuyên về hội họa The Pastel Journal tổ chức. Tác phẩm đoạt giải này vẽ chân dung một thiếu nữ bằng phấn tiên. Tiếp theo, ông đoạt giải tại cuộc thi của tiểu bang California do viện bảo tàng nghệ thuật The Triton tổ chức. Bức tranh trúng giải là một bức sơn dầu vẽ chân dung một người đàn ông. Tháng 11 năm 2011, ông đoạt giải ba toàn nước Mỹ với bức tranh vẽ chân dung một cô gái do tạp chí Southwest Art tổ chức.

Trở lại với Yahoo, ông cộng tác vẽ với công ty này từ năm 2000. Ê kíp của ông chỉ có hai họa sĩ. Tới năm 2006 mới có thêm một họa sĩ nữa. Những sáng tạo của nhóm họa sĩ này luôn thay đổi theo thời gian. Năm 2008, ông rời Yahoo để chuyên tâm vẽ chân dung là bộ môn mà ông thích nhất.

Tôi đã liệt ông vào loại mầm sồn sồn vì tuổi tác của ông hiện nay nhưng thực sự ông cũng là một mầm non vì ông đam mê hội họa từ nhỏ và học vẽ chân dung từ năm mới 10 tuổi. Năm 1989 Cường Nguyễn tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn. Hai năm sau, ông cùng gia đình sang Mỹ và theo học mỹ thuật tại San Jose State University. Ra trường, ông làm việc cho tờ San Jose Mercury News trước khi qua Yahoo.

Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2012, ông đã có một cuộc triển lãm cá nhân mang tên Two Apart (Đôi Ngả) tại viện bảo tàng Los Gatos ở California. Chỉ trong ngày khai mạc đã có nửa số tranh trong số 35 bức trưng bày của ông được khách thưởng ngoạn mua. Chắc vì “đôi ngả” nên tranh của ông cũng đi đôi ngả! Cường Nguyễn cho biết về…đôi ngả: “Tôi sử dụng hai người mẫu, một nam một nữ, tượng trưng cho mối quan hệ của con người và con người, có lúc cùng nhau tồn tại, cũng có lúc mỗi người phải chọn một lối đi riêng”.

Jacquelyn Ngô ở Úc đích thị là một mầm non. Em có tranh trưng bày tại Casula Powerhouse Arts Center từ năm em mới 6 tuổi. Trên trang mạng chính thức của trung tâm nghệ thuật này, tranh của em đã được giới thiệu như sau: “Tranh của Jacquelyn bộc lộ ra một thế giới tưởng tượng của một tinh thần phóng túng và linh động mà, hơn là vẽ ra những gì em nhìn thấy, còn vẽ ra những gì em cảm thấy ở chung quanh em. Sự ngây thơ, thực thà, trung thực và sáng tạo thuần túy của những tác phẩm của Jacquelyn thật tươi mát và khiến mọi người cảm nhận được niềm vui đích thực được ở trong cái thế giới thích thú của em… Hơn là chỉ vẽ về cuộc sống hàng ngày, tranh của Jacquelyn còn biểu lộ lòng tự hào về cái di sản hai mặt của tác giả. Rất nhiều tranh của em biểu lộ sự ngây thơ tươi đẹp và sự hợp nhất hệ thống của hai nền văn hóa Việt và Úc trong việc ca tụng tính đa dạng của cộng đồng chúng ta”.

Tôi vào coi tranh của em Jacquelyn Ngô trong trang mạng của Casula Powerhouse Arts Center và đã bất ngờ. Không chỉ vì giá cả của mỗi bức được đề giá từ 1500 Úc kim tới vài ngàn Úc kim mà vì sự thu hút của những bức tranh. Không ai có thể nghĩ đây là những tác phẩm của một cô bé chỉ mới 7 tuổi vào năm 2012. Cô bé Jacquelyn quả là còn ngây thơ khi chỉ muốn giữ tranh của cô chứ không muốn bán. Ông Alderton của trung tâm nghệ thuật này biết tới tranh của Jacquelyn Ngô khi em đoạt giải tranh vẽ thiếu nhi của giải Liverpool City Art Prize. Ông phải thốt lên khi coi tranh: “Tranh rất tươi và sinh động, người thưởng ngoạn có thể cảm thấy vẻ trẻ trung trên tranh”. Ông không tin một em bé 6 tuổi có thể vẽ như vậy được. Ông cử một chuyên viên tới tận nhà coi em vẽ trong 2 tiếng rưỡi. Bà chuyên viên này đã phải kêu lên vì quá ngạc nhiên về tài vẽ của Jacquelyn. Bà Thu Ngô, cô của em, cho biết là gia đình đã thấy em có khiếu vẽ ngay từ lúc em mới 3 tuổi nên đã chú ý tới cái tài này của em. Trong 24 bức tranh được giới thiệu trên mạng trong cuộc triển lãm của riêng em mang tên Going to School on a Kangaroo (Cưỡi Kangaroo Đi Học), tôi kết nhất hai bức: bức cưỡi kangaroo làm chủ đề cho cuộc triển lãm và bức Happy New Year. Bức đầu vì cái vẻ ngộ nghĩnh. Bức sau vì hình em bé mặc áo dài cầm phong bao lì xì đỏ trong ngày tết. Tại sao tôi thích bức tranh tết này, tôi nghĩ không cần giải thích. Bức tranh sơn dầu trên bố khổ 61 x 51 cm này có giá 1600 Úc kim.

Em Jacquelyn có cái may mắn sống ở Úc. Mầm non tưởng đã thui chột Nguyễn Thanh Tuyền vất vả hơn nhiều.  Em sanh vào tháng 10 năm 1995. Đừng hỏi ngày sinh nhật của em vì không ai biết cả. Ngày 24 tháng 10 năm 1995, nhằm đúng vào ngày nhật thực toàn phần tại Việt Nam, một vài cư dân sống ở ven sông An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhìn thấy một cái can nhựa loại 10 lít được cột vào một gốc bần, trên úp một cái nón lá rách trôi dật dờ trên sông. Dân chúng kéo cái can nhựa vào bờ, giở chiếc nón lá ra, tá hỏa khi thấy bên trong là một bé sơ sinh, thân hình tím tái, nằm im lìm bên trong. Tưởng đó là một cái xác bị bỏ nhưng cái xác bỗng khóc thét lên khiến mọi người vội mang lên bờ. Đó là một bé gái, cân nặng chỉ khoảng kí rưỡi. Điểm đặc biệt là mỗi bàn chân và mỗi bàn tay bé chỉ có một ngón! Bé được đưa vào Trung Tâm Y Tế huyện Mang Thít rồi chuyển lên khoa nhi đồng của bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Khi tình trạng của bé được ổn định, người ta mới nghĩ tới chuyện đặt cho bé một cái tên. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Mỹ Hương và Lê Cẩm Vân trực tiếp săn sóc bé. Sau thời gian trị bệnh, hai cô điều dưỡng này đã mang bé về nhà nuôi. Bé gọi hai cô này là “ngoại”. Tới tuổi đi học, bé nhập học trường mẫu giáo Thanh An. Cô giáo nhẫn nại tập cho Tuyền viết với bàn tay chỉ có một ngón. Quả là một kỳ công! Rồi bé Tuyền tới tuổi vào trường tiểu học. Bé nhất định đòi vào học trường Hùng Vương, trường chuyên của cả tỉnh Vĩnh Long. Hai bà ngoại bối rối nhưng cũng chiều bé, tới nói chuyện với ông Hiệu Trưởng Hà Ngọc Điện. Ông này kể lại: “Vì là trường chuyên nên chúng tôi phải xét tuyển. Ngay cả học sinh bình thường muốn vào học cũng rất khó. Huống chi bé Tuyền là một đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vì chưa có tiền lệ nên chúng tôi phải xin ý kiến của Sở Giáo Dục và Đào Tạo của tỉnh. Khi Sở đồng ý, tôi lại lo. Nếu bé không hòa nhập được với bạn bè, bé sẽ sốc!”.

Nhưng không phải bé Tuyền không hòa nhập được mà chính các học sinh trong lớp không hòa nhập được với em! Cô giáo Minh Tuyền dạy lớp một nhớ lại: “Lúc đầu, tình hình rất căng thẳng. Các bé khác rất sợ Tuyền. Nhiều phụ huynh tìm gặp riêng tôi xin đừng xếp con họ ngồi cạnh bé Tuyền vì sợ sự dị dạng ám ảnh con họ…Tôi phải chọn dịp, kể cho các bé khác nghe về hoàn cảnh của Tuyền, khơi gợi trong các bé tình thương và sự đồng cảm, ý thức chia sẻ. Tôi cho Tuyền viết rồi chỉ cho các bé xem, nhắc các bé rằng: bạn chỉ có một ngón tay mà viết chữ rất đẹp, học rất giỏi. Trẻ con vốn hồn nhiên, không bị định kiến chi phối, lại giàu nhân ái nên dần dần, trong mắt các bé khác, Tuyền đã trở thành…bình thường”.

Không những bình thường mà bé Tuyền còn khác thường nữa. Tay chân chỉ vỏn vẹn có một ngón mà lại có khiếu vẽ. Chính hai “ngoại” khám phá ra tài năng của cô bé tật nguyền. Họ cho bé tới học lớp dạy vẽ của Nhà Văn Hóa thị xã Vĩnh Long. Người dạy bé vẽ, cô Nguyễn Thị Bé Tư, cho em vào lớp năng khiếu. Cô Bé Tư kể: “Mấy tháng đầu rất cực. Bé cứ khóc than: cô ơi, mỏi tay quá! Tôi dỗ dành: ráng lên con, bạn làm được thì mình cũng làm được. Nghe vậy, bé bặm môi, cúi xuống trang giấy vẽ từng nét”.

Năm 2001, ban tổ chức cuộc thi Festival of ASEAN Children Art, do Ủy Ban Các Vấn Ðề Công Cộng Mitsubishi, Liên Hiệp Các Hiệp Hội và câu lạc bộ UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, mời gửi tranh dự thi. Câu lạc bộ năng khiếu vẽ của nhà văn hóa thị xã Vĩnh Long đã tập hợp 16 bộ tranh của 12 học viên gửi đi. Cô Bé Tư tâm sự: “Chúng tôi chỉ cho đó là dịp để các bé tập tành, hoàn toàn không nghĩ đến khả năng đoạt giải. Vậy mà cuối cùng, em bé đoạt giải Grand Prix lại là Nguyễn Thanh Tuyền. Ðiều đáng nói là ban tổ chức không hề biết rằng đứa bé ấy chỉ cầm cọ vẽ bằng một ngón tay, cho nên việc xét trao giải rất sòng phẳng, không có sự phân biệt giữa trẻ lành lặn và trẻ bị dị tật”. Em Nguyễn Thanh Tuyền đang học lớp 8, cũng vẫn học trường chuyên. Cô cho biết: “Con mơ thành dược sĩ chế tạo thuốc cứu giúp mọi người!”

Vừa nhí, vừa dị dạng, vậy mà em bé mầm non này thành công cái một. Đúng là tài không đợi tuổi. Vậy nên chúng ta mới có mầm non, làm gì có mầm…già. Tưởng vậy hóa ra cũng có. Tài không đợi tuổi, nhưng gặp được thứ tài kiên nhẫn, chịu khó mỏi chân đứng đợi thì cũng tìm ra được mầm già! Đây là một mầm…bự! Đó là cựu tonton “Bush con”. Ông này sanh năm 1946. Vậy là năm nay ngài 68 tuổi. Ngài tới với cây cọ ba năm sau khi mãn nhiệm kỳ Tổng thống, vào năm 2012. Vậy thì mầm già Bush bắt đầu vẽ năm 66 tuổi. Già quá đi chứ! Trước đó, chưa bao giờ mầm già này để ý tới hội họa, chẳng tranh chẳng ảnh chi hết. Đang bận tíu tít khi còn ngồi trong tòa nhà trắng, giờ bỗng dưng ở không, ông Bush bày đặt đi học vẽ. Khởi đầu ông vẽ toàn chó, sau mới vẽ tới người. Người đây toàn là thứ dữ: nguyên thủ các quốc gia. Không vẽ khơi khơi mà triển lãm đàng hoàng. Đầu tháng 4 vừa qua ông khai mạc phòng tranh mang cái tên rất hách: The Art of Leadership: A President Personal Diplomacy. Có tất cả 30 nguyên thủ được ông Bush tô điểm hình hài. Dĩ nhiên chẳng có ông nào rỗi rảnh ngồi làm mẫu cả. Ông Bush nhìn vào nhiều tấm hình chụp của một nhân vật, nhớ lại những lần tiếp xúc khi ông còn ở ngôi vị. Khi đủ thấm, ông huơ cây cọ trên miếng vải bố. Khi vẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông “vẽ cái dịu dàng nhất mà tôi có thể”. Khi vẽ ông Thủ Tướng Anh Tony Blair, người rất thân với ông, ông vẽ “với nhiều ưu ái về một người nhiều đam mê và đáng tin cậy”.

Tôi đã tìm vào những chân dung ông vẽ. Thấy cũng tới lắm. Đó là theo con mắt ấm ớ của tôi. Nhưng nhà phê bình nghệ thuật của tạp chí chuyên môn New York Magazine Art, ông Jerry Salz, thì cho rằng  “không có năng khiếu bẩm sinh, chỉ có ước muốn  được vẽ”.

Dù sao tôi cũng phục ông cựu tonton này sát đất. Tôi thích xem tranh, thấy các ông Đinh Cường, Khánh Trường, Nguyễn Trọng Khôi và ngay mới đây, ông Du Tử Lê vẽ, tôi khoái lắm, ước chi mình cũng vẽ được. Vậy mà tay chưa bao giờ được dính màu. Tôi vẫn còn chờ cái thứ “tài đợi được tuổi” mà sao vẫn chưa thấy bóng dáng thân yêu này. Dù sao, tôi nhất định không nản chí. Đến như ông Bush, Tổng Thống dở ẹc, mà còn có lúc được gọi thì làm sao tôi thất vọng được. Mấy ông bạn tôi thấy tôi bày tỏ tâm tình bèn cười ngất: ở đó mà chờ sung rụng! Kể mấy ông này nói cũng phải. Chắc mình cũng phải tìm tới chứ chẳng lẽ cứ ngồi không chờ! Ông Bush cho biết là ông  đi vào nghệ thuật nhờ đọc một tiểu luận của ông Winton Churchill về hội họa trong một cuốn sách do ông Thủ Tướng Anh Tony Blair tặng với lời đề tặng: “Tặng George, đồng minh và bạn của tôi”.

Tôi không quen ông Tony Blair (dĩ nhiên!) nhưng tôi sẽ cố gắng tìm cuốn sách của ông Churchill để đọc. Biết đâu lại chẳng tìm được hứng khởi hội họa để thành một thứ mầm già. Các ông Đinh Cường và Khánh Trường coi chừng!

05/2014