Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

GIỮA

Chuyện khá vui. Ngày 2 tháng 8 vừa qua, công an thành phố Cần Thơ xông vào kiểm tra một khách sạn ở quận Ninh Kiều, bắt gặp một cặp nam nữ ở chung phòng. Nam khai tên là Ngọc Tê, 28 tuổi, Việt kiều Úc, gái tên Tư, 16 tuổi. Ngọc Tê khai quen với cô Tư trong lần về Việt Nam trước đây, vào tháng 3 năm 2013 và có liên lạc điện thoại với nhau. Lần này về rủ cô Tư tới ở chung khách sạn. Trai gái chung phòng nhất định phải dẫn tới chuyện tù ti. Ngọc Tê khai đã ba lần chung đụng với Tư. Tư mới 16 tuổi, vậy là dính chấu với gái vị thành niên. Tội không nhỏ! Tê bị bắt về bót để điều tra về tội dâm ô với trẻ em. Tại đây Ngọc Tê mới khai mình không phải là đàn ông mà chuyển giới từ nữ sang nam. Các bác sĩ tại Thái Lan đã phẫu thuật cho Ngọc Tê. Mọi việc đều suông sẻ, trông hình dáng chàng rất ra vẻ một trang nam nhi nhưng bộ đồ nghề thì chưa hoàn tất, tạm thời dùng đồ giả làm bằng silicon! Chàng trai nửa vời làm một màn tháo phăng món đồ chơi đang đeo trên người ra để chứng minh đây không phải là đồ thiệt. Đã không thiệt thì sao mà làm thiệt được. Vậy là mấy chàng công an bối rối không biết xử trí ra sao. Họ đã cho giám định pháp lý về tình dục. Trung Tâm Pháp Y thành phố Cần Thơ kết luận: “Ngọc Tê là nữ giới đã phẫu thuật chuyển giới tính nhưng bộ phận sinh dục vẫn là nữ nên không thể quan hệ tình dục với nữ được”. Cuối cùng phải miễn “truy cứu trách nhiệm hình sự” cho cậu Ngọc Tê. Gọi là cậu vì trên giấy tờ do chính quyền Úc cấp, cậu được xác nhận là đàn ông. Để vớt vát, cậu bị gán cho tội “xâm hại sức khoẻ của người khác” và bị phạt hành chánh 1 triệu rưởi đồng, tương đương với 75 đô Mỹ!

Cuộc sống bi chừ thiệt phức tạp. Không ra ngô ra khoai mà cứ đứng lập lờ ở giữa. Thực tình ra chẳng ai muốn đứng lưng chừng như vậy. Đó là lỗi của ông trời. Chuyện này làm tôi nhớ tới một ông anh họ xa ngày tôi còn ở Hà Nội. Ông này rất cao lớn, tuổi lúc đó chỉ đôi mươi, trông rất ra dáng nam nhi. Nhưng ông có những biểu hiện không được nam nhi lắm. Thích đan len, may vá, thích ca múa và đeo những bông hoa giả trên đầu trên áo, hay giận vặt mà ngày đó tôi gọi là tính đàn bà. Đàn ông mà tính đàn bà là chuyện thường. Chẳng ai lấy đó làm điều. Bẵng đi một thời gian, sau khi di cư vào Sài Gòn, một bữa anh tìm tới thăm gia đình tôi, mang theo vợ và bốn đứa con. Như một gia đình bình thường. Ngày đó tôi cũng thấy bình thường. Bây giờ, biết được cái rắc rối của cuộc sống ngày nay, tôi mới tự nghĩ: nếu người anh họ xa của tôi, khi còn thanh niên mà rơi vào sống ở thời đại ngày nay, anh có chuyển không? Cũng dám lắm. Thời nay, sự tự do của con người được tôn trọng một cách tuyệt đối, người ta dễ ngả theo bản năng, công khai vác cờ sọc màu cầu vồng, chẳng ngại ngùng tìm cho mình một cuộc sống tình dục hợp với bản năng của mình, chứ không uốn mình theo khuôn phép của xã hội. Ông anh họ tôi đã ép mình theo khuôn phép xã hội, và cũng sống như một thanh niên bình thường, vợ con đề huề.

Nói là lỗi của ông trời không phải là vu oan cho ông cao xanh đâu. Ổng có lỗi thiệt! Lỗi về hormone hoặc nhiễm sắc thể. Bác sĩ Đào Xuân Dũng đã viết trong báo “Sức Khoẻ và Đời Sống” về cái lỗi này như sau: “Thông thường những trẻ có nhiễm sắc đồ là 46,XX khi sinh ra sẽ là con gái; trẻ có nhiễm sắc đồ 46,XY sẽ là con trai. Nhưng đôi khi, do những trục trặc trong tiến trình biệt hoá giới (diễn ra trong 6-7 tuần lễ đầu của thai kỳ) nên trẻ 46,XY có cơ quan sinh dục không ra nữ, không ra nam. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này”. Bác sĩ Dũng kể ra các tình trạng: hội chứng không nhạy cảm bộ phận với androgen; loạn sản không hoàn toàn tuyến sinh dục; thiếu hụt enzym 5-reductage; thiếu sót trong sự tổng hợp testosterone; thiếu androgen; thiếu sót về thời điểm biệt hoá; hội chứng Kinfelter. Tôi chỉ ghi lại vắt tắt tên các tình trạng thiếu sót này mà không đi sâu vào chi tiết. Đau đầu lắm! Cứ biết đại khái cái lỗi phiền toái này do ông trời gây ra mà thôi. Còn tại sao trong khi sáng tạo ra một con người, ổng ngủ hay say nên loạng quạng thì là chuyện của ổng.

Chuyện ăn hay ngủ của ổng đã làm phiền những sản phẩm lỗi của ổng qua 1ắm. Chuyện của cô Cát Thy chẳng hạn. Gọi là “cô” vì cứ trông mặt mà bắt hình dong chứ nếu hỏi giấy tờ thì hố to. Cô Cát Thy không thể bước lên máy bay vì người một nẻo giấy tờ lại đi nẻo khác. Hình hài là nữ nhưng giấy tờ là nam. Ngược lại, Aki Trần thì lại vướng mắc khi bước lên xe buýt vì thẻ xe chẳng ăn nhậu chi tới con người. Aki Trần mới chuyển từ nữ sang nam. Anh này kể lại: “Có một lần đi học bằng xe buýt dùng thẻ sinh viên, người soát vé nhìn thẻ và bảo em bỏ khẩu trang ra. Anh ta nhìn rồi quay mặt đi khinh bỉ nói thời buổi này còn dùng thẻ giả!”. Rắc rối cái sự đời như vậy không phải là ông trời mà là lỗi của ông…hành chánh. Cái ông mà dân chúng nói ngạo là “hành là chánh”! Pháp luật Việt Nam hiện hành không cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính trên giấy tờ tuỳ thân cũng như trong các giấy tờ dùng để chứng minh nhân thân khác. Điều này làm cho những người nhảy từ giới này qua giới khác bị hụt hẫng. Đã quằn quại trên giường mổ nửa sống nửa chết, vậy mà nhân thân vẫn…vũ như cẩn! Họ thực sự đang sống ngoài vòng pháp luật.

Như vậy là chơi ép! Trong cuộc hội thảo về đề tài: “Khát Vọng Được Là Chính Mình” được tổ chức vào ngày 29 tháng 8 vừa qua, Tiến Sĩ Phạm Quỳnh Phương của Viện Nghiên Cứu Xã Hội, Kinh Tế và Môi Trường, tác giả của bản nghiên cứu về người chuyển giới mới được công bố, đã phát biểu: “Nhiều người chuyển giới dường như đang sống ngoài vòng pháp luật vì không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận  giới tính thực tế sau phẫu thuật. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội”.

Trên tôi có giỡn chữ “hành chánh” với cái nghĩa “hành là chánh”! Vậy mà đúng y boong. Một phụ nữ đã phải đội lốt đàn ông trong gần ba chục năm trời chỉ vì cái…giấy! Hành nhau tới vậy quả là ác. Chuyện như thế này. Năm 1984, vợ chồng ông N.V.K. và bà T.T.G. ở xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, sanh con lần đầu. Năm đó, hai ông bà đều hai chục tuổi. Đứa trẻ sanh ra có bộ phận sinh dục không giống ai. Đó chỉ là một cục u nhô lên có một khe nhỏ để tiểu tiện. Hai ông bà phải lặn lội mang con lên Sài Gòn, tới bệnh viện Nhi đồng I để khám nghiệm. Vì là trẻ sơ sanh nên các bác sĩ không dám giải phẫu mà chỉ gắn thêm một hậu môn giả ngay bên cạnh hông cho bé. Các bác sĩ suy đoán là con trai nên cho gia đình về làm khai sanh với cái tên Ngô văn H.

Gia đình cho H. mặc đồ con trai. Khi tới tuổi đi học, thầy cô xếp chung bàn với đám con trai. Càng lớn, H. càng cảm thấy mình không giống con trai. Bạn bè cũng nhận ra nên trêu chọc xa lánh. Tới tuổi dậy thì, cơ thể H. rõ ràng ngả sang phía con gái. Tới năm lớp 6 thì H. không chịu nổi tình cảnh bị xếp nhầm phía trong lớp học nên bỏ học ngang.

Gia đình đành phải khăn gói lên Sài Gòn xin khám nghiệm lại. Bấy giờ các bác sĩ mới phán H. là gái! Phận gái nên H. chịu chung định mệnh của người đàn bà. Mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt là kinh bị ứ đọng bên trong vì âm vật cấu tạo khác thường. Gia đình lại phải vay mượn chòm xóm đưa H. vào bệnh viện Từ Dũ phẫu thuật. Bà G. nói với báo chí: “Là một người mẹ, tôi đau đớn biết mấy khi con mình sanh ra không lành lặn như bao đứa trẻ khác. Mỗi khi nhìn H. ngồi ủ rũ khóc một mình là lòng tôi đau như cắt từng khúc ruột. Mãi tới khi nó được bác sĩ phẫu thuật trở lại đúng với con người của mình thì vợ chồng tôi nhẹ nhõm biết nhường nào. Từ khi về đúng với bản chất, H. vui vẻ  với bạn bè và gia đình cảm thấy hạnh phúc tột cùng”.

Thực tế là vậy nhưng trên giấy tờ H. vẫn chưa phải là nữ. Ông K. kể tiếp: “Sau khi phẫu thuật cho con gái trở lại giới tính nữ xong, bệnh viện Từ Dũ có viết giấy chứng nhận để về làm lại giấy khai sanh. Tuy nhiên lúc đó do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tôi cũng quên bẵng đi. Hơn một năm sau, vợ chồng tôi ra chính quyền làm lại giấy khai sanh thì mới biết là đã làm mất giấy chứng nhận của bệnh viện Từ Dũ! Từ đó những rắc rối liên tiếp đổ lên đầu đứa con gái vô tội”.

Gia đình ông K. và bà G. phải trải qua đoạn đường…hành chánh! Chính quyền xã không giải quyết và chuyển lên phòng Tư Pháp huyện Chơn Thành. Huyện không giải quyết, đẩy lên sở Tư Pháp tỉnh Bình Phước. Tại đây, sở Tư Pháp yêu cầu phải thành lập Hội Đồng Giám Định Y Khoa để hội đồng công nhận giới tính của H.. Khổ thay muốn triệu tập được hội đồng này phải tốn tiền chi phí là 15 triệu đồng. Tính ra tiền Mỹ là 750 đô. Ông K. cho biết là có bán hết tài sản trong nhà cũng không đủ số tiền khổng lồ như vậy. Đành chịu. Chẳng giấy khai sanh thì thôi . Họ lủi thủi ra về.

Nhưng rồi H. cũng tới tuần cập kê. Năm 2010, một chàng trai muốn cưới cô. Giấy tờ đâu mà cưới. Chẳng lẽ cô dâu xin làm giấy cưới với cái tên Ngô văn H.? Vậy là phải tiếp tục cuộc hành trình giấy tờ. May là lần này cán bộ của phòng Tư Pháp huyện Chơn Thành dễ tính hơn, chỉ đòi giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính là có thể cấp lại giấy khai sanh. Lại giám định. Mãi tới ngày 29 tháng 10 năm 2012, Phân viện Pháp Y ở Sài Gòn mới kết luận H. là nữ. Hí hửng mang giấy tới cơ quan huyện. Phòng Tư Pháp huyện Chơn Thành lại lắc đầu. Họ phán là giấy kết luận này không phải là “giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính theo mẫu đi kèm Thông Tư số 29/2010/TT-BYT ngày 24 tháng 5 năm 2010 của Bộ Y Tế”.

Lại vác đơn đi tiếp. Ngày 26 tháng 6 năm 2013, Cục Hộ Tịch và Quốc Tịch chứng thực giấy tờ của H.. Bộ Tư Pháp ra văn bản số 26 hướng dẫn nghiệp vụ cho Sở Tư Pháp Bình Phước yêu cầu gia đình cung cấp giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính của bệnh viện Nhi Đồng . Mang giấy giới thiệu của phòng Tư Pháp huyện tới bệnh viện Nhi Đồng xin giấy xác định giới tính. Nơi đây từ chối! Lý do: chỉ xác nhận cho người dưới 15 tuổi mà thôi!

Chị H. nói trong nước mắt: “Ba năm kết hôn cũng là ba năm đau khổ dằn vặt với bản thân tôi. Tôi phải nói dối chồng và gia đình nhà chồng là mất giấy tờ nên chưa đăng ký kết hôn được. Ngay cả khi tôi bị u nang buồng trứng phải đi cắt bỏ khiến không thể sanh con, phải xin con nuôi thì chính quyền cũng không cho phép tôi làm mẹ chỉ vì trên giấy khai sanh ghi giới tính là nam. Thật sự chuyện nói dối chồng và gia đình nhà chồng là điều tôi không hề mong muốn. Nhưng giờ tôi không biết nói sao để mọi người hiểu. Tôi là một phụ nữ đích thực ngay từ khi mới sanh ra nhưng do cơ thể tôi bị dị dạng nên mới bị nhận lầm là nam giới…Giờ tôi chỉ còn biết trông chờ vào các cơ quan chức năng để trả lại giới tính thật cho mình”. Tới bây giờ, chẳng biết chị H. đã được làm đàn bà hay chưa! Đoạn đường chông gai chị phải vượt trong bao nhiêu năm trời trong tủi nhục chỉ vì không có tiền. Nếu ngày đó có 15 triệu thì đâu có ra nông nỗi!

Trường hợp của Ngô văn H. y chang như trường hợp của người được công nhận thay đổi giới tính đầu tiên tại Việt Nam là Phạm văn Hiệp trở thành Phạm Lê Quỳnh Trâm.  Cô Phạm Lê Quỳnh trâm cười tươi khoe với các phóng viên tờ quyết định “Thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính” ký ngày 5 tháng 11 năm 2009. Tôi lấy làm băn khoăn. Từ nhiều năm trước, tôi đã nghe thấy nhiều vụ qua Thái Lan thay đổi giới tính mà sao mãi tới năm 2009 mới có người đầu tiên được công nhận? Vậy thì những người chuyển đổi giới tính nổi tiếng như Cindy Thái Tài hay Cát Tuyền đều là đàn bà…giả hay sao? Đúng như vậy.

Muốn hiểu cái rắc rối luật pháp này, chúng ta phải phân biệt những người chuyển giới tính ra làm hai loại: người “liên giới tính” (intersex) và người “chuyển giới” (transgender). Khác nhau chỉ vì cái bộ phận phía dưới. Người “liên giới tính” là người sanh ra với bộ phận chiến lược không rõ ràng, còn người “chuyển giới” là người có bộ phận kín hoàn chỉnh, đứng hẳn về một phe, nhưng không chấp nhận mà muốn nhảy rào, giải phẫu để chạy sang phe đối lập!

Ông Lê Quang Bình, Viện Trưởng viện Nghiên Cứu Xã Hội, Kinh Tế và Môi Trường (iSEE), cho biết là, theo Hiệp Hội Tâm Lý Học Mỹ, người liên giới tính khi sanh ra có sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể. Ví dụ như có hai bộ phận sinh dục hoặc bộ phận sinh dục không rõ ràng là nam hay nữ. Ông nói: “Khi còn nhỏ rất khó xác định đứa trẻ có giới tính là nam hay nữ. Ở nhiều nước, người ta đợi đến khi đứa trẻ trưởng thành (16 đến 18 tuổi) và tự xác định mình là nam hay nữ rồi mới quyết định phẫu thuật chuyển đổi cho đúng với bản dạng giới”. Nghị định 88/2008/ NĐ-CP về xác định giới tính tại Việt Nam hiện nay công nhận việc chuyển đổi giấy tờ hộ tịch của người liên giới tính nhưng nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Vậy là những Thái Tài, Cát Tuyền bị cho ra rìa. Ai bảo chơi dại! Tỷ lệ trung bình những người chơi dại này trên toàn thế giới khoảng từ 0,1% đến 0,5% dân số.

Phạm văn Hiệp chuyển thành Phạm Lê Quỳnh Trâm nổi tiếng vì là người đầu tiên được công nhận thay đổi giới tính cũng đồng thời là một thày/cô giáo dạy giỏi. Sanh ra tại Sài Gòn, trưởng thành ở vùng kinh tế mới Bình Phước, cậu Phạm văn Hiệp sống như một bé trai. Cậu kể: “Khi bước vào tuổi dậy thì, tôi thấy cơ thể bắt đầu có những thay đổi như một người phụ nữ, ngực cứ từ từ lớn dần. Tôi lo sợ và không dám nói chuyện này với ai, chỉ biết che giấu bằng cách ăn thật nhiều cho cơ thể mập lên để không ai biết”. Cậu đã từ 40 ký tiến lên tới 84 kí trong khi chiều cao chỉ 1 thước 57! Cậu tới bệnh viện nhà nước khám nghiệm. Kết quả chứng nhận cậu có bộ phận sinh dục nữ hoàn thiện, có tử cung và hai buồng trứng bình thường. Vậy là cậu lo để dành tiền qua Thái Lan làm phẫu thuật hoàn thiện. Được sự trợ giúp của một người bạn nam tại Mỹ, trong túi có 250 ngàn đô Mỹ, cậu lên đường đi tìm lại phận gái.

Sau khi thành cô Phạm Lê Quỳnh Trâm một cách hợp pháp, cô giáo đi dạy học lại. Nhưng thật kỳ khôi khi đang thày thành cô, học trò ngại tới.  Quỳnh Trâm kể lại trong nước mắt: “Lúc đầu tôi thông báo dạy miễn phí nhưng vẫn không có học sinh nào dám đến học. Phụ huynh họ vẫn kháo nhau về tôi là thứ ‘quỷ ma đó mà dạy cái gì’. Cuối cùng chỉ có những học sinh yếu kém tìm đến xin học vì dường như các em không còn lựa chọn nào khác”. Nhưng vì là nhà giáo dạy giỏi ba môn học chính là Toán, Lý và Hoá nên dần dần học sinh tới học đông hơn.  Có những năm toàn thể 30 học sinh lớp luyện thi Đại học của cô Trâm đã đậu 100%!

Ngoài việc dạy học, từ khi thành đàn bà, Quỳnh Trâm còn xí xọn văn nghệ văn gừng. Hết làm em-xi lại qua ca hát. Chuyện nào cô cũng thành công ngon lành. Nhưng tôi thấy cô ngon lành nhất khi thi hoa hậu. Năm 2008, vị bác sĩ giải phẫu cho Trâm thấy cô có khuôn mặt khả ái và làn da trắng trẻo nên khuyên cô nên gửi hình tham gia cuộc thi Tiffany Show dành cho người chuyển giới tổ chức tại Thái Lan. Cô làm theo và đã trúng giải “người đẹp Tiffany qua ảnh”.

Phải công nhận là ban giám khảo giải này có mắt. Nhìn hình tôi thấy cô Phương Trâm có vẻ đẹp hoàn hảo. Trông mê tít! Không ai có thể ngờ người đẹp như vậy mà đã có lúc phải lơ ngơ đứng …giữa!

11/2013