Cơ khổ! Sao tự nhiên tôi lại bước vào vùng sạn đạo chỉ có từ chết đến bị thương? Này nhé, chuyện con người đêm đêm trở thành công nhân nhà máy cưa là chuyện thường ngày ở huyện. Ai cũng vậy nhưng nhất định không ai đấm ngực nhận cả. Người ta coi như đó là chuyện đáng xấu hổ chỉ có người khác…sản xuất. Mình thì như giấc ngủ thiên thần! Chứng nhân thường chỉ có một: người nằm bên cạnh. Vậy là lời qua tiếng lại.
Tôi mới mò vào được bài viết của một người có cái tên rất hách: Mẹ Napoleon. Bà tố ông chồng: “Rõ khổ cho cái thân mình các mẹ ạ, càng ngày chồng mình càng kéo gỗ một cách quá quắt làm mình bị tra tấn giấc ngủ, vốn mình đi vào giấc ngủ chẳng dễ tí nào, chồng mình ngáy to đến nỗi lắm hôm con mình thức giấc. Đấy là nó còn ngủ phòng riêng chứ ngủ chung thì còn tèo nữa. Trước mắt mình chỉ có hai cách để chống ngáy cho chồng mình nhưng đều thất bại. Thứ nhất: ngủ nằm ngửa, nhưng than ôi anh chồng lại ưa nằm ghé, hay giẫy giụa như con sâu ấy. Chả nhẽ em lại đóng đinh chồng như Chúa Giê-su! Thứ hai: dùng thuốc xịt hai hộp, một xịt mũi, một xịt họng (22 euros cho 4 tuần bình yên), thế mà mình chẳng được bình yên một tối nào cả. Trông tờ giấy ghi là 9/10 người đều thành công với loại thuốc xịt này, thế mà chồng mình xịt vào chưa được 3 phút đã ngáy như sấm. Nhiều hôm bị xì-trét quá mình đề nghị ngủ riêng nhưng anh trai không đồng ý. Thế là thôi, đành dọa nạt hắn ta trước khi đi ngủ là nếu ngáy là tát không thương tiếc, biết thân biết phận khi mình đập đập lại giật nảy mình, cua lấy lọ thuốc xịt lấy xịt để!”.
Đó là tiếng nói của một phía, sau đây là tiếng nói của phe…đối lập: “Vợ tôi có tính ngủ ngáy. Ngày chưa lấy, tôi không biết lúc vợ ngủ thì thế nào, nhưng khi lấy nhau về thì đúng là…khiếp đảm luôn. Hai vợ chồng ở riêng nên cuộc sống cũng khá tự do. Đêm tân hôn mới hài, vợ đã bị cái bệnh ngáy còn do mệt nên ngáy to hơn. Tôi có nói với vợ nhiều lần về chuyện này thì vợ cãi găng cổ. Vợ bảo có bao giờ ngủ ngáy đâu, nhưng đúng thật là, mình thì biết làm sao được mình có ngáy hay không. Tôi nói thì vợ chỉ nghĩ là trêu thôi chứ vợ không tin. Có lần, mẹ chồng lên chơi, thế là mẹ ngủ cùng vợ, tôi nằm bên cạnh. Sáng hôm sau thấy mẹ bảo: “Hôm qua mẹ ngủ không ngon, con H. nó ngáy to quá trời!” làm tôi ngại cả mặt. Nhưng mẹ lại ngại không nói với vợ tôi, vì chê bai con dâu ngủ ngáy sợ con xấu hổ. Mẹ định lên chơi một tuần nhưng được hai hôm thì mẹ về, mẹ bảo là ở đây mất ngủ triền miên, mất ngủ nhiều quá hại sức khỏe. Tôi không dám nói với vợ lý do nhưng có lẽ do vợ khiến mẹ phải về”.
Vậy là phe ta và phe mình, ai cũng lao động vất vả khi ngủ. Nhưng nói chung cả hai phe như vậy là có chuyện. Thường thì phe đàn ông chấp nhận chuyện này một cách dễ dàng. Đàn ông vốn thuộc phái tự coi là sần sùi, thô tháp nên chẳng care chuyện mất mặt. Đã vác nhiều thánh giá, vác thêm một cây nữa có chết con ma nào đâu! Phe các bà thì khác. Vốn tự cho là thuộc phái ẻo lả, dịu dàng, chuyện lập cả một nhà máy cưa bên chồng khi ngủ là chuyện khó chấp nhận. Cần phải kiên quyết bác bỏ. Nhưng cũng có nhiều bà có tính thật thà, biết mình kéo cưa, nhận ngay nhưng không phải lỗi tại tôi, mà lỗi tại ông trời. Ông muốn nặn mình ra sao thì mình chịu vậy. Một bà bạn tôi còn anh hùng tự chọc quê khi bơ bơ thú nhận có đêm mình ngủ ngáy đến nỗi chính mình nghe thấy tiếng nhã nhạc của mình trong đêm khuya thanh vắng!
Dù bà bạn tôi có tự đấm ngực đến đâu đi chăng nữa thì chắc chắn cũng thua bà Jenny Chapman ở Deeping St James, gần Peterborough, Cambridgeshire bên Anh. Bà này là nữ hoàng ngáy! Bà …hành nghề từ năm mới 5 tuổi. Ngủ chung với chị gái, bà chị này phải lấy gối chụp mặt cô em cho bớt ồn. Năm nay 60 tuổi, bà đã có thâm niên ngáy suốt đời. Không phải chỉ vi vu như người ta, bà rống lên lớn hơn tiếng máy bay phản lực. Ví von như vậy không phải là chỉ đưa ra một hình ảnh mà đây là sự thực. Người ta đã đo đạc đàng hoàng. Cường độ ngáy của bà là 111,6 decibels. So với tiếng rú của một chiếc máy bay phản lực bay ở tầm thấp thì bà còn hơn tới 6 decibels. Bà nhân viên ngân hàng đã về hưu này, tuy vậy, cũng lấy chồng như ai. Người đàn ông đêm đêm ôm máy bay phản lực là ông Collin, 62 tuổi. Thực ra ông cũng đã chịu xuống thang: ông chỉ ôm có hai đêm mỗi tuần thôi. Tôi đoán là hai đêm cuối tuần. Và ông kiêng cữ như vậy trong suốt 18 năm chung sống. Mới đây, bà Chapman đã dự một “trại ngáy” được tổ chức tại khách sạn Hilton Warwick trong hai ngày để các chuyên gia nghiên cứu những người ngáy to. Bà hốt hoảng khi tiếng ngáy của bà được thâu thanh và phát lại cho bà nghe: “Tôi đã bị sốc khi nghe thấy tiếng ngáy của mình. Tôi biết mình đã gây ồn nhưng không nghĩ đến mức đó. Ban đầu tôi hơi mắc cỡ nhưng sau đó thấy buồn cười. Các chuyên gia nói rằng tiếng ngáy của tôi là tiếng ngáy to nhất mà họ từng nghe. Tôi thấy thông cảm với chồng, người đã phải chịu đựng suốt nhiều năm qua”. Ông chồng Collin cũng thông cảm với vợ: “Tôi đánh cá rằng bà ấy là người ngáy to nhất. Nói thẳng ra là tiếng ngáy rất kinh khủng. Dù đã gần hai chục năm nhưng tôi vẫn chưa quen với tiếng ngáy đó. Nhưng tôi cũng thông cảm vì Chapman không chỉ đánh thức tôi và những người khác, mà còn đánh thức chính bà ấy!”.
Cãi qua cãi lại thì ngáy vẫn là bệnh chung của nhân loại, không phân biệt trai gái, trẻ già. Ai cũng có cuống họng nên ai cũng có thể ngáy. Theo ước tính thì phe đực rựa có 85% dân số cò cưa trong đêm khuya thanh vắng. Phe các bà có khoảng 75% hòa nhạc với các ông. Tôi thấy hình như những con số này còn quá khiêm nhượng. Tìm ra một người không ngáy trên thế gian này coi bộ hiếm như sao trời một đêm mưa. Nhìn quanh, tôi thấy chuyện “kéo cưa lừa xẻ” là chuyện chung của các ông các bà. Nhưng thường thì mọi người coi đó như là…thương hiệu của các ông. Các ông thì dễ dãi, nói sao cũng được, cứ cười trừ. Nhưng đụng tới các bà thì không thể đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra tuy cả hai giống đều có cuống họng cả.
Ngáy là vì khi đang ngủ chúng ta hít một lượng khí vào, nhưng lượng khí này đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo nên âm thanh. Vùng hẹp này có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng. Nguyên do là vì bị dị ứng, cục amidan quá to, viêm xoang, phong mũi hoặc do những dị dạng bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài, ngoài ra còn do uống rượu say ngủ mê mệt, cơ thể quá béo khiến cho mỡ bám dày cổ họng hoặc hút thuốc lá nhiều khiến khói ám làm cổ họng hẹp bớt. Đó là nguyên nhân của ngáy được tôi cóp trong Tự Điển Mở Wikipedia tiếng Việt. Theo một bài viết của nhà văn Chu Tất Tiến thì: “Nguyên nhân ngáy ư? Theo một vị chuyên viên chữa trị ‘ngáy’, vẫn lên giảng trên truyền hình, để quảng cáo cho bệnh viện tư của ông, thì nguyên nhân ngáy là do giây thần kinh điều khiển cục thịt dư ở trong cổ bị ‘tẩu hoả nhập ma’, nên làm cho miếng thịt này rung lên mỗi khi có hơi thở đi qua. Sự rung động này lại cộng huởng với vòm họng trống thành ra âm thanh. Nói gọn lại, thì miếng thịt tòng teng kia đuợc coi như ‘sợi dây đàn thịt’, vòm họng trống như cái thùng đàn ghi ta, cổ họng như cái ống bễ, từ nơi này, không khí đuợc phổi thụt qua, gõ vào ‘sợi giây đàn thịt’ kia, tạo ra âm thanh. Loại âm thanh ‘thịt’ này lại đuợc khuếch đại lên bởi cái vòm họng trống, và tùy theo cấu trúc của cái luỡi, của khe răng, và tùy theo khoảng hở cuả cái miệng to hay nhỏ, (ngủ há mồm), mà âm thanh phát ra bổng hay trầm, dài hay ngắn. Cái miệng lúc đó, hoạt động như cái ‘xì pích cơ’, nghĩa là cái loa, dội tiếng vang vào tai nguời ngủ gần. (May mà hệ thống này chỉ có một loa, ‘mônô’, chứ nếu hai loa, ‘xìtêrêô ‘ thì chắc nguời vợ hay chồng chết sớm!)”.
Ngáy được phân chia ra…giai cấp hẳn hoi. Cấp độ 1: ngáy ít, tiếng ngáy không to và khi nằm nghiêng sẽ ngừng ngáy. Cấp độ 2: ngáy vừa phải, ngáy to hơn và khi nằm ngủ ở tư thế nghiêng sẽ hết ngáy. Cấp độ 3: ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ và kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi. Mức độ này có thể nguy hiểm tới mạng sống của người ngáy.
Dù kéo cưa ít hay nhiều, tiếng ngáy cũng làm phiền người nằm bên cạnh. Người nằm bên thường thường là người phối ngẫu hay tình nhân. Tại các nước tiên tiến ít có chuyện hai người không liên hệ tình cảm ngủ chung giường kiểu như bà mẹ chồng ngủ với nàng dâu mà một anh chồng méc ở trên. Hai người có tình cảm với nhau, thường là yêu nhau ra rít, có bị tiếng ngáy làm mất…tình nhau không? Hẳn nhiên là có. Tổ chức Fisher and Paykel Healthcare tại Úc thực hiện một cuộc thăm dò với 500 phụ nữ phải chung giường với các ông chồng cưa cẩm suốt đêm đã cho kết quả: 50% bà cho là tiếng ngáy của ông chồng đã phá hỏng những rung cảm lãng mạn của họ, 40% cho biết họ phải qua ngủ tại phòng khác để khỏi bị tra tấn. Có tới 79% thừa nhận đã có những biện pháp với người hàng xóm ồn ào. Biện pháp khá đa dạng gồm: đá, huých tay, lay dậy, bóp miệng, bóp mũi…Có chịu những “hình phạt” trên kể ra cũng đáng đời. Người tình bà rước về là người hào hoa phong nhã, lịch sự như tây, nịnh đầm một cây, giờ nằm bên cạnh miệng mồm há hốc nhả ra những tiếng động ồn ào làm mất giấc ngủ. Mà tiếng động đó có đều đều du dương chi cho cam, khi thì rổn rảng như tiếng sấm, khi thì gầm lên như tiếng sóng, khi thì rít lên như còi tàu, khi ào ào như suối đổ, chịu chi thấu. Có nhiều bà đã đưa tiếng ngáy ra ba tòa quan lớn. Nhà văn Chu Tất Tiến mô tả nỗi niềm của các tác giả khúc nhạc thiếu du dương: “Biện pháp nhanh nhất và an toàn nhất, theo nguời Mỹ, là đưa ra ba toà quan lớn, để xin ly dị. Rất nhiều truờng hợp vì lỡ ngáy khi ngủ mà các ông mất vợ. Theo dõi chuơng trình truyền hình ‘Divorce Court’ tức là toà chuyên xử các vụ ly dị do một bà toà da đen chủ trì, thấy mặt ông chồng ngơ ngác trên màn ảnh sau khi bà toà phán quyết cho nguời vợ ly dị, nguời xem thấy tội nghiệp làm sao ấy! Chỉ vì thuốc thang đủ thứ rồi, chỉ vì thử đủ kiểu ngủ rồi, ông chồng thuờng xuyên ngủ ở phòng khách rồi, nhưng vẫn còn trở ngại cho giấc ngủ của bà vợ. Bởi vì còn những tối phải... gặp nhau nữa chứ! Những tối ấy, bà vợ lại phải trải qua hai giai đoạn: vui đó rồi buồn đó! “Mây mưa” xong rồi “sấm” dậy ầm ầm! Riết rồi không thể chịu đựng được, bà vợ đưa ổng ra chốn công đuờng, làm thủ tục tiễn chân ông “một đi không trở lại”. Được phán quyết xong, bà hát ngay: “Lên xe tiễn.. anh đi! Chưa bao giờ... mừng thế!” Nhưng, không rõ tương lai bà có chọn được một ông chồng nào không ngáy không?”.
Kể cũng tội nghiệp. Nào có ai muốn cảnh biệt ly trớ trêu như vậy. Nhiều bà có lòng nhân đã tìm đường thuốc thang cho chồng. Báo chí quảng cáo đầy rẫy những dụng cụ và thuốc thang chống ngáy. Có thứ giản dị như miếng kẹp mũi nhưng cũng có những thứ phức tạp. Ngáy không chỉ là một cái tật thiếu…lãng mạn mà còn là thứ bệnh có thể làm chết người vì tắc thở. Một ông bạn tôi đã sắm nguyên một dàn máy thở. Đêm đêm ông chụp một cái mặt nạ dưỡng khí để ngủ. Theo ông cho biết ngủ như vậy rất thoải mái, không còn những cơn thở nặng nề có thể thăng luôn lúc nào không biết. Nhưng nằm ngủ mà dây nhợ rối rắm lại thêm miệng mũi bị nhốt trong miếng nhựa che thì còn chi là hứng thú. Tôi quên chưa nói là ông bạn tôi hiện nay độc thân tại chỗ. Ông ngủ mình eng. Vậy chứ! Ngủ với vợ mà rối rắm như vậy phiền chết! Có chết tôi cũng nhất định không nai nịt như vậy. Chẳng thà phải rách thịt!
Tôi muốn nói tới những phương pháp bằng giải phẫu như mở rộng đường họng, chích cuống họng, cắt amidan, để làm rộng đường thở. Ngày nay có phương pháp được gọi là “phác đồ Pillar” của Đức và Mỹ, đã được nhiều nước Á châu như Tân Gia Ba, Mã Lai và Thái Lan áp dụng. Bệnh nhân sẽ được cấy ba sợi chỉ que có độ cứng và dài khoảng 1 phân, được làm từ chất liệu dùng để khâu thành mạch tim nên không gây phản ứng phụ. Bác sĩ sẽ cấy ba que chỉ này vào vùng trên hàm ếch để giúp cho hàm ếch căng cứng hơn, giảm được độ rung khiến bệnh nhân dễ hít thở hơn và không phát ra tiếng ngáy trong khi ngủ. Tuy có banh da xẻ thịt nhưng ở mức độ nhẹ, chỉ trong vòng hai hoặc ba ngày là vết thương sẽ lành. Nhưng vết thương ở túi tiền khoảng từ 650 đến 1000 đô thì tùy theo từng hoàn cảnh mỗi người mà lành mau hay lâu!
Tôi mới đọc một bài báo của ký giả Rebecca Smith của The London Daily Telegraph nói về phương pháp chống ngáy mới bằng một thiết bị được cấy vào ngực. Thiết bị này nhỏ chỉ bằng một hộp quẹt hoạt động bằng cách giữ nhịp thở cho bệnh nhân khi ngủ. Ngon lành hơn nữa là thiết bị này tắt mở tự động. Khi tới giờ ngủ là tự động bật, tới giờ thức là tự động tắt. Bất tiện là bệnh nhân sẽ như ở trong một nhà tu hay nhà tù vì thức ngủ đúng giờ giấc, đêm nào cũng vậy. Nhưng các nhà sáng chế đâu có khắt khe như vậy. Máy sẽ có một cái remote control để điều khiển như ta điều khiển ti-vi vậy. Bệnh nhân có thể tắt mở máy bằng nút bấm để thay đổi giờ giấc nếu muốn đi ngủ sớm hoặc trễ hơn.
Thiết bị có tên là Remede mới được trình làng tại Hội Luận về Bệnh Tim (Heart Failure Congress) được tổ chức tại thành Nhã Điển, Hy Lạp. Remede sẽ được cấy vào dưới da, bên dưới xương đòn gánh. Hai cực của máy sẽ được nối với các cơ ở ngực để theo dõi nhịp thở. Tuy nhiên cuộc nghiên cứu về hiệu quả của chiếc máy mới tinh này hiện vẫn còn đang tiến hành. Tham gia vào cuộc thí nghiệm là các bệnh nhân có vấn đề tim mạch. Nhịp tim của họ không đủ mạnh khiến họ cảm thấy mệt mỏi và ngưng thở. Khi ngủ mê, não của họ “quên” không báo cho các cơ giúp việc thở làm việc khiến họ choàng thức và thở gấp. Giáo sư William Abraham của Đại Học Ohio, người phụ trách cuộc nghiên cứu cho biết: “Thiết bị Remede là chiếc máy đầu tiên được cấy vào người để chữa bệnh ngưng thở khi ngủ ngáy. Khác với những chiếc máy kiểu mặt nạ chỉ thích hợp với một số bệnh nhân, trong một số điều kiện, thiết bị Remede thích hợp với mọi bệnh nhân để cải thiện giấc ngủ và hoạt động của tim. Nhiều bệnh nhân nói với tôi là từ nhiều năm họ chưa bao giờ được ngủ ngon như vậy. Họ có thêm năng lực để hoạt động trong cuộc sống hàng ngày mà không ngủ gật. Họ cũng không phải vật lộn với cái mặt nạ vướng víu”.
Quả thật tôi muốn giúp ông bạn gỡ bỏ được cái mặt nạ vướng víu. Bi chừ ông độc thân tại chỗ nhưng chắc cũng có ngày ông phải tính tới chuyện có người nâng khăn sửa túi. Cái túi ông tôi thấy hơi nặng. Ông thường hay xả bớt bằng cách mua đủ thứ máy móc điện tử. Từ máy chụp hình tới tablet và trăm thứ máy móc khác, thứ nào ông cũng mua tới vài chiếc để nghịch ngợm cho qua thời giờ. Tôi nghĩ chắc sẽ tới lúc ông ngưng chơi những thứ đồ chơi vô tri này để kiếm một thân người ấm áp tròn trịa. Có người nằm chung mà úp chiếc mặt nạ kín mặt lại thêm dây nhợ lằng nhằng thì còn ra cái thể thống chi. Chỉ vì muốn giúp ông bạn mà tôi phải rơi vào cái sạn đạo khi viết bài nói về một chuyện mà các ông không thích, các bà cũng chẳng ưa. Rõ cơ khổ!
06/2014
|