Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

GIAN

Việt Nam vừa được nhắc nhở nhiều Tại các quốc gia Á Châu. Tại Đài Loan, trong một siêu thị, có căng một tấm bảng lớn được viết bằng tiếng Việt nguyên văn như sau: “Gần đây phát hiện ra người Việt Nam hay trộm đồ, trong cửa hàng đều có gắn máy camera, toàn bộ sẽ đưa ra công an xử lý. Ở Đài Loan tội trộm cắp sẽ bị phạt tù ít nhất ba tháng”.

Tại Thái Lan, trong một nhà hàng buffet, tiếng Việt cũng được chễm chệ trên quầy thức ăn: “Xin vui lòng ăn bấy nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 bath đến 500 bath. Xin cám ơn!”.

Tại Singapore, cũng bằng tiếng Việt có bảng cảnh cáo: “Xin vui lòng không lãng phí thức ăn. Phạt $5 cho mỗi 100 g thức ăn dư thừa. Xin cám ơn!”.

Tại Đại Hàn, bảng “Cảnh Báo” ghi bằng tiếng Việt phía ngoài một công viên như sau: “Khu vực này cấm vứt bỏ rác thải sinh hoạt nếu như không đúng luật sẽ bị phạt 1 triệu won. Chủ Tịch huyện Chilgok”.

Tại một siêu thị ở Nhật, giọng điệu cảnh cáo coi bộ trầm trọng hơn. Tấm bảng ghi chữ “Cảnh Cáo” to đùng viết nguyên văn như sau: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường tuần tra”.

Toàn những tin…vui. Sao họ chuộng tiếng Việt đến thế!

Bà Bích Hồng, một doanh nhân người Việt, vừa trở về sau khi tham dự một hội chợ quốc tế ở Hồng Kông, đã post lên internet một bài viết ngắn nhan đề “Bị Cấm Cửa Mới Giật Mình!”. Bà kể lại bà bỏ ra 500 đô Hồng Kông mua vé vào cửa. Bà có gắn trên ngực phù hiệu ghi rõ tên nước “Việt Nam”. Khi tới coi gian hàng của một công ty kỹ thuật của Đức, bà bị chận lại trong khi mấy người đi cùng mang phù hiệu Nhật được cho vào. Nhân viên giữ cửa nói họ không tiếp đón người Việt. Tức khí, bà định làm dữ nhưng họ đã nói thẳng là họ không cho người Việt vào vì người Việt “ăn cắp”. Nghe chữ “ăn cắp” bà Bích Hồng giật mình và không muốn đôi co nữa vì nhục! Một người bạn Nhật phải đưa cho bà một phù hiệu Nhật bà mới được vào coi.

Chuyện ô nhục bà Bích Hồng gặp phải, ông bạn tôi cũng đã từng. Năm ngoái, ông bạn tôi cùng vài người bạn Việt Nam đi du lịch Úc và Tân Tây Lan. Một buổi chiều, họ rủ nhau vào coi một viện bảo tàng, người gác cổng chặn lại Tại cổng và hỏi quốc tịch. Khi họ nói là người Việt Nam, ông này từ chối không cho vào với lý do hết giờ. Nhìn vào bảng ghi giờ mở và đóng cửa, ông bạn tôi thấy còn tới hai tiếng nữa mới hết, trong khi những người mang quốc tịch khác vẫn được cho vào, ông bạn tôi mới hỏi nguồn cơn. Khi biết được chuyện, ông bạn tôi mới nói rõ với người gác cửa là tuy là người Việt nhưng họ là người Canada gốc Việt đến từ Montreal. Lúc đó ông gác cửa mới cho vô!

Từ bao giờ dân Việt được khắc vào trán chữ “ ăn cắp”? Chắc từ những ngày nhà cầm quyền cộng sản đưa dân ta ra biển lớn. Ngoài biển, dân các nước khác giầu có trong khi những chú ếch nhà ta nhếch nhác đã thành tính, thấy hàng hóa bày khơi khơi chẳng có công an mật vụ canh giữ, vậy là phát huy ngay việc dùng các bàn tay nhám để chôm chĩa. Chẳng thèm lý tới “phương diện quốc gia”. Chắc cần nhắc lại đây vụ Kiều Trinh để…minh họa! Cô Kiều này sinh năm 1975, cái năm oan nghiệt cho dân tộc. Cô là con gái của ông Vũ Văn Hiến, đã từng là Ủy Viên Trung Ương Đảng, Tổng Giám Đốc Đài Truyền Hình Việt Nam VTV. Gốc…nhớn, cô được vào làm trong Đài của ông bố và được cử xuất ngoại. Năm 2001 cô đi Thụy Điển ba tuần. Ngay tuần đầu, vào ngày 11/2/2001, cô bị cảnh sát thành phố Kalmar bắt vì tội ăn cắp hàng trong siêu thị. Cô chối bay chối biến, dĩ nhiên! Nhưng khi họ cho cô xem video thì hết đường chối cãi. Cô chôm chĩa một số mỹ phẩm trị giá 400 đô. Số tiền không lớn nhưng Tại Thụy Điển, người ta xử tội ăn cắp và tham nhũng rất nghiêm nên cô bị ngồi tù. Con một viên chức cấp cao đã từng ngồi trong chỗ chóp bu của đảng, ngồi tù sao tiện. Vậy nên tòa Đại Sứ Việt Nam mới phải năn nỉ ỉ ôi là cô này bị tâm thần nên mới hành động như vậy. Họ phải cấp tốc xin tấm giấy chứng nhận bệnh của bác sĩ Tại Việt Nam gửi sang. Chắc là vì ngoại giao chứ cảnh sát Thụy Điển làm chi mà không biết giá trị của tấm giấy được cấp ở Việt Nam, họ đành phải thả ra sau khi cô Kiều Trinh đã phải ngồi tù một tuần lễ. Cô bị trục xuất về Việt Nam. Hai ngày sau khi ra tù, ngày 18/2/2001, cô về tới Việt Nam. Anh chồng là  diễn viên điện ảnh Trần Lực, quá xấu hổ, đã tai cho cô vợ ngay Tại sân bay và chấm dứt tình vợ chồng ngay tức khắc.

Chuyện làm nhục quốc thể như vậy tưởng là chuyện phải xử lý nhưng nhà nước ta coi như chuyện nhỏ. Ông bố vẫn giữ nguyên ghế, cô Kiều Trinh vẫn tiếp tục làm phóng viên truyền hình như thường. Năm năm sau, năm 2006, cô Kiều Trinh lại được xuất ngoại sang Anh công tác. Bệnh tâm thần lại tái phát, cô chôm một chiếc máy chụp hình trong một cửa hàng. Lại bị bắt! Tòa Đại Sứ lại chơi mửng cũ: xùy tờ giấy chứng nhận ra! Ba năm sau, năm 2009, không biết bệnh tâm thần đã dứt chưa, nhưng cô Kiều Trinh được kết nạp đảng và được cho giữ chức Trưởng Phòng Văn Hóa Dân Tộc trong đài. Tới nay cô vẫn lên đài truyền hình dạy văn hóa cho mọi người trong mục “Câu Chuyện Văn Hóa”! Đó là cách…văn hóa mà nhà cầm quyền cộng sản dùng để giải quyết cho một tên ăn cắp!

Chắc phải nhắc lại đây vụ ném đá Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngày 21/9/2008, sau những sôi động về việc chính quyền cho một tiệm nhảy đầm hoạt động trong khuôn viên tòa Khâm Sứ cũ đã bị chính quyền lấn chiếm, có một cuộc họp giữa Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, do chính Tổng Giám Mục Kiệt cầm đầu, và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, do Chủ Tịch Nguyễn Thế Thảo cầm đầu. Trong buổi họp, Tổng Giám Mục Kiệt đã phát biểu như sau: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Lời phát biểu rất chân thành và đầy thiện ý này, khi được giới truyền thông nhà nước tường thuật lại đã bị cắt xén, chỉ ghi lại vỏn vẹn một câu chẳng ăn nhập gì tới tinh thần câu nói của Tổng Giám Mục Kiệt. Câu cắt xén còn lại như thế này: “Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”! Từ câu trích dẫn gian dối này, họ kết tội Tổng Giám Mục là “miệt thị dân tộc, đất nước mình, gây bức xúc phẫn nộ trong nhân dân thủ đô”. Vậy là vài trăm nhân dân xuống đường bừng bừng khí thế hô vang: “Giết Tổng Giám Mục Kiệt!”. Cuối cùng, do những ma nớp chính trị, Nguyễn Thế Thảo đã đẩy được Tổng Giám Mục Kiệt ra khỏi tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và bị cho đi lưu đầy ở ngoại quốc! Ông bà chúng ta nói: “Lời thật mất lòng”. Nhưng nói lời thật với những tên cộng sản thì không mất lòng nhưng có khi mất mạng!

Nhưng dù sao sự thật vẫn cứ là sự thật. Anh Nomandic Matt, người Mỹ, là một anh Tây ba lô thứ thiệt. Từ năm 2006, anh bỏ việc làm để đi du lịch bụi. Anh lập một website để ghi lại những cảm nghĩ trong các chuyến du lịch về những đất nước anh đã đi qua với những người cùng sở thích. Những kinh nghiệm du lịch của anh đã được những gạo cội trong ngành truyền thông thế giới như các đài truyền hình CNN, BBC, các báo Times, New York Times, The Wall Street Journal giới thiệu lại. Mới đây anh viết một bài rất đáng buồn cho người Việt: “Tại Sao Tôi Không Bao Giờ Quay Trở Lại Việt Nam?”. Bài báo viết: “Năm 2007, tôi du lịch đến Việt Nam và khi quay về, tôi thề sẽ không bao giờ trở lại. Chỉ khi gặp một cô gái thực sự muốn đi hoặc phải đi công tác, tôi mới quay lại Việt Nam lần thứ hai. Ai biết trước tương lai thế nào nhưng hiện Tại tôi không hề muốn quay trở lại. Điều tệ hại nào ở Việt Nam – đất nước duy nhất tôi yêu thích? Vâng, tôi nghĩ thời gian sẽ trả lời cho bạn. Câu trả lời đơn giản là chẳng ai muốn quay lại nơi mà mình bị đối xử tệ bạc. Khi ở Việt Nam, tôi liên tục bị dân địa phương chèo kéo, chặt chém, lừa gạt và xử tệ. Người bán hàng rong cố chặt chém tôi. Cô bán bánh mì không trả lại tiền thối. Người bán đồ ăn chém đắt gấp ba lần dù tôi thấy rõ người khách trước mặt trả bao nhiêu tiền. Hay các tài xế tắc xi gian lận quãng đường đến trạm xe buýt…Điều quan trọng là tôi nhìn thấy công an Việt Nam rất thích đánh người biểu tình, phản đối một điều gì đó với chính phủ. Như Tại Hà Nội, tôi nhìn thấy một đám đông la ó, chống đối Trung Quốc chiếm hải đảo gì đó ngoài khơi Việt Nam. Tôi hỏi vụ gì thì người kế bên nói là chống Trung Quốc lấn chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chừng vài phút sau thì ba xe công an chạy đến. Họ bao vây đám đông, có vài công an mặc thường phục lẫn vào đám đông. Họ lôi kéo một số người đang cầm bảng ghi lớn là chống Trung Quốc chiếm đảo Việt Nam. Một anh công an thường phục, đằng sau đi tới, anh dùng sức mạnh thoi vào âm hộ của một phụ nữ trong đám biểu tình. Cú thoi mạnh của tên công an làm phụ nữ ôm bụng đau đớn vô cùng. Còn anh công an mặt rất vui, lẩn vào đám đông mất dạng. Đây là hành động của một người bị bệnh cuồng dâm, thích gây đau đớn cho đàn bà trước khi giao hợp. Người cuồng dâm ấy lại là công an khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm!”.

Trước mắt người ngoại quốc, dân Việt ở trong nước đã mang bộ mặt gian manh nhếch nhác. Ra nước ngoài, bộ mặt này còn bi thảm hơn nữa. Tôi muốn nói tới vụ chuyển đồ ăn cắp đáng xấu hổ của cô tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Hàng Không Việt Nam. Một người Việt Nam ngụ Tại Nhật kể lại chuyện này “bảo đảm không có cơ quan truyền thông Việt Nam nào xâm nhập thực tế hơn thằng em”. “Ngày 27 tháng 2 vừa qua, tự nhiên cái tờ báo “phải gió” Sankei (đứng hàng thứ năm trong các đại nhật báo Tại Nhật) lại đưa hai bản tin đầy nhức nhối: cảnh sát Nhật phát lệnh bắt một tiếp viên hàng không Việt Nam vì nghi ngờ chuyển đồ ăn cắp. Trước khi vào chuyện xin tóm tắt về mẩu tin”phải gió” này”. Chuyện bắt đầu từ cuối năm ngoái khi cảnh sát bắt giữ bốn thanh niên chôm chĩa mỹ phẩm và quần áo Tại các cửa tiệm ở Tokyo. Họ khai là họ tuồn số hàng này tới nhà một phụ nữ Việt Nam khoảng 30 tuổi. Đầu năm nay, cảnh sát đã theo dõi người phụ nữ này gói hàng và chuyển tiếp thành từng gói tới một khách sạn gần phi trường Narita, nơi các tiếp viên trú ngụ đợi bay về lại Việt Nam. Sau đó cảnh sát thấy những chiếc thùng rỗng vứt Tại bãi rác. Hàng hóa bên trong đã nằm trong va li của các tiếp viên lên máy bay. Vì là nhân viên phi hành đoàn nên hành lý của họ chỉ bị kiểm soát sơ sài, chỉ cốt coi có ma túy hay vũ khí không thôi. Cô Nguyễn Bích Ngọc, 25 tuổi, bị bắt quả tang mang 21 món đồ ăn cắp gồm quần áo trị giá khoảng 1.200 đô lên xe buýt riêng của Vietnam Airlines ra phi trường quốc tế Kansai. Cảnh sát sau đó đã khám xét văn phòng của Vietnam Airlines Tại Tokyo và mời 4 tiếp viên và một phi công lên chất vấn. Ông “thằng em” này viết tiếp: “Một người bạn Nhật coi như trong gia đình khi đọc bài báo Sankei hỏi tôi: “Tại sao lại có tình trạng ăn cắp của người Việt như thế này? Hơi quê, tôi định trả lời: Tại vì cửa hàng Nhật dễ ăn cắp quá, nhưng kịp ngưng lại vì nhớ lại trong một phiên tòa ở Việt Nam nghe nói vào năm ngoái, khi ông tòa tuyên án tử hình một bị cáo về tội cướp của rồi còn chặt tay nạn nhân, thì mẹ và chị bị cáo bù lu bù loa chửi đổng: “ai biểu đeo vàng nhiều làm chi để nó nổi lòng tham, rồi bây giờ tử hình nó!”. Thú thật tôi không biết trả lời sao, ngoại trừ điều tôi suy nghĩ: cách trồng người, dựng người của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ta bây giờ đã như một chiếc xe lao xuống dốc không phanh”.

Theo thống kê của cảnh sát Nhật thì năm 1998 có 247 vụ người Việt Nam ăn cắp. Năm 2012 có 999 vụ. Năm 2013 có 1118 vụ, chiếm 40% các vụ ăn cắp của toàn thể  người ngoại quốc. Như vậy cứ 10 vụ người ngoại quốc Tại Nhật chôm chĩa thì có tới 4 anh Việt Nam nhám tay. Kể cũng là thành tích anh hùng. Tội ăn cắp Tại Nhật là tội đáng xấu hổ hơn cả vì dân Nhật không biết ăn cắp. Vậy nên người Việt Tại Nhật rất mất mặt khi vụ này ồn ào trên báo chí.  Anh Kỳ Nguyễn, một người Việt đang sinh sống và công tác Tại Nhật cho biết: “Mình đang ở Tokyo  nên biết một tháng qua, tivi đăng tin người Việt Nam bị bắt là chuyện bình thường, mà chỉ có Việt Nam không à! Đi tàu điện, lúc đầu bình thường không sao, rút điện thoại ra đọc báo, thấy mình là người Việt, người Nhật người ta tránh ra chỗ khác ngồi!”. Tại công ty MKO thuộc nghiệp đoàn Osaka Com, ban điều hành gửi tới các thực tập sinh và kỹ sư người Việt một thông báo viết bằng hai thứ tiếng Nhật và Việt. Bản tiếng Việt nguyên văn như sau: Những ngày vừa qua, tin một tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt vì liên quan đến việc vận chuyển [hàng ăn cắp] đã được loan báo rộng rãi trên báo chí, truyền hình Nhật Bản. Qua sự kiện này, người Việt Nam sẽ bị đánh giá thấp vì đã làm mất danh dự. Các bạn đang làm việc Tại Nhật không nhiều thì ít sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, các bạn cần chú ý những điều sau đây: 1-Khi đi mua sắm, chỉ mang ví tiền, không nên mang đồ đạc lỉnh kỉnh. 2-Không có động tác gây nghi ngờ. 3-Không có hành động tập trung ở các nơi mua sắm. Ngoài ra cũng cần chú ý tới những dò xét chung quanh mình. Các bạn làm việc tốt trong công ty sẽ tạo được tin tưởng; do đấy hãy tự hào về những hành động tốt của mình để tiếp tục làm việc”.

Tự hào chi nổi khi hình ảnh người Việt bị lấm lem từ đầu tới chân trên trường quốc tế. Những người Việt chúng ta, hiện đang định cư Tại các quốc gia khác chắc không muốn ghé chung mặt để cưu mang những nhếch nhác do những sản phẩm của đỉnh cao trí tuệ sản xuất ra này. Không biết có ai biết về “Luật Quốc Tịch Việt Nam” ban hành ngày 1/7/2009 của Bộ Tư Pháp Việt Nam không? Theo luật này thì những người Việt sinh sống Tại nước ngoài “chưa mất quốc tịch Việt Nam” phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi định cư để giữ quốc tịch gốc. Thời hạn đăng ký kéo dài trong 5 năm. Tới tháng 7 sắp tới là đủ 5 năm. Theo báo Tiền Phong ở trong nước thì tính đến đầu năm 2014, mới chỉ có khoảng 6 ngàn người đăng ký. So với con số xấp xỉ 4 triệu rưởi người Việt hiện định cư Tại hải ngoại thì tỷ lệ ghi danh muốn giữ quốc tịch Việt Nam chiếm có 0,13%! Nếu từ nay tới ngày 1 tháng 7, chỉ vỏn vẹn còn ba tháng nữa, con số này không thay đổi thì trong 1000 người đã có tới 998,7 người “từ chối quốc tịch Việt Nam”.

Tôi nghĩ con số trên 4 triệu người Việt Tại hải ngoại này dại. Họ hụt mất một niềm vui ! Bởi vì họ không được chung hưởng niềm tự hào về tiếng Việt của cha ông để lại. Qua thói gian tham của những người Việt được nhà cầm quyền cộng sản gửi ra ngoại quốc hoặc đi công tác quốc ngoại, tiếng Việt của chúng ta được phổ biến mạnh mẽ trên thế giới. Họ đã phải học viết tiếng Việt để ra thông báo cảnh cáo. Tôi lại vừa nhận được một tin vui nữa. Cảnh sát Nhật đã phải học tiếng Việt! Tin do anh Ngô Quang Vinh, nghiên cứu sinh Đại học Hitotsubashi ở Tokyo thông báo. “Số lượng người Việt ồ ạt vào Nhật Bản kéo theo vô vàn hệ lụy. Những hiện tượng như: người Việt đi tàu trốn vé, ăn cắp vặt ở siêu thị, buôn tiền bất hợp pháp đã không còn là chuyện hiếm. Những vụ việc diễn ra nhiều đến mức thay vì chỉ nhờ người Việt hỗ trợ ngôn ngữ, cảnh sát Nhật đã phải tiến đến bước mở liên tục các lớp học tiếng Việt cho nhân viên của mình”.

Tại sao cảnh sát Nhật phải học tiếng Việt, tôi đoán là vì họ sợ người Việt thông dịch…gian!

04/2014