Phe đàn ông chúng tôi thường bị gán cho cái nhãn hiệu “hảo ngọt”. Ngọt thì ai chẳng thích, đến con ruồi cũng muốn sa đà vào chốn mật ngọt. Thế giới này có hai phe rõ rệt (tuy từ ít chục năm gần đây có thêm một phe không rõ rệt!) là liền ông và liền bà. Như vậy cái nhãn hiệu không cần cầu chứng tại tòa kia đích thị là do phe bên kia chụp mũ. Nhưng hảo ngọt cũng đích thị là đặc tính của phe các bà. Cứ lấy chè ra làm chứng là biết liền. Có bà nào mà không mê chè. Mê hơn mê chồng ấy chứ! Nếu cần dẫn chứng thì tôi phải nắm áo cô ký giả Ngọc Lan của báo Người Việt ở Cali. Trong bài “Đi Ăn Chè Ở Bolsa, Little Saigon” cô…xưng tội hảo ngọt: “Tôi nhớ ngay từ năm 10 tuổi, tôi đã mê ăn chè. Tôi nhớ gánh chè của bà Sáu đặt trên lề đường trước chợ An Lạc (Xa Cảng). Chè đậu trắng, chè khoai môn, chè trôi nước, chè chuối chưng. Quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng quá là hạnh phúc nếu hôm nào có đủ tiền để mạnh dạn kéo chiếc ghế gỗ thấp tè ghé mông ngồi vào trước đôi quang gánh. Chỉ tay vào món chè mình thèm. Mắt căng tròn nhìn theo tay bà Sáu múc mà lòng thầm khấn “thêm chút nữa, thêm chút nữa!” Đến lúc đưa tay đón lấy cái chén kiểu nhỏ xíu, âm ấm, trắng ngần lớp nước dừa bên trên, cầm chiếc muỗng cà phê trộn đều tất cả lên, lại nghe rõ tiếng nước bọt mình nuốt “ực”. Múc một muỗng đưa vào miệng. Trời ơi! Sao trên đời này người ta lại có thể chế ra được cái món gọi là chè tuyệt vời đến vậy nhỉ! Cứ gọi là mê tơi cho cái thú được sống trên đời lại còn được ăn chè bà Sáu. Lớn lên một chút, tui lại biết thêm món gọi là “chè 3 màu.” Màu xanh của bánh lọt lá dứa. Màu đỏ của đậu đỏ mềm nhừ. Màu vàng của đậu xanh tán nhuyễn. Trắng tinh màu nước cốt dừa thơm béo. Thêm một lớp đá bào được ém chặt bên trên. Xoay ly chè trên tay, tôi tự hỏi, không biết có ai đã từng đi qua tuổi thơ, tuổi hoa niên cho đến tuổi trưởng thành mà chưa từng một lần bị cám dỗ bởi ly chè 3 màu như thế này không nhỉ? Hay hỏi một cách “trắng trợn” hơn là có ai chưa từng một lần hò hẹn cùng người yêu trong quán chè không nhỉ? Ly chè 3 màu cho tôi cảm tưởng đó là sắc màu của tình yêu thuở lung linh đẹp nhất”.
Tôi bảo đảm không có một ông nào, dù là ký giả hay nhà văn, có thể viết về chè ngọt ngào như cô Ngọc Lan. Dù có ăn chè, các ông cũng là kẻ ngoại đạo. Nhưng mật ngọt chết ruồi, chè ngọt chết…kiến. Lần này tôi phải viện tới cụ Nguyễn Du ra làm chứng. Sè sè nấm đất bên đường / Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Đó là hai câu thơ cụ tả cảnh cô Kiều đi chơi tiết thanh minh. “Sè sè” là một âm thanh mà chúng ta ai cũng quen thuộc khi thiên nhiên réo gọi. Vậy thì sau khi nàng Kiều…sè sè thì cỏ bên dưới nửa vàng nửa xanh. Tại sao lại vàng ngay tút suỵt? Vì kiến vội bò tới mở đại hội ẩm thực! Nếu mang nàng Kiều vào phòng thí nghiệm thì chắc sẽ có kết quả là nàng bị diabete! Đó là cách pha…chè của những hậu sinh khả úy của cụ Tiên Điền chứ cụ là một nhà nho chính hiệu đâu có biết tiếng tây tiếng u chi.
Tại sao tôi lại đi quàng qua diabete? Đó là vì cái địa phương tính dỏm! Ngụ cư ở thành phố Montreal này tròm trèm ba chục năm, tôi cứ ngỡ mình là dân địa phương. Vậy nên, cứ cái chi dính tới thành phố, nhất là những thứ khiến mình có thể vênh mặt lên, là tôi bắt liền. Kỳ này là chuyện liên quan tới một cô bé xinh xắn dễ thuơng mới 16 tuổi. Em tên Alexandra Cohen, học sinh lớp 11, nghĩa là còn phải học thêm một năm lớp 12 nữa mới vào Đại học. Thành tích của em Alexandra lại là thành tích cỡ…Đại học. Em vừa nhận được giải nhất trong Đại Hội về Khoa Học và Kỹ Thuật Địa Phương (Regional Science and Technology) do Hydro Quebec tổ chức vào tháng 3 vừa qua. Một tháng sau, em lại nhận được một giải khác, 3 ngàn đô học bổng của trường Đại học McGill, trong một cuộc hội tụ khoa học khác tại Terrebonne, ngoại vi của thành phố Montreal. Tháng 5 năm 2014, em lại đại diện Canada tham dự International Science and Engineering Fair được tổ chức tại Los Angeles với sự tham dự của 1600 học sinh và sinh viên trên khắp thế giới.
Em Alexandra đã làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của bệnh viện Jewish General Hospital mà dân Việt tại thành phố này thường gọi là bệnh viện Do Thái. Em Alexandra cho biết là từ trước tới nay, để chữa bệnh diabete mà chúng ta gọi nôm na là bệnh đái đường, một bệnh đã quy tụ được một dân số đông đảo là 350 triệu người trên trái đất này, bệnh nhân thường được uống thuốc và/hoặc chích insulin. Ngoài ra còn phải ăn kiêng và tập thể dục cũng như đo máu thường xuyên. Nhưng tìm được cách cân bằng được lượng đường cao và thấp trong máu là một điều khó. Nguy một cái là đường cao cũng đe dọa, đường thấp cũng hiểm nguy. Kích thích tế bào sản xuất insulin trong cơ thể chúng ta bằng protein INGAP (viết tắt của Islet Neogenesis Associated Protein) có thể giúp bệnh nhân tìm lại được phần nào khả năng của cơ thể để duy trì được lượng insulin hữu ích. Đó là hướng chữa bệnh tiểu đường mới.
Ngay từ năm 1997, Bác sĩ Lawrence Rosenberg, Giám Đốc Điều Hành bệnh viện Do Thái, đã góp công trong việc tìm ra protein INGAP này. Hai năm trước đây, em Alexandra Cohen, lúc đó mới 14 tuổi, bắt đầu thực tập trong chính phòng thí nghiệm của Bác sĩ Rosenberg. Em được học kỹ thuật trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu về protein này. Em tìm ra là khi được chích vào cơ thể, INGAP không sống lâu nên ít tác dụng. Em giải thích: “Đời sống nửa vời của nó thật ngắn ngủi, nghĩa là nó bị tiêu diệt rất nhanh trong cơ thể. Vì vậy tôi muốn cải thiện nửa đời sống của nó để nó trở thành hữu hiệu hơn”. Được khuyến khích bởi những thành công tương tự mà khoa học đã đạt được trên các protein khác, em Alexandra thử sửa đổi protein INGAP để nó có một cấu trúc xoay vòng. Cho tới nay, thứ protein “tân trang” này chứng tỏ là hiệu nghiệm hơn, nghĩa là việc chữa trị bệnh nhân tiểu đường hữu hiệu hơn. Bước sắp tới sẽ là nghiên cứu sâu hơn và thử nghiệm trên loài vật. Nếu loại protein này tỏ ra hiệu nghiệm và ổn định thì sẽ thử nghiệm với người.
Em Alexandra cho biết sẽ tiếp tục cuộc thí nghiệm thú vị này trong suốt kỳ hè sắp tới tại bệnh viện Do Thái. Sau đó, tháng 9, vào niên học mới, em sẽ nhập học trường Marianopolis College, một trường tư danh tiếng tọa lạc ngay tại Montreal, để học về khoa học y tế. Cô bé dự tính tiếp theo sẽ học Y khoa tại Đại Học McGill để trở thành một y sĩ chuyên môn. Cô hân hoan cho biết: “Nhất định là em phải tự hào với những gì em đã thực hiện được. Chúng đã tạo hứng khởi cho em để tiếp tục nghiên cứu về bệnh tiểu đường và các loại nghiên cứu khác”.
Bệnh tiểu đường hình như ngày càng hoành hành dữ. Việt Nam là nước có số tăng trưởng bệnh tiểu đường vào hàng đầu. Thập niên 1990, số người tuổi từ 20 tới 79 dính bệnh là 1,2%. Năm 2002, tỷ lệ này lên tới 2,7%. Mười năm sau, năm 2012, con số này tăng lên dữ dội tới 5,3%. Gần gấp đôi! Rồi chỉ một năm sau, 2013, nhích lên 5,8%. Tương lai coi bộ không khá!
Anh em viết lách Montreal chúng tôi vừa tụ họp nhau đấu láo mừng nắng lên. Như một thông lệ, sau một mùa đông gói kín người trong nhà, đi đâu cũng ngại cái rét mướt, càng thêm tuổi càng thêm ngại, khi trời ấm áp lại, đôi chân của chúng tôi ngứa ngáy liền. Chỉ một cú hú là mọi người có mặt. Khoảng chục trự mà cũng có tới gần nửa là thành viên của hội tiểu…ngọt! Được cái là chàng nào cũng có máu nhát nên chịu khó kiêng cữ. Ngồi trong tiệm, mỗi món ăn được đặt là một sự hội ý hết sức mất thời giờ. Chúng tôi trước đây có một hảo hán là Trường Kỳ. Chàng này là người đái đường…chuyên nghiệp. Vậy mà chuyện ăn uống đối với anh là chuyện nhỏ. Đớp tuốt. Cả McDonald chàng cũng không tha. Anh có…lý tưởng của anh. Sống mà lúc nào cũng kiêng với khem thì sống làm chi cho phiền phức cuộc đời! Vậy là chàng xả láng. Chàng còn phổ biến đạo ăn với cuốn sách đang viết dở dang “Sống Để Ăn”. Phải công nhận cái “triết lý” này thơm lừng. Mới đọc ít bài anh viết về cái vụ ăn nhậu đã thấy cuộc đời này đáng sống. Trong một bài viết, tôi đã tụng cái tính ăn uống thoải mái của anh: “Từ từ rồi tính là tính của Kỳ. Hình như chẳng có gì quan trọng với anh. Bệnh rề rề mà cứ thoải mái như không hề bệnh. Anh giơ vật giống như cây viết nhưng thực ra là ống chích insulin luôn cắm trên túi áo: “Cứ lụi một phát là xong!”. Anh đã nhiều lần lụi, xong thật. Anh khoe với tôi đang viết cuốn sách có tựa đề “Sống Để Ăn”. Ăn là thú vui của Kỳ. Bệnh tiểu đường là trở ngại cho việc ăn uống nhậu nhẹt. Thường thì người kỹ càng phải cân, phải đếm từng hột cơm, từng miếng thịt, từng chút mỡ. Kỳ coi những thứ vụn vặt đó như pha. Cứ bia bọt, rượu chát, nhậu nhẹt như mọi người không bệnh. Ăn xong, vén bụng lên, lấy cây viết thục một phát vào. Xong! Bụng của Kỳ là một cái trống loại khá, thiếu gì chỗ lụi, có lụi tới hết đời cũng không hết chỗ! Có lần đi chơi với nhau tại Toronto, tôi đã giỡn như vậy. Anh cười. Tính làm chi!”.
Ông Luân Hoán không được “hảo hán” như vậy. Thơ của ổng hiên ngang bán trời không văn tự nhưng gan của ông lại nhỏ chút xíu. Ổng đi thử máu, đường hơi cao một chút, vậy là…trời sập! Ông nhất định biến hình thành loài thỏ, chỉ ăn toàn rau, không đụng tới một hạt cơm, không biết tới miếng thịt, bia rượu thì ông chê từ lâu, đạp xe đạp tới sái chân. Không biết có được một tháng không, người ông sút trông thấy. Anh em phải xúm vào mỗi người một câu, ổng mới hết tuyệt thực. Ông kiêng đủ thứ trừ một món. Trong bài thơ “Kính Ngài Đỗ Phủ”, ông bộc bạch.
kính ngài tôi cố gắng lì
“nhân sinh thất thập…” vẫn đi chơi hoài
thật ra đã chết lai rai
chết vì kiêng, cữ, chừa, cai quá nhiều
ngay trong công việc tình yêu
cũng đã hạn chế bao nhiêu là tình
thưa ngài hồn thánh hiển linh
phù cho tôi được hoạnh tình nhiều hơn.
Tiểu đường là do dư đường trong máu. Vậy mà loài người chúng ta phần lớn bị cái bệnh ghiền đường. Thế mới phiền phức! Đường tới từ thực phẩm mà chúng ta dùng, bia rượu mà chúng ta dzô dzô khi vui bạn vui bè. Bác sĩ Hồ Ngọc Minh bàn về căn bệnh phiền phức này như sau: “Sự “ghiền đường” dường như đã được in đậm vào trong DNA của loài người chúng ta từ hằng chục ngàn năm qua, cộng thêm với những ảnh hưởng của xã hội làm cho ta khó thấy sự tác hại của bệnh ghiền này, vì lẽ, mọi người, không ít thì nhiều đều bị…nghiện đường. Khi bạn mới uống hay ăn thức ăn có đường vào cơ thể đa phần bạn sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Thứ nhất vì trên thực tế cơ thể chúng ta cần một số ít đường để sống. Lượng đường này thấm vào các tế bào, cung cấp năng lượng cấp thời làm cho ta…khỏe. Thứ nhì có thể vì yếu tố tâm lý của đa số bệnh ghiền, vì từ thuở nhỏ chúng ta đã quen với vị ngọt của đường, nhất là những khi bé khóc là bố mẹ dúi cho một cục kẹo hay một cây cà rem. Vì thế bây giờ khi bị “stress” chúng ta dễ đi tìm niềm an ủi với vị ngọt của đường. Sau khi cảm giác dễ chịu qua đi, chúng ta sẽ thấy cơ thể nặng nề vì những lượng đường dư thừa sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể. Lá gan và tụy tạng cần phải “giải độc” khối lượng đường phụ trội này bằng cách chế biến và chứa vào mỡ đặc (triglycerides) làm cho ta béo phì ra, hay làm tăng mỡ lỏng (cholesterol, LDL) làm cho tim, mạch máu bị nghẽn. Ngoài ra, các tế bào bị ngâm trong đường sẽ biến thành mứt quất (mứt tắc), để cân bằng nồng độ hai bên, nước từ bên trong tế bào sẽ rút ra máu, làm khô nước bên trong và dễ chết. Càng ngâm trong đường lâu, các tế bào sẽ có hiệu ứng giống như bị “thắng đường” khi các bà làm nước màu kho cá! Cuối cùng lá gan cũng đầu hàng, sanh ra bệnh tiểu đường”.
Để trị bệnh tiểu đường, bệnh nhân được dùng thuốc, chích insulin, được khuyên ăn kiêng và tập thể dục.Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể đề kháng với insulin. Cho đến nay, các loại thuốc có tác dụng làm tăng hiệu quả hoạt động của hormone và insulin vẫn đóng vai trò chính trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Như ông bạn quá cố Trường Kỳ của tôi lụi insulin vào bụng vậy. Các nhà khoa học Nhật Bản đang thí nghiệm một phương hướng mới trong việc điều trị bệnh này. Bác sĩ Nobuyuki Ueda thuộc Hội Nghiên Cứu Bệnh Tiểu Đường Nhật Bản giải thích: “Thuốc điều trị bệnh tiểu đường hiện nay chủ yếu làm tăng insulin để giảm lượng đường trong máu, cải thiện thị lực và làm tăng khả năng tiết insulin. Tuy nhiên, thuốc mới lại đi theo cơ chế thúc đẩy việc bài tiết đường dư thừa qua nước tiểu nên tác dụng của thuốc hoàn toàn khác và có thể nói quy mô điều trị đã mở rộng”. Muốn được như vậy, các bác sĩ Nhật tìm cách khống chế protein SGLT2. Chính protein này vận chuyển đường và muối tái hấp thu trở lại máu. Nếu protein này bị khống chế thì đường sẽ được bài xuất hoàn toàn ra nước tiểu và lượng đường trong máu sẽ không tăng. Chúng ta đều biết thận có chức năng duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định và dưới tác dụng của protein SGLT2 nằm trong các ống vi niệu, 90% lượng đường được bài xuất từ máu vào nước tiểu được hấp thu trở lại. Trong trường hợp người bị tiểu đường có nhiều đường bài tiết qua nước tiểu, thuốc làm giảm chức năng của SGLT2 khiến đường dư thừa sẽ không được hấp thu trở lại máu và bài xuất toàn bộ qua nước tiểu. Do đó, mặc dù lượng đường trong nước tiểu tăng nhưng lượng đường trong máu sẽ giảm và tình trạng đường huyết cao sẽ được cải thiện.
Thuốc ức chế SGTL2 là hợp chất có tên Phlorhizin được chiết xuất từ rễ cây táo. Thuốc này chia ra làm sáu loại dựa trên cấu tạo hóa học và bắt đầu tiến hành thử nghiệm tại nhiều nước trên thế giới từ năm 2010. Đầu năm 2014, bên cạnh một loại thuốc được thừa nhận tại Nhật Bản, hai loại thuốc khác đã được chấp nhận sử dụng tại Mỹ. Trong số 9 triệu rưởi người Nhật bị tiểu đường, rất nhiều người đang chuyển sang hướng điều trị mới này.
Âu đó cũng là một tin vui cho các ông bạn tôi. Từ cô bé 16 tuổi Alexandra Cohen ở Montreal chúng tôi đến các ngài bác sĩ con cháu Thái Dương thần nữ, hướng mới của việc chữa trị căn bệnh phổ biến này đã được vạch ra.
Tôi được trời thương nên khi thiên nhiên réo gọi vẫn vào toilet đàng hoàng chứ không vất vưởng ngoài đường xá. Ông bạn Luân Hoán của tôi cũng vẫn nghiêm chỉnh trong việc giải thủy. Lũ kiến chẳng nhờ nhõi chi được chúng tôi. Ông Luân Hoán có tính ba lơn. Thoát được cái vụ đái đường, ông ấy nổi máu phiếm, bèn thơ.
vốn dễ lây bệnh đái đường
từ thời bay nhẩy bốn phương là nhà
năm ba thằng bợm tà tà
rong chơi dừng lại thế là hè nhau.
06/2014
|