Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

VÂN

Chuyện lại ầm ỹ. Hình như mỗi lần ra mắt sản phẩm mới của công ty Apple đều ầm ỹ như vậy. Có người bảo tại vì họ khéo quảng cáo. Như vụ ra mắt chiếc iPhone 5S. Trước đó, chuyện rò rỉ của chiếc điện thoại mới này khiến người ta bảo chẳng có chi lạ, thế nào cũng thất bại. Vậy mà chỉ trong vài ngày kể từ khi máy được bán ra thị trường vào ngày 23 tháng 9 vừa qua, 9 triệu chiếc đã nhanh chóng bán hết, chưa bao giờ số hàng bán trong ngày đầu của công ty Trái Táo lại lớn đến như vậy. Giới tài chánh sững sờ. Trước ngày ra mắt iPhone 5S, thị trường chứng khoán Wall Street không có vẻ hào hứng với sản phẩm mới này. Vậy mà số bán của chiếc điện thoại mới này đã làm cổ phiếu của Apple tăng ngay 6%, từ 30,37 đô Mỹ lên 49,78 đô. Hốt bạc!

Tại vì chiếc điện thoại mới này có một điều mới là dùng dấu vân tay để mở chăng? Nhưng nhiều laptop của các hãng khác đã dùng tính năng này rồi. Chiếc laptop hiệu Lenovo của tôi mua từ mấy năm trước cũng đã có…vân rồi! Vậy mà chỉ tới khi Apple dùng tính năng ghi dấu vân tay thì chuyện…vân mới ầm ỹ. Chắc trái táo khuyết mất một góc có duyên. Giống như chiếc răng khểnh vậy!

Chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ những lần đi làm thẻ căn cước ngày xưa. Trong các màn thủ tục bao giờ cũng có màn ịn ngón tay trên hộp mực đỏ hoặc đen để in vào hồ sơ và trên thẻ. Xong việc, chùi tay muốn chết chưa hết sắc màu. Tại sao lại dùng dấu in vân tay? Vì vân tay của mỗi người là thứ không ai trùng với ai cả. Nói thế cũng chưa hẳn là đúng, cũng có trùng. Nhưng phải tới khi trái đất này có 64 tỷ người họa chăng mới có một sự trùng lặp ngẫu nhiên về vân tay. Khi tôi đang viết tới đây, vào google, thì dân số thế giới là 7.173.432.614 người. Nghĩa là mới hơn 7 tỷ. Chừng nào mới tới 64 tỷ?

Vì vân tay là thứ ‘của riêng” như vậy nên chẳng ai giống ai, dù là anh chị em sanh đôi giống nhau như tạc. Dấu vân tay bắt đầu thành hình trong bào thai vào giai đoạn từ tuần thứ 13 tới tuần thứ 19. Trước đó thai nhi không có dấu vân tay. Dấu vân tay chịu tác động của hệ thống gen và môi trường. Như vậy, nếu thai song sanh cùng trứng, nghĩa là cùng gen, phát triển trong cùng môi trường là bụng mẹ, thì phải giống nhau. Không phải vậy. Vì tuy hai bào thai cùng nằm chung trong bụng mẹ nhưng có vị trí khác nhau trong dạ con nên môi trường khác nhau tạo nên vân tay khác nhau.

Như vậy ai cũng có dấu vân tay? Cũng không hẳn vậy. Những người mắc chứng bệnh adermatoglyphia khi chào đời không có vân tay. Bệnh…phẳng lì đầu ngón tay này do đâu mà có? Bác sĩ chuyên về da Eli Sprecher thuộc Trung Tâm Y Tế Tel Aviv Sourasky đã nghiên cứu ADN của 16 người trong một gia đình mắc bệnh này ở Thụy Sĩ. Gia đình này chia làm hai phe: 7 người có vân tay bình thường và 9 người nhẵn thín. Toán nghiên cứu đã phân tích nhiều gen để tìm kiếm bằng chứng đột biến mà vẫn chẳng tìm được lời giải thích. Thời may, một sinh viên sắp tốt nghiệp đã eureka. Đó là một phiên bản nhỏ của gen SMARCAD1. Phiên bản nhỏ này chỉ hoạt động trên da trong khi các bản sao SMARCAD1 lớn hơn được biểu hiện trên khắp cơ thể. Vậy là cái gen nhỏ nhít này đích danh là thủ phạm. Chín thành viên trong gia đình không có vân tay đã bị đột biến ở gen nhỏ này. Các bạn khỏi phải giơ ngón tay ra tìm coi mình có vân tay không vì bệnh nhẵn thín này hiện nay trên thế giới chỉ có 4 gia đình bị mắc phải, trong đó có một gia đình ở Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan.

Không có dấu vân tay sẽ bị thiệt thòi ra sao? Thì không dùng được iPhone 5S! Nói giỡn chơi vậy thôi chứ cũng phiền toái lắm. Muốn đi chơi Disneyland ở Florida tay sẽ bị nhem nhuốc hơn người ta vì ở đây có máy scan vân tay đặt ở cửa ra vào. Thường khi chúng ta mua vé tới dự một sự kiện nào kéo dài suốt ngày như chợ tết chẳng hạn, chúng ta có nhu cầu đi ra đi vào nhiều lần. Lần đầu vào, chúng ta trình vé, người ta sẽ ịn trên tay chúng ta một con dấu của ban tổ chức để khi chúng ta đi ra rồi đi vào lại, người ta chỉ cần nhìn vào con dấu là cho chúng ta vào thong thả. Muốn ra vào bao nhiêu lần cũng được. Ở Disneyand văn minh hơn. Thay vì ịn con dấu, chúng ta phải đút ngón tay vào một cái máy scan, máy sẽ nhận diện và ghi nhớ. Khi chúng ta vào trở lại, chỉ việc đút ngón tay vào máy là máy sẽ bật đèn xanh cho vào, khỏi nhem nhuốc tay vì mực đen mực đỏ. Phiền toái của người không có dấu vân tay khi đi chơi Disneyland cũng là phiền phức nhỏ. Còn nhiều phiền phức lớn hơn nữa. Bởi vì người ta ngày càng chú ý và sử dụng dấu vân tay vào nhiều khía cạnh trong đời sống thường nhật của chúng ta.

Ngay từ thuở xa xưa, dấu vân tay đã được sử dụng như chữ ký trong việc giao dịch kinh doanh ở Babylon cổ đại trong thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên. Dưới triều vua Hammurabi (1792 – 1750 trước công nguyên) người ta đã tiến hành việc lấy dấu vân tay của những tội phạm. Trong đời sống, các văn kiện giao dịch và các hợp đồng được viết trên đất sét và được ký bằng dấu vân tay. Ở Nhật Bản và Trung Quốc, từ trước công nguyên, dấu vân tay cũng được sử dụng để xác nhận các khoản vay. Thời nhà Tần (248 – 207 trước công nguyên), các viên quan đã biết in dấu vân tay để làm bằng chứng tại hiện trường các vụ án. Khi lụa và giấy được phát minh, dấu vân tay của mỗi người được ịn trên những con dấu bằng đất sét và đóng trên lụa hoặc giấy để làm tin. Vào thế kỷ thứ 13, một bác sĩ người Ba Tư có tên là Rashid al-DinHamadani (1247-1318) đã đề cập tới việc Trung Quốc nhận dạng người bằng dấu vân tay của người đó. Ngay từ khi đó, ông bác sĩ này đã nhận xét: “Kinh nghiệm cho thấy không có hai cá nhân có vân tay hoàn toàn giống nhau”.

Nhưng người Âu châu mới là những người khởi xướng các cuộc nghiên cứu khoa học về vân tay. Năm 1684, bác sĩ người Anh Nehemiah (1641-1712), cha đẻ của kính hiển vi, đã cho đăng bài báo đầu tiên mô tả đường vân của da ngón tay và lòng bàn tay. Rồi tới bác sĩ người Hòa Lan Gavard Bidloo, bác sĩ người Ý Marcello Malpighi, nhà giải phẫu người Đức Johann Christoph Andreas Mayer, bác sĩ người Tiệp Jan Evangelista Purkyne Purkinje. Tới cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, William James Herschel mới kết luận: “Con người có thể già đi, khuôn mặt và hình dáng có thể bị thay đổi do tuổi tác và bệnh tật, nhưng đường vân trên đầu ngón tay vẫn không thể thay đổi”.

Qua tới thế kỷ thứ 20, những kết quả của các cuộc nghiên cứu mới được áp dụng. Năm 1924, cơ quan FBI đã lưu trữ dấu vân tay của công dân Mỹ để điều tra tội phạm và nhận dạng những xác chết vô thừa nhận. Cũng từ đầu thế kỷ thứ 20, người ta đã sáng chế ra được máy “live-scan” để lấy dấu tay mà không phải dùng mực in. Trong ý nghĩ của chúng ta, dấu vân tay đã vô tình liên hệ tới các điều tra pháp lý. Người ta có thành kiến trong đầu là những người bị cảnh sát lấy dấu vân tay là thành phần liên quan tới tội phạm. Làm như vương dấu mực trên tay là lương tâm mất trong sáng. Mãi tới năm 1968, dấu vân tay mới được dùng vào việc an ninh kinh doanh tại con đường huyết mạch tài chánh Wall Street ở Nữu Ước. Ngày nay dấu vân tay phát triển tùm lum qua rất nhiều lãnh vực như một phương pháp nhận dạng hiệu quả nhất. Tài chánh, y học, kinh tế, điện tử đều có dấu tay! Năm 2000, Tiến sĩ Stowens, Giám Đốc bệnh viện St Luke ở Nữu Ước, cho biết có thể dùng dấu vân tay để chẩn đoán bệnh tâm thần và bệnh bạch cầu với độ chính xác khoảng 90%. Tại Đức, Tiến sĩ Alexander Rodewald loan báo có thể xác định khuyết tật bẩm sinh với độ chính xác 95% khi dùng dấu vân tay. Tới năm 2004, Trung Tâm International Behavorial & Medical Biometrics Society ở Seattle đã xuất bản trên bảy ngàn luận án về vân tay! Ngày nay, tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Tân Gia Ba, Mã Lai đều đã áp dụng những hiểu biết về vân tay để cải thiện giáo dục và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Dấu vân tay đang in dấu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng nhận diện bằng dấu vân tay tại các máy rút tiền tự động. Chẳng bao lâu nữa, những thứ lỉnh kỉnh chúng ta thường bỏ trong ví ngày nay như thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng hoặc tiền mặt sẽ không làm cộm túi quần chúng ta nữa. Tất cả sẽ được thay thế bằng dấu vân tay chúng ta có sẵn, chẳng vướng víu chi. Điều cần thiết là khi ra khỏi nhà, chúng ta đừng quên mang theo ngón tay!

Dấu vân tay tạo được vị trí huy hoàng như vậy là nhờ ba đặc tính: tính riêng biệt, tính ổn định và tính phục hồi. Tính riêng biệt vì, như đã nói ở trên, không thể có sự trùng hợp vân tay giữa hai người, kể cả các cặp sinh đôi sinh ba hay ra đời dính chùm nhiều hơn nữa. Tính ổn định vì dấu vân tay cứ nguyên vẹn như vậy trong suốt cuộc đời chúng ta, trước sau như một, nhất định không thay đổi, chỉ có thay đổi về kích thước theo sự trưởng thành của thân thể. Tính phục hồi vì khi lớp da ngoài của vân tay bị tổn thương thì lớp trong mọc thay thế vẫn giữ nguyên hình dạng các đường vân như cũ.

Áp dụng dùng dấu vân tay thay chữ ký hay password trên các máy móc điện tử có thể đặt ra một số vấn đề. Có những vấn đề chắc do những bộ óc phiếm đặt ra sau khi iPhone 5S được trình làng. Tỷ như nếu kẻ gian chặt tay chủ iPhone rồi ịn dấu vân tay vào máy thì máy có mở không? Câu trả lời là iPhone là một loại phôn thông minh nên biết phân biệt dấu vân tay của người sống và người chết. Đừng tưởng bở!

Có những vấn nạn mà chính Apple phải giải thích cho người dùng. Nếu ngón tay bị dính kem nhờn hoặc thông thường hơn là bị mồ hôi khiến máy không nhận diện được vân tay thì phải làm sao? Chuyện này rất dễ xảy ra. Biện pháp cần dùng là lau sạch mồ hôi hay chất kem rồi hãy ịn tay vào máy. Nếu vẫn chưa được thì phải dùng password như máy thông thường vậy thôi. Những người bị mồ hôi trộm vậy là bị loại ra khỏi vòng chiến. Nhà thơ Mai Trung Tĩnh, nếu còn sống, sẽ thuộc vào loại này. Năm 1956, anh là bạn học ngồi bên cạnh tôi tại trường Chu Văn An nên tôi biết anh khổ sở vì mồ hôi tay. Lúc nào anh cũng phải cầm một chiếc khăn tay trắng để chậm mồ hôi khi ngồi ghi chép bài. Nếu không thì sẽ ướt hết trang giấy không viết được. Nhiều năm sau, sau khi anh đi cải tạo về, gặp anh ở chân cầu Công Lý, tay anh vẫn chiếc khăn trắng thấm mồ hôi. Nếu sử dụng iPhone 5S, anh sẽ phải dùng hệ thống phòng hờ mà Apple bắt buộc người sử dụng phải làm. Đó là cũng tạo password mở máy như với các loại phôn khác.

Một théc méc khác là in dấu vân tay trên phôn như vậy thì có thể bị đánh cắp dấu vân tay. Thực ra phôn không giữ hình ảnh dấu vân tay như khi chúng ta in dấu vân tay trên giấy. Phôn sẽ đọc rồi số hóa chúng thành những dữ liệu nhị phân (dùng số 0 và số 1) mà các máy điện toán thường dùng. Những dữ liệu này sẽ được máy lưu trữ và không thể đổi ngược lại thành hình ảnh. Như vậy các anh hacker chuyên đột nhập ăn cắp cũng đành bó tay.

Thời gian sắp tới, khi cảm biến vân tay được dùng cho hầu hết các máy móc điện tử, chúng ta sẽ sống trong một thế giới khác. Thế giới…vân! Làm việc, ăn chơi, du hí, du lịch, cứ chìa tay ra là xong tuốt. Những đường vân trên tay đang làm nghiêng cuộc sống. Chúng cũng làm đầy trò chơi chữ nghĩa của chúng tôi. Đầu têu là họa sĩ Phan Nguyên, người họa sĩ chán kinh thành ánh sáng Paris trở về sống ở Sài Gòn. Anh rủ giới viết lách và vẽ vời tạm rời cây bút cây cọ để in dấu tay làm cái việc mà anh gọi là “Mượn Dấu Thời Gian” dịch từ tựa tiếng Pháp là Emprunt Empreinte.

Anh tâm tình: “Mượn Dấu Thời Gian là một sân chơi rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung. “E.E.” (tựa viết tắt) là một bộ sưu tập với phương pháp in ấn đặc biệt bằng cà phê hòa tan trên giấy Canson “C” à grain 24cm x 32 cm, qua những buổi gặp gỡ vô tình hay cố ý với bạn bè bằng hữu, “tây và ta”, ở bất cứ nơi nào…”Mượn Dấu Thời Gian” là bộ sưu tập những dấu vân tay như một “di vật” của từng tác giả, một “chứng tích” của thủ bút, một “chứng từ” của thời gian. Và nếu như những ánh sao băng có xẹt ngang bầu trời mà để lại chút dấu thời gian, thì Nguyên này là người nhặt nhạnh những mẩu thời gian rơi rớt ấy. Để làm gì? Để…gió cuốn đi…để gió cuốn đi…”.

Hình chụp phòng khách nhà anh, trên tường, đầy kín những khung dấu tay. Cứ như…halloween! Những người viết ở Montreal chúng tôi cũng được anh hú tham gia. Trò chơi chẳng có chi lích kích. Dùng bột cà phê pha với nước, ịn hai bàn tay lên rồi in trên giấy vẽ, muốn thơ thẩn thêm chi cho đời thì cứ việc hạ bút.

Ông Hoàng Xuân Sơn là người mau mắn nhất. Ông đi mua hộp cà phê loại tan liền về ịn tay. Xong gửi về Việt Nam cho ông Phan Nguyên. Ông Phan Nguyên nhận được một bản in dấu tay có những vết thủng lỗ chỗ trên mặt giấy! Tìm nguyên nhân mới ra chuyện. Ông nhà thơ họ Hoàng đã mua thứ cà phê instant có pha sẵn đường. Ông này vốn tính hảo ngọt! Bày kiến và gián cũng hảo ngọt, cứ thế mà nhấm nháp. Kết quả hai bàn tay cà phê lem nhem lỗ chỗ chẳng ra sao cả. Trăm năm sau, hay cẩn thận như cụ Nguyễn Du “bất tri tam bách dư niên hậu”, lỡ dấu in bàn tay ông Hoàng Xuân Sơn còn tại thế, người thời sau lại tưởng bàn tay người xưa vốn lỗ mỗ như vậy! Vậy là rút kinh nghiệm, chúng tôi họp mặt làm lại. Lần này cẩn thận mua thứ cà phê không đường, hẹn nhau tại một quán ăn để ịn tay. Cả bọn bảy tám tên gửi dấu tay lại trên giấy. Mỗi bàn tay có kèm vài câu thơ kiểu khẩu khí. Thơ bên cạnh bàn tay tôi: mực đen, giấy trắng, đời thừa / Phóng tay ta cứ viết bừa cho vui. Thơ bên dấu tay Luân Hoán: bàn tay vốn giàu hoa tay / mượn thời gian mãi đã gầy trơ xương / bởi mười ngón khoái ở truồng / nên chi nhân dạng bất thường thế thôi. Thơ ông Hoàng Xuân Sơn bên dấu tay: vỗ từ lẹt đẹt bàn tay / chợt nghe bụi khẳm / luống cày nhân gian.

Ông Luân Hoán vốn khảnh ăn, ngồi bên bàn ăn rượu thịt ê hề mà ông chỉ nhìn một loạt dấu tay nằm chờ khô, thơm lừng mùi cà phê, tênh hênh trên bàn bên cạnh, vân tay nổi lên như những sợi chỉ rối, bèn thơ.

nhìn bạn xòe ra những tỏ bày
ngỡ như chuẩn bị phút chia tay
cười giòn sao tiếng nghe buồn lắm
mỗi đứa còn riêng được mấy ngày?
Mỗi đứa còn riêng được mấy ngày? Câu hỏi chẳng ai trả lời được. Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ở Cali, cũng ịn bàn tay “mượn dấu thời gian”, ông ghi thêm chỉ một câu: “Tôi không còn thời gian ”. Sau đó, bạn tôi phải chống trả với bạo bệnh. Cho tới bây giờ!

10/2013