Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

Cô ca sĩ Hồ Ngọc Hà nổi tiếng từ khi có con với Cường “Đô La”. Cường “Đô La” cũng nổi tiếng từ khuya vì cái đức ăn chơi vung mạng, ném tiền như rác. Anh con đại gia này sở hữu một…rừng xe hơi loại xịn và gây ra nhiều xì-căng-đan làm lác mắt giới ăn chơi trong nước. Báo mạng Vietnam Net cho biết cô ca sĩ này vừa bị giật ví xách tay giữa phố đông người ở Sài Gòn. Cô viết trên mạng tố cáo sự việc như sau: “Cướp giữa ban ngày, ngay đèn đỏ và ngay chính mình trước sự chứng kiến của nhiều người, mà không ai làm gì được. Xã hội nào cũng có, nhưng giữ chân vô địch, quá nhiều vụ và trắng trợn có lẽ thuộc về Việt Nam chúng ta”. Cô cũng cho biết trong túi  xách tay bị giật không có gì đắt tiền nhưng từ việc này cô đưa ra hai nhận xét. Thứ nhất, đây là chuyện đáng buồn vì mọi người qua lại tỏ thái độ thờ ơ, cứ xài bài…lơ, bàng quan nhìn kẻ cướp ví của cô phóng xe vọt chạy. Thứ hai, theo nguyên văn, “sống kiểu thân ai nấy lo thế này thì thật dã man”. Cô bị cướp giật chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi đi du lịch Thái Lan trở về.

Cô ca sĩ này đã nói đúng. Đọc trên báo thấy xã hội Việt Nam ngày nay đúng là mạnh ai nấy sống. Tôi đã được xem những clip trên YouTube cảnh các học sinh nữ đánh nhau ngoài đường phố. Trò đánh nhau của các cô học sinh trung học mới nứt mắt bây giờ gồm nhiều màn hoàn toàn khác kiểu đánh nhau mà chúng ta họa hoằn mới thấy ngày xưa. Họ đánh hội đồng, lột quần lột áo của bạn học giữa đường phố, với một số khán giả rất đông đứng coi đánh…võ! Khán giả thường là các nam sinh cùng trường theo dõi một cách say sưa, thỉnh thoảng còn hô hào cổ võ tiếp thêm khí thế. Người lớn đi đường thì làm lơ, tiếp tục đi hoặc có dừng lại cũng chỉ làm khán giả. Hiếm khi thấy một lời can ngăn.

Tôi đọc được trên báo mạng VNExpress bài của Dương Hương Thảo kể lại nhiều vụ mà vị ký giả này gọi là “vô cảm”. Một xe chở dưa hấu bị lật trên Quốc Lộ 1A. Hàng trăm người đổ xô vào tranh nhau hôi…dưa. Họ thuộc đủ thành phần, già trẻ lớn bé, học sinh và người đang trên đường đi làm. Mỗi người ít nhất cũng dành được một trái dưa. Có người tài hơn còn ôm được tới hai ba trái. Họ vui cười nhìn nhau như đang đi dự hội trong khi chủ xe mặt như cái mền rách. May quá, có một người không làm lơ được, nhắc nhở mọi người nên tôn trọng tài sản của người khác, liền bị mắng: “Không nhặt thì trước sau người ta cũng phải thuê xe khác đến chở”. Vậy là vừa ăn cướp vừa làm ơn!

Trên báo Tuổi Trẻ, vào tháng 6 năm 2011, có tường thuật lại một vụ hôi của tại Sài Gòn nhân một vụ cướp. Tên cướp giật túi xách của người đi đường, chắc cũng giống như vụ xảy ra với cô ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Nạn nhân giằng co với tên cướp nên chiếc túi xách bị bật nắp, tiền bay ra đường. Chỉ trong vòng hai phút, số tiền rơi ra đã chui vào túi của những khán giả đứng coi vụ cướp. Thật là một cuộc vơ vét nhanh gọn có thể mang vào kỷ lục Guinness! Mặt mọi người tươi rói, “ai cũng sung sướng, hạnh phúc”. Ai cũng tưởng rằng đó là tiền trên trời rơi xuống!

Như vậy vẫn còn có thể coi là khá. Trên trang mạng VNExpress, ký giả Dương Hương Thảo kể lại nhiều trường hợp đặc sắc hơn nhiều: “Tình trạng thấy người bị tai nạn mà không một ai gọi cho 115 nhờ cấp cứu hoặc vẫy một xe taxi đưa nạn nhân đến bệnh viện mà chỉ chực lao vào hôi của cũng xảy ra hầu như không kiểm soát được. Họ rất nhanh chóng lao đến “cấp cứu” nạn nhân bằng cách móc túi lấy đồ, lấy ví, lục cốp xe... và cũng nhanh chóng lẩn ra một góc chia chác “chiến lợi phẩm”, thậm chí chửi bới nhau, giằng co, đánh đập nhau khi ăn chia không đều ngay trước mắt nạn nhân”.

Gây tai nạn chết người rồi…bố cáo trên Facebook một cách hãnh diện, coi như một chiến tích, là một kiểu vô cảm khác. Tên có nickname “Kẹo Mút Chơi Bời” khoe như thế này: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sanh năm 1953”. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, bản tin vô cảm này đã được 10 người nhấn like (thích) với gần 700 bình luận. Đây là một bình luận: “Ôi, đ….Chiều qua lão chết bọn tao về uống rượu ăn mừng. Chết cái nhẹ cả người chứ cứ sống thêm làm khổ bọn tao”. Tên thủ phạm “Kẹo Mút Chơi Bời” post tiếp: “Lo hết viện phí rồi tang lễ hết 20 triệu rồi cũng chẳng vấn đề gì, chỉ bực là lỡ hết việc!”.

Chuyện lơ chẳng chỉ xảy ra ở ngoài phố, nơi người ta tranh sống với nhau, mà còn xảy ra ở nhà thương, nơi được coi là phải có tình thương. Thương người bệnh. Chắc dân Sài Gòn xưa chẳng ai không biết tới bệnh viện Vì Dân được khởi công xây cất từ giữa năm 1970 và hoạt động vào đầu năm 1974 gồm 600 giường được kiến trúc sư Trần văn Quyển thiết kế theo kiểu khách sạn và được trang bị các máy móc hiện đại nhất thời đó. Cái tên Vì Dân cho biết bệnh viện phục vụ miễn phí cho toàn thể dân chúng không phân biệt giầu nghèo. Sau ngày Sài Gòn đổi chủ, bệnh viện này biến thành “Quân Y Viện Thống Nhất” dành cho quân đội. Tới năm 1978 mới chuyển giao cho bộ Y Tế và đổi thành “Bệnh Viện Thống Nhất”. Thống Nhất là tên chính thức nhưng dân chúng thường gọi là bệnh viện…Vì Quan! Nơi đây chuyên chữa trị cho các cán bộ trung cao cấp. Muốn được nhập viện phải là cán bộ cỡ chuyên viên trở lên. Từ khi đổi mới, bệnh viện cũng biết làm tiền nên dành ít phòng cho nhân dân có tiền vào chữa bệnh.

Tác giả Minh Diện, có một anh bạn tên Lung, cùng đơn vị quân đội ngày xưa, đưa mẹ bị đột quỵ vào nằm bệnh viện. Bà cụ có bảo hiểm y tế nên tiền thuốc do bảo hiểm trả. Tiền phòng 200 ngàn một ngày gia đình chi. Tình trạng của bà cụ ngày càng tệ. Tác giả Minh Diện kể lại trên trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ: “Anh Lung kể tiếp chuyện chữa bệnh của mẹ mình: “Mẹ tôi điều trị hai tuần, bệnh không đỡ mà nặng thêm. Hôm mới vào hơn bốn chục ký, mắt còn mở, tay chân còn co duỗi. Sau hai tuần, mắt nhắm tít, người teo lại, bất động. Trong khi hai người bệnh cùng phòng hôm mới vào nguy kịch hơn, đều đã tỉnh hơn một chút. Tôi dò hỏi vợ người bệnh bên cạnh, bà bảo: “Phải mua thuốc ngoài!”. Vì vẫn tin chế độ nghiêm ngặt của bệnh viện như điều dưỡng viên nói, nên tôi hỏi dồn: “Thuốc gì, ở đâu, bác sĩ có cho phép không?”. Người nhà bệnh nhân kia mắng tôi: “Ông mới ở trên trời rơi xuống hả? Bệnh nhân bảo hiểm y tế không có thuốc đặc trị, phải mua ngoài!”. Nghe bà ấy nói một hồi tôi mới sáng mắt ra. Bọn lính mình đến già vẫn thật thà như vậy! Tôi nói với một nữ bác sỹ trực: “Nghe nói có loại thuốc đặc trị đột quỵ, bác sĩ cho đơn tôi mua ngoài!”. Bác sỹ hỏi: “Ai nói với anh?”. Tôi đáp: “Người bệnh cùng phòng!”. Bác sỹ hỏi: “Gia đình có khả năng không?”. “Không cũng phải cố, để tỏ lòng hiếu thảo với cụ!”. “Sao không nói trước, giờ muộn rồi!”. Tôi điếng người như bị gáo nước lạnh hắt vào mặt. Đưa mẹ nhập viện là giao tính mạng mẹ mình cho bác sỹ, tin tưởng tuyệt đối vào tài năng, y đức của người thầy thuốc. Cứ nghĩ bệnh nào thuốc ấy, bác sỹ điều trị theo nguyên tắc vì con bệnh, ngờ đâu lại vì tiền. Nếu vậy sao không nói thẳng ngay từ đầu để bây giờ bảo đã muộn? Tôi cố dằn lòng nói với bác sỹ: “Muộn còn hơn không, mẹ tôi cần thuốc gì, bác sỹ cho đơn để tôi mua ngoài!”. Cô bác sỹ lấy giấy viết đơn thuốc đưa cho tôi, bảo: “Xuống nhà thuốc bệnh viện mua cho bệnh nhân uống!”. Gương mặt còn trẻ của cô bác sỹ bình thản, không gợn chút suy tư. Hình như việc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế nghèo một cách qua loa, và nhìn người bệnh chết vì không có tiền mua thuốc đặc trị đã quen rồi. Không áy náy, không xúc động, không hề nghĩ đến y đức của người thầy thuốc”.

Câu chuyện tới đây có thể chấm hết được, vì không còn chi để nói nữa. Bệnh viện “Vì Dân” trước đây đã thành bệnh viện “Vì Quan”, và bây giờ có thể có thêm tên mới: “Vì Tiền”! Nhưng cuối bài, tác giả Minh Diện lại nhắc tới điều 2 trong 9 điều y đức của Hải Thượng Lãn Ông: “Nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi tới trước chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém, khi lòng mình có chỗ không thành thật thì khó mong thu được kết quả”. Ông tác giả này khéo vô duyên, người ta đã lơ tối đa mà còn bày nhày. Hải Thượng Lãn Ông chết từ lâu rồi!

Cũng may Hải thượng Lãn Ông đã nhắm mắt, nếu không chẳng biết cụ bưng mặt ra sao với những màn…lơ của thế hệ làm nghề gọi là cứu nhân độ thế ngày nay. Cuối tháng 5 vừa qua, do tố cáo của một bác sĩ trong bệnh viện Hoài Đức ở Hà Nội, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu mới nổ bùng ra ánh sáng. Người ta làm kết quả xét nghiệm một bệnh nhân, sau đó in kết quả này ra nhiều bản. Những bệnh nhân khám sau, cũng lấy máu nhưng không xét nghiệm chi cho tốn công tốn của, cứ dùng kết quả in sẵn của người trước để đưa. Trung bình một kết quả sử dụng cho từ 2 tới 5 người dù khác xa nhau về bệnh án hoặc tuổi tác. Xét nghiệm máu để biết bệnh tình mà chữa, nay kết quả xét nghiệm máu của người này dùng chung một cách…đại đồng cho nhiều người khác, còn chữa chạy chi được nữa! Vô cảm tới mức này thì xưa nay hiếm. Phải có lương tâm cùi hủi đến thế nào mới có thể làm được. Vậy mà đây là một việc làm tập thể do nhiều người tham gia. Chuyện…xã hội là cái chắc!

Chẳng phải là người ta đang chứng kiến ngoài xã hội những màn đánh dân của công an phối hợp với côn đồ thành một thứ mà các trang mạng lề trái gọi là “côn an” hay sao. Cảnh sát giao thông đánh theo kiểu…giao thông, nghĩa là đánh cho lòi tiền mới thôi. Cảnh sát khống chế dân oan, đàn áp tôn giáo, dẹp biểu tình đánh theo kiểu…thú tính. Chẳng thù oán chi mà đạp mặt, vung tay đánh cho tới trọng thương các thanh niên chỉ có mỗi cái tội yêu nước, thứ mà những người đang nắm quyền thiếu sót một cách trầm trọng.

Bệnh vô cảm, làm lơ với những bất công trong xã hội là căn bệnh đã được nhiều người nói tới. Tôi mới được đọc một bài văn của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà nội, nói về bệnh vô cảm. Em viết: “Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn, không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm. Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ…Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không  hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?”.

Em Phan Hoàng Yến dù sao cũng còn là một học sinh nhỏ tuổi. Em mới nhận ra sự vô cảm của con người trong xã hội chung quanh em. Em chưa có tầm vóc để, như em Nguyễn Phương Uyên và các bạn thanh niên khác, thấy sự vô cảm ở tầm mức cao hơn. Trong bài giảng của cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, trong thánh lễ cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình ngày 29 tháng 9 vừa qua, vị linh mục đã nói rộng hơn về bệnh vô cảm đang ngang nhiên hoành hành khắp đất nước chúng ta: “Đó là những con người nghèo vật chất như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, và cả những người nghèo tinh thần, thiếu hiểu biết, thiếu tự do, thiếu dân chủ, thiếu công lý. Có những cá nhân nghèo thì đã hiển nhiên, nhưng còn có những tập thể nghèo, chẳng hạn một tầng lớp xã hội như những công nhân bị bóc lột, những nông dân suốt đời dãi nắng dầm mưa mà vẫn thiếu ăn thiếu mặc, những người dân oan bỗng dưng bị tước đoạt ruộng vườn từ bao đời tổ tiên để lại cho con cháu. Ta còn có thể nói đến cái nghèo của đất nước. 38 năm sau ngày im tiếng súng, bất chấp vẻ bên ngoài hào nhoáng, Việt Nam vẫn là một nước nghèo. Đất đai bị kẻ thù gặm nhắm, hết hải đảo đến cao nguyên. Bao nhiêu cây số vuông rừng phòng hộ, trên danh nghĩa là cho người nước ngoài thuê 50 năm, thực chất là mở toang cửa rước giặc vào nhà. Người dân bị lừa bịp, bị bóc lột, bị đàn áp, không có dân chủ, không có tự do, những quyền thiêng liêng Thượng Đế ban cho con người thì bị tước đoạt. So với cái nghèo vật chất, cái nghèo tinh thần còn khủng khiếp gấp bội. Lúc nãy trong đoạn sách ngôn sứ A-mốt cũng như trong bài Tin Mừng, những người giàu có bị trừng phạt phải đi lưu đày hay đẩy xuống địa ngục vì đã dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của người nghèo. Vì vô cảm với người nghèo mà đã bị trừng phạt nặng nề như thế thì phải nói làm sao về những kẻ nhân danh một chủ nghĩa hoang tưởng đã bị lịch sử bỏ vào sọt rác, để đàn áp, bóc lột, tước đoạt cả những quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người ?”.

Vô cảm loại thượng thừa như vậy thì sự…lơ mà cô ca sĩ Hồ Ngọc Hà gặp phải chỉ như  một vết ghẻ ngứa. Nếu biết nhìn vào chiếc dằm trong mắt mình thì có lẽ cô không la chói lói như vậy. Vì chính cuộc sống của vợ chồng cô cũng…vô cảm, một thứ vô cảm thượng thừa! Trong khi đại đa số dân chúng sống nghèo đói, chật vật với miếng ăn hàng ngày, trong khi học sinh phải lội nước đi học vì không có một chiếc cầu bắc tạm qua sông, thì cô có một cuộc sống quá đầy đủ đến xa hoa. Nhưng, nhất giả kiến phận, mỗi người có một phận đời riêng, cô chẳng có tội chi với cuộc sống xa hoa nằm trên những cuộc sống khác của đồng loại. Nhưng vợ chồng cô nổi tiếng về sự khoe khoang cuộc sống sang giầu của mình. Chỉ nguyên chuyện làm ầm ỹ về dàn xe siêu sang của vợ chồng cô đã làm chướng mắt mọi người. Đó là bộ sưu tập xe nổi tiếng quốc tế. Tờ báo Mỹ chuyên về xe hơi Autoguide cũng đã phải ngạc nhiên về mức độ chịu chơi của tay chơi trẻ này. Bài viết trên Autoguide đã so sánh bộ sưu tập xe sang của Cường Đô La với một thiếu gia người Ả Rập và cho biết bộ xe xịn của Cường Đô La không hề thua kém vị thiếu gia đất dầu hỏa! Tôi trích một đoạn ngắn trong một bài viết về dàn xe này:  “Rolls Royce, Ferrari, Lamborghini… những thương hiệu xa xỉ nhất thế giới đều hiện diện trong biệt thự của Cường Đô la… Nói về số lượng xe của Cường Đô la thì đố ai đếm được, chỉ biết rằng đối với dòng xe thể thao ưa thích là Lamborghini và Ferrari thì Cường cũng đã sử dụng cả, trong đó có Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider….”.

Câu than của cô Hồ Ngọc Hà “sống kiểu thân ai nấy lo thế này thì thật dã man” quá đúng, đúng không chê vào đâu được!

10/2013