Bay
Blog
Bồ
Cắt
Complet
Đạp
Gian
Giầu
Giữa

Hiếu
Hít
Học
Khám
Khói
Kín
Kỷ
Lái
Lìa

Mầm
Mở
Ngáy
Ngồi
Ngọt
Sách
Saigon
Sexting
Tạ
Tập
Tìm
Trai
Tử
Vân
Vận
Về
Xu

HIẾU

Cụ bà Zhang Zefang, 94 tuổi, đã kiện con cái vì tội bỏ bê không chăm sóc bà. Ông con trưởng của bà tên Zhou Mingde trần tình với báo chí là ông cũng quá già và quá nghèo để có thể chăm sóc và cấp dưỡng cho mẹ. Tới thân ông, ông cũng chưa tự nuôi nổi mình thì làm sao mà báo hiếu. Chuyện xảy ra ở Trung Quốc, nơi mà ông Khổng Tử đã rao giảng đạo hiếu như một bổn phận của con cái đối với cha mẹ.

Trong bài báo tiếng Anh loan tin trên mà tôi đọc được, họ còn mang chuyện “Nhị Thập Tứ Hiếu”  mà họ dịch là “The Twenty-Four Filial Exemplars” ra để chứng minh là chữ hiếu ở Trung Quốc đứng đầu trong trăm đức tính của đạo làm người. Họ không kể ra những đức tính này nhưng họ kể đại khái chuyện người con hiếu thảo chịu trân người cho muỗi đốt no nê để muỗi khỏi đốt cha mẹ già. Chúng ta chẳng lạ chi với việc phải hiếu đễ với cha mẹ. Mở ca dao ra là biết liền. Mẹ già ở túp lều tranh / Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con. Hoặc: Muốn cho gần mẹ gần cha / Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền.

Chẳng phải chỉ có mình cụ bà Zhang Zefang mới phải cắn răng nhờ toà án phân xử để được con cái chăm sóc. Trong 15 năm qua, đã có khoảng một ngàn vụ kiện như vậy tại quê hương của ông Khổng Tử. Việc lơ là chăm sóc cha mẹ già đã khiến chính phủ mới đây phải ra một đạo luật về phụng dưỡng cha mẹ. Luật quy định là con cái phải lui tới thường xuyên với cha mẹ già, các công sở xí nghiệp phải tạo điều kiện cho công nhân viên chức chu toàn việc hiếu thảo với các đấng sinh thành.

Luật quy định việc mà đạo đức làm người coi là điều hiển nhiên thấy tức cười. Nhưng Trung Quốc còn đi sau rất nhiều nước. Ấn Độ, Pháp và Ukraine đều đã có luật quy định con cái phải cấp dưỡng tiền bạc cho bố mẹ. Ngay ở Mỹ, 29 tiểu bang và Puerto Rico cũng có luật tương tự. Còn ở Canada chúng tôi thì cũng đã có luật lệ này từ lâu. Nhưng luật này ít khi được thi hành vì chính phủ đã gánh vác hết việc trả tiền già cho mọi công dân rồi. Tân Gia Ba còn chơi ngon hơn là bỏ tù tới 6 tháng nếu người con phạm lỗi không cấp dưỡng cho bố mẹ!

Thế hệ chúng tôi hầu hết đã đủ tuổi về hưu. Khi buông công việc cho đám con cháu, cuộc sống của chúng tôi hầu như rất ít thay đổi. Người Việt chúng ta vốn có truyền thống liệu cơm gắp mắm. Đồng tiền vào túi hàng tháng có ít đi chút đỉnh cũng không sao, vẫn cứ cơm ngày ba bữa, ngồi coi phim bộ  đến tê bàn toạ, buồn tình cũng vẫn đi shop. Thế giới dường như vẫn vậy. Bạn tôi cũng có ôngtrình diễn chút xíu: bỏ xe hơi riêng để chơi xe buýt hay métro. Cho ra cái điềuhợp với túi tiền vừa teo đi chút đỉnh. Vậy thôi, không có trận bão nào thổi tới. Chuyện con cái có giúp cho tí tỉnh là chuyện phụ. Có càng hay, không có cũng xong. Không cần thiết.

Thời cụ Khổng xưa rồi. Ngày nay sự ràng buộc giữa cha mẹ và con cái không còn như trước. Nuôi con ăn học cũng đã có nhà nước đỡ đần qua việc cấp học bổng hoặc chương trình cho vay tiền học tới khi đi làm có lương mới phải trả góp. Cha mẹ khi về già cũng đã có chính phủ lo toan qua lương hưu hay tiền già. Dù thế nào cũng đủ tiền cho cuộc sống thường nhật. Dĩ nhiên chỉ là cuộc sống căn bản, đủ ăn đủ mặc. Nếu tính tới chuyện xa hoa thì khác! May ra con cái muốn trả hiếu thì biếu tí tiền cho cha mẹ sắm cái này cái kia hoặc đi du lịch chút đỉnh cho rộng tầm mắt. Dân ta còn có mục về quê thăm họ hàng bà con. Mục này nhiều khi biến thái thành tiết mục khác làm hư các cụ, nhất là các cụ ông. Quê hương ta khế ngọt đầy ra đấy, đồng tiền đô mang về át đồng tiền trong xứ, vậy là các cụ tha hồ đi chợ. Khế ngọt nhiều khi cũng chua nên có cụ bị ê răng.

Cuộc đời thế hệ chúng ta như những hòn đá bị di dời. Tôi và đám bạn bè cùng quê bị di dời hơi nhiều.Tôi muốn nói tới đám Bắc kỳ chúng tôi. Nhiều ông bạn của tôi không chịu coi mình là Bắc kỳ. Họ tự đóng mác là “Bắc mà không kỳ”. Còn “Bắc mà kỳ” là chỉ dân Bắc vào Nam sau khi Sài Gòn đổi chủ. Chúng tôi bị lăn đi qua những cuộc tản cư, di cư, di tản. Hòn đá bị lăn như vậy thì rong rêu đâu có chỗ bám. Chữ hiếu cũng lăn theo. Hiếu không còn cứng ngắc như thời xưa. Ngày nay con cái biết sống theo đúng đạo đức và lương tâm không gây phiền hà tới cha mẹ đã được coi như trả hiếu cha mẹ. Có trả thêm bằng cách…cụ thể thì càng hay, không có cũng chẳng sao. Nhưng cũng còn rất nhiều bậc cha mẹ không chịu như vậy. Mắt họ không thấy những điều họ cho là viển vông. Họ muốn sờ thấy chữ hiếu mà con phải trả. Tôi biết có những bậc cha mẹ quy định “hiếu” ra số tiền cụ thể mà mỗi đứa con phải răm rắp nộp hàng tháng. Có những đấng sinh thành chơi trò hơn thua khi công bố số hiện kim của đứa con trả hiếu đậm đà nhất để những đứa khác ganh đua noi theo!

Quên những bậc cha mẹ quá thực tế đó đi! Đòi hỏi là điều làm đỏ mặt những bậc cha mẹ không thèm biết quy đổi chữ hiếu thành tiền mặt. Tri túc tiện túc hà thời túc. Biết đủ là đủ. Cứ tiền hưu tiền già là đủ. Biết đủ là biết sướng. Lớp tuổi già từ 66 tuổi trở lên ở Canada là lớp tuổi sung sướng nhất. Đó không phải là tôi tự sướng mà có nghiên cứu đàng hoàng. Hãng chuyên tổ chức các cuộc thăm dò dư luận Léger và cơ quan “International Federation of Ageing” (Hiệp Hội Quốc Tế về Tuổi Già) vừa cho công bố kết quả cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 vừa qua. Họ hỏi 1501 người thuộc đủ mọi lứa tuổi ở Canada. Lứa tuổi mà họ gọi là lứa tuổi Y gồm những người từ 18 đến 32 tuổi, lứa tuổi X từ 33 đến 45, lứa tuổi từ 46 đến 65, lứa tuổi già từ 66 đến 74 và lứa tuổi…via từ 75 trở lên. Lứa tuổi nào cảm thấy hạnh phúc nhất? Lứa tuổi “via” tự cho là hạnh phúc nhất với 65% số người được hỏi và lứa tuổi già có 64% nhận là có hạnh phúc. Trong khi đó, lứa tuổi từ 46 đến 65 chỉ có 53% nhận mình có hạnh phúc. Càng ít tuổi hơn, hạnh phúc càng teo lại. Lứa tuổi thế hệ X có 41% và lứa tuổi Y chỉ có 37% cho rằng họ có hạnh phúc.

Kết quả của cuộc thăm dò làm ngạc nhiên mọi người. Tưởng càng trẻ, cuộc đời còn thênh thang trước mắt, thì càng cảm thấy hạnh phúc. Ai ngờ những người già, đời sống chỉ còn một mẩu ngắn ngủi, lại thấy cuộc đời này đáng sống hơn. Lý giải sao cho ra lẽ? Người ta cho rằng vì cái mẩu thời gian ngắn ngủi trước mắt nên những người già thấy phải vui lên thôi, chiều hôm tối rồi! Người thì cho rằng người già là những người có kinh nghiệm sống, biết lẽ tiến lui trong đời, nên chẳng dại chi mà ngồi than thân trách phận. Sống cái đã! Qua một ngày mất một ngày; qua một ngày vui một ngày; vui một ngày lãi một ngày. Tôi lượm được cái triết lý sống khôn ngoan này trong một bài viết không có tên tác giả trên mạng internet. Những ý kiến lạc quan của vị tác giả này hợp với con số phần trăm mà các nhà thăm dò ở Canada kể trên đã tìm thấy về ý thức hạnh phúc của người già.Mời các bạn già đọc thêm ít dòng của bài viết: “Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả kỹ nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già. Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình. Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. Nhà của cha mẹ là nhà của con; nhà con không phải là nhà của cha mẹ. Khác nhau là thế. Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình”.

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh nói gọn hơn về tương quan cha mẹ và con cái:

Con ta không phải con ta
Tai hoạ của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con!

Tâm lý của phần đông những người già là đóng kịch già nua, mệt mỏi, khổ sở cho con nó thương. Họ mang căn bệnh sợ: sợ cô đơn. Họ tự coi như một món đồ cổ, bị vứt vào một xó xỉnh tăm tối trong nhà kho, sợ mai một, phải có những động tác làm cho con cái thương hại, chữ hiếu nổi ầm ầm lên mà vỗ về an ủi họ. Họ bị cột chặt vào quá khứ. Tác giả Andrew Lâm, một cây viết trẻ viết văn bằng tiếng Anh, tác giả cuốn “Perfume Dreams: Reflection on the Vietnamese Diaspora (Những Giấc Mơ Hương: Hoài Niệm Cuộc Sống Xa Quê), giải thưởng của Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ, do nhà xuất bản Heyday Books phát hành vào năm 2005, đã kể lại tâm sự của một người già Việt Nam trong bài Aging in a Foreign Land (Tuổi Già Trên Xứ Người): “Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như một làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ tết ở Sài Gòn, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp núc. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa”.

Ông hay bà già này già quá xá cỡ rồi. Cái già tâm hồn coi bộ bước nhanh hơn cái già tuổi tác. Tôi có những ông bạn, đã qua vài chục năm sống nơi tạm dung, mà đầu óc vẫn vất vưởng nơi những ngày tháng cũ ở quê nhà, lúc ông có quyền có thế. Rũ bỏ được quá khứ coi bộ không phải là chuyện dễ. Biến thân thành một ông già càm ràm không biết hưởng những tháng ngày sắp tới mà ngồi nguyền rủa những ngày tháng quá khứ phỏng có ích chi? Chính họ đã tự làm mình già trước tuổi. Già hay không là tự nơi mình. Bao nhiêu tuổi là già? Thì khi nào ăn tiền già là già, một ông bạn tôi nói cứng nhắc như vậy. Ông này sai bét! Đó là tuổi thời gian, cứ đủ 65 tuổi là thành…lão. Nhưng có ông 65 tuổi mà vẫn phây phây nhảy đầm như điên, mặt mày phơi phới như thanh niên; có ông 65 mà mặt mày nhăn nhó khó khăn cứ như lúc nào cũng bị hòn đá tảng thời gian đè cho méo mặt.

Tiến sĩ Davis Demko có lối tính tuổi rất có lý. Trong bài “Calculate Your Age in Neo-Years” (Tính Tuổi Theo Lối Mới), ông đề nghị một cách tính tuổi mà ông cho là chính xác hơn. Lối tính tuổi của ông có tên do ông tự đặt là DNA-Plus. DNA này không dính dáng chi tới cái DNA di truyền mà là chữ viết tắt của Demko’s Neo Age. Còn Plus chỉ những cái tích cực của tuổi già. Ông tiến sĩ này tính như sau: “tuổi thời gian” tính theo số năm đã sống, “tuổi thể chất” tính theo tình trạng sức khoẻ, “tuổi xã hội” tính theo mức độ sinh hoạt hàng ngày trong việc làm, đời sống gia đình, giải trí, làm việc thiện, và “tuổi tâm lý” tính theo khả năng đối phó với tình trạng căng thẳng trong cuộc sống hay thích ứng với những thay đổi bất ngờ. Cộng tất cả các loại tuổi trên, chia lấy trung bình, sẽ ra tuổi thật của mỗi người. Giáo sư Demko đưa ra một thí dụ: một người sống 80 năm (tuổi thời gian), có tình trạng sức khoẻ của một người 70 tuổi (tuổi thể chất), có mức độ hoạt động của một người sống 60 năm (tuổi xã hội), có khả năng ứng phó của một người sống 50 năm (tuổi tâm lý). Nếu cộng tất cả những con số trên, chia ra lấy điểm trung bình thì ông này có số năm tuổi là 65. Già 80 tuổi mà coi như trẻ 65 tuổi, ông này thuộc vào loại…con nít! Còn ông bạn lụm khụm còn dây dưa mật thiết với quá khứ mà tôi kể trên, nếu tính theo công thức Demkos thì chắc mới sống có 65 năm mà tuổi thì đã 80!

Nhưng lối tính tuổi của Tiến Sĩ Davis Demkos còn thua xa ông già 83 tuổi trong một viện dưỡng lão. Ông ngồi nói chuyện với ông bạn già cùng phòng. “Này ông, không biết ông ra sao chứ tôi thì đau ê ẩm khắp người, mỗi khi trái gió trở trời thì lại càng đau tệ. Ông cũng cùng tuổi với tôi, ông có bị đau nhức như vậy không?”. Ông bạn vênh mặt trả lời: “Không! Tôi cảm thấy mình như một đứa bé mới sanh!”. Ngạc nhiên, ông già 83 tuổi hỏi lại: “Ông nói như một đứa bé mới sanh! Thực vậy không?”. Trả lời: “Thực chứ sao không thực! Này nhé, không tóc tai chi cả, không răng cộ chi và…ấy chết! Tôi lại vừa làm ướt tã rồi!”.

Già hay không là tự mình. Nói nghe thấy sướng. Nhưng thật sự như vậy. Nếu một người đàn ông cảm thấy mình vẫn trẻ trung, khoẻ mạnh, yêu đời thì tuổi tác tính làm chi. Nếu người đàn bà giữ được dung nhan tươi tắn, mặn mà, nói chuyện thì luôn “ngạo với nhân gian một nụ cười” thì già sao đặng! Chẳng thế mà tục ngữ Anh có câu: “A man is as old as he feels, and a woman as old as she looks”.

Nói hươu nói vượn cho vui vậy thôi, già vẫn cứ già. Có những lúc cái già nó lên cơn hành cho ra trò. Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài “Chín Khúc Buồn Thiu” bị cái già nó sồng sộc tới hành khi cố lết cái thân già đi chu du Sài Gòn. “Lâu lắm rồi mới hành phương Nam. Một mình què quặt đi xa vừa lo vừa có chút gì tủi thân. Xuống sân bay không ai đón. Một mình khập khễnh kéo va ly đi trong nhà đợi, buồn thiu. Xưa đi đâu, đến cái là có năm bảy người bạn đón chào, vừa xuống ga là kéo nhau vào nhà hàng ngay, đập phá say sưa. Nay thì không còn nữa. Cũng tại  mình không muốn báo cho ai, vả có báo cũng không ai đến. Bạn bè mình già cả rồi, mệt mỏi cả rồi, không còn sung sức như xưa nữa. Cũng bia, cũng rượu, cũng gái gú nhưng nó diễn ra chậm chạp, uể oải. Đến cái tuổi phải cố lắm mới ngồi được với nhau, ôi buồn…Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng là một người bạn dễ chịu nhất. Cái thằng văn hoá chu toàn đến nỗi chưa bao giờ nói hớ một nửa câu để người khác phải mếch lòng. Nó thấy mình đang buồn, bèn đem chuyện bóng đá ra nói, nói mãi không thấy mình hưởng ứng, lại đem chuyện gái ra để mua vui. Thấy nó đang cố gồng lên bàn cái đề tài nó không hề thành thạo mà thương nó quá. Mình ăn hết tô mì Quảng quán Đo Đo của nó rồi về. Nó cầm tay mình, nói Lập hồi này ra sao vậy? Mình không trả lời vì mình biết nó thừa sức trả lời câu hỏi này rồi”.

Buồn hỉ! Dù sao tuổi già cũng cảm thấy cô đơn. Cứ như sống trong một thế giới khác, thế giới mà con cháu không thể hiểu được. Vậy thì, nếu không cần con cái trả hiếu bằng vật chất thì cũng cần chúng trả hiếu bằng những chăm sóc ngó ngàng cho bớt cô đơn. Liệu chúng có làm được không khi chúng sống trong thời buổi mà thời gian coi bộ như lúc nào cũng bị ăn cắp!

10/2013