Bác sĩ Raymond Rezale ở Montreal vừa bị nạn vì cắt. Ông không bị cắt chi cả mà đi cắt người ta. Vậy mà bị dính nạn. Thân chủ bị ông đè ra cắt là các chú nhóc người Do Thái. Ông cắt vào chỗ ngặt nghèo nhất của các em bé này. Mới oe oe chào đời, tội tình chi đâu mà bị cắt? Các em bé này chỉ có mỗi cái tội là sinh ra trong một gia đình theo Do Thái giáo. Theo tín ngưỡng của đạo này, các em trai cứ được 8 ngày tuổi là bị đè ra cắt. Một trong những người cắt chuyên môn nhất là ông bác sĩ Rezale. Ông bị Hiệp Hội Bác Sĩ tỉnh bang Quebec ra lệnh cấm không cho ông cắt nữa. Lý do họ nêu ra là ông đã cắt trong tình trạng thiếu sửa soạn và thiếu phù hợp khiến nhiều em bị lãnh hậu quả. Có em bị nặng đến phải gây mê để phẫu thuật điều chỉnh. Có em tiểu tiện khó khăn. Hiệp Hội đã đưa ra tới 80 trường hợp có vấn đề để cấm không cho ông hành nghề cắt nữa trong khi chờ đợi phán quyết vào năm 2014 này. Ông bác sĩ Rezale này là chuyên viên cắt tại bốn phòng mạch ở Montreal. Ông đã ra tay cắt tới sáu ngàn ca vì lý do “tôn giáo và xã hội”.
Chuyện cắt của ông bác sĩ này là chuyện mà chúng ta gọi là “cắt bì”. Chuyện này tôi biết từ khuya rồi. Đừng hiểu lầm, tôi biết nhưng không có kinh nghiệm cá nhân! Biết ngay từ hồi nhỏ vì đã được nghe trong các lớp giáo lý, xưa gọi là các lớp học “bổn”, tại các nhà thờ. Không phải các cha và các thầy dạy giáo lý khơi khơi dạy cho học trò nhỏ chuyện máu me này đâu. Họ dạy bởi vì liên quan tới Chúa Giêsu. Chúa sanh ra là người Do Thái nên, theo đúng quy luật của đạo Do Thái, phải chịu phép cắt bì sau khi sanh được 8 ngày. Chuyện cắt này quan trọng chứ không phải chơi, vì được gọi một cách kính cẩn là “phép”. Chúa chịu phép cắt bì!
Vậy cắt bì là cái chi chi mà làm cực đám trẻ? Truyền thuyết của người Do Thái kể: ông Abraham là tổ phụ của dân Do Thái, được Thiên Chúa ban ơn trở nên giầu có, sở hữu nhiều đất đai, gia súc và nô lệ. Cái chi ông tổ này cũng có trừ việc có con nối dõi tông đường. Ông đã tính tới việc cho một người làm công tâm phúc thừa kế của cải. Nhưng Chúa đã hiện ra và phán với ông là người thừa kế của ông phải là con ruột của ông do chính bà vợ ông sanh ra. Lúc đó vợ ông đã 70 tuổi! Ông thấy quá muộn màng nhưng, với Chúa, đó là chuyện nhỏ.
Mãi tới 13 năm sau, Chúa mới hiện ra tiếp và phán với ông: “Ta sẽ lập giao ước giữa ta với ngươi. Phần ta, ta làm cho ngươi thành tổ phụ của vô số dân tộc, và các vua chúa sẽ xuất phát từ ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất Canaan làm sở hữu vĩnh viễn. Đây là giao ước vĩnh cửu giữa ta với ngươi và cả dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Tuy là Chúa cho nhưng ông Abraham chẳng được Chúa cho khơi khơi mà cũng phải có điều kiện đàng hoàng. Ông phải giao ước với Chúa là tất cả các thế hệ tiếp nối của ông phải cắt bì cho mọi đứa con trai trong gia tộc sau khi sanh được 8 ngày. Chúa phán tiếp: “Không chỉ người và con cháu ngươi, mà ngay cả nam nô lệ của ngươi cũng phải bị cắt bì, dù chúng được sinh ra dưới mái nhà ngươi hay do ngươi dùng bạc mua về, cho dù nó là người ngoại tộc”. Vậy là cắt tuốt! Ngay sau đó, ông Abraham lúc đó đã 99 tuổi, con trai ông là Ishmael, 13 tuổi, cùng toàn thể nô lệ và người làm công trong nhà phải cắt bì hết. Truyền thống đó được duy trì nghiêm ngặt tới ngày nay. Dân Do Thái rất tự hào về dấu hiệu này trên cơ thể của họ. Nó chứng tỏ họ là dân được Thiên Chúa chọn. Dân ngoại không được mang dấu hiệu thiêng liêng này. Đó là hạng người bị họ coi là dưới cơ. Họ có câu nhiếc móc dân ngoại rất kỳ thị: “Đồ không cắt bì!”.
Tại sao Chúa lại muốn một cách cắc cớ là cắt mẩu da trên phần dương vật của đứa trẻ nam như vậy? Một số người cho rằng, vì dương vật là cơ quan duy trì dòng dõi, việc dâng cho Chúa một mẩu nhỏ của nó tượng trưng cho việc dâng hiến sinh mạng mình. Một số người khác lại giải thích một cách khác: dương vật là bộ phận đại diện cho tội lỗi của loài người, việc cắt một mẩu da của nó là biểu thị của sự loại trừ ô uế do tội tổ tông, để trở nên trong sạch trước mặt Chúa. Luận cứ này coi bộ không vững. Vì Chúa Giêsu, khi sanh ra đời như một con người, chỉ khác con người là không vướng tội tổ tông, vậy mà cũng bị…cắt.
Chính vì chuyện Chúa cũng bị cắt nên những tên nhóc chúng tôi, khi học kinh bổn, mới biết tới chuyện lạ lùng này. Tôi vốn thương Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ mà tôi mê say ngắm mỗi dịp Noel, khi quỳ trước hang đá trong nhà thờ. Trông Chúa nằm ngây thơ vậy mà ai nỡ đem ra cắt bì. Tội chết!
Cái chi chi của các trẻ em trai khi sanh ra giống như cái tù và. Đầu tum húm trông rất e dè. Thường thì khi lớn lên, như cái hoa, nó mới nở rộ ra. Đó là chuyện tự nhiên. Chẳng cần cắt chi cả. Số người có cái hoa không chịu nở chỉ là thiểu số, cần sự can thiệp của dao kéo. Nhưng tín đồ Do Thái giáo, Hồi giáo, Chính Thống giáo đều phải chịu phép cắt bì. Không cắt sẽ không được công nhận là tín đồ của tôn giáo đó. Cắt bì là loại giải phẫu duy nhất được nhắc đến trong Thánh Kinh.
Chuyện Chúa Hài Đồng chịu phép cắt bì, tôi đọc được một bài trong website của Dòng Đồng Công Hoa Kỳ nói rõ về biến cố này. Đầu tiên, mẹ Maria do dự không muốn con bị đau đớn. “Mẹ Maria biết rõ Con Mẹ xuống thế để tôn trọng và xác nhận lề luật bằng cách tự mình tùy phục lề luật. Nhưng phép cắt bì giả thiết là có nguyên tội là tội mà Hài Nhi Thiên Chúa không thể có, nên Mẹ hoài nghi không biết có phải cho Con chí thánh mình chịu cắt bì hay không, nhất là tình Mẹ yêu Con càng hoài nghi hơn. Mẹ thầm ước: “A! giá Con chí ái Mẹ đừng phải tuân giữ nghi lễ này! Ước chi một con sâu hèn hạ là Mẹ đây có thể thay chỗ cho Con để chịu phép ấy được!”… Đức Khôn Ngoan bảo Mẹ phải cầu xin Thiên Chúa, nên Mẹ thưa Chúa: “Lạy Cha của Chúa con, đây nữ tì của Cha đang ẵm Hi lễ chân thật để dâng lên Cha. Xin Cha dạy cho con biết việc con phải làm để vâng phục lề luật. Nếu có thể chịu đau khổ để Con của con khỏi phải đau khổ, con xin hoàn toàn sẵn sàng chịu; nhưng nếu ý Cha muốn cho Con của con phải chịu cắt bì, con cũng xin sẵn sàng vâng theo”. Thiên Chúa trả lời Mẹ: “Con của Cha phải chịu dao cắt, một việc đồng thời cũng xé nát linh hồn con. Con hãy để Người đổ Máu ra làm của đầu mùa mang ơn cứu độ đời đời cho loài người”. Mẹ chí thánh đáp lại: “Lạy Cha, con xin chúc tụng Cha vì tình yêu vô cùng Cha yêu loài người, nên đã hi sinh Con Cha cho họ! Con xin dâng Cha Con Chiên rất hiền từ sẽ xoá tội trần gian này. Nếu con dao đả thương Người có thể đâm ngập vào con để tránh cho Người sự đau khổ tàn khốc này, xin Cha đổi cho con”.
Mẹ xin Chúa Trời cho gánh thay con chuyện đổ máu này. Nhưng đề nghị của Mẹ không được chấp thuận. Vậy là Chúa cũng phải cắt bì như mọi hài nhi nam khác. Mẹ Maria nói với thánh Giuse lấy tiền bà Elisave tặng để mua một lọ thủy tinh nhỏ dùng để chứa di tích cắt bì, sắm vải để thấm máu sẽ đổ ra và mua thuốc để rịt chữa vết thương cho mau lành. Sắm sửa đâu vào đấy, mẹ Maria mới đi mời người tới cắt bì cho con. “Ở Belem có một hội đường, dân chúng thường hội họp để cầu nguyện và nghe giảng nghĩa Thánh Kinh dưới quyền chủ toạ của một tư tế. Các bà mẹ thường kính cẩn đem con mình đến để xin vị tư tế này cắt bì cho, mặc dầu luật không buộc phải có tư tế cũng làm lễ nghi đó được. Mẹ Maria cũng muốn nhờ ông cắt bì cho Chúa Hài Nhi, và Thánh Giuse đến mời ông tới hang đá. Vừa đến thấy hang đá quá nghèo nàn, ông bất bình. Nhưng rồi vì Mẹ Maria khoan từ dịu dàng thưa gửi, và vì nhìn thấy Hài Nhi Mẹ ẵm trên tay, ông đã đổi thái độ gắt gỏng thành cảm phục, và cảm thấy một lòng sốt sắng khác thường. Muốn cho Mẹ khỏi phải nhìn một lễ nghi đẫm máu, ông nói Mẹ tạm lui xa một lát, cứ trao Hài Nhi cho hai vị phụ tá của ông ẵm bế cũng được. Nhưng vì không muốn xa lìa Con, không muốn trao Con cho một ai khác, Mẹ vừa khiêm tốn vừa khôn ngoan nói lên những lẽ vừa rất hợp lý vừa rất dịu dàng, nên tư tế đó bằng lòng để mẹ được ẵm Chúa Hài Nhi khi ông làm nghi thức. Như vậy, vòng tay Mẹ đã là bàn thờ sống động dâng Hi lễ mới lên Thiên Chúa. Thánh Giuse thắp lên hai cây nến cho thêm vẻ tôn kính trong hang đá nghèo nàn. Mẹ cởi áo cho Con và lấy một tấm khăn đã ủ nóng trên ngực ra, lót xuống phía lưng Con để tiếp nhận di tích và Máu Con khi chịu phép cắt bì. Theo lời Mẹ xin, vị tư tế đã làm nghi thức đó một cách êm nhẹ hết sức có thể… Chúa Hài Nhi cũng khóc khi chịu dao cắt như một con trẻ thường. Ngài ôm chặt lấy Mẹ Ngài, Người Mẹ cũng đang khóc với Ngài, xiết Ngài lại trên ngực Mẹ và, sau khi băng bó vết thương, đã cẩn thận lấy khăn bọc Ngài lại. Mẹ đã tham dự lễ nghi cắt bì cho Con chí thánh Mẹ này với một tâm hồn hết sức hào hiệp và quảng đại, khơi lên nơi các thiên thần một cảm mến lạ lùng và nơi Thiên Chúa một hài lòng thỏa nguyện”.
Lễ chịu phép cắt bì của Chúa Hài Đồng là một biến cố lịch sử. Chúa xuống trần gian cam chịu thân phận của một con người, chịu phép cắt bì như con người, gánh sự đau đớn như con người. Họa sĩ người Ý Federico Barocci (1535-1612) đã vẽ một bức tranh mang tên “Lễ Cắt Bì” rất nổi tiếng. Bức tranh được thực hiện vào năm 1590, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng viện Louvre ở thành phố Paris. Ông là một họa sĩ chuyên vẽ tranh tôn giáo nhưng không thuộc về khuynh hướng cứng nhắc mỗi khi vẽ các bậc thánh. Trái lại, ông biết khai thác khía cạnh tươi vui, nhìn thần thánh như nhìn con người. Đó là nét nhân bản trong tranh của Barocci. Tác phẩm “Lễ Cắt Bì” toát ra vẻ duyên dáng của các nhân vật thường được coi là thần thánh và được các họa sĩ khác vẽ với vẻ nghiêm trang cứng nhắc. Nhân vật chính, Chúa Hài Đồng, của Barocci là một hài nhi tươi vui, có vẻ đùa nghịch khi chờ con dao trong tay vị tư tế cắt vào da thịt mình.
Cắt bì như vậy là một nghi lễ tôn giáo. Nghi lễ này ngày nay, dưới cái nhìn của khoa học, có phải là một việc cần thiết không? Bao da quy đầu là một cấu trúc bọc bên ngoài của cơ quan sinh dục nam. Đây là nếp gấp da trên phần đầu dương vật. Mặt trong lớp da này có những tuyến tiết ra dung dịch chất nhờn mà khi tích tụ tạo ra một lớp chất bợn trắng đục rất dễ nhiễm trùng. Thủ thuật cắt bao da quy đầu (circumcision) là để cắt bỏ lớp da này đi khiến cho đầu dương vật lộ ra. Theo các di chỉ khảo cổ thì việc cắt da quy đầu có một lịch sử lâu dài tới 5 hoặc 6 ngàn năm trước. Người tiền sử đã có tục lệ cắt da quy đầu và ngày nay còn nhiều bộ tộc ở châu Phi gìn giữ tục lệ này. Vậy thì việc cắt này mang tính y học hay tôn giáo? Câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng. Nhưng y học ngày nay công nhận việc cắt này có tính cách phòng các bệnh về tình dục, nhất là căn bệnh AIDS. Tháng 3 năm 2007, Tổ chức Y Tế Thế Giới công nhận cắt bao quy đầu ở các trẻ trai là một phương pháp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn HIV một cách công hiệu. Ngày 20 tháng 7 năm 2011, Hội Nghị Quốc Tế tại La Mã đã công nhận là việc cắt bao quy đầu đã làm giảm đến một nửa nguy cơ lan tràn của bệnh AIDS.
Nhưng không phải vì lợi ích này mà cứ đè các trẻ sơ sinh ra mà cắt. Bởi vì, bình thường khi đến tuổi trưởng thành thì lớp da này sẽ tự động tuột xuống để lộ quy đầu. Tuy vậy, ở một số thanh thiếu niên, khi trưởng thành, lớp da này vẫn ngoan cố giữ nguyên vị trí chứ không rút lui xuống phía dưới. Việc lì lợm của lớp da mong manh này khiến việc giữ gìn vệ sinh thêm khó khăn. Vì lớp da vẫn bao kín toàn bộ quy đầu chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để cho nước tiểu thoát ra nên nước tiểu thường còn sót lại bên trong bọc da, đóng cặn, lâu ngày chày tháng sẽ làm độc, gây ra bệnh viêm quy đầu hoặc, trầm trọng hơn, bệnh ung thư dương vật! Với những trường hợp bất thường này, phải…cắt!
Cắt ngày nay chỉ là một cuộc tiểu phẫu. Bác sĩ sẽ chích nhiều mũi thuốc tê vào lớp da bao bên ngoài cho tới khi bệnh nhân không còn cảm giác nơi vùng da đó nữa. Khi đó, chỉ với một vài mũi kéo, bác sĩ sẽ tách bỏ lớp da thừa, giữ lại phần dây thắng để vùng khoái cảm không bị tổn thương. Vùng da bị giải phẫu có thể sẽ hơi sưng lên và hơi bị phù do thuốc tê còn đọng lại. Nhưng chỉ vài ngày sau, vùng da sẽ trở lại bình thường.
Vậy thì cắt hay không cắt? Nếu vì lý do sức khỏe thỉ cắt là việc cần thiết. Còn lý do tôn giáo? Ngày nay tôn giáo không đòi hỏi việc máu me này. Tôi nghĩ chỉ có những tôn giáo thuộc loại…hoài cổ, giáo điều mới đòi hỏi nơi tín đồ những điều lạc hậu như vậy. Cái gọi là “phép cắt bì” được đề cập tới trong Cựu Ước là sách ghi lại những việc của thời trước khi Chúa Giêsu sanh ra. Nếu chúng ta đọc Cựu Ước với con mắt người sống ngày nay, chúng ta thấy nhiều điều ngây ngô khó tin. Thời kỳ Tân Ước, thời kỳ sau khi Chúa Giêsu nhập thế làm người, cũng có nói tới chuyện cắt bì nhưng với ý nghĩa khác: “Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta”. Cắt bì mang ý nghĩa tượng trưng là cắt bỏ sự ác và sự xấu của con người.
Mấy ông bạn tôi từ khi nghe chuyện tổ phụ Abraham 99 tuổi mà vẫn bị cắt, đứng ngồi không yên. Nay nghe tới chuyện chỉ cắt cái ác và cái xấu, cái thứ hữu cơ của các ông không hề hấn chi, bèn vỗ đùi đến đét một cái. Có dzậy chứ! Cắt như vậy thì được chứ cắt mà máu me tùm lum thì em chẳng chơi. Thiệt khéo vẽ chuyện. Chỉ lo con bò trắng răng! Cái thứ èo uột, cắt hay không cắt, cũng dzậy!
01/2014
|